Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự nỗ lực của Nhà nước và Nhân dân trong việc xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp để phát triển Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, và bền vững. Vì vậy, việc triển khai tổ chức thực hiện Luật Thủ đô năm 2024 được Hà Nội xác định là trách nhiệm chính trị của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương trong hệ thống chính trị từ Thành phố xuống cơ sở. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cùng với chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chờ ngày Luật có hiệu lực đang được thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện với quyết tâm lớn. |
Để triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi) hiệu quả, trước hết mọi người cần phải hiểu biết về Luật, từ ý nghĩa, sự cần thiết, mục đích ban hành Luật, đến những cơ chế, chính sách cụ thể... Luật Thủ đô lại rất đặc thù, mỗi điều luật là một chính sách nhỏ, vì vậy khối lượng công việc cần truyền thông rất lớn. Vì vậy, Thành phố đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai tuyên truyền “từ sớm, từ xa”, bài bản, khoa học, với nhiều hình thức phong phú, nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể, nhằm thu hút cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân quan tâm, tìm hiểu về Luật Thủ đô (sửa đổi) từ khi đang là dự thảo cho đến khi được ban hành. Tại nhiều buổi giao ban công tác tuyên giáo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản luôn nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Tuyên giáo Thủ đô là tuyên truyền về Luật Thủ đô (sửa đổi). Không phải chỉ tới khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, công tác tuyên truyền mới được Thành phố đẩy mạnh mà trong suốt quá trình xây dựng Luật, Hà Nội đã đặc biệt chú trọng công tác này. Nhờ đó, đã duy trì sự đồng lòng, nhất trí, cũng như tự hào của cán bộ, Nhân dân Thủ đô khi Hà Nội có Luật Thủ đô, xem việc triển khai thi hành Luật Thủ đô là nhiệm vụ chung. |
Hoạt động truyền thông được tiến hành thường xuyên và bài bản cũng giúp cán bộ, công chức, viên chức, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô hiểu và đồng thuận, nỗ lực cùng nhau chung tay góp sức để đưa Luật vào cuộc sống, để mở ra một giai đoạn phát triển mới cho Hà Nội Nhấn mạnh quá trình xây dựng Luật Thủ đô 2024 rất kỳ công, trách nhiệm, Phó Bí thư Thành ủy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, triển khai thi hành Luật một cách chất lượng, hiệu quả nhất là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị Thành phố, phải nỗ lực vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. |
|
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2024, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, truyền thông về Luật Thủ đô bằng hình thức phù hợp; xây dựng, xuất bản kỷ yếu soạn thảo Luật Thủ đô, số hóa và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên cơ sở các quy định của Luật, Thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến cụ thể, phù hợp với lĩnh vực phụ trách, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông quy định của Luật đến đúng đối tượng thực hiện, thụ hưởng... |
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhận định triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Thành phố. Theo Luật Thủ đô 2012, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chủ yếu thuộc về các cơ quan trung ương, còn lần này lại chủ yếu thuộc về Hà Nội. Vì vậy, việc tổ chức triển khai thi hành Luật Thủ đô cũng là điểm rất mới với thành phố Hà Nội. Vì vậy, Thành phố đã chuẩn bị kỹ lưỡng với các kế hoạch cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ cho từng cơ quan, đơn vị. Việc chuẩn bị rà soát, xây dựng văn bản chi tiết để triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) được chủ động triển khai rất sớm. Sau khi Luật được công bố, trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát từng lĩnh vực để xác định nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy định chi tiết. Đồng thời xem xét bổ sung, bãi bỏ các văn bản, bảo đảm đồng bộ hóa, tránh xảy ra chồng chéo, xung đột giữa các quy định của Luật Thủ đô năm 2024 với các quy định đã được ban hành trong những năm qua. |
Thành phố cũng phát động phong trào thi đua thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm trong thi hành Luật Thủ đô, cụ thể như: Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô; thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Luật; tổ chức tuyên truyền, phổ biến và tập huấn thi hành Luật; tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ việc triển khai thi hành Luật; tổ chức, thực hiện các hoạt động theo dõi thi hành Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết thi hành... Đồng thời, Thành phố cũng giao Sở Nội vụ đề xuất khen thưởng, tôn vinh kịp thời các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng và thi hành Luật Thủ đô. Việc phát động thi đua triển khai thi hành Luật Thủ đô đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, tạo nên khí thế sôi nổi, thu hút sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp Thành phố đến cơ sở và các đơn vị có liên quan. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phụ trách, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố về chất lượng, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu được phân công chủ trì soạn thảo, trình văn bản để xảy ra tình trạng chậm ban hành hoặc ban hành văn bản không bảo đảm chất lượng... |
Theo sát quá trình xây dựng Luật Thủ đô với vai trò Phó trưởng Ban soạn thảo, có lẽ hơn ai hết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn hiểu rõ các nhiệm vụ cần chuẩn bị, khó khăn cần tháo gỡ để việc thi hành Luật được suôn sẻ. Cùng với việc triển khai các kế hoạch với nhiệm vụ, tiến độ cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn, Tổ phó Thường trực Tổ công tác thi hành Luật Thủ đô đã làm việc với hầu hết các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, trực tiếp lắng nghe báo cáo tiến độ, cũng như những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị gặp phải. Tại các buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn luôn nhấn mạnh, khối lượng công việc rất nhiều, thời gian lại gấp, nên các sở, ngành, đơn vị phải xác định rõ lộ trình, nỗ lực vào cuộc một cách kỹ càng và chắc chắn. Việc soạn thảo, triển khai các văn bản bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Thành ủy; sự chỉ đạo thống nhất của HĐND, UBND Thành phố. |
Đồng thời, phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo trong công tác tham mưu cho Thành phố để xây dựng các chính sách triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô đảm bảo tiến độ, chất lượng theo kế hoạch đề ra. Bởi chất lượng của các văn bản quy định chi tiết là yếu tố quyết định để Luật Thủ đô (sửa đổi) phát huy được tác dụng trong thực tiễn, thể hiện được tầm nhìn chiến lược, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô thành một đô thị hiện đại, phát triển bền vững. UBND Thành phố cũng đề xuất cơ chế, điều kiện đặc thù về kinh phí, nhân lực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Vì với tính chất, nội dung giao cho HĐND, UBND Thành phố ban hành các văn bản quy định theo Luật Thủ đô thì mức độ phức tạp, yêu cầu về nội dung có tính chất tương đương như xây dựng nghị định của Chính phủ. Thành phố cần có cơ chế, chính sách riêng để bố trí ngân sách, quy định một số nội dung, mức chi ngoài nội dung, mức chi theo quy định của trung ương cho nhiệm vụ triển khai thi hành Luật... Từ đó, tạo cơ chế phù hợp để triển khai các nhiệm vụ được thuận lợi. |
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) không chỉ là một văn bản pháp lý mà còn mang yếu tố văn hóa, tinh thần, thể hiện sự đặc biệt, đặc thù, đặc trưng, khác biệt giữa Thủ đô với các địa phương khác. Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND Thành phố, nhiều cử tri Thủ đô đã bày tỏ vui mừng, tự hào khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành và mong muốn Luật sớm đi vào cuộc sống. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng được tin tưởng khi có hiệu lực sẽ tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thông thoáng hơn; thủ tục hành chính đơn giản và những văn bản hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp dễ dàng thực hiện đúng; tạo đà cho cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và đóng góp cho kinh tế Thủ đô càng ngày càng phát triển... Vừa qua, HĐND Thành phố đã tổ chức Kỳ họp thứ 19, thông qua 11 nghị quyết triển khai Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, các nghị quyết được ban hành về tổ chức bộ máy, biên chế; phân cấp, uỷ quyền; cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công và các quy định khác về xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển Thủ đô... là nhóm chính sách mới để triển khai, thi hành Luật Thủ đô. Theo Chủ tịch HĐND Thành phố, đồng thời với việc truyền thông về Luật Thủ đô, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo sự đồng thuận và nhận thức cao trong triển khai thực hiện các Nghị quyết. Việc tổ chức triển khai thực hiện cần đảm bảo nguyên tắc “đồng bộ, hiệu quả, khách quan, công khai, minh bạch”. |
Để Luật Thủ đô sớm đi vào cuộc sống, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chiến lược truyền thông chính sách mang tính dài hạn, bao gồm nhiều chương trình, kế hoạch, phong trào cụ thể gắn với các giai đoạn, đối tượng tuyên truyền khác nhau... Đặc biệt, nội dung tuyên truyền cần phù hợp từng nhóm đối tượng, nhằm tạo đồng thuận cao khi mỗi người dân đang sinh sống, lao động, học tập tại Thủ đô Hà Nội nhận thức được mình là chủ thể, có cả quyền và nghĩa vụ trong thi hành Luật Thủ đô, được trực tiếp hưởng thành quả từ Luật Thủ đô... Theo Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, với rất nhiều cơ chế, chính sách đột phá, việc triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 phải thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, với một tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đội ngũ cán bộ, công chức với tư duy mới, tầm nhìn mới, với yêu cầu đòi hỏi mới phải tự nâng cao năng lực, trình độ, cùng với đó, tinh thần “vì nhân dân phục vụ” phải cao hơn nữa mới có thể triển khai thực hiện Luật một cách tốt nhất. |
Với sự đồng hành của Quốc hội và Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Thủ đô, Luật Thủ đô năm 2024 với nhiều cơ chế chính sách vượt trội đang được thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng quyết tâm, nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành, chắc chắn sẽ giúp Thủ đô khai thác được tiềm năng, thế mạnh để bứt phá, trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của cả nước. |
Nội dung: Phương Thảo | Đồ họa: Đức Hà |
|