Multimedia
20/08/2022 17:18
Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

20/08/2022 17:18

(LĐTĐ) Với mỗi người dân Hà Nội, cảnh sinh hoạt buôn bán trên vỉa hè là nét văn hóa, một đặc trưng cuốn hút trong đời sống đô thị. Làm sao để khai thác hiệu quả và bền vững giá trị kinh tế của vỉa hè mà không ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, ứng xử với vỉa hè không chỉ như với một phần của cơ sở hạ tầng đô thị, mà như với một thực thể văn hóa - xã hội chính là cơ sở khoa học để tạo sự đồng thuận trong câu chuyện quản lý vỉa hè.
Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Với mỗi người dân Hà Nội, cảnh sinh hoạt buôn bán trên vỉa hè là nét văn hóa, một đặc trưng cuốn hút trong đời sống đô thị. Làm sao để khai thác hiệu quả và bền vững giá trị kinh tế của vỉa hè mà không ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị. Nhiều chuyên gia cho rằng, ứng xử với vỉa hè không chỉ như với một phần của cơ sở hạ tầng đô thị, mà như với một thực thể văn hóa - xã hội chính là cơ sở khoa học để tạo sự đồng thuận trong câu chuyện quản lý vỉa hè.


Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Có lẽ không ở đâu vỉa hè lại có nét đặc trưng như vỉa hè ở Hà Nội. Vỉa hè vừa là không gian sinh kế đa dạng và linh hoạt, vừa là không gian sinh hoạt rộng mở, không gian xã hội đặc thù, không gian nghệ thuật độc đáo và không gian ký ức sống động. Chính vì vậy, vỉa hè có vai trò vô cùng quan trọng trong văn hóa của Hà Nội, cũng có vai trò là “hạt nhân kinh tế nhỏ” của mảnh đất kinh kỳ. Vỉa hè cũng là không gian đa sở hữu, đa chức năng, nơi diễn ra nhiều chiều tương tác giữa nhà quản lý với người dân và giữa người dân với nhau. Và khó nơi nào có những hàng quán vỉa hè chỉ ngồi trên một chiếc ghế nhựa hay chiếc chiếu như ở Hà Nội.

Có thể nói, kinh tế vỉa hè được hình thành bắt đầu từ những hạt nhân kinh tế nhỏ lẻ vùng nông thôn. Ở vùng ngoại ô, khi những ngày nông nhàn, hoặc những vụ vào mùa với những sản vật cây trái phong phú, người nông dân thường có tư duy đưa về thành thị sẽ bán được dễ dàng với giá cao. Một điều hết sức tự nhiên, chính những sản vật thơm ngon ở vùng quê, và tính thơm thảo, chất phác của người dân thôn quê đã mang tới cho người đô thị những hương vị quê nhà phong phú, tươi ngon.

Khi những người dân mang những sản vật lên thành phố, lẽ dĩ nhiên, họ sẽ đi khắp các phố phường, ngõ hẻm để rao bán. Dần dà, họ “đậu” tại một nơi cố định để nhiều người biết hơn, thuận tiện hơn và dễ liên lạc hơn. Và hè phố chính là nơi đầu tiên khơi nguồn bày bán những sản vật này.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

“Những người bán hàng trên vỉa hè là những người có chi phí thấp. Từ những quang gánh, trở thành quán nhỏ, dần trở nên lâu đời và là một phần văn hóa, một nét đặc trưng trong kinh tế đô thị không chỉ của Việt Nam mà của hầu hết quốc gia mà chúng tôi nghiên cứu”, thạc sĩ, kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang chia sẻ quan điểm tại talkshow “Nền kinh tế vỉa hè Việt Nam liệu có quan trọng”.

Nữ kiến trúc sư cũng lấy ví dụ tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,… với nền kinh tế vỉa hè của họ. Trong đó, vẫn có những nơi chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán. “Tất cả những nền kinh tế đô thị mà tôi nghiên cứu đều có văn hoá vỉa hè, thể hiện được nét văn hoá thưởng thức những món ăn, thói quen sinh hoạt của người dân ở nền kinh tế đó”, bà Hương Giang khẳng định.

Mặc dù vấn đề kinh tế vỉa hè vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận ý nghĩa của nó đối với nền kinh tế đô thị, nhất là nơi có mật đô dân cư đông như Hà Nội. Chính vì vậy, năm 2021, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, cho sử dụng thí điểm hè phố để kinh doanh. Theo đó, hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh gồm Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Phụng Hiểu, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến gần Cửa Đông).

Lý giải cho đề xuất, quận Hoàn Kiếm cho rằng việc thí điểm hoạt động kinh doanh trên hè phố nhằm lập lại trật tự kinh doanh buôn bán tự phát, bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; phát huy giá trị văn hóa của quận và thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Đến ngày 10/8/2021, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã có Công văn báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính cho phép 3 công ty được phép tiếp tục thí điểm sử dụng tạm thời hè phố (sát mặt tiền công trình các tòa nhà) để kinh doanh bán cafe, giải khát, đồ ăn nhanh phục vụ du khách.

Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, nền kinh tế vỉa hè là một trong những đặc thù, đặc sắc, đặc sản của Thủ đô Hà Nội, cũng như một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, hay những thành phố Trung ương.

“Kinh tế vỉa hè là một bộ phận của kinh tế - xã hội ở nước ta. Hơn nữa, đây còn là một nguồn lực dự trữ phát triển kinh tế vĩ mô cũng như vi mô; và cũng là cơ hội để cải thiện thu nhập cho dân sinh; đồng thời cũng góp phần thực hiện cảnh quan đô thị của Việt Nam.

Việc quận Hoàn Kiếm cho phép thí điểm kinh tế vỉa hè là phù hợp với thực tế. Nó cũng phù hợp với truyền thống các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước từ xưa đến nay. Thí điểm kinh tế vỉa hè cũng phù hợp với quy định của pháp luật, theo hướng tạo mọi điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế, cũng như an sinh xã hội.

Ngoài ra, Chính phủ còn “bật đèn xanh” khuyến khích địa phương nghiên cứu để phát triển nhiều mô hình kinh tế mới, trong đó có kinh tế ban đêm. Tóm lại, chủ trương đó là đúng đắn, cần thiết, cần phải được nghiên cứu để áp dụng thành công, cũng như phổ biến rộng rãi”, chuyên gia Nguyễn Minh Phong khẳng định.

Ông cũng nêu, nếu dùng từ “mỹ quan vỉa hè đô thị” thì không hoàn toàn rõ hết ý nghĩa về một khía cạnh giá trị của kinh tế vỉa hè. Vì nếu được tổ chức tốt, những hoạt động này còn góp phần trang điểm cho đường phố thêm đẹp. Singapore là một ví dụ, các hàng quán trên các tuyến phố được trang trí đẹp rực rỡ như ngày hội, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Sự sống động, đa dạng đi kèm với phức tạp của đời sống kinh tế - văn hóa vỉa hè vẫn luôn là bài toán mà nhiều nhà quản lý kinh tế - văn hóa vẫn còn đau đầu. Cuối năm 2016 đầu năm 2017 vấn đề vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè, lập lại trật tự vỉa hè,… trở nên nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí báo chí cả nước dùng những ngôn từ khá mạnh vốn thường dùng trong quân sự như “chiến dịch”, “cuộc chiến”, “đợt ra quân”, “xuất quân”, “đột kích”, “đổ bộ”,… để ghi lại tình hình này ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thực ra thì việc quản lý sử dụng vỉa hè, lòng đường đã được đề cập từ năm 1995 trong Nghị định 36/CP về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị. Riêng với địa bàn Hà Nội, vấn đề này đã ghi rõ trong Quyết định 63/2003/QĐ-UB và sau đó được thay thế bằng Quyết định 227/2006/QĐ-UBND áp dụng từ ngày 22/2/2006, song công tác triển khai thực hiện còn hạn chế.

Đến thời điểm đầu năm 2017 với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội, chiến dịch này được triển khai quyết liệt, đồng bộ và báo chí gọi chiến dịch này ở Hà Nội là “chiến dịch bàn tay sắt” bắt đầu từ quận trung tâm Hoàn Kiếm.

Ở Hà Nội, không ồn ào như TP. Hồ Chí Minh nhưng báo chí cũng đã nói nhiều đến hiệu quả vô cùng khiêm tốn của chiến dịch này, như: “ồn ào rồi lại dịu êm”, “đá ném ao bèo”, “Hà Nội vẫn y nguyên”, “mèo lại hoàn mèo”,...

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Từ góc nhìn văn hóa, các hiện tượng này gợi ra nhiều câu hỏi, vì sao các chiến dịch này lại thất bại, vỉa hè là của ai, cuộc sống diễn ra ở vỉa hè thế nào? Có lẽ vấn đề vỉa hè cần được nhìn nhận ở góc nhìn đa chiều hơn và gắn kết với bối cảnh và cuộc sống của chính nó một cách chặt chẽ hơn.

Thuê một “góc nhỏ” chỉ với 3 mét vuông để bán bún trên phố Lý Thường Kiệt, bà Trần Thị Khánh đã nuôi cả gia đình 4 người trong suốt 15 năm qua. Hai con của bà đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, còn bà vẫn kiên trì với cái quán nhỏ ấy như máu thịt. Do diện tích quán nhỏ nên bà phải bày ghế ra vỉa hè để khách hàng có thể ngồi ăn.

Bà nói: “Vẫn biết bán hàng trên vỉa hè là không đúng quy định, nhưng chúng tôi cũng không cố tình làm sai, chỉ mong muốn tận dụng một chút mặt tiền để làm kinh tế nuôi gia đình. Nếu dẹp đi, xóa bỏ, thì không chỉ tôi mà hàng nghìn hộ kinh doanh vỉa hè có khả năng gặp khó khăn trong cuộc mưu sinh. Hơn nữa, mặc dù cho đến nay tôi không còn nặng gánh kinh tế, nhưng cái nghề này đã thấm sâu, ăn vào thói quen, đặc biệt là những khách hàng đã gắn bó với quán từ hàng chục năm nay”.

Một lý do khác để những quán hàng ăn vỉa hè tồn tại đó là thói quen của thực khách. Kể cả khách du lịch đến Việt Nam cũng tỏ ra thích thú với những quán ăn vỉa hè.

Bạn Nguyễn Thị Thúy Hằng đang sống và làm việc tại Hà Nội cho biết: “Tôi rất tiếc nếu như một ngày Hà Nội sạch bóng hàng quán vỉa hè. Mặc dù đôi lúc, các hàng quán gây mất mỹ quan đô thị, thậm chí còn ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng có thể thấy rằng đa phần tạo nên một nét riêng rất Hà Nội mà du khách cảm thấy hấp dẫn.

Chưa kể đến việc người mua hàng sẽ rất tiện lợi khi trong dòng chảy tấp nập và bận rộn của cuộc sống, họ chỉ việc dừng xe để có món mình yêu thích, thay vì phải đến tận siêu thị hoặc vào các khu chợ. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhà nước nên có cách quản lý phù hợp để vừa tận dụng được tiềm năng kinh tế vỉa hè, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị”.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Tương tự, anh Đặng Hồng Anh Công (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, sự tồn tại của hàng quán vỉa hè cũng không phải do chủ đích của những người chiếm dụng không gian công cộng để tìm kiếm lợi ích mà ngay cả người dân đô thị chưa bỏ thói quen mua sắm từ kinh tế vỉa hè như thói quen tiện lợi, chỉ cần dừng xe bên đường là có thể mua hàng, không ra trung tâm mua sắm hay siêu thị. Vì vậy, sự tồn tại của kinh tế vỉa hè ở đây có sự kết hợp hai chiều. “Cùng với đó, việc phát triển du lịch cũng không thể thiếu được kinh tế vỉa hè”, anh Đặng Hồng Anh Công nêu thêm quan điểm cá nhân.

Nhiều người cho rằng, ngoài yếu tố văn hoá, đây là nơi lưu thông hàng hoá, nông sản địa phương, thậm chí có những mặt hàng không mua được ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích mà có ở các cửa hàng, hàng rong vỉa hè. Đây là một trong những nơi được người dân bản địa dành thời gian để tận hưởng cảm giác thú vị, thư giãn và thu hút khách du lịch trong, ngoài nước trải nghiệm dịch vụ, văn hoá, ẩm thực đặc trưng vùng miền.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh dẫn chứng về vấn đề này: “Nhà khoa học chính trị và nhân học người Mỹ James C.Scott cho rằng, đời sống xã hội vốn diễn ra tự nhiên với nhiều phức tạp, đa tầng, đa nghĩa, nhiều mối quan hệ đan xen, phức tạp và ràng buộc. Nhà nước muốn quản lý đời sống xã hội ấy một cách dễ dàng hơn thường phải tiêu chuẩn hóa, làm cho nó trở nên dễ nhận diện hơn và đơn giản hơn”.

Ông Phùng Hoàng Anh cũng cho rằng, vỉa hè Hà Nội có đời sống văn hóa đa nghĩa, phức tạp và đa chiều. Với sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội hiện nay, vỉa hè cũng rất đa dạng với những công năng sử dụng khác nhau, và trong các công năng đó, không thể không tính đến công năng gắn với kinh tế. Ngay cả khi ta gắn nó với văn hóa, thì cũng không thể thiếu đi yếu tố “doanh thu” của các nhà kinh doanh trên các vỉa hè Hà Nội.

Ví dụ, một hoạt động văn hóa diễn ra thường niên trên phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, sẽ gắn với lợi nhuận của các nhà tổ chức văn hóa với những chương trình quảng cáo của nhà tài trợ; hay chỉ một người bán hàng rong quanh khu vực này cũng mang lại kinh tế cho chính họ. Một khách sạn tận dụng vỉa hè bên rìa tường của mình để bán cà phê, hay một người hành nghề vá xe ngồi ở bóng râm trên vỉa hè để kiếm thêm thu nhập,…

Như vậy, ngay từ khi ra đời, vỉa hè đã không đơn thuần là không gian vật lý với chức năng dành cho người đi bộ mà còn là không gian tích hợp nhiều yếu tố khác. Khó có thể dứt rời được văn hóa vỉa hè và kinh tế vỉa hè bởi những gắn kết và sự “dây dưa” không thể tách bạch, mặc dù đôi khi khẩu hiệu “dẹp” các hàng quán kinh doanh vỉa hè được bắt đầu từ xung đột giữa kinh tế và văn hóa vỉa hè.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Hiện nay trên thế giới, rất nhiều không gian vỉa hè được quy hoạch và phát huy giá trị. Không cần phải nhìn đâu xa, người láng giềng Thái Lan là một ví dụ điển hình cho việc quản lý vỉa hè hiệu quả. Trước khi có kết quả như ngày nay, Thái Lan cũng giống Việt Nam khi mua bán hàng rong trên vỉa hè là một nét văn hóa đã đi sâu vào đời sống của người dân và hấp dẫn đối với khách du lịch nước ngoài.

Giới chức Thái Lan đã tiến hành hàng loạt chiến dịch nhằm lấy lại hình ảnh sạch đẹp của quốc gia này và một trong những chiến dịch đó là dẹp bỏ hoạt động bán hàng rong trên đường phố. Chiến dịch hạn chế bán hàng vào giờ cao điểm và di dời hơn 3.000 quầy buôn bán trên vỉa hè tới những khu phố dành riêng cho hoạt động này.

Tại Bangkok, những người bán hàng rong phải đăng ký với cơ quan quản lý đô thị Bangkok để có thể buôn bán một cách hợp pháp. Những người đăng ký kinh doanh sẽ phải đóng một khoản tiền hàng tháng. Ngoài ra, Bangkok cũng thiết lập các khu vực công cộng làm nơi tập trung những người bán hàng rong. Ước tính, toàn thành phố Bangkok có khoảng vài trăm khu bán hàng rong ngoài trời và nằm rải rác trên 50 quận. Nhiều tuyến đường bị cấm bán hàng rong trong giờ cao điểm, các xe bán hàng rong không được phép hoạt động từ 15h-17h để nhường đường cho người đi bộ.

Hay như ở Singapore, ngay từ thập niên 90 của thế kỷ trước, tất cả người bán hàng rong của Singapore đều đã có nơi buôn bán, được cấp giấy phép. Họ còn được dự các khóa học về vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm và dinh dưỡng. Singapore cũng thực hiện chế độ quản lý nghiêm, áp dụng hình phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm luật kinh doanh, lấn chiếm lề đường hoặc không có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Ở đảo quốc sư tử này, hàng quán vỉa hè, các khu ẩm thực đường phố, bán hàng lưu niệm vẫn tồn tại, song được quy hoạch và quản lý chặt chẽ. Các phố ẩm thực hoạt động theo khung giờ cố định. Vào giờ giới nghiêm, khu vực dành cho người đi bộ cấm xe cộ lưu thông. Đây có thể coi là hình mẫu về quy hoạch hoạt động buôn bán vỉa hè bài bản.

Tại Hồng Kông, chính quyền hạn chế cấp phép cũng như chuyển nhượng giấy phép từ hơn 50.000 hàng rong vào năm 1974 xuống còn 6.000 như ngày nay. Để tránh tình trạng nhếch nhác cho đô thị, chính quyền bố trí quy hoạch riêng biệt khu hành chính và khu du lịch. Tại khu hành chính, chủ yếu là các nhà hàng được xem là “hạng sang trọng”. Còn tại các khu du lịch thì nét văn hóa đường phố đa dạng từ sang trọng đến bình dân. Tại một số tuyến phố được quy định là phố du lịch có quy hoạch dành riêng cho người đi bộ. Các hàng quán không được phép buôn bán hay để cho thực khách ngồi ở vỉa hè.

Còn nếu nhìn ra xa hơn, tại nhiều quốc gia Châu Âu, quy định về bán hàng rong trên phố hay mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường cũng được quy định nghiêm ngặt để vừa đảm bảo an toàn giao thông và không gây mất mỹ quan đô thị.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Trong quá trình phát triển đô thị, chính quyền Zurich, thủ đô của Thụy Sỹ đã cân nhắc giữa các giá trị kinh tế, mức độ thuận tiện kinh doanh và lợi ích của người đi bộ để ban hành chính sách xóa bỏ các bãi giữ xe trên lề đường và tràn xuống lòng đường.

Theo đó, chính quyền đã nỗ lực đàm phán với các nhóm lợi ích liên quan và đưa ra giải pháp thay thế bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu giữ xe. Từ năm 1996 đến năm 2013, khoảng 800 bãi giữ xe trên vỉa hè và lòng lề đường đã xóa bỏ, trả lại diện tích cho thành phố và trở thành không gian sinh hoạt công cộng có giá trị cao đối với xã hội.

Việc thực hiện chính sách này nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm lợi ích vì khách hàng của họ vẫn có thể đến cửa hàng thuận tiện và tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động bãi giữ xe thay thế. Dù thành phố mất đi phí vỉa hè nhưng phúc lợi của toàn xã hội tăng lên. Ngoài ra, việc quy hoạch và phát triển thành phố cũng hiệu quả hơn vì có thêm không gian. Sự thành công của Thụy Sỹ là do hệ thống phương tiện công cộng tốt và dân chúng tích cực tham gia trong việc phát triển thành phố.

Tại Bỉ, để được phép kinh doanh trên phố, những người bán hàng phải nộp đơn xin giấy phép kinh doanh cho Liên đoàn Thương mại thành phố. Đơn xin giấy phép hoạt động cũng phải nêu rõ đề xuất diện tích mặt bằng kinh doanh, chủng loại kinh doanh. Nếu Liên đoàn Thương mại thành phố chấp thuận thì họ mới được phép buôn bán mặt hàng theo đúng thông tin nêu trong đơn. Nếu không chấp hành nghiêm chỉnh, lập tức sẽ bị thu hồi giấy phép và xử phạt nặng. Công chúng là người giám sát chặt chẽ nên chính quyền không thể không thực thi nghiêm minh.

Tại Anh Quốc, bảng giá và đơn đăng ký giấy phép kinh doanh trên vỉa hè được công khai trên website của chính quyền thành phố vô cùng chi tiết. Ví dụ: Với 5 bộ bàn ghế trở xuống tính phí hàng tháng là 922 USD, từ 5 bộ bàn ghế trở lên sẽ tính phí 1.352 USD. Theo quy trình đăng ký hoàn thành qua hệ thống đăng nhập và thanh toán trực tuyến, trong vòng hơn 2 tháng, đơn xin phép kinh doanh của chủ hộ sẽ được tiếp nhận hoặc từ chối. Bên cạnh việc đề ra những quy định rõ ràng việc sử dụng vỉa hè trong kinh doanh, chính quyền đề ra những khung phạt cụ thể và nghiêm khắc đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Trao đổi thêm, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng khẳng định, để khai thác được những mặt tích cực của kinh tế vỉa hè, cũng như đáp ứng được yêu của của cảnh quan đô thị thì cần phải có quy hoạch. Những tuyến phố phù hợp để phát triển kinh tế vỉa hè phải có quy hoạch dựa trên nhiều tiêu chí. Ví dụ quy định về độ rộng của vỉa hè được phép kinh doanh và mỗi diện tích gian hàng cần phải được cân đối với diện tích vỉa hè. Cần có các đường vạch chỉ giới, các quy định về việc sắp xếp hàng hóa, sắp xếp xe cộ, đường đi bộ phải rõ ràng và thống nhất.

Đặc biệt khi để làm cảnh quan, các xe máy phải được để cùng chiều, thẳng hàng, không lộn xộn. Nếu không có vị trí để xe máy trên vỉa hè thì phải có phương án bãi đỗ xe dự phòng nằm ngay bên cạnh. Từ đó mới tạo ra không gian vừa có chỗ để xe, vừa có chỗ đi bộ để bán hàng và giữ được cảnh quan.

Cùng với đó, cần có các quy định liên quan đến vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, kể cả an ninh, cháy nổ, tiếng ồn hoặc các hoạt động khác. Cần có chế tài phạt nặng cho những hoạt động vi phạm, cũng như có các nguồn thu cần thiết để khuyến khích kinh tế vỉa hè hoạt động tốt hơn. Cuối cùng là nên có những bộ phận chuyên trách để quản lý mang tính chất chuyên nghiệp, nhằm kết nối kinh tế vỉa hè với những hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Tại tại talkshow “Nền kinh tế vỉa hè Việt Nam liệu có quan trọng”, ở góc độ xã hội học, tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Kinh tế vỉa hè trở thành nét đặc thù ở xã hội đang phát triển. Với một nước có truyền thống văn hoá tiểu nông như Việt Nam thì kinh tế vỉa hè càng phát triển hơn. Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, khu vực chính thức chưa thu hút hết được lực lượng lao động. Những người không cạnh tranh được trên thị trường lao động sẽ tìm đến kinh tế vỉa hè.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng cũng cho rằng, về quan điểm chính sách cần tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt hơn. Tại các nước phát triển, kinh tế vỉa hè vẫn tồn tại nhưng được quản lý, không là vật cản gây ùn tắc giao thông. Vấn đề là quản lý và thực hiện từng bước. Ông lấy dẫn chứng TP. Hồ Chí Minh đã có thời gian quyết liệt xử lý hàng rong vỉa hè nhưng không thành công và không thể thành công vì gắn với nhu cầu xã hội. Ngược lại để kinh tế vỉa hè phát triển tự do cũng không ổn khi mà chỗ nào cũng có thể họp chợ.

Về giải pháp, tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng đề xuất, các thành phố lớn nên công bố các tuyến phố không được lấn chiếm vỉa hè kinh doanh như các tuyến phố nằm ở khu vực trung tâm thành phố. Với khu phố ở ngoại vi, không quá ảnh hưởng đến sự vận hành cấu trúc đô thị có thể linh hoạt chấp nhận cho kinh doanh buôn bán trên vỉa hè theo từng khu, từng khung giờ vừa bảo vệ nguồn sống của một số nhóm người yếu thế vừa hạn chế bất cập, tồn tại, đưa kinh tế vỉa hè phát triển bài bản, quy củ và văn minh hơn. Đây là cách các nước tiên tiến đã thực hiện thành công.

Ứng xử với vỉa hè: Giảm bớt xung đột giữa kinh tế và mỹ quan đô thị

Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, khi nhìn vào kinh tế vỉa hè là nhìn thấy chiều dài phát triển của quốc gia, của đô thị và gắn với khái niệm văn hoá bao gồm tất cả hoạt động của con người và gắn với hai từ: nhân văn, tử tế. Giá trị của kinh tế vỉa hè không đơn thuần là hàng rong bán hàng trên phố mà rộng hơn góp phần tạo công ăn việc làm, kinh doanh, thuế…

Theo ước tính của một số thành phố lớn trên thế giới, kinh tế vỉa hè nói theo nghĩa đầy đủ đóng góp tỷ lệ không nhỏ cho nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế đêm gắn với không gian công cộng được sử dụng vào đêm như chợ, vui chơi giải trí... Nước ta hiện nay chú trọng phát triển kinh tế đêm và một số thành phố lớn đã có kế hoạch triển khai kinh tế đêm để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể thả lỏng nhưng không thể dẹp bỏ kinh tế vỉa hè. Mà cần sử dụng linh hoạt, ứng xử phù hợp giữa các nhóm và sắp xếp quy củ hơn. Ví dụ như tại các khu vực có vỉa hè rộng có thể cho phép tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý chặt chẽ; những khu vực đông dân cư, tập trung trường học, bệnh viện, nhà máy có thể tổ chức kinh doanh theo giờ, cấm kinh doanh vào giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Trên cơ sở quy hoạch bài bản mới tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh.

Tiến sĩ Võ Trí Thành đánh giá: “Đây là bài toán rất thách thức, cần đi tìm điểm cân bằng giữa lợi ích và xung đột không cần thiết thì đa số người ta sẽ chọn linh hoạt, ít va chạm mặt xung đột mà vẫn giữa được lợi ích kinh tế to lớn”. Cùng với sự hình thành của kinh tế vỉa hè, tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh sẽ tạo ra văn hoá vỉa hè, nhưng khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thể bao quát hết được, do đó, cần chọn cách cư xử linh hoạt thích ứng kinh tế vào văn hoá vỉa hè.


Nội dung, thiết kế, dựng hình:
Bảo Thoa - Quang Linh