Tạo sức sống mới cho làng nghề
Người giữ hồn cho nghề mây tre đan Tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP và làng nghề |
Đối mặt nhiều thách thức
Nhắc đến những làng nghề nổi tiếng ở Hà Nội hẳn không ít người sẽ định danh ra ngay địa chỉ tập trung thường thấy là các huyện Phú Xuyên, Thường Tín, Hoài Đức, Ứng Hòa… Mỗi địa chỉ này lại có hàng chục làng nghề được công nhận. Lấy ví dụ từ huyện Ứng Hòa. Trong huyện Ứng Hòa có nhiều làng nghề nổi danh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương như: Làng nghề Khảm trai Cao Xá (Trung Tú), làng nghề sản xuất nhạc cụ dân tộc Đào Xá (Đông Lỗ)…
Phải khẳng định, sự phát triển của các làng nghề đóng vai trò hết sức tích cực. Từ làng nghề có thể kéo theo dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, chuyên chở, kinh doanh hàng hóa, phục vụ ăn uống... Nói cách khác, có thể thông qua trực tiếp hay gián tiếp làng nghề đã và đang tạo ra việc làm cho người lao động trong quá trình đô thị hóa.
Nghề dệt Vạn Phúc (Hà Đông) đi tìm đâu ra cho sản phẩm truyền thống. |
Tuy nhiên, hiện nhiều làng nghề vẫn còn khó khăn, tồn tại nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường, mặt bằng sản xuất chật hẹp, thiết bị công nghệ của nhiều làng nghề còn lạc hậu, chủ yếu là thủ công nên năng suất thấp. Đặc biệt, việc vay vốn để làng nghề phát triển còn gặp nhiều khó khăn bởi đa phần những hộ sống bằng nghề chưa có phương án tổ chức sản xuất có hiệu quả để được xét vay vốn ưu đãi…
Chưa hết, sản phẩm làng nghề cũng là câu chuyện đáng lưu tâm. Hiện sản phẩm làng nghề sản xuất ra đều đã ít nhiều có sự thay đổi theo xu hướng tiêu dùng của thị trường; những sản phẩm thủ công mất dần theo thời gian; một số sản phẩm độc đáo, đặc sắc vẫn duy trì được nhưng chỉ tập trung ở một số gia đình nghệ nhân... Điều này có mặt tích cực song cũng có hạn chế.
Dễ nhận thấy là sản phẩm truyền thống không được sử dụng nhiều trong đời sống thường nhật nên làng nghề dần mai một, rất hiếm người giữ nghề, nét tinh túy mang đậm chất thủ công của nghề cũng dần phai nhạt và có nguy cơ mất đi mãi mãi. Chẳng khó để thấy những làng nghề như đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), làng đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai)… người làm nghề vẫn hoạt động nhưng thực tế thay vì sản xuất thủ công, họ chuyển sang công nghệ máy móc.
Thứ nữa, dịch Covid-19 xảy ra khiến các làng nghề ở Hà Nội, nhất là các làng nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nghệ nhân Đỗ Văn Liên - một trong số ít những người còn giữ nghề làm chuồn chuồn tre ở xã Thạch Xá (huyện Thạch Thất) cho biết: Trước đây, Thạch Xá nổi tiếng với nghề làm chuồn chuồn tre để kiếm thêm thu nhập, thương hiệu này cũng được nổi danh khắp xa gần. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa, người dân đặc biệt là lớp người trẻ tuổi dần bỏ nghề thủ công truyền thống này chuyển sang các nghề kinh doanh khác mang lại lợi nhuận tốt hơn. Chưa kể, những tháng gần đây dịch Covid-19 ập đến, các điểm du lịch phải tạm ngừng đón khách để phòng dịch khiến đầu ra của chuồn chuồn tre gần như bị cắt hẳn.
Khó khăn dồn dập, chính vì thế hiện Thạch Xá chỉ còn chưa đến 5 hộ còn gắn bó với nghề làm chuồn chuồn tre. Theo tìm hiểu từ các nghệ nhân ở đây, nghề này mang lại thu nhập không cao. Mỗi chú chuồn chuồn bình thường được bán ra, người nghệ nhân cũng chỉ lãi vài nghìn đồng. Trong khi việc làm thủ công lại tốn nhiều công sức, lấy công làm lãi, nếu không kiên trì, ắt hẳn khó có thể duy trì được. Ngay như cơ sở nghệ nhân Đỗ Văn Liên, có thời điểm gia đình ông có hơn 10 thợ, bận rộn luôn tay chân thì mới có thể đáp ứng hết nhu cầu của khách, thì nay cố gắng lắm ông cũng chỉ duy trì việc làm cho được 1 -2 thợ.
Không chỉ có nghề làm chuồn chuồn tre lâm cảnh lao đao, qua khảo sát của phóng viên, các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội như: Mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)... đều là những là nghề đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và điêu đứng vì dịch bệnh.
Bắt nhịp thị trường
Dịch bệnh xảy ra khiến nhiều làng nghề gặp khó khăn điều này là không thể phủ nhận song ở khía cạnh tích cực thì nó cũng góp phần tạo động lực đổi mới hoạt động, nó như một cuộc “chọn lọc tự nhiên”, thúc đẩy người làm nghề chuyển hướng. Nói cụ thể hơn, dịch Covid-19 bùng phát, việc phòng, chống dịch trong thời điểm hiện nay là yêu cầu bắt buộc của toàn xã hội. Bởi vậy, các làng nghề buộc phải tìm hướng đi phù hợp để bù đắp những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Hoạt động online, giới thiệu mẫu, nhận đặt hàng qua mạng rồi trả hàng là cách làm thường thấy ở các làng nghề trong mùa dịch. Qua hình thức này có thể thấy việc tận dụng các chợ online, sàn thương mại điện tử dần phổ biến hơn. Ngoài việc nâng cao nhận thức về vai trò thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình còn tích cực đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.
Nghệ nhân Đỗ Văn Liên cho biết, bên cạnh tranh thủ thời gian ít việc ông cũng tập trung nghiên cứu các mẫu mã mới cho sản phẩm của mình. Ông và các con còn đẩy mạnh bán hàng qua mạng online. Trò chuyện mới thấy, ông Liên có bước chuyển dịch khá mới mẻ khi bắt nhịp thị trường. Đặc biệt là việc ông định hướng và nhìn nhận rõ phát triển thương mại điện tử là cần thiết để ứng phó dịch bệnh cũng như phát triển nghề về lâu dài.
Cùng chung tình cảnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh, các hộ sản xuất tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng sản xuất cầm chừng. Tranh thủ thời gian này, nhiều người làm nghề trong làng cũng tìm kiếm, sáng tạo thêm mẫu mã mới, tăng độ bền đẹp cho sản phẩm. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, trong tình hình thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất đã đưa sản phẩm của mình lên trang thương mại điện tử bước đầu thu được kết quả. Ông Phạm Khắc Hà cũng bày tỏ tin tưởng dịch bệnh sớm được khống chế để làng nghề quay trở lại hoạt động.
Trước những khó khăn do dịch bệnh mang lại, các làng nghề, cơ sở sản xuất làng nghề và ngay chính những nghệ nhân cũng đang đối mặt nhiều thách thức. Hơn lúc nào hết, phải tạo được sức sống của làng nghề là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bạch. Sức sống ở đây là sự nhộn nhịp sản xuất song hành với kinh doanh buôn bán. Khi làng nghề có sức sống thì mới tạo ra kinh tế. Và để làm được điều này, vai trò hỗ trợ của Nhà nước là không thể thiếu. Các chính sách hỗ trợ về vốn, đầu tư về học nghề, tìm hướng ra cho các sản phẩm giai đoạn sau dịch… sẽ giúp làng nghề có thêm sức sống. /.
Tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Chương trình này với nhiều nét mới, trong đó Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp và nông nghiệp, trong đó ưu tiên những loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao. Đáng chú ý, Chương trình số 04-CTr/TU còn đặt ra mục tiêu khuyến khích phát triển các mô hình xử lý nước thải, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt tại nguồn, ứng dụng công nghệ tái sử dụng chất thải nông nghiệp, làng nghề phục vụ nền kinh tế tuần hoàn. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01
Tái hiện không gian "nhà tranh vách đất" làng quê Bắc Bộ
Tôi yêu Hà Nội 15/11/2024 14:47
Gốm Bát Tràng thương hiệu hai trong một
Tôi yêu Hà Nội 14/11/2024 09:08
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49