“Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp…”
Lo lắm thay! | |
Hỏi anh Giáo dục nhé! | |
Đã có anh quản lý giá! |
-Quen là phải. Ngày đi học, chú hẳn phải nhớ bài thơ “Ta đi tới” của cố thi hào Tố Hữu…
-Đúng rồi, nguyên bản là “Ờ, đã 9 năm rồi đấy nhỉ/ Kháng chiến ba ngàn ngày chưa nghỉ…” Sao bác lại đọc là 10 năm?
-Ừ, thì tự nhiên tớ thấy lòng cứ phơi phới đúng như là “ta đi tới” ấy. 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội cũng đạt được nhiều thành quả như phơi phới lắm chứ.
-À, em tưởng bác cao hứng đọc thơ, chứ nói về thành quả của 10 năm Hà Nội mở rộng, với phát triển không ngừng nghỉ thì nhiều điều đáng nói lắm.
-Đúng vậy, trước hết phải kể đến kinh tế phát triển ổn định ở mức cao và đạt tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, đưa Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới; diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện và rõ rệt; sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ đạt được nhiều kết quả quan trọng.
-Rồi, công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng, quy mô và diện mạo đô thị được mở rộng, ngày càng hiện đại; an ninh chính trị, TTATXH được đảm bảo; vị thế, vai trò của Hà Nội trong nước, khu vực và quốc tế được nâng cao. Đặc biệt, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hiệu quả hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.
-Cũng phải nói thêm, từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 15 trên địa bàn nhiều huyện, sau 10 năm hợp nhất, đời sống vật chất tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 4 lần.
-Đó có thể nói là những thành quả nổi trội đáng ghi nhận từ một chủ trương đúng. Có phân tích sâu vào những lĩnh vực cụ thể mới thấy hết được sự đổi thay vượt bậc trong 10 năm Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính.
-Điều em tâm đắc nhất là Hà Nội đã coi cải cách hành chính là “chìa khóa” quan trọng hàng đầu và quyết định thành công của nhiều chương trình mục tiêu cũng như thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.
-Để từ đó, tớ thấy Hà Nội đã và đang dồn sức để ưu tiên hàng đầu cho cải cách hành chính. Qua thực tế những năm trước không phải không có chuyện người dân, doanh nghiệp … khi giao dịch với cơ quan công quyền đã vướng phải nhiều thủ tục nhiêu khê, rườm rà, cán bộ có biểu hiện quan liêu, hách dịch, vòi vĩnh, đã làm không ít người dân không hài lòng, thậm chí bức xúc.
-Chả thế mới có câu nói hài hước “Hà Nội không vội được đâu" đã phản ánh phần nào thực tế với hình ảnh Hà Nội đang khá đông đúc, còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập trong các giao dịch hành chính.
-Với riêng lĩnh vực cải cách hành chính, lãnh đạo Hà Nội cũng đang quyết tâm để “xóa” cụm từ này. Phát biểu tại Hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian qua, kinh tế Thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao. Hà Nội đang dần khẳng định mình là Thành phố đáng trải nghiệm, là trung tâm du lịch mới nổi của ASEAN. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Kê khai thuế điện tử đạt 98%. Hà Nội đang hướng đến một nền hành chính phi giấy tờ.“Như có đồng chí đã nói, Hà Nội đã khác, sắp hết thời nói "Hà Nội không vội được đâu" và sẽ thành câu "Hà Nội, không vội không xong”. Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội"
-Tìm hiểu về lĩnh vực này, có thể nói em tâm đắc nhất việc Hà Nội đã đề ra phương châm làm việc trên tinh thần “5 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả. Mỗi hồ sơ, thủ tục và công việc đều được gắn trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân.
-Đúng vậy, có như thế thì khi xảy ra ùn tắc, sự cố hoặc chậm trễ, có thể xác định trách nhiệm rõ ràng. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp làm thủ tục cũng được giám sát và xử lý nghiêm minh nếu thiếu tinh thần trách nhiệm.
-Chả thế mà, kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính mới nhất, thành phố Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chỉ số cải cách hành chính xếp theo lĩnh vực, nội dung, thì công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính của Hà Nội nằm trong nhóm tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Đúng là một sự thay đổi như có phép mầu.
-Bên cạnh việc cải cách hành chính, Hà Nội còn là điểm sáng về rà soát cắt giảm chi tiêu. Ở đó người ta nhìn thấy rõ một chính quyền hành động, liêm chính. Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri ở quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã gây sửng sốt khi công bố: Qua rà soát, tổ chức đấu thầu thu gom rác ở 30 quận, huyện đã giảm được 4.000 tỷ đồng.
-Và điều rất đáng nói là chi phí giảm hàng ngàn tỷ đồng nhưng chất lượng dịch vụ cũng tốt hơn, thành phố sạch đẹp hơn nhờ các đơn vị trúng thầu đều thực hiện tốt yêu cầu về việc thu gom, vận chuyển rác thải. Thậm chí, nhiều nơi còn nhập máy quét rác, hút bụi thuộc loại hiện đại nhất của Đức về, tổ chức cho công nhân đi tập huấn ở nước ngoài mà chi phí không hề tăng lên.
-Đáng lưu ý đây không phải là lần đầu Hà Nội làm được việc này. Trước đây, ông Nguyễn Đức Chung cũng đã yêu cầu rà soát chi phí cắt cỏ. Và chỉ 1 lệnh của ông, tổng chi phí cắt cỏ ở nhiều đại lộ, con đường của Thủ đô đã giảm 700 tỷ đồng trong 1 năm.
-Những hành động quyết liệt này rõ là đã tạo nên một Hà Nội với một diện mạo mới. Ngoài những thành quả về cải cách hành chính, thắt chặt chi tiêu…cũng phải kể đến công tác tổ chức bộ máy cán bộ, tinh giản biên chế, một vấn đề rất khó giải quyết khi hợp nhất Hà Nội-Hà Tây.
-Câu chuyện về biên chế hoàn toàn không mới mà đã được đặt ra nhiều năm qua với một định hướng chung, tinh giản biên chế. Cũng đã có rất nhiều ý kiến đưa ra về tình trạng bộ máy nhà nước cồng kềnh hoạt động kém hiệu quả. Thế nhưng trong khi dư luận xã hội và cả các cơ quan chức năng nói nhiều đến việc tinh giản biên chế thì trong thực tế lại đang diễn ra tình trạng ngược lại: Biên chế vẫn đang tăng lên.
-Chính vì vậy, đối với Hà Nội tinh giản biên chế không còn là khẩu hiệu suông. Theo báo cáo của Sở Nội vụ,TP Hà Nội đã hoàn thành sắp xếp bộ máy 22 sở và tương đương. Sau sắp xếp, từ 204 phòng, ban giảm còn 158, tức giảm 46; giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng. Số trưởng, phó phòng dôi dư được giảm dần trên cơ sở nghỉ hưu, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp”.
-Những con số thật ấn tượng.
-Có vấn đề này nữa, tớ cũng muốn bàn rõ thêm. Đó là có ý kiến cho rằng bên cạnh việc phát triển của nền kinh tế thị trường, việc Hà Nội mở rộng với dân số nội thành bằng dân số ngoại thành, lại có hàng chục vạn lao động chân tay của các tỉnh về kiếm sống…liệu Hà Nội có trở nên nhếch nhác, và dĩ nhiên cái văn hóa Tràng An sẽ khó mà lưu giữ?
-Theo em không thể đánh giá như vậy, nếu để tâm nghiên cứu về một Hà Nội ngàn năm văn hiến, ta sẽ thấy việc hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội sẽ làm phong phú thêm nét văn hóa hào hoa của Người Hà Nội. Sơn Nam Thượng , một trong những trấn cổ của tỉnh Hà Tây cũ là đất trăm nghề; Xứ Đoài là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, chính họ đã tạo nên 36 phố phường Hà Nội xưa với những nết văn hóa đa dạng và đặc trưng của đất kinh kỳ.
-Có phải vì thế mà cũng tại hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tinh thần doanh nhân đã thấm sâu và bền vững trong văn hóa của người Hà Nội, góp phần làm nên Hà Nội 36 phố phường nổi tiếng, Thủ tướng nêu rõ, đây không chỉ là truyền thống mà còn là tài sản vô hình quý giá thu hút các nhà đầu tư, làm động lực để tăng trưởng kinh tế.
-Rõ ràng, nếu làm một phác thảo về Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính thì trên phác thảo đó chắc chắn phải lấp lánh những gam màu sáng, như một sự khẳng định một quyết sách mang tầm chiến lược đối với Thủ đô.
-Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả vượt bậc như đã nói ở trên, không phải là Hà Nội không còn những hạn chế cần khắc phục.
-Tất nhiên rồi bác. Đặc biệt là về phát triển hạ tầng và phát triển đô thị, tình trạng đầu tư còn phân tán của các khu vực phát triển mới. Các dự án, khu xây dựng mới hình thành rất nhiều, nhưng chưa có khu đô thị nào đồng bộ đủ sức để thu hút dân cư, làm nhiệm vụ giảm bớt áp lực dân số trong khu vực nội đô. Các hạ tầng đi theo các khu đô thị chưa đồng bộ, chưa được thực hiện ở mức độ cao, cần được chú trọng khắc phục trong thời gian tới.
-Những khó khăn, tồn tại xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như tình hình thế giới diễn biến phức tạp; Hà Nội là địa bàn trọng điểm, đặc thù; dân nhập cư gia tăng gây áp lực quá tải lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hiệu quả giải quyết công việc ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, thiếu năng động, sáng tạo…
-Nhìn nhận rõ những mặt còn hạn chế, Hà Nội đã xác định, thời gian tới, với mục tiêu đạt mức tăng trường GRDP bình quân thời kỳ 3 năm 2018-2020 đạt trên 7,4%/năm, GRDP năm 2020 đạt trên 126 triệu đồng/người/năm, thành phố Hà Nội xác định phải nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0, thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sinh thái, công nghệ cao.
-Nói về những thành quả sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, không thể không nhắc tới tấm áo khoác đô thị đã phủ kín các vùng nông thôn; khoảng cách giữa thành thị và nông thôn đã được rút ngắn đáng kể.
-Đúng vậy bác, trước hết phải kể đến hệ thống cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm tại các huyện ngoại thành đã được thành phố thực hiện cấp điện cho các địa bàn chưa được dùng điện, quan tâm đầu tư chuẩn hóa giáo dục, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đến nay đã đạt 62%. Trong lĩnh vực y tế, nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị được đưa vào sử dụng. Các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, quản lý đô thị, dịch vụ hành chính công… ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh.
-Theo báo cáo tổng kết 10 năm hợp nhất, bộ mặt nông thôn Hà Nội có sự đổi mới toàn diện và rõ nét. Ðến nay, Hà Nội có 76,17% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Khoảng cách về đời sống giữa các vùng miền, khu vực đô thị và nông thôn ngày càng được thu hẹp; giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long và xứ Ðoài được gìn giữ, phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện…
-Sơ qua thế, vậy thôi nhé, tớ còn về chuẩn bị bài phát biểu cho cái hội thảo về những thành tựu sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc Hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội. Cảm ơn chú đã cung cấp cho nhiều thông tin bổ ích.
-Ô hay, bác giả vờ nói chuyện để moi “chất xám” của em à? Vậy tiền bồi dưỡng hội thảo nhớ cho em chầu bia nhé.
-Nhất định rồi. Chú yên tâm đi: “Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp/rắn như thép, vững như đồng…”
-“…Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp/ Cao như núi, dài như sông/ Chí ta lớn như biển đông trước mặt…”.Thật nể bác.
Thiện Tâm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Hà Nội tự tin tạo kỳ tích trong kỷ nguyên mới
Thời sự 19/12/2024 16:28
Lại câu chuyện giá nhà!
Bình luận 19/12/2024 06:27
Chỉ đạo quyết liệt, triển khai phải nhanh, hiệu quả
Bình luận 13/12/2024 15:40
Giải bài toán giải phóng mặt bằng
Bình luận 12/12/2024 14:06
Cần góc nhìn đồng cảm!
Bình luận 10/12/2024 16:03
“Cách mạng” về môi trường
Bình luận 05/12/2024 11:52
Cấm thuốc lá điện tử, các bậc phụ huynh thở phào…
Bình luận 03/12/2024 07:25
Tổ chức không thể thiếu của giai cấp công nhân
Bình luận 28/11/2024 11:43
Cũng nên "cách mạng" về giáo dục - đào tạo
Bình luận 26/11/2024 10:00
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49