Dậu Tuất phiếm đàm
Đúng là kỳ tích! | |
Năm nào cũng 100% | |
Tự giác vậy là tốt! | |
Hết băn khoăn nhé! | |
Ứng xử thế nào? |
- Chú muốn gọi thế nào cũng được. Con người ta ăn nhau đâu ở cái tên, cốt là sống thế nào có ích cho đời.
- Cảm ơn bác Tuất, bác nghe vậy có thuận tai không?
- Kể ra tớ vẫn thích cái anh dân dã, thế nên nếu nói đến ca dao tục ngữ là chú phải để nguyên tên tớ đấy nhé.
- Tất nhiên rồi. Trích dẫn ca dao tục ngữ thì thay đổi sao được. Nhân bác nói ca dao tục ngữ, em mới nhớ ra đấy, không phải em thấy bác sang, lại sắp nắm quyền mà em “bắt quàng làm họ” đâu nhé. Trong ca dao, tục ngữ bác và em có sự liên quan mật thiết lắm.
- Chú chưa nói tớ đã biết. Gắn với nhau trong cái kết cục buồn khi ta trở thành món nhậu: “Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi/Con chó khóc đứng, khóc ngồi/Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng!”. Có phải không nào?
- Thì cũng đúng, dưng còn nhiều nữa. Chẳng hạn như muốn khuyên người ta khi làm việc gì, nói điều gì phải cẩn trọng, cân nhắc, có câu: “Chó 3 năm mới nằm, gà 3 lần vỗ cánh mới gáy”.
- Câu này chí lý thật. Cứ nghiệm năm qua bao nhiêu vụ việc xảy ra với bao nhiêu cái “đáng tiếc” cũng chỉ vì thiếu cẩn trọng, cân nhắc. Mà nếu nói như chú, cũng phải nhắc đến câu: “Chó giữ nhà, gà gáy trống canh”, mỗi người một phận sự, ai có việc đấy, không suy bì, không chồng chéo, thế mới hanh thông. Thực tế, tớ thấy còn nhiều chồng chéo trong các ngành, các lĩnh vực lắm. Có thế mới nhiều “giấy phép con”. Đơn cử như cái anh An toàn thực phẩm, được gọi là 3, 4 bộ quản một mâm cơm mà chuyện an toàn vẫn phải khuyến cáo “hãy là người nội trợ thông minh”.
- Đúng nhể. Em báo tin cho bác mừng, năm rồi chuyện “giấy phép con” đã được cắt bỏ đáng kể. Tiên phong là anh Công Thương, rồi anh Nông nghiệp… Không còn cảnh 1 quả trứng phải qua 14 lần phí nữa đâu bác nhé.
- Thế thì thật đáng mừng. Vừa rồi xem cái “Giai điệu tự hào” nói về quê hương, tớ thật sự cảm động. “Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi”. Nhất là những ngày áp tết này, tình cảm quê hương lại ùa về trong mỗi người. Sân bay quốc tế lại nườm nượp đón những người con xa quê trở về…Nói về chuyện dù xa mấy cũng tìm về nơi chôn rau cắt rốn, anh em mình cũng được nhân cách hóa nhé.
- Câu tục ngữ “Chó quen nhà, gà quen chuồng” phải không bác?. Vậy nói đến “nhà” với “chuồng” cũng phải kể đến một thói xấu mà anh em mình cũng được vào tục ngữ bác ạ.
- Chú lại muốn nói câu “Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng” phải không? Cái hạng ỷ vào thế có lợi cho mình để bắt nạt người khác đâu hiếm hả chú. Có kẻ còn đòi kỷ luật, cách chức những ai dám động đến mình. Oai lắm nhé.
- Mới đây thôi có nhóm trai làng, ỷ thế gần nhà giữa đêm ra quốc lộ “trấn lột” , rồi vô tư “lai chim” khoe với cả thiên hạ. Thật hết chỗ nói.
- Kể ra cái ý kiến của chú về sự liên quan của anh em mình cũng phong phú thật. Vừa rồi có dịp đi đến các vùng sâu, vùng xa làm thiện nguyện, tớ mới thấm cái câu “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Còn nhiều nơi cằn cỗi hoang vu lắm.
- Như vậy là cái khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi; giữa miền xuôi với miền ngược còn là rất lớn. Ấy vậy mà vừa cách đây một năm, khi em nhận bàn giao của bác Khỉ, bác ấy kêu hay bị réo tên “Khỉ ho, cò gáy”, mỗi khi ám chỉ những nơi chậm phát triển, em lại không tin.
- Vẫn biết năm qua đã có nhiều phát triển vượt bậc, trong đó có cả việc rút ngắn khoảng cách thành thị nông thôn, với phong trào “xây dựng nông thôn mới”, dưng vẫn còn nhiều việc phải làm lắm chú ơi.
- Thì năm nay bác quan tâm nhé bác.
- Tất nhiên rồi. Ngoài cái khoảng cách thành thị và nông thôn cũng phải nhắc đến cái khoảng cách giàu – nghèo đang có nguy cơ dãn rộng bởi cơ chế thị trường. Nuôi gì, trồng gì ai cũng làm được, chứ cứ như lời khuyên “Giàu nuôi lợn nái/ Nghèo nuôi chó cái – gà con”, thì buồn lắm.
- Thế hóa ra em và bác chỉ dành cho những nhà nghèo à? Bây giờ khác rồi bác ơi. Gà Đông tảo, gà tiến vua… rồi chó Phú Quốc, chó cảnh thời hội nhập…Phải giàu mới nuôi được đó bác.
- Ngẫm ra thời thế thay đổi, nhiều câu ca dao, tục ngữ cũng không còn chính xác nữa.
- Ấy chết, bác nói vậy cũng chưa chuẩn. Các cụ đã tổng kết thì cấm có câu nào sai. Tỷ như nói về việc nghĩa tình em thấy câu” “Con không chê cha mẹ khó, Chó không chê chủ nghèo” đúng lắm, đó là sự trung thành của bác không thể phủ nhận. Cũng bàn về nghĩa tình của bác, lại có câu đã đi sâu vào tâm thức của mỗi chúng ta: “Khuyển mã tri tình”, đó thôi.
- Nói về nghĩa tình thì đúng vậy, tớ rất trân trọng. Song năm vừa rồi, chuyện nghĩa tình cũng đáng buồn lắm. Vợ chồng, anh em sát hại nhau; con cái ngược đãi bố mẹ; bố mẹ hành hạ con nhỏ… xảy ra nhan nhản.
- Em nhớ về vấn đề này ta đã bàn nhiều, với lời kêu gọi “người với người sống để yêu nhau”.
- Tớ biết, dưng trước những câu chuyện buồn cứ xảy ra như: học sinh đánh nhau, bảo mẫu tra tấn trẻ nhỏ; va chạm chút là dao kiếm… rồi lương thực thực phẩm tẩm hóa chất, hủy hoại sự sống của bao người chỉ vì chút lợi nhỏ… vẫn cần phải tiếp tục cảnh báo.
- Về vấn đề này em xin nhận khuyết điểm. Thứ nhất là công tác giáo dục còn hạn chế; thứ hai xử lý cũng còn chưa nghiêm; cái tế bào của xã hội còn đôi lúc lơ là …Mà bọn nhỏ nhà em cũng chí chóe nhau luôn…
- Tớ hiểu, thế nên các cụ mới dậy: “Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, có đúng không? Ngay như cái “nhận khuyết điểm” của chú cũng thật đáng khen, chứ cứ kiểu đùn đẩy trách nhiệm, rồi cả chuyện đổ lỗi cho “anh đánh máy” kiểu “trông gà hóa cuốc” thì buồn, buồn lắm.
- Bác nói chí phải, đúng là tinh như…bác, chả có gì qua được bác. Đó chính là các cụ chê người trong nhà tranh giành quyền lợi, xung đột, kiện cáo lẫn nhau, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn.
- Chú hiểu vậy là tốt. Còn cái kiểu “Gà trống đứng cửa chuồng” nữa. Chú cũng phải nhắc nhở thường xuyên, chứ cứ có chút chức quyền mà tham quyền cố vị, chèn ép chặn lối tiến thân của người đủ đức, đủ tài là không được.
- Về cái khoản này cũng khó nói lắm, bác ơi. Cái 3 hay 4 “Ệ” gì đó bác còn lạ gì, “trí tuệ” chỉ đứng hàng chót. Năm rồi là quan tâm đến chuyện này lắm đó. Thế nên hàng loạt chuyện bổ nhiệm “đúng quy trình” đã bị thanh, kiểm tra, xử lý hết rồi bác ơi.
- Lại cái chuyện “Gà mượn lông công” nữa, không phải là không có đâu. Mượn vị thế của người khác để lòe bịp, trục lợi, kiếm ăn …đáng khinh miệt lắm và cần tránh xa.
- Năm rồi chuyện này cũng có, dưng đã chấn chỉnh và xử lý như anh “4 ệ” rồi bác ạ.
- Thế chuyện “một tiền gà, ba tiền thóc”, nhiều công trình, dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đem lại được cái gì? Tớ biết nhiều công trình đắp chiếu; nhiều dự án chậm tiến độ, thất thóat, lãng phí toàn trăm, ngàn tỷ cả, có đúng không.
- Chuyện này có. Cũng đã được thanh, kiểm tra hết rồi bác ạ. Chưa bao giờ công tác chống tham nhũng, lãng phí lại quyết liệt như bây giờ đâu. Dự án nào, dù to đến mấy nếu sai phạm cũng không thoát. Pháp luật là thượng tôn. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
- Tớ biết chứ, còn cả chuyện người ta coi tớ không bằng chị dê kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” như anh “khăn lụa” tớ còn biết nữa là.
- Em lại xin nhận khuyết điểm. Cái anh Khải xin này, quả có lừa dối khách hàng thật, còn khăn nào là dê, khăn nào là chó thì em không dám bàn. Chỉ biết rằng vụ này đã và sẽ bị xử nghiêm. Chứ không cái họa này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nước nhà.
- Chưa nhận bàn giao, tớ đã thấy cái khoản nhận khuyết điểm là có tiến bộ đó. “Bút sa gà chết”, Pháp luật đã có, ai cũng phải tuân theo, “Quân lệnh như sơn”, không có chuyện trên bảo dưới không nghe, làm sai lại có cả “sai đúng quy trình”.
- Còn chuyện này em cũng phải báo cáo luôn với bác.
- Nếu báo cáo, chắc còn nhiều, dưng vì thời gian có hạn tớ nghe chú 5 phút nữa. Nào chuyện gì, báo cáo khẩn trương.
- Báo cáo, báo cáo…
- Nói luôn đi, cứ báo cáo hoài, chú không thấy nó thế nào ấy à?
- Dạ thấy, dưng báo cáo… 5 phút không đủ ạ.
- Thì nói đi, lại báo cáo.
- Cái chuyện “đá gà, đá vịt” đó bác. Nhiều công chức, viên chức chưa chủ tâm vào công việc, làm việc lớt phớt qua loa… nên hiệu suất công việc còn chưa hiệu quả.
- Nghe đâu có cái điều tra xã hội cho thấy có đến 30% công, viên chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, nghĩa là không có việc làm cụ thể song vẫn cứ tồn tại phải không?
- Đúng thế, nên em mới muốn báo cáo…
- Khổ lắm, lại báo cáo. Thực tiễn dành dành ra thế còn thanh minh, thanh mang gì.
- Đâu có, em thừa nhận là đúng như thế, nên năm rồi thực hiện quyết liệt anh Nghị quyết 39 về hợp nhất, sáp nhập và tinh giản biên chế, hiệu quả lắm.
- Vậy thật đáng mừng. chứ bộ máy thì phình to mà hiệu suất công việc lại ì ạch; cán bộ nhiều mà việc gì dân cần cán bộ giải quyết cũng phải chờ đợi, đi lại nhiều lần… thì rõ là không ổn.
- Vi diệu là ở chỗ đó. Tinh giản biên chế mà công viêc lại nhanh, được vậy là do ý thức của mỗi cán bộ được nâng lên cộng với cuộc cách mạng công nghệ và kỷ cương hành chính được thực hiện thông suốt từ các cấp, các ngành.
- Hoan hô. Mà này chú đã mang tiếng là “chữ như gà bới” rồi thế sao lại còn vẽ chuyện kiểu “chữ tác đánh chữ tộ” làm gì cho rối rắm?
- Ý bác muốn nhắc đến cái anh chữ quốc ngữ mới phải không. Chuyện này là chuyện xã hội thôi, một ông giáo sư ngôn ngữ vốn chả biết tên, nay ai cũng biết tên, bởi ông này đưa ra cái công trình sáng tạo thay đổi tiếng Việt thành tieq Viet. Thế rồi dư luận ào ào “ném đá”, thành ra xuất hiện một vị tiến sĩ nhiều người đã biết tên, nay bị mất tên bởi câu nói “đám quần chúng kém hiểu biết”.
- Sao rắc rối thế. Không biết tên rồi biết tên; biết tên rồi không biết tên. Chú nói cứ lúng túng như “gà mắc tóc” ấy. Dù sao tớ cũng hiểu rồi. Cái tiếng Việt của ta chính là một phần quan trọng của hồn cốt dân tộc, đâu có thể tùy tiện thay đổi được. Ấy chết nói chỉ có 5 phút mà lại sa đà quá. Thôi về phần tớ, năm Mậu Tuất, chú có gì để nhắc nhở không?
- Nói thật với bác, ngoài chuyện tình nghĩa, lòng trung thành, trong tục ngữ, ca dao có nhiều câu nêu những cái xấu của bác lắm, như: “Chó già giữ xương” (tham lam, không kham nổi song vẫn muốn giữ không buông cho người khác), “Chó ngáp phải ruồi” (do may mắn, ngẫu nhiên mà có chú không phải do tài), “Chó càn cắn giậu” (hung hăng, gây gổ bừa bãi), “Chó chạy trước hươu” (không có tài, thiếu hiểu biết nhưng lại lanh chanh dạy bảo người khôn hơn mình)…Dưng em tin những tiếng xấu này đối với bác, việc khắc phục chỉ là chuyện nhỏ.
- Tớ biết quá đi chứ, dưng chú đã nói thì tớ cũng xin học tinh thần nghiêm túc nhận khuyết điểm của chú để tạo ra một năm với nhiều khởi sắc mới.
- Chúc bác với một năm mới với thật nhiều thành công mới.
Thiện Tâm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Hà Nội tự tin tạo kỳ tích trong kỷ nguyên mới
Thời sự 19/12/2024 16:28
Lại câu chuyện giá nhà!
Bình luận 19/12/2024 06:27
Chỉ đạo quyết liệt, triển khai phải nhanh, hiệu quả
Bình luận 13/12/2024 15:40
Giải bài toán giải phóng mặt bằng
Bình luận 12/12/2024 14:06
Cần góc nhìn đồng cảm!
Bình luận 10/12/2024 16:03
“Cách mạng” về môi trường
Bình luận 05/12/2024 11:52
Cấm thuốc lá điện tử, các bậc phụ huynh thở phào…
Bình luận 03/12/2024 07:25
Tổ chức không thể thiếu của giai cấp công nhân
Bình luận 28/11/2024 11:43
Cũng nên "cách mạng" về giáo dục - đào tạo
Bình luận 26/11/2024 10:00
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49