Công nhân Khu công nghiệp và chế xuất: Muôn kiểu “tăng ca”
Điểm đến của người lao động | |
Mong không còn “giường đơn, gối chiếc”! |
Dạo quanh mạng xã hội Facebook, chúng tôi nhận thấy không ít bạn bè là CNLĐ đang làm việc tại các KCN - CX Hà Nội, ngoài thời gian làm việc tại các phân xưởng, nhà máy, khi tan ca, họ trở thành những người chủ kinh doanh online.
Mặt hàng họ đăng bán trên mạng xã hội Facebook rất đa dạng như: Quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng, thực phẩm hay đặc sản của vùng quê… Có những người còn đầu tư cả thời gian và tiền bạc để đi học những khóa học kinh doanh online ngắn hạn, tự tạo fanpage trên Facebook, thuê người làm website, chạy quảng cáo… với mong muốn có nhiều người theo dõi để bán được nhiều hàng và tăng thêm thu nhập.
Nhiều CNLĐ nhận công việc về nhà để làm thêm kiếm thêm thu nhập. |
Chị Bùi Thị Thủy (30 tuổi, quê Thái Nguyên) đang làm việc tại Công ty Panasonic (KCN Thăng Long) chia sẻ: “Tôi làm ở Công ty Panasonic thu nhập trung bình cũng được 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng vì muốn tăng thêm thu nhập để có tiền tích cóp làm vốn trang trải cho cuộc sống sau này nên thời gian rảnh tôi còn kinh doanh online trên mạng xã hội Facebook.
Tính đến nay, tôi kinh doanh online cũng đã hơn 2 năm, mặt hàng kinh doanh chủ yếu là quần áo trẻ em. Do bán hàng chất lượng, uy tín nên lượng khách hàng tìm đến shop online của tôi ngày càng đông vì thế mà nguồn thu nhập của tôi cũng tăng thêm 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng nhờ kinh doanh online.”
Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh online quần áo trẻ em, chị Thủy cho biết, vì xung quanh KCN Thăng Long tập trung rất nhiều gia đình CNLĐ sinh sống, đa phần những gia đình đó đều có con nhỏ nhưng do đi làm tối ngày, ít có thời gian đi chợ hay đến các cửa hàng để sắm đồ cho con nên nhiều CNLĐ thường lên mạng xã hội Facebook để mua hàng online và nhờ ship đến tận nơi vừa tiện lợi vừa đỡ tốn thời gian.
Nhận thấy, nhu cầu có trong khi đó nguồn cung mình cũng có thể đáp ứng được nên chị Thủy đã quyết định kinh doanh online quần áo trẻ em. Ngoài ra, “tôi cũng đang chung vốn với bạn bè mở một quán trà sữa để phục vụ nhu cầu của CNLĐ sinh sống quanh KCN Thăng Long. Vì mới đầu tư nên đang trong quá trình thu hồi vốn, hi vọng thời gian tới quán sẽ đông khách để giúp tôi tăng thêm thu nhập” - chị Thủy chia sẻ.
Không lựa chọn kinh doanh online, hằng ngày, sau khi tan làm ở công ty, anh Phạm Văn Đạt (25 tuổi, quê Lạng Sơn) đều tạt qua quán cơm mua một suất cơm hộp đem về, về đến nhà anh lại tranh thủ vừa ăn vừa ngồi hàn các mạch điện tử. Anh Đạt chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp Trung cấp ngành điện, tôi xin vào làm việc tại KCN Quang Minh, nếu không tăng ca thì lương tháng cũng chỉ được khoảng 6 triệu đồng, trừ các khoản đi cũng chẳng còn là bao.
Vì thế, khi bạn bè giới thiệu có công việc làm thêm tại nhà, lương tính theo sản phẩm nên tôi đã nhận ngay. Hằng ngày, nếu tăng ca thì thôi, còn không tăng ca thì tôi thường dành ra một vài tiếng để hàn mạch điện tử. Nhờ công việc làm thêm tại nhà này mà mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được khoảng 2,5 triệu đồng. Cũng nhờ thế mà tôi tách được cái điện thoại ra và hạn chế đi chơi. Trước đây, thời gian rảnh, một là tôi dán mắt vào điện thoại, hai là đi tụ tập bạn bè. Giờ đây, khi có công việc làm thêm, tôi vừa có thêm thu nhập vừa hạn chế tiêu tiền.”
Thời đại công nghệ phát triển, nhiều CNLĐ mà chủ yếu là nam giới có thêm sự lựa chọn là chạy xe ôm công nghệ để “tăng ca” kiếm thêm thu nhập. Anh Vũ Văn Trường (27 tuổi, quê Nam Định) đang làm việc tại KCN Thăng Long chia sẻ: “Ngoài thời gian làm việc tại công ty, tôi còn đi chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm thu nhập. Công ty tôi làm việc theo ca, có những hôm tôi làm ca 3, tuy là làm đêm nhưng khi về phòng trọ tôi cũng không ngủ được nên thời gian đó tôi dành để đi chở khách hoặc những ngày cuối tuần được nghỉ, tôi đều “tăng ca”.
Xung quanh KCN Thăng Long tập trung rất nhiều CNLĐ nên lượng khách hàng đi xe cũng không phải là ít. Cứ có thời gian rảnh là tôi lại bật ứng dụng trên điện thoại để đợi khách đặt xe, đặc biệt, những ngày cuối tuần, nhiều người có nhu cầu đi thăm hỏi người thân hoặc sang bên nội thành để đi chơi nên lượng khách đi xe tăng lên đáng kể. Nếu chịu khó chạy xe thì mỗi ngày trung bình cũng kiếm được dăm bảy chục, ngày cuối tuần thì cũng được 1 - 2 trăm nghìn đồng.”
Làm việc ở KCN Thăng Long hơn 10 năm, đến nay, ngoài công việc ở công ty, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng (quê Hà Nam) cũng có thêm một công việc là bán quán nước ở vỉa hè gần cổng KCN. Tuy công việc này có chút bấp bênh nhưng cũng giúp cho vợ chồng anh Thắng có thêm được một khoản thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình.
Anh Thắng chia sẻ: “Vợ chồng tôi được một người dân ở đây nhượng lại một quán nước ở gần KCN Thăng Long. Cứ sau khi tan làm ở công ty, hai vợ chồng tôi lại dọn đồ ra đây bán, mặt hàng chủ yếu là trà đá, nước mía, kẹo lạc, hướng dương… mùa đông thì vợ tôi nhập thêm ngô, khoai về nướng để bán cho khách. Hôm nào, vợ tăng ca thì một mình chồng xoay sở và ngược lại. Khách hàng của chúng tôi chủ yếu là CNLĐ đang làm việc trong KCN và thi thoảng thì một vài khách vãng lai.Những ngày trời nắng, nóng thì bán hàng còn có động lực vì đông khách, những ngày trời mưa thì gần như là “móm”.”
Anh Thắng cũng chia sẻ, trước đây, khi chưa có quán nước này, anh cũng nai lưng ra đi kiếm việc làm thêm, anh thường xuyên lên các diễn đàn của công nhân hoặc vào các trang web tìm kiếm nhân viên làm việc theo giờ để tìm việc, lúc thì đi kéo dây điện cho các đội thợ sửa điện vào ngày Chủ nhật, hôm thì đi dựng rạp cho các sự kiện ngoài trời. Có quãng thời gian anh cũng đi ship hàng cho các shop bán hàng online… nhưng công việc làm thêm kiểu đó bấp bênh mà thu nhập cũng không ổn định.
Từ khi mở quán nước này, thu nhập của từ công việc làm thêm của vợ chồng anh cũng ổn định hơn, mỗi tháng cũng có thêm được khoảng 3 triệu. Điều quan trọng là cả hai vợ chồng đều chủ động được công việc và sắp xếp được thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc con cái.
Có một công việc ổn định và tìm kiếm công việc làm thêm để tăng thêm thu nhập là nhu cầu chính đáng của bất cứ người lao động nào. Nhưng làm thế nào để vẫn đảm bảo được sức khỏe, đảm bảo được năng suất lao động khi làm việc ở công ty là trăn trở với CNLĐ.
Mai Quý
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ nhóm thanh thiếu niên cầm dao kiếm, hò hét đuổi đánh nhau
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Kịp thời cứu nạn 2 người thoát khỏi đám cháy trong đêm
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Tăng cường xử lý xe chở quá tải, cơi nới thành thùng
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33