Lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội: Buốt giá trong những căn lều te tua
Bảo vệ tốt quyền lợi của lao động nữ | |
Những người quên Tết | |
Công nhân lao động ngoại tỉnh: Âu lo mùa cưới |
Xóm trọ che chắn mùa đông bằng thùng xốp. Ảnh: HP |
Lạnh về lại tốn thêm khoản tiền
Khu trọ nằm cuối một ngách hẹp, ngõ 879 đường Đê La Thành, Hà Nội, thường được gọi là ngõ bậc thang, nằm cách đầu dốc Bệnh viện Nhi Trung ương vài chục mét. Cả khu trọ này, hàng trăm người tá túc. Hầu hết họ là phụ huynh của các bệnh nhi ở tỉnh xa về Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị cho con.
Gió lạnh đầu mùa khiến tất cả không kịp trở tay. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, quê ở Thanh Ba, Phú Thọ, người thuê trọ ở đây cho biết: "Mỗi đêm ngủ tại buồng kê phản tập trung, chủ nhà thu 15.000 đồng. Hai hôm trước chỉ đắp cái vỏ chăn mỏng, thậm chí còn phải bật quạt đuổi muỗi. Từ chiều tối qua, mọi người tất tả chạy tới chạy lui hỏi nhau chỗ bán chăn giá rẻ, lại mất thêm khoản tiền. Con tôi điều trị ngoại trú, sợ nhất là con đang bệnh, bị cảm lạnh nữa thì gay”.
Theo tìm hiểu của PV, khu trọ này có những chủ trọ tốt bụng không lấy tiền phòng các bệnh nhân ung thư đang xạ trị. Các bệnh nhân chạy thận, giảm giá thuê trọ xuống còn 10.000 đồng/ngày đêm đối với những trường hợp khó khăn. Thậm chí, nhiều trường hợp éo le có chủ trọ còn cho tiền tàu xe về quê. Tuy nhiên, trước cái lạnh đầu đông, người trọ nghèo phải mất thêm một khoản tiền kha khá khi phải mua quần áo ấm, chăn, quạt sưởi cho người bệnh. Chị Thoa chia sẻ: “Hôm xuống Hà Nội trời còn nắng nóng, mới trở lạnh người nhà không kịp gửi chăn và quần áo xuống nên phải đi mua. Nhiều hoàn cảnh khó khăn quá, mọi người có kinh tế đỡ hơn lại góp tiền mua chăn cho họ”.
Anh Vũ Văn Lưu, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đưa con xuống Bệnh viện Nhi Trung ương chữa viêm phổi cấp. Theo chỉ dẫn của người quen, sau khi con nhập viện, anh đi tìm phòng trọ. Tìm được phòng trọ anh lại phải gửi con nhờ trông giúp để ra đầu phố Nguyễn Khánh Toàn mua mấy cái áo ấm giá rẻ cho hai cha con. Tuy không muốn phát sinh chi tiêu nhưng đây là khoản chi phát sinh bắt buộc phải có.
“Tối đến, cả nhóm người cùng thuê trọ ngồi bên nhau kể chuyện một ngày chạy chữa bệnh tật, chạy giấy tờ, tình hình tiến triển của bệnh nhân, chia sẻ nỗi nhớ nhà, sự lo lắng cho con cái người thân ở quê, lo lắng xoay tiền chữa trị để xua đi cái lạnh giá. Rét kéo dài nên các bệnh viện đã quá tải lại còn thêm quá sức bởi số bệnh nhân lâm bệnh trong những ngày này tăng vọt. Các bác sĩ cảnh báo, đây là thời điểm mà các bệnh về đường hô hấp sẽ bùng phát và cả bệnh tiêu chảy ở trẻ em cũng rất dễ thành dịch nếu không được phòng tránh đúng cách khiến tôi lo quá”, anh Lưu than thở.
Những nỗi lo
Cuộc sống tạm bợ của dân ngụ cư. |
Giữa ngày gió lạnh đầu mùa tràn về, tôi ghé khu dân cư số 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình. Những lán trọ lụp xụp, đồ đạc sơ sài, trẻ em vẫn manh áo cộc mỏng mạnh, càng khiến không gian dường như buốt lạnh hơn nhiều lần so với phía bên kia đường, nơi phố xá sầm uất.
Những dãy lều lụp xụp đến độ nếu nhìn thoáng qua, ít người nghĩ đây là nơi có người ở. Những căn nhà cấp 4, lợp mái brô xi măng liêu xiêu trong gió rét. Để chắn gió, nhiều người ra sức dùng các thùng xốp đựng hoa quả, ván gỗ, bạt ni lon... căng chằng chịt khắp nơi. Mỗi căn phòng rộng chừng hơn 10m2 là sự chung đụng sinh hoạt của 3-4 người. Tất cả các phòng đều bừa bộn quần áo và chỉ có 1-2 tấm chăn đã ngả màu để đắp chung.
Anh Nguyễn Mạnh Hà, quê ở Văn Lâm, Hưng Yên, một người thuê trọ tại đây cho hay: "Tôi chịu được lạnh nên khoản tiền mua chăn, tôi thà dành dụm vì cũng gần hết năm rồi. Tôi có tấm chăn mỏng, gấp chăn làm đôi, nửa để đắp, nửa kia lót dưới lưng là xong. Như này cũng thấy tốt rồi, còn hơn người đang phải ngủ gầm cầu, không có nhà để về". Anh Hà nói không chỉ riêng anh mà dân ngụ cư xóm trọ này đều chịu lạnh rất tốt. Anh kể, ban ngày đi làm việc tay chân, nhiều lúc mồ hôi chảy ròng ròng giữa mùa đông. Đêm ngủ thì có cái áo nào họ mặc tất vào người là ấm.
Ở giữa trung tâm Hà Nội, ngách 59, ngõ Linh Quang (quận Đống Đa) dài khoảng hơn 100m, lối đi duy nhất thông ra mặt hồ Linh Quang nhiều năm nay tồn tại xóm trọ ngụ cư, lụp xụp, tồi tàn. Những mái nhà tạm bợ hai bên ngách 59 được phủ dưới bóng những rặng tre, nơi có con kênh đen ngòm chảy qua, bốc mùi hôi thối quanh năm. Nhưng đó là nơi trú ngụ của hàng trăm con người lao động từ các tỉnh lân cận trở về Hà Nội kiếm sống.
Theo quan sát của PV, cả khu trọ dùng chung một bồn chứa nước sinh hoạt miệng hình tròn, làm bằng xi măng đã cũ, xung quanh rêu xanh bám tua tủa. Dung tích bồn chứa nước dùng chung này chỉ khoảng hơn 1m3. Ngoài thời gian đi làm rong ruổi khắp Thủ đô làm đủ nghề mưu sinh kiếm sống, về đến khu trọ họ chỉ biết thu mình trong tấm chăn mỏng đối phó với mùa đông. Con đường nhỏ hai bên là rác thải chất cao ngang ngực người chạy sâu vào trong ngõ, nơi mép hồ Linh Quang. Càng ra phía hồ, mùi hôi thối càng nặng, ruồi muỗi càng nhiều. Ngày lạnh, mùi xú uế không thoát được, quanh quẩn cả xóm khiến người mới đến như chúng tôi cảm thấy tức ngực, khó chịu.
Hàng chục căn hộ, trong mỗi phòng lại có ít nhất 4 người, tất cả sống trong môi trường chật bẩn đó. Họ lấy nước nấu cơm, rửa rau, đi vệ sinh, thậm chí trẻ con mình trần tắm giặt... nước chảy ra cả con đường đất ẩm thấp, nhầy nhụa. Một số gia đình làm nghề đậu phụ, nước thải màu trắng đục, mùi chua chảy quanh quẩn nhả rồi xả xuống kênh. Bà Thu cho biết: "Mùa hè vừa rồi, dịch sốt xuất huyết đã làm mấy người phải nhập viện. Mùa rét đến, ruồi muỗi có ít hơn nhưng lại lo mắc đường hô hấp và tiêu chảy”. Bản thân bà Thu mùa hè vừa rồi ốm một trận thập tử nhất sinh vì sốt xuất huyết. Bao nhiêu vốn liếng bà dành dụm từ đầu năm đến lúc đó đã đi vèo trong một tuần nằm viện. Bà Thu lo khi mình đã có tuổi, gặp phải cảm lạnh thì cuối năm tay trắng.
Cũng không khó để bắt gặp những lao động ngoại tỉnh không có tiền thuê nhà, cuốn quanh cái chăn mỏng nằm co ro nơi góc hiên tòa nhà nào đó. Nghe đài báo nhiệt độ tiếp tục giảm sâu, không ít người trong số họ lại lo lắng...
Bà Thu, quê ở Đông Anh (Hà Nội) trọ ở khu này, hành nghề bán rau, chỉ vào thùng nước cho cả khu dùng, nói: “Điều kiện sống ở đây tồi tàn vậy nhưng nếu thành phố giải tỏa để cải tạo lại hồ Linh Quang, chúng tôi không biết trú chân ở đâu để có giá rẻ như thế này”. |
Theo Hà Phương/Gia đình và xã hội
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33