Để vỉa hè thật sự bền, đẹp
Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường nói hoài, nói mãi vẫn thế! |
Mới, đẹp nhưng vẫn không đồng đều
Thong thả đi bộ trên hè phố Đào Tấn để đến Vườn thú Hà Nội tập thể dục, ông Nguyễn Chức (khu tập thể Thủ Lệ, ngõ 9 Đào Tấn) cho biết, từ khi hè phố Đào Tấn được triển khai dự án thay thế gạch lát bằng đá, quang cảnh tuyến phố trở nên khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Toàn bộ gạch lát hè cũ bị nứt vỡ, bong tróc được thay bằng đá lát mới, chắc chắn, bằng phẳng, giúp người đi bộ đi lại an toàn.
Những năm qua, các tuyến vỉa hè, đặc biệt là các tuyến phố nội đô đã được chỉnh trang và quy chuẩn hóa sạch đẹp. |
Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các công trình thi công vỉa hè trước đó, công trình cải tạo hè phố Đào Tấn là trục đường xuyên tâm được lát bằng đá granite, kích thước đá chiều rộng, dài và dày là 15cm x 20cm x 4cm. Các đoạn hè đã hoàn thành cải tạo được nhân dân trong khu vực đánh giá cao. Bác Nguyễn Minh Nguyệt (P210 tập thể Cục Phục vụ ngoại giao đoàn, số 12 Đào Tấn) nhận xét: “Hàng ngày chúng tôi đều ra kiểm tra công tác thi công, công nhân làm rất cẩn thận, đá lát dày và chắc chắn, đồng bộ, sạch sẽ. Bà con ai cũng phấn khởi”.
Trên thực tế, sự vui vẻ của người dân nơi đây là hoàn toàn có cơ sở, sau gần 2 tháng trời ngổn ngang để chờ hoàn thiện các hạng mục hạ tầng cũng như việc chốt thẩm định thiết kế. Tương tự, cách đó không xa, tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, nơi từng được điểm danh là con đường đẹp nhất Việt Nam một thời cũng đang được thay áo mới. Tuy nhiên, niềm mong mỏi của người dân về tuyến phố mới văn minh sạch đẹp cũng đã bị kéo dài hơn 3 tháng nay. Cho đến trưa ngày 14/11, theo ghi nhận của phóng viên, đoạn đường chỉ vài km nhưng vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng. Thậm chí có những đoạn hè phố chỉ thi công một nửa, phần còn lại lổn nhổn cát, đá khiến người dân đi lại khó khăn, thậm chí phải đi xuống lòng đường.
Còn trên tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa, hiện tại việc lát đá vỉa hè đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn còn đó những hạng mục kết nối như miệng cống thoát nước vẫn nằm lộ thiên, chỉ được rào chắn sơ sài bằng các miếng ván gỗ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Rõ ràng, cùng một tiêu chí thực hiện nhưng ở những địa bàn khác nhau, đơn vị thi công khác nhau, chỉ bằng mắt thường cũng đã thấy rõ có sự chênh lệch trong thi công, triển khai thực hiện việc lát đá vỉa hè…
Theo tìm hiểu, năm 2012, trước những yêu cầu về chỉnh trang đô thị, thành phố Hà Nội đã cho triển khai đề án “Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020”. Sau một thời gian thí điểm, năm 2016 ban hành những quy định mới về cải tạo hè phố. Đến cuối tháng 3/2021, UBND thành phố Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 1303/QĐ-UBND quy định về việc “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn”.
Căn cứ theo các quyết định, đề án được phê duyệt, UBND Thành phố đã chấp thuận với đề xuất cải tạo, làm mới hè phố sử dụng vật liệu là đá tự nhiên thay thế gạch xi măng truyền thống. Đến thời điểm này, những tuyến vỉa hè thiết kế, lắp đặt loại vật liệu mới đã được đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng vào việc tạo ra diện mạo mới trong quá trình chỉnh trang đô thị và tính thẩm mỹ trong việc bảo tồn công trình văn hóa, công trình có kiến trúc riêng biệt của Thủ đô.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Chi cục Giám định Xây dựng, Sở Xây dựng, việc quản lý chất lượng và hiện trạng chất lượng thi công thực tế tại các dự án vẫn còn những bất cập, như: Công tác kiểm tra, giám sát vật liệu đá đầu vào tại một số dự án chưa đạt yêu cầu; công tác giám sát của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát chưa thường xuyên, liên tục, chưa kịp thời giải quyết, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, đặc biệt việc phối hợp xử lý thiết kế theo thực tế hiện trạng công trình (vị trí bó gốc cây, cột điện, tủ điện) không bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật. Bên cạnh đó, công tác quản lý sử dụng, bảo trì hè đường sau đầu tư chưa thật sự tốt. Việc tổ chức kiểm tra, rà soát, duy tu, sửa chữa, bảo trì vỉa hè hư hỏng, xuống cấp tại một số tuyến chưa kịp thời, vì thế chất lượng sử dụng công trình và cảnh quan đô thị chưa bảo đảm.
Đặc biệt là việc quản lý, sử dụng mặt vỉa hè không đúng công năng sử dụng, mục tiêu đầu tư và thiết kế phê duyệt, ô tô, xe máy đi lên vỉa hè (dành cho người đi bộ) là nguyên nhân chính gây hư hỏng, xuống cấp. Đây cũng chính là lý do mà nhiều tuyến phố có vi phạm về trật tự đô thị chính là những nơi có mật độ vỉa hè hư hỏng, xuống cấp nhiều nhất. Điển hình trong đó là đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); phố Chùa Bộc, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa); phố Giảng Võ, quận Ba Đình…
Còn nhiều nơi chưa như kỳ vọng
Có lẽ không ở đâu vỉa hè lại có nét đặc trưng như vỉa hè ở Hà Nội. Vỉa hè vừa là không gian sinh kế đa dạng, linh hoạt, vừa là không gian sinh hoạt rộng mở, cùng những ký ức sống động của biết bao thế hệ người Hà Nội. Chính vì vậy, những tấm áo mới được khoác trên các đường phố Hà Nội đã vượt dần lên mục đích ban đầu là chỉnh trang đô thị và dành riêng cho người đi bộ. Vỉa hè sau khi được chỉnh trang đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong không gian văn hóa Hà Nội và từng địa phương đều có cách tiếp cận đặc thù.
Từ đầu năm 2022 đến nay, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đã khảo sát việc chỉnh trang đô thị, thi công lát hè tại các quận Ba Đình, Tây Hồ. Bên cạnh hướng dẫn chủ đầu tư tuân thủ các quy định, quy chuẩn trong thi công lát hè, đoàn kiểm tra còn tập trung vào những nội dung: Kiểm tra hồ sơ pháp lý, hồ sơ quản lý chất lượng công trình; kiểm tra thực tế hiện trường thi công. Đồng thời, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thí nghiệm xác suất các vị trí ngẫu nhiên tại hiện trường, đánh giá độ dày theo quy định, cường độ bê tông nền, cường độ vật liệu lát hè... |
Để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy có một nét “đặc trưng” trong công tác chỉnh trang, cải tạo vỉa hè của từng địa phương. Theo khảo sát, nếu như các tuyến phố của quận Ba Đình thường cơ bản giữ nguyên cảnh quan thoáng rộng khi cải tạo xong, các tuyến phố trên địa bàn quận Đống Đa rất hay được “cài” thêm các vườn hoa nhỏ. Còn tại địa bàn quận Hoàn Kiếm, đá lát vỉa hè thường được lựa chọn là đá chống trơn, có độ dày cao… và thường được thi công trên nền bê tông đã được gia cố.
Đáng tiếc là những tuyến phố vốn được kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho đô thị lại đang trở thành “gánh nặng” đô thị. Tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà, quận Đống Đa có hai bên vỉa hè được trồng cây xanh rất đẹp, nhưng sau một thời gian dài không chăm sóc, hàng cây cảnh đã héo rũ trơ cả đất vàng; vỉa hè ngã tư Đào Tấn - Linh Lang, phường Cống Vị sau khi được khoác áo mới đã nghiễm nhiên trở thành nơi đỗ xe ngày đêm; phố Giảng Võ vỉa hè lát đến đâu ô tô đỗ đến đó…
Những ví dụ trên cho thấy, rất khó để lựa chọn ra một mô hình chuẩn cho công tác chỉnh trang, cải tạo đá lát vỉa hè, điều quan trọng ở đây là cách tiếp cận và triển khai, đặc biệt là quản lý sử dụng sau khi cải tạo để mang lại hiệu quả tối đa. Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng, hiện nay công tác cải tạo, chỉnh trang hè phố của Hà Nội chưa thực sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân là do quá trình quản lý, sử dụng còn nhiều bất cập, dẫn đến lãng phí nguồn lực tài chính. Để triển khai thực hiện cần phải có một khảo sát toàn diện hoạt động vỉa hè trên mỗi đường phố, trước mắt tập trung vào các đường phố của khu vực trung tâm, nơi có nhiều hoạt động thương mại, văn hóa, du lịch. Trong đó, cơ quan chức năng cần dựa vào vị trí, chiều rộng của từng vỉa hè nhằm xác định rõ chức năng vừa đảm bảo hoạt động đi bộ, bán hàng và để xe máy; thậm chí cấp phép trông giữ xe máy, ô tô…
“Việc chỉnh trang, lát mới vỉa hè là việc cần làm, nhưng tuyến phố nào còn tốt thì không cần lát lại, chỉ làm khi thực sự xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người dân, tránh lãng phí. Ngoài ra, việc lựa chọn vật liệu thi công vỉa hè cũng nên cân nhắc khi sử dụng đá tự nhiên, vật liệu này khó thấm nước nên đã vô tình gây thêm áp lực lên hệ thống thoát nước đô thị vốn đang quá tải”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phân tích.
Đặc biệt, sau khi công trình hoàn thành, cần ngăn chặn các phương tiện giao thông tranh thủ đi lên vỉa hè khi tắc đường, hay tình trạng người dân buôn bán làm bẩn vỉa hè. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, độ bền của vỉa hè. Do đó, trong quá trình sử dụng, để đảm bảo tính bền vững của vỉa hè, rất cần sự chung tay của người dân nhằm giữ gìn, sử dụng đúng công năng, mục đích góp phần để Thủ đô thêm “Xanh, Sạch, Đẹp”./.
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Chia sẻ khó khăn cùng gia đình có người thân bị tai nạn giao thông
Giao thông 22/11/2024 18:44
Tăng cường xử lý xe chở quá tải, cơi nới thành thùng
Giao thông 22/11/2024 12:55
Quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông ở Thủ đô
Giao thông 22/11/2024 12:50
Nỗ lực ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm luật giao thông
Giao thông 22/11/2024 10:41
Giá vé tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên từ 7.000 đồng - 20.000 đồng/lượt
Giao thông 21/11/2024 21:02
Lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh
Đề án Hà Nội 21/11/2024 08:42
Đồng lòng gỡ “nút thắt” giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A
Giao thông 21/11/2024 07:18
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Giao thông 21/11/2024 07:17
Công an xác minh nhóm học sinh đầu trần đi xe máy cầm cờ trên đường Nguyễn Trãi
Giao thông 20/11/2024 11:22
Xử lý nhiều trường hợp điều khiển xe máy đi vào Vành đai 3 trên cao
Giao thông 20/11/2024 09:34