Năm 2012, Quốc hội khóa XIII ban hành Luật Thủ đô, trao cho thành phố Hà Nội nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực triển khai thi hành Luật. Tuy nhiên, sau 10 năm thi hành, trước những đòi hỏi mới của thực tiễn, hàng loạt các vướng mắc, bất cập phát sinh, đặt ra yêu cầu phải khẩn trương sửa đổi Luật Thủ đô. Xác định rõ các “điểm nghẽn” về cơ chế chính sách, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đã nỗ lực, dày công nghiên cứu, phối hợp cùng với các cơ quan chức năng để sửa đổi Luật Thủ đô và đang khẩn trương, quyết liệt chuẩn bị điều kiện cần thiết để triển khai thi hành Luật, nhằm tạo hành lang pháp lý mới để Thủ đô bứt phá, trở thành động lực dẫn dắt đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. |
Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô còn nhiều hạn chế, bất cập. Đó là phát triển kinh tế chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thành phố; một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của Thành phố chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra; công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế Thủ đô; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng, đột phá... Để khắc phục những hạn chế này, Nghị quyết xác định một trong các giải pháp quan trọng là “đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển”. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030: “Thủ đô Hà Nội là Thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực”. |
Như vậy, yêu cầu mới phát triển Thủ đô cao hơn trước. Bởi, Hà Nội không chỉ là Thủ đô, mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia; đặc biệt, phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Thực tiễn đòi hỏi phải cấp thiết sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô năm 2012, để thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến giữa thế kỷ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước; xây dựng Luật Thủ đô không phải cho riêng Hà Nội mà thực chất là cho cả nước, theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước và cả nước vì Hà Nội, cùng Hà Nội”. |
Nhiều đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội trong các bài phát biểu, trao đổi đều cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất Thủ đô cần được tháo gỡ là vướng mắc về cơ chế. Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Hà Nội cần một hành lang pháp lý thật sự vượt trội, đặc thù để bứt phá, vươn tầm, cáng đáng tốt vai trò trái tim của đất nước. Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, có lẽ ít Thủ đô nào trên thế giới có nhiều chức năng như Thủ đô Hà Nội, từ chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, rồi trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, động lực vùng. Như vậy Thủ đô Hà Nội mang trong mình 4 chức năng, rất đặc biệt. Đồng thời, cũng không có Thủ đô nào trên thế giới mà xã nhiều hơn phường, huyện nhiều hơn quận, người dân sống ở nông thôn nhiều hơn người dân sống ở đô thị, song Hà Nội được xếp vào loại đô thị đặc biệt, và kết quả nổi trội là xây dựng nông thôn mới... rất đặc thù. |
Bởi vậy nhận định đúng ưu thế, đặc thù cũng như hạn chế của Thủ đô, tìm ra “điểm nghẽn” để đề xuất, xây dựng cơ chế phù hợp cho phát triển cho Thủ đô là trăn trở của các thế hệ lãnh đạo thành phố Hà Nội, được Thành ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội xác định là chủ trương, là nhiệm vụ trọng tâm, được cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, chỉ thị cũng như các văn bản quản lý, điều hành của các ngành, các cấp Thành phố. “Quá trình chuẩn bị của thành phố Hà Nội để sửa đổi Luật Thủ đô là một quá trình lâu dài và rất kỹ lưỡng, mang tính cầu thị, xây dựng cao. Đảng bộ, chính quyền Thủ đô đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức cho dự án Luật, khởi động từ khi xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền Thành phố Hà Nội, qua quá trình bà trực tiếp tham gia xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đúng như nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thành phố Hà Nội xác định việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là một cơ hội để gỡ vướng toàn bộ các điểm nghẽn về thể chế, nên đã rất quyết tâm, đầu tư thời gian, công sức, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng liên quan để nghiên cứu, xây dựng Luật. |
Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Phó Chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nhìn nhận, Luật được sửa đổi sẽ giải quyết những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô. Sự đổi thay, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là động lực để từng bước Thủ đô "hóa Rồng”. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 là “cơ hội vàng” định vị lại không gian, mục tiêu, quan điểm phát triển, kiến tạo Thủ đô trong tương lai. Đây sẽ là cơ sở giúp bảo đảm pháp lý, bảo đảm nguồn lực để hướng đến khát vọng xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, hiện đại. Với tinh thần xây dựng Luật Thủ đô không chỉ là xây dựng luật cho một vùng phát triển, mà phải tạo ra khả năng để thu hút được những điều kiện, những tinh túy của cả nước về Thủ đô, các đề xuất thiết thực, sáng tạo, thể hiện tầm nhìn kiến tạo của thành phố Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và được Quốc hội thông qua. |
Là người trực tiếp tham gia xây dựng dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy đánh giá cao quá trình chuẩn bị sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 của thành phố Hà Nội, với việc tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012, thành lập Ban chỉ đạo, Tổ nghiên cứu soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được triển khai rất sớm. Trong quá trình đấy, Thành ủy Hà Nội đã nhiều lần làm việc, xin ý kiến, trao đổi, thảo luận với Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội. |
“Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội hết sức quyết liệt, tâm huyết. Có những đồng chí, tranh thủ giờ giải lao bên hành lang Quốc hội cũng trao đổi về việc chỉnh lý các điều khoản của Luật sao cho thật sự khả thi”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết. Những ngày Quốc hội thảo luận tại tổ, tại hội trường về dự án Luật, Tổ công tác của thành phố Hà Nội đã bám sát, lắng nghe, ghi nhận, từ đó tiếp tục nghiên cứu, tìm phương án giải trình các ý kiến nêu ra. Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, lực lượng chuyên gia của thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trực tiếp chỉ đạo rất tận tâm, trách nhiệm, có nhiều ý tưởng tốt. Thành phố đã mời các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, các hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các luật sư có uy tín... tham gia vào nhóm chuyên gia của Thành phố, đã hỗ trợ hiệu quả cho cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng Luật. “Luật Thủ đô có nhiều chuyên gia tham gia xây dựng và chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều”, bà Thủy nói. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ví dụ như để xây dựng các quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), nhiều đồng chí bên Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội làm việc tại Ủy ban Pháp luật cả ngày thứ bảy, chủ nhật. Hay với những nội dung như về cải tạo, chỉnh trang đô thị, phải xây dựng không dưới 10 phương án, rất kiên trì, cuối cùng mới thống nhất được phương án như trong Luật được thông qua... Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan đều phải trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Luật, vì vậy, việc chuẩn bị các nội dung, phương án sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012 đã phát huy được trí tuệ và sáng tạo từ các sở, ngành, từ các cơ quan của Hà Nội. |
Sau khi xác định 9 nhóm chính sách sửa đổi Luật, theo từng nhóm đấy là Thành phố tiến hành nghiên cứu, khảo sát về tình hình thực tiễn, giúp xác định rõ các vấn đề đặc thù của Hà Nội về quản lý dân số, giao thông, môi trường, phát triển kinh tế... Đồng thời, Hà Nội cũng nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế về quản lý đô thị và luật pháp của các thủ đô khác trên thế giới để học hỏi và áp dụng vào bối cảnh Việt Nam. Với tinh thần cầu thị, Thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, và hội nghị lấy ý kiến của các chuyên gia pháp lý, kinh tế, quy hoạch đô thị, và các nhà quản lý. Đồng thời, thường xuyên lấy ý kiến từ các quận, huyện, các sở, ngành, lấy ý kiến các giới... để đưa ra góc nhìn từ thực tiễn quản lý, từ đó xác định các vấn đề cần điều chỉnh và bổ sung trong Luật Thủ đô mới. Vì vậy, 9 nhóm chính sách thành phố Hà Nội đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật rất toàn diện. |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cũng cho hay, xây dựng Luật Thủ đô vừa dễ mà lại vừa khó. Vì Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt, không thay thế cho các luật khác, mà bổ sung cho các luật khác và để thực hiện giới hạn trong địa bàn Hà Nội, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn Hà Nội. Nhưng khó bởi Luật Thủ đô không thể “một mình một sân”, mà vẫn phải có sự kết nối liên thông với việc thực hiện các luật, nghị quyết, pháp lệnh hiện hành và sửa luật là cơ hội hết sức quý báu, phải tận dụng được, đề xuất được các giải pháp thích đáng, khả thi và khai mở được các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Với sự dày công nghiên cứu, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được hoàn thiện với 7 chương 54 điều, gần gấp đôi so với Luật năm 2012, với những cơ chế mới chưa từng có tiền lệ, những chính sách được ban hành với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. “Điều này cho thấy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao năng lực thực thi của Hà Nội và cũng hết sức tin tưởng, tín nhiệm và đặt kỳ vọng rất cao vào khả năng triển khai thực thi các chính sách này của Hà Nội”, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy. |
Nội dung: Phương Thảo | Đồ họa: Đức Hà |
|