Multimedia
08/12/2024 21:13
Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

08/12/2024 21:13

Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều chính sách đột phá, đặc thù, phân cấp, phân quyền chưa từng có cho thành phố Hà Nội đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ; sự năng động, chủ động và tầm nhìn kiến tạo, chiến lược của thành phố Hà Nội. Là hành lang pháp lý quan trọng, Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp căn cơ để Hà Nội bứt phá, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều chính sách đột phá, đặc thù, phân cấp, phân quyền chưa từng có cho thành phố Hà Nội đã thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ; sự năng động, chủ động và tầm nhìn kiến tạo, chiến lược của thành phố Hà Nội. Là hành lang pháp lý quan trọng, Luật Thủ đô (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp căn cơ để Hà Nội bứt phá, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

Thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố Hà Nội đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để thay thế Luật Thủ đô năm 2012 với quan điểm tạo ra một hệ thống các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm khai thác và phát huy tốt nhất những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của Thủ đô, để xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước.

Đồng thời, xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong

Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ nhằm mục tiêu mang lại lợi thế, tạo sự thuận lợi cho xây dựng, phát triển của riêng Thủ đô mà còn để Thủ đô đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển chung của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Lưỡng (trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ ông thấy rất vui khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành. Là cán bộ hưu trí, ông biết đến Luật Thủ đô qua việc tuyên truyền ở khu dân cư, và các báo, đài. “Người dân chúng tôi rất mong muốn Luật Thủ đô sớm đi vào thực tiễn, giúp tháo gỡ điểm nghẽn cho Hà Nội, tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững”, ông Lưỡng chia sẻ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung Luật Thủ đô là kết tinh của ý Đảng với lòng dân, bởi các chính sách trong Luật không chỉ tạo thuận lợi hơn cho chính quyền trong quản trị mà đã hướng tới Nhân dân là chủ thể chính. Các cơ chế, chính sách trong Luật đã thể hiện sâu sắc trách nhiệm của thành phố Hà Nội với việc xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.

Theo sát hành trình hơn 2 năm xây dựng Luật, Phó trưởng Ban soạn thảo Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tin tưởng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ giải quyết được những hạn chế, bất cập, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, giúp Hà Nội phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực để phát triển, xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng khẳng định chưa bao giờ Thủ đô Hà Nội đứng trước cơ hội, tiềm năng và lợi thế như bây giờ, bởi Luật Thủ đô (sửa đổi) đã khắc phục toàn bộ các quy định “luật khung, luật ống” trước đây; đồng thời được xây dựng rất cụ thể, gắn với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong lại kỳ vọng Luật Thủ đô sẽ là một cú hích quan trọng, vì chưa bao giờ Hà Nội có được cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý như trong giai đoạn này. Cùng với Nghị quyết 15-NQ/TW, Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội có Luật Thủ đô và Quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung và Quy hoạch mới về xây dựng Thủ đô.

“Như vậy là đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý để Hà Nội có thể phát triển nhanh và bền vững, thực hiện đúng được chức năng, nhiệm vụ mà Trung ương đã nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TW và Luật Thủ đô”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy tin tưởng.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

Thông qua việc đánh giá tác động chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi), Bộ Tư pháp dự báo, với việc tổ chức mô hình chính quyền giảm tầng nấc, liên thông, tinh gọn hơn sẽ giúp cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Hà Nội hiệu lực, hiệu quả hơn.

Các hoạt động cung ứng dịch vụ công sẽ nhanh nhạy, kịp thời và giảm quy trình thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Từ đó, mối quan hệ giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp sẽ ngày càng được cải thiện theo hướng vừa đảm bảo tốt hoạt động quản lý nhà nước vừa phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Khi nhân lực chất lượng cao có thêm nhiều cơ hội sẽ tạo ra sự cạnh tranh giữa khu vực công và khu vực tư để thu hút người tài, qua đó các doanh nghiệp cũng phải tìm cách cải thiện môi trường, cải thiện chính sách trọng dụng nhân tài, tạo ra động lực cho sự phát triển.

Việc thu hút được người có năng lực vào các vị trí việc làm phù hợp sẽ gia tăng được hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia tăng chất lượng các dịch vụ công, giúp người dân được thụ hưởng những lợi ích mang lại từ các hoạt động có chất lượng.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế được bảo đảm vững chắc nhờ các khoản đầu tư công và nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, từ xã hội nhờ các hiệu ứng kích thích và lan tỏa từ đầu tư công cũng tạo nền tảng vững chắc để mang lại lợi ích về xã hội.

Bên cạnh đó, việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và mở rộng phạm vi áp dụng mức xử phạt trên địa bàn toàn thành phố đối với vi phạm trong một số lĩnh vực sẽ giúp xử lý dứt điểm, kịp thời các vi phạm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đánh giá cao các chính sách đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô (sửa đổi) và cho rằng, trong các chính sách đột phá, vượt trội để phát triển thành phố Hà Nội nói trên, thì các quy định về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng với chế độ công vụ, công chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là những điểm nhấn chính sách quan trọng bậc nhất.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

“Chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả thì sẽ là đòn bẩy, là động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nếu không chuẩn hoặc thiếu chú ý thì các chính sách phục vụ cho phát triển Thủ đô sẽ không thực hiện hiệu quả được”, ông Tuấn nhìn nhận.

Bởi vì, hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, chúng ta đã thực hiện chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia nhằm thu hút các nguồn lực về tài chính, về trí tuệ, về công nghệ... để phát triển đất nước thịnh vượng, bước vào kỷ nguyên vươn mình. Trong đó, Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp có vai trò trụ cột, cốt lõi trong quản trị quốc gia. Vì vậy, bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hiện đại thì mới có thể thu hút và sử dụng được hết các nguồn lực - không những nguồn lực của nhà nước, mà còn nguồn lực ngoài xã hội để phục vụ cho phát triển.

Như vậy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và kể cả cán bộ bán chuyên trách có vai trò rất quan trọng. “Chính sách, thể chế đã rất đột phá, rất vượt trội, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh phát triển hiện nay, nhưng muốn đi vào cuộc sống, muốn được thực thi có hiệu quả, thì không thể thiếu người giỏi, người tài và nguồn nhân lực chất lượng cao”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

Cùng với việc triển khai các kế hoạch tuyên truyền, tập huấn về Luật Thủ đô đồng bộ trên địa bàn Thành phố, xây dựng và phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, thành phố Hà Nội đã tổ chức hội thảo triển khai Luật Thủ đô, với sự tham gia của đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các sở, ngành thuộc thành phố Hà Nội.

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến, tham luận, giúp thành phố Hà Nội làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thủ đô đặt trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10; đề xuất các giải pháp, các cơ chế, chính sách cụ thể trên tất cả các lĩnh vực.

Đồng thời, vừa nhấn mạnh tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành của đất nước, vừa làm rõ được những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội dành cho Thủ đô. Đây là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống và có tính khả thi, giá trị thực tiễn, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của việc triển khai thi hành Luật Thủ đô trong giai đoạn trước đây.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

Từ kinh nghiệm thực hiện Luật Thủ đô ở một số nước châu Á và thực tiễn tại Việt Nam, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình (Khoa Kinh tế, Đại học Mở Hà Nội) gợi mở một số vấn đề cho việc triển khai Luật Thủ đô hiệu quả.

Theo PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình, cần thực hiện nghiêm việc phân quyền và quản lý. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore cho thấy rõ, việc phân quyền cần mạnh mẽ hơn cho chính quyền thủ đô đã quản lý hiệu quả hơn các vấn đề đô thị.

Vì vậy, cần quy định phân quyền cho Thủ đô Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới; kết nối không chỉ các đô thị trong Vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam và thủ đô của các nước.

Đồng thời, chú trọng phát triển các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ, thương mại và du lịch; thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục khoa học, tạo môi trường học tập và nghiên cứu sáng tạo.

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình cũng nhấn mạnh, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng để phát triển Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, chú trọng quy hoạch đô thị giao thông, phát triển và quản lý Thủ đô theo định hướng giao thông công cộng (TOD); bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội.

“Hiện chỉ 11 nước trên thế giới có luật riêng cho thủ đô. Vì vậy, Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật riêng thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước. Với nhiều điểm mới và tiến bộ, khi Luật Thủ đô được thực thi, sẽ tạo động lực dẫn dắt cả vùng, thật sự là bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá”, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình tin tưởng.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

Luật Thủ đô (sửa đổi) là một văn bản pháp lý rất quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô nói chung, tạo hành lang pháp lý cho phát triển trên mọi lĩnh vực cũng như bảo đảm cho các đột phá phát triển. Luật đã quy định về quy hoạch và phát triển đô thị, chính sách đặc thù cho Thủ đô, quản lý dân cư và di dân, chính sách tài chính và ngân sách, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội... Mỗi nội dung trên lại bao gồm rất nhiều các nội dung nhỏ hơn, tương ứng với mỗi nhóm đối tượng điều chỉnh.

Điều đó, theo ThS Đinh Thị Thanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đòi hỏi một mặt cần tuyên truyền về tính chất, ý nghĩa chung của Luật, mặt khác, cần thiết kế các nội dung riêng cho từng nhóm đối tượng. Nhấn mạnh chính sách đúng đắn cần được tuyên truyền sâu rộng, mạnh mẽ mới sớm phát huy được giá trị và đạt được hiệu quả cao nhất, ThS Đinh Thị Thanh cho rằng, dù nội dung của Luật Thủ đô là rất sâu rộng nhưng cần xây dựng các điểm cốt lõi, mấu chốt để đối tượng vừa có ấn tượng sâu sắc, vừa dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận. Trong đó, các thông điệp về nội dung Luật Thủ đô là kết tinh của ý Đảng với lòng dân, hướng tới Nhân dân là chủ thể chính, tiếp tục phát huy hào khí ngàn năm văn hiến,... cần được thường xuyên nhấn mạnh, đẩy mạnh tác động tới nhận thức Nhân dân.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá

Trong đó, cán bộ, công chức tại các cấp chính quyền quận, huyện, phường, xã có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn người dân hiểu và thực hiện Luật Thủ đô. “Đối với đặc thù của Hà Nội, cần đẩy mạnh các hình thức như tuyên truyền trong các trường học, cơ quan, tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Đồng thời, phát huy vai trò, nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác tiếp dân, dân vận của cấp ủy, chính quyền các cấp; tổ chức phổ biến và thảo luận về Luật Thủ đô tại các kỳ họp hoặc cuộc họp dân cư; tổ chức các góc tuyên truyền riêng về Luật Thủ đô ở các địa điểm cơ quan chính quyền địa phương”, theo ThS Đinh Thị Thanh.

Việc xây dựng Luật Thủ đô không phải cho riêng Hà Nội mà thực chất là cho cả nước, theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước và cả nước vì Hà Nội, cùng Hà Nội”. Với việc quyết liệt, quyết tâm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thi hành hiệu quả Luật Thủ đô, chắc chắn Luật Thủ đô sẽ tạo nền tảng vững chắc để thành phố Hà Nội bứt phá trong thời gian tới, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Kỳ cuối: Điểm tựa cho Hà Nội bứt phá
Nội dung: Phương Thảo | Đồ họa: Đức Hà
Kỳ 1: Gỡ “điểm nghẽn” thể chế để bước vào kỷ nguyên mới Kỳ 2: Chung tay thi hành Luật Thủ đô