Bắt đầu từ “không dám, không thể, không muốn tham nhũng”
Kỳ 1: Từ một nhiệm kỳ Đại hội không dám tham nhũng
Trong lịch sử phát triển của Đảng ta, có thể khẳng định nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021-2026), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an… công tác đấu tranh với vấn nạn tham nhũng được đẩy lên cao trào. Hàng loạt cán bộ cao cấp bị thi hành kỷ luật Đảng, khởi tố… không chỉ lấy lại niềm tin trong nhân dân mà còn gửi “thông điệp” đến những người có “khả năng” tham nhũng tay không dám “nhúng chàm”.
Cố Tổng Bí thư Nguyên Phú Trọng nêu quan điểm về lộ trình chống tham nhũng gắn với cải cách thể chế để “không dám, không thể, không muốn tham nhũng”. |
Từ “vấn nạn” của thời kinh tế chuyển đổi…
Tham nhũng là vấn nạn có từ thời xa xưa của nhân loại, vì vậy Nhà nước phải dùng công cụ luật pháp để chống tham nhũng. Với nước ta, kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986 do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần kinh tế, trong khi cơ chế chính sách, hành lang pháp lý chưa theo kịp với sự phát triển dẫn đến nhiều “lỗ hổng” dễ dàng cho tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nảy nở.
Theo đánh giá của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, giai đoạn 1999 - 2009, tham nhũng tập trung nhiều vào lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với “chiêu trò” xác định giá trị tài sản (chủ yếu là đất) thấp để cổ phần hóa, thao túng cổ phần doanh nghiệp. Đến giai đoạn từ sau 2009 đến năm 2023 tham nhũng tập trung vào các lĩnh vực: Xây dựng cơ bản, đầu tư công, công tác cán bộ, đặc biệt là lĩnh vực đất đai.
Từ chỗ thời bao cấp đất đai không phải là hàng hóa, đến thời kỳ đổi mới, đất đai trở thành hàng hóa đặc biệt với sự gia tăng của các khu công nghiệp, du lịch, đô thị… vô tình trở thành “chủ thể” chính cho tham nhũng, tiêu cực phát sinh. Thống kê của Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2010 - 2022, có đến 70% số vụ khiếu kiện vượt cấp cũng từ đất đai mà ra.
Chính vì thế, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra ngày 4/5/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (2012-2022). |
Chưa dừng lại ở đó, để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong giai đoạn những năm 2000 đến năm 2023, hàng triệu tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, vốn vay nước ngoài, vốn từ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp đã được đầu tư cho nền kinh tế, chính giai đoan này hai chữ “hoa hồng”, “bôi trơn” đã trở nên phổ biến. Từ những vụ án tham nhũng, lãng phí cỡ trăm tỷ đồng hồi những năm 2000, đến những đại án ngàn tỷ đồng cứ thế được khui ra những năm 2020 đến nay. Điều này chứng tỏ, tham nhũng, lãng phí khủng khiếp đến mức độ nào
Từng là giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ông Mai Hồng cho rằng, lòng tham con người là vô đáy, nên khi cơ chế quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo chưa bắt kịp với quá trình vận hành và phát triển của nền kinh tế, thì những tài nguyên như đất đai, khoáng sản, đầu tư công (kết cấu hạ tầng) là những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng nhất. Quy hoạch treo, giao đất vô tội vạ không thông qua đấu giá cho doanh nghiệp, tài nguyên bị khai thác bữa bài, ăn chặn suất đầu tư… làm cho một bộ phận trong xã hội giàu có nhanh chóng, còn chất lượng tăng trưởng nền kinh tế không cao. Điều này dẫn đến hệ lụy, mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước không hoàn thành như kế hoạch đề ra.
“Mấu chốt là cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, sự buông lỏng quản lý Nhà nước và một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất chỉ muốn ăn cắp của công để làm giàu thật nhanh dẫn “chủ nghĩa thân hữu”, “chủ nghĩa đôi bên cùng có lợi” làm cho tình trạng tham nhũng len lỏi các ngóc ngách của đời sống kinh tế - xã hội khiến nhân dân bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng”, ông Hồng nhấn mạnh.
Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán lần đầu giành độc lập cho nước nhà; Trần Hưng Đạo 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông - đội quân hùng mạnh nhất lúc bấy giờ; Lê Hoàn, Lê Lợi, Quang Trung… đánh tan quân Tống, Minh, Thanh tạo nên những kỷ nguyên oai hùng về dựng xây nền độc lập và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện - đất nước giành được độc lập sau 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp bằng “Áng thiên cổ hùng văn” - Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2/9/1945). Cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, viết tiếp hào khí cha ông, quân và dân ta đã làm nên trận Điện Biên Phủ 7/5/1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; chiến đấu 20 năm ròng rã để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và mất cả thập kỷ để bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Kỳ tích nối tiếp kỳ tích, đất nước được bình yên, không ngủ quên “trên vòng nguyệt quế”, Đảng nhận rõ khuyết khiếm trong chiến lược phát triển kinh tế nên đã thực hiện công cuộc đổi mới bằng Nghị quyết Đại hội VI năm 1986. Gần 40 năm qua, nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể khẳng định chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ như ngày hôm nay”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, một trong những vấn nạn được ví như giặc nội xâm làm cản trở công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước chính là tham nhũng. Bởi vậy, để hiện thực hóa “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” như quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm xây dựng đất nước hùng cường, điều quan trọng phải tiếp tục hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia sao cho bộ máy vận hành hiệu quả; sao cho mỗi cán bộ “không dám, không thể, không muốn tham nhũng” mà đời sống vẫn đảm bảo. |
… Đến siết cơ chế và đẩy mạnh “công cuộc đốt lò”
Nhận thấy tham nhũng, lãng phí là một trong những nguyên nhân làm nghèo đất nước, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, nên Đảng, Nhà nước xếp tham nhũng là “giặc nội xâm”, bằng mọi giá phải quét sạch.
Vì thế, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trước đó, năm 2013, Bộ Chính trị thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng Trung ương do Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Đến tháng 11/2021 đổi thành Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) do Tổng Bí thư làm Trưởng ban; đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các tỉnh, thành phố do Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy trực tiếp làm trưởng ban.
Sau khi cơ chế, cơ cấu tổ chức tương đối hoàn thiện, với phương châm “chống tham nhũng không có vùng cấm”, với phương châm “chống tham nhũng không ngừng nghỉ; ai nhụt chí đứng ra một bên” - Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu với sự “hiệp đồng tác chiến” của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tư pháp, công cuộc “đốt lò” được đẩy lên cao trào và thu được nhiều kết quả.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư xử lý nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức liên quan đến tham nhũng, lãng phí. |
Chỉ hơn 2/3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử số cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên cao cấp là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Ban Thường vụ tỉnh/thành quản lý phải chịu hình thức kỷ luật như tự cho nghỉ vì “vi phạm những điều đảng viên không được làm, gây bức xúc cho xã hội”; nhiều cán bộ cấp cao bị kỷ luật, truy tố, xử lý hình sự ngồi tù. Hàng loạt các vụ đại án với số tiền tham nhũng, thất thoát, lãng phí lớn đã, đang được xử lý liên quan đến các tập đoàn như: Vạn Thịnh Phát, AIC, Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, Đại Ninh, Phúc Sơn, Thuận An,… khiến nhiều lãnh đạo, tập đoàn, doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý.
Theo thống kê từ bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 30/6/2022, thì trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 6 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...
Còn tại hội nghị thông tin với báo chí ngày 14/8/2024 do Ban Nội chính Trung ương chủ trì thông báo kết quả phiên họp 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo), ông Nguyễn Hữu Đông - Phó Ban Nội chính Trung ương cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay đã xử lý hình sự 55 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 16 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Đi kèm đó, số tiền thu hồi từ tham nhũng, lãng phí lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Theo ông Đông, chỉ riêng với vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, cơ quan điều tra đã tạm giữ tổng số tiền, tài sản hơn 315 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, 534 cây vàng và 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm trị giá hơn 1.117 tỷ đồng, 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở cùng nhiều tài sản giá trị khác. Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thu hồi tiền được gần 7.750 tỷ đồng (tăng hơn 5.650 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số tiền thu hồi được từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay là 85.520 tỷ đồng - đạt tỉ lệ 50,75%.
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam bị xét xử liên quan đến quản lý đất đai. |
Là người luôn mong muốn đất nước phát triển hùng mạnh, ông Nguyễn Kim Sơn, một cán bộ nghỉ hưu đánh giá, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, góp phần củng cố niềm tin trong nội bộ đảng và nhân dân, làm chuyển biến sâu sắc nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Cũng theo ông Sơn, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần giữ gìn thành quả cách mạng, làm cho đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, nhân dân tin tưởng vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, công tác đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ, không khoan nhượng với tinh thần không có ngoại lệ, không có vùng cấm bất kể người đó là ai. Tham nhũng là hiện tượng tiêu cực xã hội, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là vấn nạn chung không chỉ ở nước ta, mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều phải quan tâm thực hiện quyết liệt, hiệu quả, mục đích để cho đất nước phát triển thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, đây là quyết tâm chính trị và trách nhiệm đạo đức của chế độ xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng con người hướng đến chân, thiện, mỹ và xây dựng hệ giá trị quốc gia xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhiều nghị quyết của Trung ương trước đây nhấn mạnh“… tệ tham nhũng, hối lộ, ăn chơi phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài. Những hiện tượng đó gây tác hại rất lớn, làm tổn hại thanh danh của Đảng”, “…tham nhũng có tác hại vô cùng to lớn, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tham nhũng, lãng phí vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận cụ thể hóa bằng các chính sách và pháp luật để thực thi đồng bộ công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày càng hiệu quả.
Tín hiệu vui từ biết sợ, không dám tham nhũng
Sau khi công tác phòng, chống được đẩy mạnh với việc “củi tươi, củi khô đều vào lò” nếu liên quan đến tham nhũng, lãng phí không chỉ tạo ra bầu không khí tin tưởng trong Nhân dân mà còn như thanh “bảo kiếm” nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ai tay trót nhúng ít chàm hoặc chuẩn bị nhúng chàm nhìn đó làm gương. Quan điểm “xử lý một người để cảnh tỉnh nhiều người; xử lý một người để làm gương cho mọi người”; “một ngày tù bằng nghìn thu ở ngoài” nên vài năm qua, nhiều cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến địa phương, trong đó có không ít người làm, ngồi ở ghế có khả năng tham nhũng nhưng đã biết sợ.
Một lãnh đạo tỉnh từng nói với người viết, trong mọi công tác lãnh đạo, chỉ đạo. điều hành đều phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Tất nhiên, điều không thể phủ nhận, đâu đó vẫn còn cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai vì công cuộc phòng, chống tham nhũng mà không dám quyết, dẫn đến ngành, lĩnh vực cán bộ đó phụ trách bị trì trệ.
Chỉ cần khoảng 200 tỷ đồng đã có ngôi trường khang trang cho các cháu học, song nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí lên tới hàng ngàn tỷ đồng (Ảnh minh họa) |
Còn ông Đinh Hải, một doanh nhân ngành công nghệ nêu quan điểm kết quả công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thành công một khi rất nhiều vụ án, rất nhiều cán bộ cả cao cấp, trung cấp bị kỷ luật, khởi tố, xử lý hình sự, thì thành công hơn chính là từ những vụ điển hình, mang tính nêu gương giống như rút cây, động rừng làm cho một bộ phận cán bộ khác biết sợ, không dám tham nhũng.
Ông Hải phân tích thêm, trong khi chỉ cần 150 - 200 tỷ đồng là xây dựng được ngôi trường khang trang cho các em học sinh tại các quận nội đô, thế mà thời gian qua xảy ra nhiều đại án tham nhũng, lãng phí cỡ hàng ngàn tỷ, thậm chí gần triệu tỷ đồng như vụ án Vạn Thịnh Phát. Với số tiền đó, đặt trong hoàn cảnh không bị vấn nạn tham nhũng, lãng phí thì chi cho đầu tư phát triển - an sinh xã hội, GDP tăng cao đến mức nào? Đời sống nhân tăng cao ra sao? Chênh lệch khoảng cách giàu nghèo sẽ ngày một giảm; đất nước còn phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Vì vậy, việc đẩy mạnh chống tham nhũng thời gian qua đã tạo ra hiệu ứng biết sợ, không dám tham nhũng đối với những cán bộ có chức quyền, đây là chìa khóa quan trọng để nguồn tài chính quốc gia dồi dào, không bị thất thoát, có ngân sách chi nhiều hơn cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Đây cũng là một trong những nhiệm kỳ để lại một trong những dấu ấn đậm nét nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, điều này lấy lại niềm tin của Nhân dân với Đảng, lịch sử đã chứng minh: Một khi dân tin, dân theo thì khó khăn nào cũng vượt qua.
Nhờ làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh trách nhiệm người đứng đầu để tránh tình trạng sợ trách nhiệm dẫn đến sợ quyết, sợ ký làm ảnh hưởng đến công việc chung, nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội luôn đạt cao. Minh chứng sinh động nhất, 9 tháng năm 2024 thu ngân sách Nhà nước của thành phố Hà Nội đạt trên 376 nghìn tỷ đồng, cao hơn Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó vươn lên dẫn đầu cả nước. |
(Kỳ 2: Cải cách thể chế để không thể tham nhũng, lãng phí)
Bài viết cùng chủ đề
Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mìnhCó thể bạn quan tâm
Nên xem
Cơ hội việc làm hấp dẫn cho cộng đồng người khuyết tật
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Khai trương Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin
Độc đạo tập cuối: Cái kết bi thương cho nhân vật Hồng
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Đại biểu Quốc hội: Không thể để một công chức nếu không chi tiêu gì mất cả hơn trăm năm mới mua được nhà
Tin khác
Đột phá chiến lược cho kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 21/11/2024 08:44
Đoàn kết vì mục tiêu chung
Bình luận 19/11/2024 08:54
“Thần tốc” tinh gọn bộ máy
Thời sự 14/11/2024 11:29
Kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”
Thời sự 14/11/2024 09:10
Xây trường và học phí
Bình luận 12/11/2024 11:51
Góc nhìn dự án quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai
Bình luận 07/11/2024 12:09
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Bình luận 05/11/2024 18:28
Đột phá, sáng tạo để Hà Nội là nơi đáng sống, đáng đến
Thời sự 24/10/2024 20:18
Kỳ cuối: Để mọi “công bộc” không muốn tham nhũng
Thời sự 23/10/2024 00:00
Kỳ 2: Cải cách thể chế để không thể tham nhũng, lãng phí
Thời sự 22/10/2024 14:06