Góp phần giảm ùn tắc giao thông
Chống ùn tắc giao thông: Giải quyết "tắc nghẽn" từ ý thức người dân Tạo lập không gian công cộng cho người dân |
Hối hả trên các công trường
Những ngày này, công nhân của liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4, Công ty cổ phần Fecon, Công ty cổ phần thương mại Tư vấn và Xây dựng Vĩnh Hưng đang khẩn trương thi công các hạng mục, như: Hầm hở, hầm kín, kết cấu ngầm hầm chính… của Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 để bảo đảm tiến độ triển khai đào kết cấu hầm chính vào cuối tháng 11/2021 và đến tháng 10/2022 hoàn thành công trình. Cùng với nhịp hối hả trên công trường, đội ngũ kỹ sư, công nhân đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ công tác an toàn lao động.
Thi công tại tuyến đường hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. |
Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10/2020, với tổng mức đầu tư gần 700 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trong 18 tháng. Hầm chui được xây dựng trực thông hướng đường Lê Văn Lương, đi ngầm qua nút giao Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m. Đây là một trong những dự án nằm trong danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020 của Thành phố để giải quyết xung đột tại nút giao giữa đường Vành đai 3 với đường Lê Văn Lương, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại nút giao và từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi hầm chui Lê Văn Lương được hoàn thành, nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay, góp phần giải quyết xung đột giao thông tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội.
Cách đó không xa, những mũi khoan cọc nhồi đầu tiên của công trình xây dựng cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch cũng đã được triển khai. Song song với việc khảo sát khoan cọc, công trường cũng đã cơ bản hoàn thành rào chắn trên phố Phạm Ngọc Thạch với chiều rộng rào chắn là 10 m. Ngoài ra, hàng cây trên phố Chùa Bộc cũng đã được đánh chuyển an toàn để phục vụ việc mở rộng nút giao, xây dựng kết cấu đường mới cho phần mở rộng. Theo kế hoạch, phạm vi cầu vượt cơ bản bám theo tim đường hiện trạng, có xem xét dịch chuyển để tránh hầm tuyến đường sắt số 2. Hướng dọc đường Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch, đường Chùa Bộc - Đông Tác và các nhánh rẽ còn lại trong nút giao sẽ được tổ chức bằng đèn tín hiệu dưới cầu. Cầu vượt có kết cấu dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép, chiều cao 1,2 m và rộng 9 m. Ngoài ra, trong phạm vi đường Chùa Bộc, đơn vị sẽ xén khoảng 400 m vỉa hè để mở rộng nút giao, xây dựng kết cấu đường mới cho phần mở rộng. Trong đó, bên vỉa hè phía Học viện Ngân hàng sẽ xén dài 360m, rộng từ 2 - 6 m, kết hợp với mở rộng nút giao Chùa Bộc - Tây Sơn; vỉa hè phía đối diện xén dài hơn 100 m, rộng 2,5m. Tổng mức đầu tư xây dựng cầu vượt thép lắp ghép chữ C tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch khoảng 147 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội. Thời gian thi công dự án là 9 tháng, công trình dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong tháng 6/2022...
Những công trình như hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3, cầu vượt chữ C tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch cùng các dự án giao thông trọng điểm như: Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 (quận Long Biên); dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương (trên địa bàn quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm); dự án xây dựng cầu Trí Thủy (huyện Chương Mỹ)… khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm ùn tắc và từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông Thủ đô theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Nhằm tiếp tục kéo giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn, tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Trong 91 đại biểu tham gia biểu quyết thì có 90 đại biểu tán thành, một đại biểu để phiếu trắng, đạt tỷ lệ 94,74%. Theo đó, Hà Nội đặt chỉ tiêu hàng năm xử lý từ 7 đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc; không để xảy ra các vụ ùn tắc kéo dài trên 30 phút, xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn, qua đó góp phần giảm tai nạn từ 5-10% hàng năm trên cả 3 tiêu chí.
Tổng kinh phí để thực hiện Chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 1.865 tỉ đồng và được phân bổ theo từng năm từ ngân sách thành phố. Trong đó, năm 2021: kinh phí là 335.507 triệu đồng (đã được UBND thành phố bố trí để thực hiện trong năm 2021). Năm 2022: kinh phí là 343.300 triệu đồng. Năm 2023: kinh phí là 401.800 triệu đồng. Năm 2024: kinh phí là 425.800 triệu đồng. Năm 2025: kinh phí là 358.800 triệu đồng. |
Để thực hiện chương trình này, Hà Nội đặt ra 10 nhiệm vụ giải pháp. Trong đó có việc tăng cường thực hiện quản lý quy hoạch xây dựng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng trong khu vực nội đô và di dân cơ học nhằm hạn chế tăng mật độ dân cư khu vực nội đô; tập trung thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành theo đúng kế hoạch, lộ trình và ưu tiên bố trí quỹ đất cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng khác…
Thành phố cũng sẽ từng bước giảm thiểu các điểm ùn tắc giao thông tại các khu đô thị hiện hữu và kiểm soát để hạn chế việc hình thành các điểm ùn tắc tại các khu đô thị mới phát triển; chỉnh trang đồng bộ 180 tuyến đường trên địa bàn 12 quận với số tiền hơn 566 tỉ đồng; lắp đặt 168 nút đèn tín hiệu giao thông; cải tạo hạ tầng, điều chỉnh tổ chức giao thông 46 tuyến đường, nút giao. Bên cạnh đó, đầu tư, lắp đặt một số cầu thép lắp ghép trên các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Nhuệ… để kết nối giao thông khu vực 2 bên sông; thu hẹp dải phân cách trên 9 tuyến phố; tổ chức giao thông 10 tuyến đường trục chính, hướng tâm, vành đai áp dụng công nghệ tiên tiến, thông minh (điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo thời gian thực, tạo làn sóng xanh…)
Hà Nội cũng sẽ xây dựng các phương án đi lại trong tình trạng ngập nặng, chủ động triển khai thực hiện, tránh ùn tắc kéo dài; Đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác, vận hành an toàn các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch… Hoàn thiện thủ tục, trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình giao thông có vai trò giảm ùn tắc giao thông, các công trình kết nối đồng bộ, thông suốt các tuyến đường khu vực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội… để tăng tỷ lệ đất dành cho giao thông.
Thành phố cũng sẽ từng bước đưa các phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng… Ngoài ra, tổ chức các loại hình vận tải như xe buýt, taxi, ô tô điện 4 bánh, xe đạp công cộng… để kết nối với các điểm đầu cuối của các tuyến xe buýt khối lượng lớn, ga đường sắt đô thị, nhà ga, sân bay. Đáng chú ý, Hà Nội sẽ xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, xây dựng phần mềm tìm kiếm điểm đỗ thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc tìm kiếm điểm đỗ xe, thanh toán đỗ xe thông minh. Tổng kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là hơn 1.865 tỉ đồng và được phân bổ theo từng năm. Nguồn vốn từ ngân sách thành phố./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thu về hơn 173.500 tỷ đồng trong 11 tháng năm 2024
Giá xăng dầu hôm nay (22/11): Giá dầu thế giới tăng gần 2%, trong nước giảm
Tỷ giá USD hôm nay (22/11): Đồng USD tăng mạnh trên thị trường tự do
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 22/11: Gió Đông Bắc cấp 2 -3, đêm và sáng trời rét
Giá vàng hôm nay (22/11): Vàng trong nước và thế giới vẫn tiếp tục "leo thang"
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Tin khác
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Giao thông 21/11/2024 21:02
Lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh
Đề án Hà Nội 21/11/2024 08:42
Đồng lòng gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A
Giao thông 21/11/2024 07:18
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Giao thông 21/11/2024 07:17
Công an xác minh nhóm học sinh đầu trần đi xe máy cầm cờ trên đường Nguyễn Trãi
Giao thông 20/11/2024 11:22
Xử lý nhiều trường hợp điều khiển xe máy đi vào Vành đai 3 trên cao
Giao thông 20/11/2024 09:34
Đường sắt tốc độ cao: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt
Giao thông 19/11/2024 18:56
10 tháng, hơn 9 nghìn người ra đi vì tai nạn giao thông
Giao thông 19/11/2024 17:46
Hiện thực mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội trở thành Thành phố thông minh, hiện đại
Giao thông 19/11/2024 17:42
Những xe nào được miễn phí sử dụng đường bộ từ 1/1/2025?
Giao thông 19/11/2024 07:56