Cô giáo trẻ với giấc mơ toàn cầu
Phụ huynh của học sinh bị bạn tát rất thông cảm với cô giáo trẻ | |
Cô giáo trẻ với sáng kiến áo phao phòng chống đuối nước tự chế |
Luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng
Cô gái Trần Thị Thúy sinh ra trong gia đình có 3 anh chị em, bố làm nghề đánh cá sông, mẹ làm nông ở Hưng Yên. Thúy lần đầu tiếp xúc tiếng Anh trong chương trình lớp 6. Những năm THCS còn lại, Thúy và các bạn không được học tiếp môn này do trường thiếu giáo viên.
Chuyện về Thúy bắt đầu từ một cuốn sách song ngữ Việt - Anh mà cô bé nhận được khi 10 tuổi, khi đó một thế giới mới đã mở ra trước mắt cô, với biết bao tò mò và ước mơ được khám phá. Từ ấy, sở thích học ngoại ngữ theo Thúy suốt những năm THPT và là lựa chọn của cô để học tiếp đại học. Ở xã Đức Hợp ngày đó, hiếm thí sinh nào thi năm đầu mà đỗ được vào chuyên ngành tiếng Anh của Đại học Quốc gia Hà Nội hay Sư phạm Hà Nội... Lý do học sinh nơi đây chỉ được học ngoại ngữ hệ 3 năm, trong khi đề thi sử dụng kiến thức hệ 7 năm. Học trò thường phải lên Hà Nội luyện thi vài tháng hoặc một năm mới có cơ hội đỗ. Không có điều kiện học thêm, Thúy mua sách về tự ôn thi.
Cô giáo Trần Thị Thúy tại triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” |
Bước chân vào giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thúy nhận ra mình như người "câm điếc tiếng Anh" vì không hiểu cô giáo nói gì và không nói được gì. Lúc đó, Thúy phải học lại toàn bộ cách phát âm, cách luyến láy, sử dụng ngôn từ thế nào cho thật chuẩn. Thúy chia sẻ, có những thời điểm cô cảm thấy vô cùng áp lực, căng thẳng vì không có kiến thức cơ bản tốt như các bạn đồng trang lứa, điều đó khiến một cô gái trẻ mới nhập học trở nên tự ti, lạc lõng. Tuy nhiên, vực lại tinh thần, Thúy đặt quyết tâm cao nhất để cố gắng hoàn thiện những lỗ hổng kiến thức.
Khát vọng cống hiến
Sau 4 năm học tập, miệt mài tiếp cận với những tri thức và phương pháp học tập mới, cô trở lại ngôi trường phổ thông của mình để dạy tiếng Anh cho học trò với một nhận thức sâu sắc rằng: “Trong thế giới hôm nay, tiếng Anh đã trở thành tiếng nói chung của toàn cầu, do đó không thông thạo ngôn ngữ này đồng nghĩa với không nắm được cơ hội để phát triển bản thân, phát triển xã hội và phát triển đất nước”.
Hiện cô giáo Trần Thị Thúy đang là giáo viên môn Tiếng Anh tại Trường THPT Đức Hợp (huyện Kim Động, Hưng Yên). Cô nổi tiếng là người đi đầu trong việc ứng dụng Skype vào giảng dạy, để học sinh của mình được giao lưu với những học sinh và người dân các nước khác, nhằm nâng cao khả năng giao tiếp cũng như hiểu hơn về văn hoá trên thế giới.
Cũng theo cô Thúy: “Học sinh ở quê rất nhút nhát giao tiếp tiếng Anh, có em từng nói không thể học được ngoại ngữ. Nhưng tôi muốn học trò nghĩ nhiều, muốn nhiều hơn thế. Tôi kể câu chuyện của mình để các em thấy cô giáo trong hoàn cảnh khó khăn vẫn có thể đỗ đại học, trở thành giáo viên và có cơ hội ra nước ngoài, thì các em với điều kiện học tập tốt hơn, chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn thế”.
Lần mò cách dạy tạo hứng thú học tiếng Anh cho học sinh, cô Thúy tình cờ biết đến cộng đồng giáo viên dạy học sáng tạo (MEC). Tìm được nội dung hữu ích về phương pháp dạy học tích cực, cách ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, cô bắt đầu tổ chức các tiết học kết nối qua skype để học trò của mình giao tiếp với các học sinh và người dân các nước khác, học theo dự án. Mỗi tháng một lần, cô Thúy lên chủ đề, yêu cầu học sinh chuẩn bị nội dung cho ngày học kết nối. Đó có thể là buổi thảo luận tìm ý tưởng làm giàu cho quê hương với các học sinh ở Nhật Bản; giới thiệu văn hóa, đất nước, con người với lớp học ở châu Phi...
Vào năm học 2015-2016, cách dạy của cô Thúy quá khác lạ với trường học vùng quê như THPT Đức Hợp. Hiệu trưởng cũ và không ít giáo viên sợ cô làm học sinh phân tán tư tưởng. Tuy nhiên, những thay đổi tích cực trong thái độ và kết quả học tập, kỹ năng nghe nói tiếng Anh của học sinh khiến cô kiên trì cách dạy mới. Một số giáo viên bắt đầu học hỏi phương pháp mới của cô.
Giờ đây, không chỉ cô Thúy mà rất nhiều đồng nghiệp khác nhận ra rằng, giáo dục không chỉ thuần túy là chia sẻ, trao lại cho các em kiến thức mình có, mà quan trọng hơn là phát hiện và biết cách chia nhóm học sinh theo khả năng, sở thích và trao quyền cho các em, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng, gợi mở. Như vậy sẽ phát huy được khả năng của các em, tạo cho các em nhu cầu tự thân chinh phục kiến thức.
Bên cạnh việc đảm nhiệm bộ môn tiếng Anh ở trường, cô giáo Trần Thị Thúy còn xin gia đình mảnh đất trống để mở thư viện, dạy học miễn phí cho học sinh. “Nhiều người bảo tôi còn trẻ phải lo kinh tế thì nên dạy thêm kiếm tiền trang trải cho gia đình, nhưng tôi không nghĩ vậy. Ngày còn bé, nhà tôi nghèo, thầy cô đã mượn sách cho tôi học, mang áo ấm đến tận nhà cho tôi. Giờ tôi cũng sẽ như vậy, tôi muốn ở chính mảnh đất quê mình, dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ nghèo và làm cầu nối cho các em nhìn xa hơn ra ngoài thế giới. Tôi không bao giờ tiếc vì lựa chọn của mình”, cô tâm sự.
Những thành quả đáng tự hào
Tháng 8/2016, Dự án “Bảo vệ cuộc sống của chúng ta khỏi thuốc trừ sâu độc hại” đã mang về cho cô Trần Thị Thúy và học trò Giải Nhì cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trước đó, cô Thúy quyết định chọn chủ đề này vì muốn nâng cao nhận thức về sử dụng thuốc trừ sâu, áp dụng vào thực tế, góp phần thay đổi hành vi của người nông dân để bảo vệ sức khỏe của chính họ và cộng đồng.
Tham gia dự án, cô Thúy đã động viên, khuyến khích các em học sinh trải nghiệm thực tế, phỏng vấn người nông dân, chụp ảnh, quay clip về thực trạng sử dụng thuốc trừ sâu, nghiên cứu về thuốc trừ sâu, đưa ra những tác động của thuốc trừ sâu trước mắt và lâu dài, tìm hiểu hậu quả tác động của thuốc trừ sâu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, đồng thời đưa ra cách tuyên truyền để người nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách. Đáng chú ý, dự án được chia sẻ trên internet và đã nhận được sự quan tâm, phản hồi, trao đổi của giáo viên một số nước như Nhật Bản, Pakistan, Ấn Độ.
Được ghi nhận là thành viên tích cực của cộng đồng MEC, tháng 3/2017, cô Thúy cùng 3 giáo viên khác được chọn tham gia Diễn đàn giáo dục toàn cầu do Microsoft tổ chức tại Canada với sự tham dự của hơn 300 chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft (MIE) đến từ 83 quốc gia khắp thế giới. Với nội dung đề xuất Microsoft cải tiến công cụ kể chuyện Sway có thêm chức năng để học sinh có thể viết truyện tranh, giúp học sinh hứng thú và sáng tạo hơn với việc học, nhóm của cô đã xuất sắc vượt qua hơn 40 nhóm khác và giành giải thưởng cao nhất tại Diễn đàn.
Và cũng chính tại đây, cô giáo trẻ Trần Thị Thúy còn vinh dự là một trong số ít giáo viên được trực tiếp phỏng vấn ngài Anthony Salcito - Phó Chủ tịch Khối Giáo dục toàn cầu của Tập đoàn Microsoft; được trò chuyện cùng đại diện lãnh đạo Microsoft Canada với những lời khen tặng cùng cơ hội lớn “Nếu có thể, chào mừng bạn tới Canada!”. Song, đáp lại lời mời ấy, cô Thúy đã khảng khái từ chối với lý do: “Em ra đi là để trở về”.
Với những hành động tiên phong trong đổi mới công nghệ giáo dục trung học phổ thông 4.0, đưa học sinh Hưng Yên kết nối thế giới, cô giáo Trần Thị Thúy cũng đã lọt top 50 giáo viên nhận giải Giáo viên Toàn cầu năm 2019 do Tổ chức Varkey Foundation vinh danh.
Mới đây nhất, cô cũng là một trong 73 cá nhân được tôn vinh tại cuộc triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổ chức nhân dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Cao Tiến
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Tin khác
Bác sĩ trẻ tâm huyết, sáng tạo vì sứ mệnh cứu người
Gương sáng 02/11/2024 13:11
Nữ nông dân khởi nghiệp thành công từ nuôi bò sữa
Gương sáng 30/10/2024 14:39
Nghệ nhân tuổi 75 "vượt bão" giữ nghề đúc đồng truyền thống
Gương sáng 30/10/2024 12:24
Chủ tịch Công đoàn cơ sở luôn hết lòng vì người lao động
Gương sáng 28/10/2024 06:05
Nâng cao hiệu quả sản xuất từ sáng kiến cải tiến tự động hóa
Gương sáng 23/10/2024 06:05
Nữ thủ lĩnh Công đoàn năng động, tâm huyết
Longform 21/10/2024 22:18
Người nông dân làm giàu từ nuôi cá nhờ công nghệ 4.0
Gương sáng 17/10/2024 16:45
Cô giáo đam mê làm thiện nguyện và những chuyến đi ấm áp tình người
Gương sáng 17/10/2024 16:43
Bí thư Chi bộ thôn dám nghĩ, dám làm
Gương sáng 17/10/2024 07:36
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ hết mình với phong trào thi đua
Gương sáng 16/10/2024 19:32