Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Đại học Giao thông vận tải
Những dấu mốc lịch sử
Ôn lại truyền thống và từng giai đoạn thành lập, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long (Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT) cho biết: Trường Đại học GTVT có tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính Việt Nam, được khai giảng lại dưới chính quyền cách mạng ngày 15/11/1945. Năm 1960, Bộ GTVT quyết định thành lập Ban xây dựng Trường Đại học GTVT với nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở nhân lực, vật lực để triển khai đào tạo kỹ sư GTVT của Việt Nam ở bậc đại học.
Ngày 24/3/1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Quyết định số 42/CP thành lập Trường Đại học GTVT, chỉ rõ sứ mệnh của Nhà trường trong giai đoạn lịch sử này là: Đào tạo các loại cán bộ kỹ thuật cao cấp về GTVT, bổ túc cho cán bộ trung cấp kỹ thuật GTVT lên cán bộ cao cấp kỹ thuật; bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo của ngành GTVT nắm được những nguyên lý cơ bản về kỹ thuật cao cấp của ngành; tổ chức và chỉ đạo việc học hàm thụ, học tại chức, học ban đêm để đào tạo cán bộ kỹ thuật và nghiệp vụ về GTVT; nghiên cứu khoa học về GTVT.
Ý thức trách nhiệm của mình, dù điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực khó khăn, Trường Đại học GTVT đã nhanh chóng ổn định đội ngũ, đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 2 cá nhân của Trường Đại học GTVT. |
Năm 1984, Trường trở về dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ GD&ĐT. Năm 1990, Trường thành lập cơ sở II (nay là Phân hiệu của Trường Đại học GTVT tại thành phố Hồ Chí Minh) để đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ ngành GTVT ở các tỉnh phía Nam.
Từ năm 2009, thực hiện Đề án đổi mới Giáo dục đại học Việt Nam do Bộ GD&ĐT xây dựng, Trường Đại học GTVT đã chuyển đổi mô hình đào tạo niên chế sang học chế tín chỉ, lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo; đồng thời thực hiện tầm nhìn đưa Trường Đại học GTVT đến năm 2030 trở thành một trường đại học nghiên cứu, đa ngành, có chất lượng ngang tầm khu vực.
Nhà trường đã hoàn thành việc xây dựng, kiện toàn bộ máy quản lý và chương trình đào tạo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi. Năm 2019, Nhà trường hoàn thành việc xây dựng chương trình và chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo theo chuẩn CDIO cho các ngành kỹ thuật.
Đặc biệt, Trường Đại học GTVT là một trong hai cơ sở đào tạo đại học đầu tiên được kiểm định chất lượng quốc gia (năm 2016) và đã hoàn thành kiểm định chất lượng lần hai năm 2022. Trường có vị trí xứng đáng trên các bảng xếp hạng quốc tế, nằm trong tốp 20 cơ sở đào tạo đại học Việt Nam theo bảng xếp hạng Webometrics, được đánh giá đạt chuẩn 4 sao trong bảng xếp hạng đối sánh chất lượng các trường đại học UPM.
Từ năm 2018, Nhà trường nằm trong nhóm 20 cơ sở giáo dục đại học có số lượng công bố quốc tế nhiều nhất cả nước. Nhiều kết quả từ nghiên cứu của Nhà trường đã được chuyển giao và mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, góp phần vào sự thành công của những định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao uy tín của ngành Giáo dục trước xã hội.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 3 cá nhân của Trường Đại học GTVT. |
Đến nay, tổ chức của Trường đã thật sự lớn mạnh với 1 Phân hiệu tại thành phố Hồ Chí Minh, 12 Khoa, 1 Bộ môn trực thuộc và 22 đơn vị Phòng, Ban, Xưởng, Trạm, Trung tâm, 2 Phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc gia và nhiều Phòng thí nghiệm, thực hành khác. Nhà trường đảm nhiệm việc đào tạo 27 ngành đào tạo bậc đại học, 12 ngành đào tạo thạc sĩ và 8 ngành đào tạo tiến sĩ với khoảng 21.000 sinh viên và học viên các hệ.
Nhà trường có 1.080 viên chức, trong đó có 814 viên chức khối giảng dạy với khoảng 40% giảng viên có học vị Tiến sĩ, gần 15% giảng viên có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư. Phần lớn các Giáo sư, nhà khoa học của Trường cũng đồng thời là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực GTVT, thường xuyên đóng góp ý kiến chuyên môn giúp định hình và phát triển ngành GTVT của đất nước.
Hàng vạn kỹ sư, cử nhân, hàng ngàn thạc sĩ, tiến sĩ đã được đào tạo và đang có mặt trên mọi miền của Tổ quốc, đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ, nhiều trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT. Rất nhiều người trong số đó đã trở thành những cán bộ kỹ thuật chủ chốt, các nhà khoa học giỏi, các cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, thành đạt trên vị trí công tác của mình.
Tiếp tục phát huy thế mạnh, khẳng định vị thế
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể Ban lãnh đạo, các thầy cô giáo, các nhà khoa học, cán bộ, người lao động và các học viên, sinh viên qua nhiều thế hệ của Nhà trường; đồng thời bày tỏ niềm tự hào to lớn của ngành Giáo dục về những thành tựu mà Trường Đại học GTVT đã xuất sắc đạt được trong 60 năm qua.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ. |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trường Đại học GTVT đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều triển vọng phía trước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định ba đột phát chiến lược, mà hai trong ba đột phá chiến lược đó là “phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” và “xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông”. Trường Đại học GTVT vinh dự là một trường đại học có khả năng đóng góp quan trọng vào cả hai hướng đột phá chiến lược nêu trên của đất nước.
Trong kế hoạch trung hạn và hàng năm, Chính phủ hiện cũng đang đặc biệt chú ý phát triển hạ tầng giao thông, lấy đó làm tiền đề, làm cú hích để gia tăng tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Để phục vụ cho các nhu cầu phát triển hạ tầng GTVT, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh các nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ của Trường Đại học GTVT có ý nghĩa quan trọng. “Đó không chỉ là trách nhiệm luôn cần có của một trường đại học đối với xã hội mà còn là sứ mệnh vinh quang của Nhà trường đối với đất nước và nhân dân” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Trong các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới, ngành Giáo dục đã xác định đối với giáo dục đại học là tập trung đầu tư mạnh mẽ cho các ngành, các trường tiên phong, mũi nhọn về khoa học công nghệ; trong đó ưu tiên phát triển các cơ sở đào tạo thuộc khối kỹ thuật và công nghệ, tập trung phát triển về số lượng và chất lượng một số nhóm ngành và ngành từ bậc cử nhân tới sau đại học. Các định hướng, quyết sách đổi mới và phát triển của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục vừa là nhiệm vụ, đồng thời cũng là cơ hội lớn để Trường Đại học GTVT bám sát, xác định đường hướng phát triển, bứt phá và vươn tầm trong thời gian tới.
Cùng với những thuận lợi về thương hiệu, truyền thống, các điều kiện đang có và các cơ hội phát triển, nhiều thách thức lớn cũng đang đặt ra đối với Nhà trường. Trong đó, phải kể tới thách thức về sự vượt lên chính mình để không ngừng đổi mới và phát triển, đó là yêu cầu ngày càng cao của kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực GTVT. Nêu nhận định trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Thế giới ngày càng phát triển nên giảng viên và sinh viên phải chủ động bắt nhịp với sự phát triển, đặc biệt là đổi mới trong kỹ thuật và công nghệ. Đó là thách thức của việc hiện đại hóa cơ sở vật chất trang thiết bị, xây dựng cơ sở mới khang trang hơn đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Đó là yêu cầu xây dựng một đại học thông minh, đại học số trong thời kỳ tự chủ đại học một cách toàn diện.
Trường Đại học GTVT nhận Giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định giáo dục chu kỳ 2, giai đoạn 2022-2026. |
Trên cơ sở tiếp tục phát huy thế mạnh đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao về lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là GTVT, thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý Trường Đại học GTVT cần tập trung các định hướng lớn như:
Phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng của đơn vị, thực hiện tự chủ đại học một cách đầy đủ, có chiều sâu; phát huy vai trò của các nhà khoa học, của đội ngũ giảng viên trong việc xác lập các quy định nội bộ, thực hiện quyền dân chủ và phát huy khối đoàn kết toàn đơn vị.
Xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ giỏi của đơn vị, coi đó là tài sản lớn nhất, tài sản lâu dài, tạo ra các giá trị gia tăng cho đơn vị và chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo.
Xác định chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược chứ không chỉ là giải pháp ứng phó đơn thuần trong tình hình dịch bệnh. Thực hiện tự chủ đại học đầy đủ và thực chất theo đúng tinh thần Luật số 34/2018/QH14 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Lấy học thuật làm nền tảng để phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học gắn liền với nhu cầu thực tiễn. Tăng cường các nghiên cứu chuyển giao, giải pháp kỹ thuật và tư vấn chính sách cho ngành Giao thông, cho Chính phủ và đất nước.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho hai cá nhân của Trường Đại học GTVT, gồm: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long - Hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Việt - Phó Hiệu trưởng. Cũng tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể, gồm Trường Đại học GTVT và Khoa Khoa học cơ bản (Trường Đại học GTVT) và 3 cá nhân của Trường. Nhân dịp này, Trường Đại học GTVT đã được nhận Giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định giáo dục chu kỳ 2, giai đoạn 2022-2026. |
Các nghiên cứu khoa học đem lại các bài công bố quốc tế là việc rất tốt và cần làm, nhưng cần coi đó là công cụ để hội nhập quốc tế về học thuật, về trình độ khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và giải quyết các vấn đề thực tiễn hơn là mục đích tự thân, hoặc chỉ nhằm nâng cao chỉ số xếp hạng. Chủ động xây dựng và đề xuất các đề tài nghiên cứu, chương trình, dự án lớn, có tầm vóc quốc gia để tham gia tích cực vào công cuộc phát triển hạ tầng giao thông của đất nước.
Về đào tạo, cần dự báo sát nhu cầu nhân lực lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, trong đó có GTVT để có chiến lược quy hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp. Tăng cường các điều kiện đảm bảo để nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường điều kiện kỹ thuật phục vụ đào tạo, thực hành, thí nghiệm, lấy tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhu cầu của thực tiễn làm cơ sở đổi mới hoạt động giảng dạy, hỗ trợ người học và nâng cao chất lượng đào tạo.
Tích cực phối hợp, hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu trong nước và quốc tế để tiếp thu kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu tiên tiến, hiện đại. Gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương để phát huy tiềm năng, thế mạnh, khẳng định vị thế và uy tín của Nhà trường về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ GTVT không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và trên thế giới.
Triển khai thực hiện tốt các đề án, dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở hạ tầng đã được nhà nước cấp vốn, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
“Rất nhiều công việc cần làm phía trước để có thể đảm bảo cho Trường Đại học GTVT giữ vững vị trí cũng như nâng tầm xếp hạng trong nước và quốc tế. Tôi tin tưởng rằng với cơ hội rộng mở, với truyền thống xây dựng và phát triển lâu dài rất đỗi tự hào, với kinh nghiệm phong phú đã có, với quyết tâm của Ban lãnh đạo, tập thể các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các cán bộ và các học viên, sinh viên, chắc chắn Trường Đại học GTVT sẽ sớm đạt được những mục tiêu đề ra, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Chính phủ, của ngành Giáo dục và nhân dân cả nước” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Giáo dục 23/12/2024 16:44
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo dục 22/12/2024 20:16
Hà Nội: Gặp mặt, động viên đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 20/12/2024 18:30
Gắn biển công trình trường học cấp Thành phố kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Giáo dục 20/12/2024 13:48
Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Giáo dục 20/12/2024 08:34
Thấp thỏm chờ phương án tuyển sinh vào lớp 10
Giáo dục 19/12/2024 17:41
Trường THCS Lạc Viên: Hành trình rực rỡ trong năm học 2023 -2024
Giáo dục 18/12/2024 15:31
Ngành Giáo dục Hà Nội: Nhiều kết quả trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU
Giáo dục 17/12/2024 19:22
Học sinh cuối cấp, giải pháp nào vượt qua áp lực?
Giáo dục 17/12/2024 17:12
Học sinh cuối cấp chuẩn bị tốt nhất tâm lý vượt qua “phép thử” để trưởng thành
Giáo dục 15/12/2024 16:48