Hiểm họa sau những "tiếng cười"!
Bóng cười hay bóng ma?
Cho chúng tôi xem tấm hình người chồng (27 tuổi) đang điều trị trong bệnh viện tâm thần – hậu quả của việc hít bóng cười trong gần một năm qua, chị Nguyễn Ngọc Hoa vừa tức giận vừa xót xa. Chị Hoa kể, Anh H. (chồng chị) bắt đầu hít bóng cười từ tháng 9 năm ngoái đến tháng 5 năm nay thì mất dần vị giác, sau đó bị tê liệt hai chân rồi tê dần lên hai tay. Hồi đầu, anh H. chỉ thi thoảng mới hít vài quả, sau đó mua cả bình về hít.
“Trung bình mỗi ngày chồng em dùng một bình, sau thì hít dần lên mỗi ngày 2, 3 bình mới đủ. Lại còn hít không sót tí khí nào trong bình. Miệng lúc nào cũng trong tình trạng ngậm quả bóng như kiểu thiếu ô – xy vậy. Đi chơi cũng mang bình bóng theo, ăn cơm xong cũng phải hít, đi vệ sinh cũng phải mồm ngập bóng kèm theo hai quả hai tay. Đêm đang ngủ mà giật mình dậy cũng phải làm mấy quả xong ngủ tiếp”, chị Hoa cho hay.
Chồng chị Hoa mua cả bình khí về nhà dùng, mặc dù mọi người trong gia đình đều đã can ngăn và chỉ ra tác hại của bóng cười. (ảnh: N.H) |
“Chồng em chơi nhiều đến mức anh chị của chồng em còn chửi và cấm không cho ai bán bóng cho chồng em. Vậy mà chồng em vẫn không biết sợ, cứ nghĩ ai bị thì bị còn mình thì chả sao cả, mãi đến lúc phải nhập viện mới biết sợ mà khi dừng thì sức khỏe đã nghiêm trọng lắm rồi. Em khuyên thật lòng, các anh chị hay bạn nào còn u mê thì nên bỏ đi, không đến lúc hối hận cũng sẽ không còn kịp nữa...”
Cũng theo chị Hoa, hiện tại, anh H. vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện. Lúc mới nhập viện, đi đâu cũng phải có người dìu. Sau khoảng hai tháng mới tự bám vào tường đi tập tễnh. Không chỉ vậy, tác hại của bóng cười còn gây ra trạng thái như hay nghi ngờ, đôi khi còn vô cớ nổi nóng hay đặt điều lung tung,... Có khi khà khịa rồi đánh nhau với người xung quanh.
“Đó là những cái bản thân chồng em đang mắc phải, thật là bóng ma chứ bóng cười gì. Em chia sẻ câu chuyện này vì em biết giới trẻ bây giờ quá chuộng bóng cười. Nó như là thú vui của các bạn trẻ nên em mới kể để mọi người thấy tác hại của nó gây ra cũng như nhắc nhở người thân của mình đừng bao giờ vập vào cái loại này”, chị Hoa nói.
Bệnh nhân nhập viện gia tăng
Trong 2 năm trở lại đây, tại các bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, số bệnh nhân nhập viện do hít bóng cười và các chất ma túy đều gia tăng. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhập bệnh nhân ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, và ngộ độc ma túy dẫn tới tổn thương thần kinh. Đối với bệnh nhân hít bóng cười, đa số đều nhập viện khi cơ thể có cảm giác tê bì, đi không vững, phấn khích, ức chế thần kinh,...
Trường hợp điển hình là một thanh niên 21 tuổi, sau khoảng 6 tháng hít bóng cười liên tục đã phải nhập viện điều trị. Theo lời kể của bệnh nhân, hầu như ngày nào bệnh nhân này cũng hít hàng chục quả bóng cười để cảm nhận được sự “sảng khoái đã đời”. Khi nhận thấy có biểu hiện mất thăng bằng, yếu tay chân và tê bì từ ngón chân lên đến vùng thắt lưng, tê bì 2 bàn tay, đôi lúc có cảm giác tê bì lan đến ngực, bệnh nhân mới đi khám.
Một bệnh nhân bị ngộ độc khí N2O dẫn đến ức chế thần kinh, gây đột quỵ dạng nhẹ. (ảnh: NV) |
Hay một trường hợp khác, là một nam thanh niên 26 tuổi bị rối loạn cảm giác, vận động sau hơn một năm chơi bóng cười. Bệnh nhân cho biết, ban đầu chỉ dùng 1-2 quả một lần và có cảm giác “phê”. Dần dần số lượng anh dùng ngày càng tăng, có thể lên tới 20-30 quả cho một lần chơi và thường xuyên hít khí. Thanh niên này bị tổn thương tủy sống cổ, mất chất liệu tủy sống. Đây là một trường hợp điển hình của ngộ độc khí N2O do lạm dụng bóng cười, dẫn tới tổn thương thần kinh.
Tại Trung tâm chống độc cũng từng điều trị cho một nữ bệnh nhân 16 tuổi, người mệt mỏi, cơ lực yếu hơn bình thường, đặc biệt hai chân yếu khiến việc đi lại khó khăn. Bệnh nhân hít bóng cười trong 6 tháng, mỗi lần hít hàng chục quả.
Vô cùng nguy hiểm
Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn – Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, ở nhiệt độ bình thường, N2O là chất không màu, không mùi, có vị ngọt nhẹ. Ở nước ngoài loại khí này được dùng trong nha khoa, y khoa, bằng cách nitơ trộn với oxy và cung cấp thông qua một mặt nạ, mục đích để giảm đau, giúp bệnh nhân có cảm giác thoải mái, không sợ hãi.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, khí cười là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Sau khi hít khí N2O, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Khi vào cơ thể, nó gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. Chỉ riêng cười quá mức, liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu tình trạng xảy ra trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp. Người dùng còn có nguy cơ tử vong do biến chứng về tim mạch, rối loạn nhịp tim. Với những người đang lái xe có dùng bóng cười sẽ rất nguy hiểm.
TS La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư cũng cho biết, khi ông còn công tác đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân ngộ độc do hít bóng cười. Bệnh nhân đến viện trong các độ tuổi khác nhau, chủ yếu là người trẻ, đang trong độ tuổi đi học và lao động, thậm chí có trường hợp còn đang là học sinh cấp 3. “Sử dụng bóng cười nhiều và lạm dụng sẽ dẫn tới rối loạn thần kinh, trong đó có chứng mất trí nhớ”, TS La Đức Cương nói.
Cũng theo TS La Đức Cương, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Đây là lý do nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, cho rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Tuy nhiên, xu hướng sẽ tăng liều dần và sẽ gây nguy cơ ngộ độc. Và khi đã quá quen cảm giác “phê” ảo giác của bóng cười, người dùng sẽ cảm thấy nó không tạo ra nhiều kích thích nữa, lúc này họ rất dễ tìm đến thứ tạo cảm giác “phê” mạnh hơn như ma túy, thuốc lắc. Khi dùng nhiều lần sẽ để lại nhiều hậu quả trên thần kinh (tổn thương não, di chứng của xuất huyết não, thiếu máu não), tim mạch (suy tim, bệnh cơ tim, hẹp mạch vành nhiều vị trí), tâm thần (trầm cảm, các dạng rối loạn tâm thần)… Nếu bệnh nhân ngộ độc nặng, dễ gây tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo, giới trẻ nên tránh xa bóng cười, ngay cả khi sử dụng một lần cũng không nên, bởi dùng một vài lần sẽ gây nghiện và lần sau lại hít nhiều hơn lần trước, dẫn đến khó bỏ.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Các bến, bãi, trạm trộn bê tông không phép ở Sóc Sơn - Kỳ 4: "Quả bóng" trách nhiệm
Điều tra - bạn đọc 05/12/2024 14:24
Kỳ 3: 2 trạm trộn bê tông xả thải ra sông Cầu?
Điều tra - bạn đọc 30/11/2024 19:49
Kỳ 2: Hàng loạt bãi vật liệu xây dựng “ăn theo” cảng Hòa Bình
Điều tra - bạn đọc 28/11/2024 12:32
Các bến, bãi, trạm trộn bê tông không phép ở Sóc Sơn - Bài 1: Cảng Hòa Bình bị phạt vẫn... bình yên
Điều tra - bạn đọc 26/11/2024 21:52
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Điều tra - bạn đọc 23/11/2024 15:04
Công an tỉnh Kiên Giang phản hồi đơn tố cáo của bạn đọc báo Lao động Thủ đô
Điều tra - bạn đọc 02/11/2024 14:22
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Huyện Định Quán mắc mớ gì mà chưa báo cáo?
Điều tra - bạn đọc 14/10/2024 10:44
Liên quan đến loạt bài “Xâm phạm hồ Trị An”: Chỉ có Tỉnh uỷ Đồng Nai mạnh mẽ vào cuộc
Điều tra - bạn đọc 19/09/2024 09:12
Cần nghiêm trị những "bảo mẫu" có hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em
Điều tra - bạn đọc 05/09/2024 15:50
Công an xã Văn Đức (Gia Lâm): Không có căn cứ để thiết lập hồ sơ theo đơn thư phản ánh
Điều tra - bạn đọc 28/08/2024 10:24