Mưu sinh nơi phố thị
Người lao động vật lộn mưu sinh dưới cái nắng như "đổ lửa" ở Thủ đô | |
Nhọc nhằn làm việc dưới trời nắng nóng |
1. Tôi thường lui tới những quán cà phê nhiều tầng, chọn một góc ngoài ban công để ngắm phố phường, nhìn dòng người qua lại. Không phải các toà nhà chọc trời hay ô tô hiện đại, sang trọng, chính hình ảnh những người bán hàng rong, lặng lẽ kiếm sống, mưu sinh nơi hè phố mới khiến tôi ấn tượng.
Vỉa hè không đơn giản chỉ dành cho người đi bộ mà còn liên quan đến nhiều thứ khác, trong đó có văn hóa, kinh tế, cuộc sống mưu sinh của nhiều người. Ảnh: Giang Nam |
Dưới cái nắng gần 40 độ ngoài trời, họ vẫn lang trên khắp các con đường, ngõ nhỏ, rao bán đủ thứ quà vặt, nhu yếu phẩm như cốm làng Vòng, xôi xéo, hoa quả... Giữa những lấp lánh, phồn hoa, từng góc phố ở Hà Nội đều có thể trở thành nơi kiếm sống của những người lao động từ các tỉnh đổ về. Với họ, Thủ đô không chỉ có ánh đèn màu lấp lánh, phồn hoa, rực rỡ...
Đạt là em họ tôi. Tên đầy đủ là Đinh Văn Đạt. Quê tôi là một vùng chiêm trũng xa nội thành. Hạt lúa, củ khoai và những cánh đồng trải dài tít tắp là tất cả những ưu ái bình dị nuôi dưỡng người quê khôn lớn. Thế nhưng, đất quê chỉ có thể dưỡng dục chứ khó có thể mang lại cuộc sống đủ đầy. Như nhiều thanh niên làng, muốn thoát đi lớp vỏ bọc ấy, tìm đến chốn phồn hoa Đạt bỏ học sớm. Ra Hà Nội, Đạt làm đủ nghề, từ đánh giày, dắt xe quán bia và giờ chạy xe ôm Grap. Hôm gặp Đạt, em bảo với tôi, nơi làm việc của em là ở… vỉa hè.
Cũng phải. Góc vỉa hè nhỏ gần trường Bưu chính Viễn thông là nơi Đạt dừng xe đón khách. Ngày có 24 tiếng thì trừ 6 tiếng cho việc ngủ ở phòng trọ thì Đạt đều ở góc vỉa hè đó. Gần hai năm chạy xe, Đạt bảo chẳng ngõ ngách nào ở thành phố mà em không biết cả. Rồi Đạt kể, để mua được chiếc xe máy hành nghề, em phải chạy vạy vay tiền, mua lại chiếc xe cũ của người chị họ với giá bảy triệu đồng. Chạy xe ôm một năm thì trả xong nợ.
Nhắc chuyện nghề, Đạt tâm sự, chạy xe chủ yếu đón khách ban ngày, đêm ít khách hơn. Bù lại, đến đêm đường vắng, không tắc đường, tiết kiệm được tiền xăng xe. Cân đi, đo lại thì nghề cũng mang lại thu nhập cho Đạt từ 50.000 – 250.000 đồng/ngày. Thu nhập túc tắc, song nghề xe ôm của Đạt cũng đối mặt không ít nguy hiểm. Em nói với tôi, có những lần khách đặt xe vào sâu trong các hẻm nhỏ, chở khách vào mà tim đập chân run vì sợ nhỡ gặp phải người xấu, bị cướp tiền, cướp xe. Chẳng nói đâu xa, vụ cướp của rồi đâm nhiều dao vào tài xế Grap trên đoạn đê Đuống (Gia Lâm) ít hôm nay khiến em sợ. Chạy xe lâu rồi mà cảm giác lo sợ vẫn không thay đổi. “Em sẽ cố làm thêm, kiếm chút vốn rồi về quê lấy vợ. Có khi chỉ ngày mai, ngày kia anh ra góc vỉa hè cũng không thấy em, thay vào đó là bác xe ôm khác, cũng biết đâu là chị bán hàng hoa…” – Đạt nhắn nhủ.
Giống như Đạt, tôi biết ông Nguyễn Văn Mạnh, 75 tuổi (Phú Lương, Hà Đông) hàng ngày vẫn miệt mài bên những đôi giầy cũ. Trên vỉa hè, góc giao nhau giữa đường Nguyễn Trãi rẽ vào con phố của làng Triều Khúc, người ta thường bắt gặp cảnh ông Mạnh miệt mài bên những đôi giầy cũ. Ông kể, ban đầu ông đi làm thợ xây sau đó chuyển sang thợ mộc nhưng vì khuyết tật thính giác, tất cả mọi công việc ông đều chỉ làm được một thời gian ngắn và cuối cùng ông đến với nghề sửa chữa giầy. “Tai tôi nghe kém, nhiều khi mọi người nói cũng không nghe rõ hết, làm nghề nào cũng không phù hợp, đôi khi cũng thấy tủi thân, có khi lại giận chính mình vì bất tài. Nhưng rồi tôi tìm được công việc phù hợp với khả năng của chính mình, hàng ngày sửa cho những đôi giầy tôi thấy vui, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn”, ông Mạnh tâm sự.
2. Tôi có sở thích ăn uống ở những quán cóc vỉa hè, cảm nhận không gian sinh hoạt đô thị một cách sống động. Ngồi một mình chỉ trong vài chục phút, tôi thấy những người vừa ăn vừa trò chuyện và bàn tán với nhau đủ loại chuyện từ chính trị, tham nhũng, ca nhạc, gái lấy chồng đại gia, thậm chí họ còn nói vanh vách những chuyển nhượng cầu thủ của các đội bóng hàng đầu thế giới… Vỉa hè là vậy, nếu nhìn rộng ra nó cũng là môi trường trung gian để người với người gần nhau hơn, xa rời không gian ảo.
Nhiều người luôn thắc mắc tại sao người ta không vào những quán ăn, cửa hàng… mặc dù giá cả không chênh lệch nhau là mấy mà lại có không gian đẹp và sạch sẽ hơn. Chỉ có những người hay ăn ở những quán ăn kiểu này mới hiểu được điều đó. Có lẽ đó là cách ăn mà họ ưa thích, đã ăn sâu vào tâm lý của từng người, dù đi đâu chăng nữa họ vẫn muốn được ngồi ở vỉa hè và ăn những món ăn đó, vẫn muốn được thưởng thức những hương vị của buổi sáng mát lành, buổi chiều yên ả, của không khí ngoài trời. Như thế làm cho tâm hồn của họ cảm thấy thảnh thơi, có chút gì đó thoáng đãng và tự do, thoải mái.
Đó là lý do tại sao các quán cà phê, trà đá vỉa hè lại mọc lên khắp nơi nhất là những nơi gần bờ hồ, tán cây rộng. Hơn hết, vài mét vuông hè phố để ngồi bán một gánh bún ốc, quầy nước chè nhỏ hay chỉ một thúng xôi cũng có thể nuôi sống cả gia đình.
3. Thật khó thống kê có bao nhiêu người mưu sinh hè phố Hà Nội với cả nghìn hình thức. Bám vỉa hè phố mưu sinh đã trở thành chuyện "thường ngày" của những người dân nghèo, người thôn quê thiếu việc làm. Hiện nay, việc lập lại trật tự vỉa hè đang được thực hiện quyết liệt ở Hà Nội, chủ yếu là giải tỏa tình trạng lấn chiếm bất hợp pháp vỉa hè công cộng. Việc đó là cần thiết và cần tuyên truyền vận động để thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân số tăng, cộng thêm việc di dân tự do ngoại tỉnh đã làm cho Hà Nội rơi vào tình trạng “phố phường chật hẹp người đông đúc”. Nhiều đường phố và hè phố cũng mau chóng trở nên quá tải. Những nơi chật hẹp nhất thường nằm ở những nơi có ý nghĩa lịch sử được hình thành đã lâu. Nơi ấy thường được gọi là “đất vàng” và hè phố lại cũng chính là “con gà đẻ trứng vàng”. Bám vào đất này là có đất sống bởi hàng hóa và dịch vụ bày bán ở đây thường rất đông khách. Nghèo nên phải cố bám vỉa hè để sống, dẫn đến tình trạng giải tỏa nơi này thì nơi khác bị lấn chiếm, sáng giải tỏa thì chiều tái lấn chiếm.
Tôi đã từng có những dịp cùng lực lượng chức năng ở nhiều phường thực thi nhiệm vụ, xóa bỏ quảng cáo “rác”, thu dọn biển quảng cáo sai quy định, cưỡng chế các hộ vi phạm che ô, làm mái tôn chìa ra vỉa hè. Tôi cũng chứng kiến ở không gian nhiều phường, có cả đống lổn nhổn biển quảng cáo, ghế nhựa, bàn sắt và nhiều đồ khác bị thu giữ, lưu trữ nhiều năm. Người vi phạm phải bị xử lý. Nhưng tiếc là suốt nhiều năm, công việc xử lý vẫn chưa triệt để và bất kể lúc nào lực lượng chức năng vẫn phải... dẹp vỉa hè!
Dĩ nhiên, không ai nghĩ rằng có thể giải quyết việc này trong ngày một ngày hai. Vì sao ư? Bởi đó còn là tính nhân văn của người Hà Nội trước mâu thuẫn tương phản của đô thị hóa. Nói thẳng ra, không ai có thể tìm được lý do thuyết phục để phản đối chủ trương làm thông thoáng đường phố, vỉa hè phải phục vụ cho người đi bộ. Song, nơi vỉa hè còn là điểm để hàng trăm, hàng nghìn người mượn đó mưu sinh. Hà Nội vẫn đang tìm những biện pháp phù hợp với trật tự đô thị bền vững. Quy hoạch khu vực vỉa hè được buôn bán vẫn có hướng ra cho giao thông và người đi bộ.
Giang Nam
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Những trường hợp bị từ chối kiểm định và quy định mới về chu kỳ kiểm định xe cơ giới
Chỉ được ghi hình, ghi âm lời nói người tham gia phiên toà khi nhận được sự đồng ý
Giáo dục và đào tạo đóng vai trò động lực then chốt để phát triển đất nước
Bánh cốm Nguyên Ninh, bánh Jambon Thanh Hương bị tạm dừng hoạt động
Ngày làm việc đầu tiên của năm 2025: Giao thông Hà Nội chuyển biến rõ rệt
Ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi
Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu trong các nhà trường
Tin khác
Hà Nội: Mức lương bình quân năm 2024 có chiều hướng tăng đồng đều
Đời sống 02/01/2025 12:16
Người lao động có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, Tết trong năm 2025?
Đời sống 01/01/2025 22:36
Cải thiện điều kiện sống cho người lao động nhập cư tại Hà Nội
Đời sống 31/12/2024 13:49
Nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực lao động, người có có công và xã hội
Đời sống 27/12/2024 19:40
Tập trung chăm lo Tết cho người lao động
Đời sống 24/12/2024 07:51
Tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công dịp Tết Ất Tỵ 2025 kịp thời, đầy đủ
Đời sống 21/12/2024 17:35
Hầu hết các ngành nghề có triển vọng lương tích cực
Đời sống 21/12/2024 17:35
Kết quả cuộc thi “Sống Đẹp” mùa 4: Lan tỏa yêu thương qua từng tác phẩm
Đời sống 20/12/2024 13:59
Đồng Nai: Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 380 triệu đồng
Đời sống 19/12/2024 09:53
Những tín hiệu lạc quan thưởng Tết 2025
Đời sống 19/12/2024 09:30