Xóm trọ công nhân và nỗi lo “bà hỏa”
Kỳ 5: Nghĩa tình nơi xóm trọ công nhân | |
Ghi nhận từ sự đổi thay |
Tại những khu nhà trọ dành cho công nhân quanh các khu công nghiệp, đặc biệt là những nhà trọ cấp bốn, đã xây dựng nhiều năm gần như không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy và không được trang bị các phương tiện để ứng phó khi có cháy nổ xảy ra.
Người thuê trọ cần sắp xếp đồ dùng trong phòng hợp lý để hạn chế tối đa các sự cố cháy nổ. |
Trong khi đó, lối thoát hiểm thường chỉ có một đường độc đạo, hệ thống dây điện không được thiết kế khoa học, chưa kể mỗi phòng trọ đều được công nhân thuê trọ tận dụng tối đa mọi khoảng trống để bày đồ đạc, thậm chí bếp ga cũng để trong phòng… tất cả những bất cập trên đều có khả năng dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy nổ. Vẫn biết là thế nhưng nhiều công nhân thuê trọ chia sẻ rằng họ “lực bất tòng tâm” và chỉ biết tự tìm hiểu các kỹ năng thoát nạn khi gặp sự cố cháy nổ để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Tìm đến một khu nhà trọ có đông công nhân thuê tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), chúng tôi được chị Nguyễn Thị Lý (quê Nghệ An) đang làm việc tại KCN Phú Nghĩa mời vào thăm căn phòng trọ của chị chưa đầy 10m2 nằm trong dãy nhà cấp bốn lợp mái fibro xi măng, được thiết kế thêm một trần nhựa để chống nóng nhưng đôi chỗ cũng đã mục nát.
Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC (Công an TP Hà Nội), trên địa bàn TP có 1.147 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước thời điểm Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực, tăng 555 cơ sở so với giai đoạn khảo sát bước đầu. Đáng chú ý, trong đó có 372 nhà chung cư, nhà tập thể, nhà cho thuê để ở; 18 công trình công cộng, tập trung đông người… Ngoài ra, Hà Nội hiện có hàng nghìn khu dân cư có ngõ nhỏ và sâu vài trăm mét. Các khu vực này dân cư đông đúc, nhà cửa chật chội, hệ thống dây điện chằng chịt, nhiều nơi người dân tự ý xây trụ bê tông hoặc hàn thanh ngang để cản đường ô tô. Trong khi đó, các gia đình đều chủ quan, ít trang bị thiết bị PCCC, nếu xảy ra hỏa hoạn, rất khó chữa cháy và giải cứu người. |
Trong căn phòng chưa đầy 10 m2 này, chị Lý sắp xếp đủ loại đồ dùng gồm: Giường đệm, tủ lạnh, tủ đựng đồ, bếp ga… khoảng trống cuối cùng ở giữa phòng chị dành để dựng xe. Hệ thống dây điện trong phòng được thiết kế chằng chịt, chất lượng dây điện cũng không biết có đảm bảo và liệu có xảy ra chập, cháy khi sử dụng điện quá tải không?
Khi được hỏi, chị có sợ sẽ xảy ra cháy nổ tại nơi mình ở không? Chị Lý nói: “Sợ chứ! Tôi cũng theo dõi thông tin trên báo đài, thấy đã xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ, trong đó có những vụ cháy nổ xảy ra tại những nhà trọ bình dân, đã gây thiệt hại lớn về người và của. Biết là thế, nhưng lương công nhân ba cọc ba đồng, đi làm xa quê chỉ muốn làm sao tiết kiệm được các khoản chi tiêu để có chút dư dả gửi về cho gia đình, chính vì thế tôi mới chấp nhận thuê trọ ở đây, cả tiền phòng, tiền điện nước chưa đến 1 triệu/tháng, cũng tạm chấp nhận được”.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc sắp xếp các đồ dùng và nấu ăn trong phòng như thế rất dễ xảy ra cháy nổ. “Hên xui thôi! Tất nhiên là không ai mong muốn như thế nhưng bất đắc dĩ mới phải để đồ trong phòng, giờ mà để ở ngoài khác nào biếu không cho trộm”- chị Lý cho hay.
Tìm đến một khu trọ khác tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), nơi tập trung hàng nghìn công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long thuê trọ, đi qua một ngách nhỏ khoảng vài chục mét, chúng tôi tới được phòng trọ và gặp anh Trần Văn Thành (quê Phú Thọ) khi anh đang tất bật chuẩn bị cho bữa ăn chiều để kịp đi làm ca đêm. Khi chúng tôi hỏi: “Nấu nướng trong phòng không sợ xảy ra cháy nổ sao?”. Anh Thành chỉ tay ra ngoài cửa và nói: “Đấy! mọi người xem, còn khoảng không gian nào nữa để mà đem bếp ra ngoài, có chỗ trống nào đều bị tận dụng hết để dựng xe, để đồ…
Anh Thành cho biết thêm, mọi người trong xóm trọ của anh cũng đã nhiều lần đề nghị chủ nhà trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy, ít nhất cũng phải có bình cứu hỏa. Nhưng chủ nhà cứ khất lần khất lượt, mãi chưa thấy trang bị gì. Mọi người cũng thường nhắc nhở nhau hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc để không xảy ra tình trạng quá tải, chập cháy dây điện, những phòng sử dụng bếp ga, đặc biệt là bếp ga mini cần khóa ga sau mỗi lần sử dụng, không sạc điện thoại qua đêm… Bởi suy cho cùng, nếu chẳng may “bà hỏa” ghé thăm thì người chịu thiệt hại đầu tiên vẫn là người thuê trọ, vậy nên cần phải chủ động tự bảo vệ mình.
Nhiều công nhân lao động cũng chia sẻ, khi đi làm tại các công ty trong các khu công nghiệp họ cũng đã được tập huấn các kiến thức về phòng cháy chữa cháy và được thực hành với những tình huống giả định. Ngoài ra, nhiều người cũng chủ động học các kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố cháy nổ qua mạng Internet.
Nhiều công nhân chia sẻ hiểu biết của bản thân:Nguyên tắc đầu tiên khi xảy ra sự cố về cháy, nổ là phải bình tĩnh và gọi điện thoại cho Cảnh sát phòng cháy chữa cháy theo số 114. Đồng thời quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di chuyển ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và hô hoán để mọi người ứng cứu.
Khi phát hiện ra cháy trong căn hộ nơi đang sinh sống cần thực hiện ngay việc cắt nguồn điện và nguồn cấp gas vào căn hộ (nếu có). Khi thoát hiểm, vì khói luôn bay lên cao nên để tránh bị ngạt khói, phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều và bịt khăn có thấm nước lên miệng, mũi để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.
Trong khi bò nên bò theo men bờ tường để tìm lối thoát nạn một cách nhanh nhất. Đồng thời trên đường đi, cần chủ động báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra. Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy trong quá trình thoát nạn. Nếu phải mở cửa thì phải dùng mu bàn tay để kiểm tra cánh cửa, cảm nhận độ nóng bên ngoài. Có thể hé cửa để quan sát nếu thấy khói, mùi hóa chất, hơi nóng dày đặc phải đóng cửa lại ngay.
Khi thoát hiểm, có khả năng đầu tóc, quần áo của mọi người sẽ bị bén lửa. Lúc này, tuyệt đối không được bỏ chạy vì càng chạy ngọn lửa càng bùng to và gây tổn thương nghiêm trọng. Nếu lửa cháy trên tóc phải nhanh chóng cởi áo trùm kín đầu để dập lửa. Nếu lửa bén lên quần áo phải nằm ngay xuống đất, lăn người qua lại hoặc lăn tròn đến khi lửa tắt hẳn mới đứng dậy.
Trong trường hợp ngọn lửa bùng phát, khói, khí độc bao trùm khiến bản thân không thể thoát ra ngoài cần bình tĩnh dùng chăn ẩm ướt hoặc băng dính bịt kín các khe cửa để tránh khói khí độc tràn vào phòng và ở tại phòng chờ lực lượng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đến để đưa ra nơi an toàn. Tuyệt đối không núp trong nhà vệ sinh.
Việc công nhân lao động được tập huấn kiến thức phòng cháy chữa cháy và tự tìm hiểu kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố cháy nổ là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, đối với các khu nhà trọ có đông đảo công nhân thuê trọ, chủ nhà trọ cũng cần đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, đồng thời người thuê trọ cũng cần sắp xếp đồ dùng trong phòng hợp lý để hạn chế tối đa các sự cố cháy nổ có thể xảy ra.
Mai Quý
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công dịp Tết Ất Tỵ 2025 kịp thời, đầy đủ
Đời sống 21/12/2024 17:35
Hầu hết các ngành nghề có triển vọng lương tích cực
Đời sống 21/12/2024 17:35
Kết quả cuộc thi “Sống Đẹp” mùa 4: Lan tỏa yêu thương qua từng tác phẩm
Đời sống 20/12/2024 13:59
Đồng Nai: Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 380 triệu đồng
Đời sống 19/12/2024 09:53
Những tín hiệu lạc quan thưởng Tết 2025
Đời sống 19/12/2024 09:30
Nóng trong người khi liên tục tiệc tùng cuối năm: Làm gì để thanh lọc, làm mát cơ thể ?
Đời sống 14/12/2024 22:00
Bình Dương: Doanh nghiệp thưởng Tết cao nhất dự kiến khoảng 375 triệu đồng
Đời sống 14/12/2024 20:41
Làm việc vào ngày nghỉ Tết Dương lịch, người lao động được tính thêm 300% lương
Đời sống 14/12/2024 10:22
Người trẻ sốt ruột, nóng trong người vì áp lực công việc ngày cuối năm
Đời sống 13/12/2024 15:51
Tết Dương lịch 2025, người lao động được hưởng những quyền lợi gì?
Đời sống 12/12/2024 06:21