Luật Thủ đô (sửa đổi): Hành lang pháp lý mới để xây dựng Thủ đô
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là cơ sở quan trọng tạo ra thế và lực cho Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Luật Thủ đô (sửa đổi) |
Nhiệm vụ của cả nước
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khẳng định Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
Dự thảo Luật cũng nêu rõ, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước.
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội. |
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Điểm mới quan trọng đầu tiên của dự án Luật là quy định về mô hình tổ chức chính quyền đô thị, được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Theo đó, không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở các phường thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Dự thảo Luật cũng tăng cường tổ chức bộ máy cho HĐND thành phố Hà Nội và HĐND cấp quận, nhằm bảo đảm để chính quyền các cấp của Thành phố đảm đương được các nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm. Trong đó, HĐND thành phố Hà Nội có 125 đại biểu, với ít nhất 25% là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều chính sách vượt trội, đặc thù liên quan đến nhiều lĩnh vực mang tính bao quát. Tuy nhiên, để những chính sách này có thể đưa vào thực tế và thực thi hiệu quả, cần con người có năng lực, nhiệt huyết. Do đó, bà rất quan tâm đến quy định về hoàn thiện bộ máy chính quyền đô thị tại Hà Nội. Đây cũng là một nội dung mới so với Luật Thủ đô 2012. Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, qua theo dõi quá trình thảo luận của đại biểu, về cơ bản, các đại biểu ủng hộ nội dung của dự thảo Luật, đặc biệt với các chính sách mang tính đặc biệt, đặc thù vì Thủ đô chỉ có một. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhìn nhận, thông qua Luật mới là bước đầu, vì đây là đạo luật về phân quyền, công việc mà chính quyền thành phố Hà Nội sẽ phải triển khai rất lớn... |
Dự thảo Luật phân quyền cho HĐND Thành phố quyết định việc thành lập mới, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố. Giao UBND Thành phố quy định việc điều chỉnh cơ cấu công chức, viên chức và vị trí việc làm phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý... Trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thì phải bảo đảm tổng số cơ quan không vượt quá 15% (đối với cấp Thành phố) và 10% (đối với cấp quận, huyện) so với khung số lượng do Chính phủ quy định...
Thường trực HĐND Thành phố cũng được phân quyền quyết định một số vấn đề cấp bách và báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm tính kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
UBND Thành phố được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị
Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng đặt ra yêu cầu, trách nhiệm cao hơn cho thành phố Hà Nội so với các địa phương khác. Cho phép UBND thành phố Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Đồng thời, giao HĐND Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch.
Đáng quan tâm, UBND Thành phố được phân quyền phê duyệt dự án xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn Thành phố, bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về đê điều.
Dự thảo Luật cũng quy định các nguyên tắc quản lý, sử dụng không gian ngầm trên địa bàn Thành phố, yêu cầu đối với việc phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm và giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng. Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được khai thác, sử dụng nếu phù hợp quy hoạch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép; trong một số trường hợp phải trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Chính phủ.
Hà Nội có thẩm quyền cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát
Dự thảo Luật cho phép cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó. Viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập khi được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở, người đứng đầu tổ chức.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy. Ảnh: Quốc hội. |
Bên cạnh đó, phân quyền cho UBND Thành phố quyết định thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; ban hành quy chế hoạt động của các khu công nghệ cao do UBND Thành phố thành lập; quy định một số cơ chế đặc thù đối với đơn vị sự nghiệp công lập tại khu công nghệ cao, trong đó bao gồm cả các cơ chế áp dụng đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Bổ sung, làm rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo hướng thành phố Hà Nội có thẩm quyền cho phép tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có phạm vi áp dụng trên địa bàn Thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền Thành phố.
Bên cạnh đó, mở rộng các lĩnh vực mà HĐND Thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn Thành phố, không phân biệt nội thành, ngoại thành. Quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, đồng thời xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng và giao HĐND Thành phố quy định chi tiết việc thực hiện.
Đồng thời, bổ sung một số thẩm quyền cho HĐND, UBND Thành phố trong việc quyết định và triển khai thực hiện một số giải pháp về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông thôn và cải tạo, chỉnh trang đô thị…
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao
Dự thảo Luật bổ sung, làm rõ hơn một số chính sách huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho thành phố Hà Nội như được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp, trường hợp cần huy động vốn vay lớn hơn 120% thì UBND Thành phố báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách Thành phố; bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố toàn bộ số tăng thu (sau khi trích thưởng) với điều kiện ngân sách trung ương không hụt thu. Đồng thời, cho giữ lại toàn bộ phần ngân sách trung ương được hưởng theo tỷ lệ phân chia khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố Hà Nội.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: HL |
HĐND Thành phố được phân quyền quyết định chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi đối với các nhiệm vụ chi sử dụng ngân sách Thành phố cao hơn hoặc chưa có trong quy định của cơ quan nhà nước cấp trên. Phân quyền cho HĐND Thành phố được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP (bao gồm các dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD) không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương mà không bị giới hạn về tổng mức đầu tư; được quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực, ban hành phương thức thanh toán áp dụng riêng cho thành phố Hà Nội.
Đồng thời, cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học, công nghệ của Thành phố nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.
Cho phép thành phố Hà Nội thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) trong một số lĩnh vực và thanh toán cho nhà đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất để kịp thời huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng kịp; đồng thời, quy định cụ thể các nguyên tắc, điều kiện đối với việc thanh toán hợp đồng BT bằng vốn ngân sách nhà nước hoặc bằng quỹ đất.
Dự thảo Luật cũng xác định rõ cơ chế, phạm vi của cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác công trình hạ tầng thông qua việc nhượng quyền khai thác, quản lý và kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; xác định rõ một số chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, miễn, giảm tiền thuê đất, thủ tục hải quan, phát triển nhân lực đối với một số dự án đầu tư, nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực...
Tạo động lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá
Thảo luận tại nghị trường, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với việc cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô, đồng tình cần quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, tạo điều kiện xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế) cho hay: “Rất nhiều cử tri Hà Nội và cũng không ít đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi đang hướng về Luật Thủ đô sửa đổi một cách hồ hởi nhưng không kém phần nghiêm túc để khi luật được thông qua, ban hành sớm đi vào thực tiễn”.
Đại biểu tỉnh Thừa Thiên Huế rất mong Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua để tạo được la bàn phát triển, hùng cường về trung tâm của đất nước và thúc đẩy cực tăng trưởng ở 63 tỉnh, thành.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn tỉnh Bắc Giang) bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo Luật và cho rằng đây là một dự thảo đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu một cách rất chất lượng. “Với các cơ chế, chính sách này, tôi nghĩ Thủ đô sẽ có một bước phát triển rất đột phá. Không riêng có ý nghĩa cho Thủ đô mà những cơ chế, chính sách này khi chúng ta nghiên cứu kỹ sẽ thấy được những kinh nghiệm cho các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển của mình có thể có những bài học cho riêng mình vận dụng vào cơ chế, chính sách này, đại biểu nói.
Còn đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn tỉnh Quảng Nam) cũng bày tỏ sự đồng tình, tán thành cao với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này. “Bằng tất cả niềm tin và hy vọng, tôi nghĩ rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với những cơ chế đặc thù, chính sách đặc biệt sẽ tạo động lực để Thủ đô Hà Nội bứt phá, vượt lên trở thành một thủ đô tầm cỡ trong khu vực và thế giới”, lời đại biểu.
Một góc Thủ đô nhìn từ trên cao. Ảnh: Phương Ngân |
Về áp dụng Luật Thủ đô, Điều 4 Dự thảo Luật quy định rõ: 1. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thủ đô và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Thủ đô, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. 2. Trường hợp luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô về cùng một vấn đề mà cần áp dụng thì phải quy định cụ thể ngay trong luật, nghị quyết đó; trường hợp chưa quy định cụ thể việc áp dụng pháp luật và việc áp dụng quy định đó cần thiết cho việc xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc áp dụng theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. 3. Văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết các nội dung của Luật Thủ đô, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có nhiều văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề. |
Phương Thảo
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Ngắm tận mắt vườn cam Xã Đoài có diện tích lớn hàng đầu Việt Nam
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
"Điểm mặt" 3 sàn ngoại hối lừa đảo vừa bị Công an Hà Nội triệt phá
Chờ đón tiếng dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 21/12
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Tin khác
Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để thu hút người giỏi vào khu vực công
Luật Thủ đô 2024 08/12/2024 22:05
Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Longform 08/12/2024 21:13
Kỳ 2: Chung tay thi hành Luật Thủ đô
Longform 08/12/2024 21:10
Kỳ 1: Gỡ “điểm nghẽn” thể chế để bước vào kỷ nguyên mới
Longform 08/12/2024 21:09
Chuyển đổi phương thức đi lại thông qua phát triển hệ thống giao thông công cộng
Luật Thủ đô 2024 07/12/2024 08:16
Cần ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn
Luật Thủ đô 2024 05/12/2024 17:17
Nền tảng quan trọng để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm
Luật Thủ đô 2024 25/11/2024 06:37
Sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 16:05
Đảm bảo văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành kịp thời
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 15:46
Triển khai Luật Thủ đô: Kiểm soát chất lượng các văn bản quy định chi tiết
Luật Thủ đô 2024 14/11/2024 14:03