Hàng loạt lao động bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài: Hậu quả từ nhiễu thông tin
Kì 1: Xuất khẩu lao động làm... “khổ sai”!
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), trong 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm có khoảng trên 80.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ có nhu cầu ra nước ngoài làm việc chủ yếu tiếp nhận thông tin từ người thân, bạn bè, qua các trung gian về địa phương tư vấn hoặc thông qua cộng tác viên tư vấn, tuyển chọn của các doanh nghiệp dịch vụ và số ít khác là qua thông tin báo đài. Song, do phần lớn NLĐ chủ yếu là lao động phổ thông nên nhận thức và sự hiểu biết có hạn cộng với thông tin tư vấn không đầy đủ dẫn đến gặp nhiều rủi ro không thể lường trước.
Từ rao mạng đến rỉ tai
Hiện nay, lên mạng internet không quá khó để có thể tìm thấy dòng thông tin kiểu “Tuyển nhân viên nữ sang Malaysia làm việc mà không cần tiếng Anh với mức lương 10 triệu đồng/ tháng. Ứng viên được tạm ứng chi phí từ A- Z, trừ dần vào lương tháng sau. Chi tiết xin liên hệ theo số ĐT …” hay “Tuyển lao động đi làm giúp việc gia đình tại Úc, Ả rập- Xê út với công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, không mất chi phí”… Chính những dòng thông tin ngắn gọn, đơn giản trên mạng lan nhanh qua các địa chỉ Face book, được nhiều thanh niên ở huyện Mỹ Đức, Thanh Oai (Hà Nội) thì thầm truyền tai nhau. Đó cũng là thông tin khiến nhiều bạn nữ khác ở các tỉnh phía Nam đã xách valy xuất ngoại mà không biết điều gì đang đợi mình ở phía trước.
Dù đã về nước hơn 3 tháng nhưng khi kể lại những chịu đựng đắng cay, tủi nhục khi làm giúp việc tại Arập Xêút, chị N.T.V. (SN 1981, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Mỹ, quận 7) vẫn còn chưa hết bàng hoàng.Chị được một người phụ nữ (trên danh thiếp ghi là chuyên viên tư vấn và tiếp nhận hồ sơ của Công ty Cổ phần Quốc tế N.M, có trụ sở ở Hải Phòng) thường trú ở Tây Ninh giới thiệu đi XKLĐ sang Úc để giúp việc nhà với mức lương 400-500USD, mà không phải mất bất kỳ chi phí nào. Thế nhưng đến khi làm giấy tờ khám sức khỏe, chị lại thấy ghi là đi làm ở Arập Xêút. Song chị V đã không còn nghi ngại khi người môi giới XKLĐ cho chị số điện thoại để nói chuyện với một số người đang làm công việc này ở nước ngoài.
Khi vừa đặt chân xuống sân bay ở Arập Xêút, chị đã bị đưa vào một khu tập trung giống như một "trại tị nạn", và ở đó trước khi chủ nhà đến làm các thủ tục đưa về. “Tại đó, tôi bị thu giữ tất cả giấy tờ tùy thân. Họ xếp cho mỗi người một giường, hành lý không cho mang vào. Nhìn sơ tại trại, tôi thấy phải có trên 200 phụ nữ của nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Nepal… cũng như tôi tới đây làm công việc giúp việc nhà"- chị V kể. Còn công việc thì trái hoàn toàn với những gì chị được nghe. Lịch làm việc của chị từ 4h sáng cho tới 12h đêm. Nhưng chưa hết, chỉ 2 tuần sau, chị bị đánh đập, chửi bới, xâm hại tình dục thường xuyên bởi những thành viên trong gia đình chủ nhà, từ người ông 70 tuổi cho đến những đứa cháu (chỉ đáng tuổi con chị). “Tôi thân cô thế cô, không biết kêu cứu ai vì khu vực tôi ở rất hoang vắng", chị V. bật khóc tức tưởi. Điều trớ trêu nhất là, làm hết 4 tháng vẫn không thấy chủ nhà đả động gì tới chuyện tiền lương. Sau đó chị phải hỏi đi hỏi lại, chủ nhà mới trả cho chị số tiền tương đương 300USD. “Thấp hơn nhiều so với mức lương được công ty XKLĐ hứa hẹn”- chị V cho hay. Sau rất nhiều lần liên lạc và kêu cứu, cuối cùng chị V đã kết nối được với người mẹ nuôi và mẹ đẻ để nhờ viết đơn gửi các cơ quan chức năng trong và ngoài nước khẩn thiết nhờ giải cứu. Đến cuối tháng 9/2014, chị mới được giải cứu về nước sau 6 tháng tuyệt vọng đau đớn ở xứ người. “Tôi nói ra câu chuyện của mình để làm bài học cảnh báo cho những người khác trước khi ra nước ngoài lao động", chị V. chia sẻ.
56989
Mới đây, ngày 5/1/2015, cảnh sát Malaysia cũng đã đột kích vào 2 tụ điểm nhà hàng ăn chơi tại Seri Manjung, thuộc huyện Manjung của bang Perak phát hiện và giải cứu hàng trăm nữ tiếp viên người nước ngoài đang bị ép phục vụ khách. Trong số đó có tới 108 phụ nữ Việt Nam có độ tuổi từ 16 đến 32 và rất ít người trong số này có hộ chiếu. Tờ Strait time dẫn lời Cảnh sát trưởng Ang Ah Ban của cảnh sát hoàng gia Malaysia cho hay, các cô gái nước ngoài, trong đó có Việt Nam, bị dụ dỗ sang Malaysia với lời hứa hẹn sẽ có việc làm ổn định, thu nhập cao. Tuy nhiên, khi đến đây, họ lại bị những kẻ lừa đảo ép phục vụ khách trong các tụ điểm ăn chơi và nhà hàng. Cảnh sát đã nhận được tố cáo từ các nạn nhân và dựa vào đó, họ đã tiến hành những cuộc đột kích vào tụ điểm…
Mánh khóe liên kết, mượn danh
Với sự can thiệp của cơ quan chức năng và báo chí (trong đó có báo Lao động Thủ đô) cùng với việc cử người sang giải quyết sự việc của DN XKLĐ, tháng 11/2014, 3 lao động ở Thanh Miện - Hải Dương có đơn kêu cứu gửi lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) mới được đưa về. Họ về nước trong tình trạng sức khỏe bị suy kiệt phải sống 2 tháng trong điều kiện nơm nớp bị cảnh sát bắt, ăn ở tối tăm dưới tầng hầm, thiếu nước sinh hoạt, rận rệp, đi làm không được trả lương. Chiều 13/11, đón con trai từ Malaysia về, bà Đỗ Thị Thủy, 55 tuổi, ở thôn Lam Sơn, xã Lam Sơn (Thanh Miện - Hải Dương) mẹ đẻ Đặng Tuấn Linh (19 tuổi), nói trong nước mắt: “2 tháng 3 ngày làm ở Malaysia mà công ty bên đó không trả một đồng lương nào, mới sang đã bị cảnh sát bắt, lột hết tư trang, tiền bạc mang theo. Con tôi, từ một thanh niên khỏe mạnh 70 kg, đã sút gần 20 kg. Tôi đã cầu cứu Cty xin cho con tôi về nước cả tháng, họ hứa lần này đến lần khác không giải quyết. Gia đình tôi cũng mong cháu đi có việc làm có thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Nhưng từ ngày cháu đi, bao nhiêu chuyện xảy ra, gia đình tôi suy sụp cả về kinh tế lẫn tinh thần”.
Theo phản ánh của người nhà lao động Đặng Tuấn Linh, Nguyễn Văn Giang, Vũ Văn Thuấn thì vào tháng 7/2014, một người phụ nữ cùng xã tên Đỗ Thị Hạnh giới thiệu cho ba gia đình về đơn hàng đi Malaysia làm việc trong ngành xây dựng, ốp lát gạch do Công ty cổ phần Giáo dục và đào tạo quốc tế Sài Gòn (trụ sở tại lô số 1 đường Lương Thế Vinh, TP Hải Dương) tổ chức. Theo thông báo tuyển dụng, công ty này liên kết với Chi nhánh Công ty cổ phần tập đoàn FLC tại TP Hồ Chí Minh đưa lao động sang Malaysia, cam kết mức lương tối thiểu 12 triệu đồng/người/tháng (tương đương 2.000 RM). Nếu làm thêm giờ, tổng mức thu nhập có thể lên tới trên 20 triệu đồng (hơn 3.000 RM)/tháng. Chi phí xuất cảnh là 2.000 USD. Lao động nộp 1.000 USD đặt cọc, số tiền còn lại công ty cho vay và trừ dần vào lương khi qua Malaysia làm việc. Bà Thủy trần tình: “Tại chi nhánh công ty ở Hải Dương, nhân viên bật đĩa DVD cho chúng tôi xem nơi ăn ở và nơi làm việc tại Malaysia. Đó là tòa nhà cao tầng đã hoàn thiện, chỉ còn chờ ốp lát. Ai chưa có nghề thì phụ ốp lát, không phải làm ngoài trời. Phòng ở từ 4-6 người ăn ở có xe đưa, xe đón. Bữa trưa chủ cung cấp miễn phí. Con tôi học hết cấp 3, đang thất nghiệp, thấy lời giới thiệu hấp dẫn, nên tôi đăng ký cho cháu đi”.
Về việc này, văn bản của Sở LĐTBXH Hải Dương đã khẳng định: “Chi nhánh Công ty cổ phần Giáo dục và đào tạo quốc tế Sài Gòn không được phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định” và “Công ty cổ phần tập đoàn FLC - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã vi phạm quy định về tuyển chọn và quản lý lao động, vi phạm quy định các hành vi bị nghiêm cấm như không thực hiện việc ký hợp đồng cung ứng lao động với đối tác Malaysia và đăng ký hợp đồng cung ứng lao động với Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội”. Thế nhưng, theo người nhà của 3 lao động trên thì đi cùng đợt với họ còn có tới gần 40 lao động khác ở địa phương cũng được tuyển đưa đi.
Câu chuyện này lại thêm một lần cho thấy việc dễ dãi trong liên kết, tuyển nguồn của các DN XKLĐ cùng công tác kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng chưa được chặt chẽ đã khiến NLĐ nghèo phải gánh chịu hậu quả nặng nề cả về vật chất và tinh thần.
(Bài 2: Minh bạch thông tin bằng cách nào?)
Hữu Thành
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Việc làm 22/11/2024 21:29
Cơ hội việc làm hấp dẫn cho cộng đồng người khuyết tật
Việc làm 21/11/2024 15:49
Ngày 21/11 diễn ra Phiên giao dịch việc làm tuyển dụng lao động là người khuyết tật
Việc làm 20/11/2024 22:37
Hà Nội: Doanh nghiệp có xu hướng tăng tuyển dụng mùa cuối năm
Việc làm 17/11/2024 06:12
Thị trường lao động TP.HCM: Đến hẹn… lại thiếu!
Việc làm 14/11/2024 14:37
Điểm danh 10 nhóm ngành nghề “hot” trong tương lai
Infographic 12/11/2024 13:44
Hà Nội vượt chỉ tiêu giải quyết việc làm năm 2024
Việc làm 12/11/2024 11:53
Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp thúc đẩy phong trào sáng kiến cải tiến
Việc làm 12/11/2024 06:12
Hà Nội: Phát huy vai trò của phụ nữ trong khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Việc làm 09/11/2024 06:56
Cơ hội tiếp cận việc làm tốt, thu nhập hấp dẫn
Việc làm 08/11/2024 22:43