Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Đột phá, kết nối và lan tỏa
Đáp ứng nhu cầu cấp bách
Hà Nội - đô thị lớn của Việt Nam, đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, giữ vai trò là trung tâm kinh tế, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai của Thủ đô là cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của vùng Thủ đô và cả nước theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06/NQ-TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đường Vành đai 4 chậm triển khai khiến áp lực giao thông càng đè nặng lên đường Vành đai 3. |
Từ hơn 10 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29/7/2011, phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo yêu cầu, dự án phải hoàn thành trước năm 2020, trong đó, đoạn qua địa bàn Hà Nội hoàn thành trước năm 2018. Nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai do có quy mô lớn, khó bố trí vốn, trong khi việc khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua để đầu tư dự án không khả thi. Khi dự án đường Vành đai 4 càng chậm triển khai thì áp lực giao thông tại Thủ đô Hà Nội càng đè nặng lên đường Vành đai 3. Thực tế cho thấy, sau nhiều năm đưa vào hoạt động, tuyến Vành đai 3 hiện nay đã có dấu hiệu quá tải.
Để đáp ứng nhu cầu cấp bách về hạ tầng giao thông cho sự phát triển, tháng 5/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 92/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo căn cứ tính hiệu quả để tập trung khẩn trương, nghiên cứu, đề xuất triển khai ngay các tuyến đường bộ cao tốc khác có nhu cầu cấp thiết được các địa phương, cử tri và đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời gian vừa qua, trong đó có tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, trong đó qua thành phố Hà Nội 58,2km, tỉnh Hưng Yên 19km, tỉnh Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối quốc lộ 18 dài 9,7km. Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên. Dự án được đầu tư theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP; được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Tuyến đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 87.000 tỷ đồng. |
Đặc biệt, ngày 5/5/2022, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ tập trung đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch, đồng bộ với quy hoạch kiến trúc, cảnh quan, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại;… Phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.
Trong xu thế phát triển của đất nước, việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là yêu cầu tất yếu vào thời điểm này, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Điều này cũng góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hà Nội sẵn sàng các điều kiện để triển khai
Xác định được tầm quan trọng, tính cấp thiết của Dự án đường Vành đai 4, với tinh thần trách nhiệm cao, thành phố Hà Nội đã gấp rút thực hiện bài bản, hiệu quả các điều kiện cần thiết để Dự án được triển khai sớm nhất. Ngày 6/5/2021 (ngay sau khi Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 92/TB-VPCP), Thành ủy Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, để triển khai quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tuyến đường Vành đai 4. Theo đó, các đơn vị, địa phương thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương án các địa phương cùng nhau thực hiện; trong đó, Hà Nội là “đầu tàu” chủ trì nghiên cứu, triển khai đầu tư khép kín toàn tuyến.
Đường Vành đai 4 sẽ liên kết với các tuyến đường bộ cao tốc, đường trục hướng tâm, kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận. Ảnh minh họa |
Ngày 20/9/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về chủ trương triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tại kỳ họp thứ Hai (ngày 22-23/9/2021), Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội đã biểu quyết nhất trí về chủ trương và bổ sung Dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố.
Đến kỳ họp thứ ba (tháng 12/2021), HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục đưa dự án vào danh mục các công trình trọng điểm của Thành phố để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện. Ngay sau đó, Hà Nội đã phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh liên quan để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Đến tháng 5/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại kỳ họp thứ 3 (đã khai mạc ngày 23/5/2022); đồng thời đề nghị thành phố Hà Nội khẩn trương bổ sung vào hồ sơ dự án Nghị quyết của HĐND Thành phố về các nội dung tổng số vốn bố trí, tiến độ giải ngân, phân kỳ theo từng năm và cam kết bố trí tăng thêm trong trường hợp phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án.
Căn cứ chỉ đạo này, ngày 20/5/2022, HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức kỳ họp thứ Năm (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết nghị chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Sau khi trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng, 100% đại biểu dự kỳ họp đã biểu quyết, tán thành chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách Thành phố là khoảng 23.524 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 4.047 tỷ đồng. Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của Dự án như sau: Năm 2022 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng. Đến nay có thể khẳng định, Hà Nội đã sẵn sàng các điều kiện cần thiết để sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương về Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, sẽ triển khai ngay, bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhằm tạo động lực mới mang tầm bứt phá cho Thủ đô và cả nước./.
Hoàng Phúc
Ý KIẾN Hướng tới tầm cao của đô thị phát triển Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An, việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trong giai đoạn hiện nay là cần thiết và hoàn toàn đúng đắn. Bà An cho rằng, giao thông là huyết mạch của nền kinh tế. Muốn nền kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng nói chung, giao thông phải đi trước một bước. Theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Hà Nội phải là điểm trung tâm, là nơi đột phá phát triển kinh tế vùng. Từ đặc thù của tuyến đường Vành đai 4 là kết nối với tất cả các tuyến còn lại, có thể coi là “Vành đai kết nối mọi vành đai”, như vậy sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Hà Nội và Vùng Thủ đô. Bà Bùi Thị An cũng lưu ý, để tuyến đường Vành đai 4 đạt được hiệu quả, Hà Nội cần quan tâm triển khai quy hoạch các công trình giao thông chi tiết gắn chặt với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Trong quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng các tuyến giao thông, cần chú trọng tới khả năng khai thác các công trình dọc 2 bên tuyến để tương lai có thể tiếp tục mở rộng. Quá trình thi công phải đúng theo thiết kế tránh lãng phí, bất cập. Để được như vậy cần phải nâng cao trách nhiệm giám sát của cả các chính quyền và người dân để tuyến đường Vành đai 4 xứng đáng với vị thế có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong hiện tại và cả tương lai. Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội khóa XV Trần Hoàng Ngân (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thực hiện đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông đường bộ hiện nay trở thành vấn đề cấp thiết. Trong phát triển kinh tế của đất nước phải có những điểm, cực tăng trưởng.
Để có những cực tăng trưởng đó, phải có những chính sách đột phá. Vùng Thủ đô Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh là hai cực tăng trưởng, đặc biệt là hai đô thị đông dân nhất Việt Nam, có thứ hạng cao trên thế giới, nên việc ưu tiên nguồn lực để đầu tư hạ tầng đồng bộ, khép kín đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cũng như đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh trở thành vấn đề cấp bách chứ không chỉ là vấn đề cấp thiết. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, vì Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ giao lưu quốc tế, điểm đến của các nhà đầu tư và du lịch quốc tế, nên đầu tư để đảm bảo được lưu thông hàng hóa, lưu thông đường bộ một cách xuyên suốt là vấn đề cấp bách, cần phải ưu tiên. Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, khi tuyến đườngVành đai 4 hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn. Tuyến đường vận hành sẽ từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường, phát triển toàn diện các mặt cho nền kinh tế - xã hội Vùng Thủ đô. Đặc biệt tác động về mặt giao thông, Vành đai 4 sẽ giúp làm giảm chi phí vận chuyển, logistics. Ông Vũ Vinh Phú phân tích chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước Đông Nam Á từ 1,5-1,7 lần. Logistics bao gồm kho, cảng, bến, bãi, nhân công và các thủ tục liên quan. Nhìn chung, hiện nay logistics của Việt Nam tương đối chậm, chi phí cao.
Vì vậy Vành đai 4 hình thành sẽ mang lại lợi thế lớn về vận chuyển cho Hà Nội và các tỉnh/thành đồng bằng Bắc Bộ. Từ đó, có thể giảm giá thành, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm vùng. Các tỉnh sẽ hưởng lợi không chỉ công nghiệp mà còn có nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… một cách toàn diện. “Nhìn chung, tuyến đường Vành đai 4 được xây dựng và hình thành sẽ tạo không gian phát triển mới, tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo dịch vụ vận tải chủ động, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước” Chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ. Người dân kỳ vọng sớm xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Sau 10 năm ấp ủ, đến nay, Hà Nội và các tỉnh liên quan có cơ hội hiện thực hóa Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực của Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương liên quan, nhân dân Thủ đô, đặc biệt, người dân ven đô mong mỏi dự án sớm được đầu tư xây dựng. Là một trong những người dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn huyện Mê Linh - nơi tuyến đường Vành đai 4 sẽ đi qua, anh Nguyễn Nhân Đại cho biết, anh rất mong dự án Vành đai 4 được triển khai nhanh chóng để giao thông thuận tiện kết nối với nội thành và các tỉnh lân cận. Theo anh Đại, người dân Mê Linh chủ yếu là kinh doanh buôn bán hoa, cây cảnh và các loại rau củ. Hiện nay, để tiêu thụ hàng hóa, người dân của huyện liên kết với các đại lý ở nhiều khu vực. Việc phải di chuyển nhiều, trong khi đó với mật độ giao thông đông đúc như hiện nay thì các hộ buôn bán phải gánh chi phí vận chuyển khá tốn kém. Bởi vậy, tuyến đường Vành đai 4 có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tăng cường trao đổi, liên kết hàng hóa giữa các vùng. “Với bản thân tôi, đặc biệt mong chờ tuyến đường Vành đai 4. Khi tuyến đường hình thành, việc đi lại từ vùng ven Hà Nội vào khu vực trung tâm hay các tỉnh lân cận không có gì là trở ngại. Đây sẽ là cơ hội để quê hương tôi phát triển kinh tế, đẩy mạnh nghề trồng hoa và phát huy thế mạnh về du lịch lịch sử vốn có”, anh Đại chia sẻ. Còn anh Đặng Văn Vạn, một tài xế xe khách cho hay: Hà Nội hiện đang có tuyến đường Vành đai 3, không chỉ bản thân tôi mà các loại xe chở người, hàng hóa qua địa bàn Thủ đô hầu như đều đi qua tuyến đường này dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc, quá tải ở khung giờ cao điểm. Đặc biệt dịp nghỉ lễ mọi người đổ dồn về đây, có khi đi 2 - 3km mất đến cả tiếng đồng hồ. Tôi mong mỏi vô cùng tuyến Vành đai 4 sẽ triển khai suôn sẻ, các cơ quan chức năng có kế hoạch rõ ràng, dứt khoát, làm nhanh vì lợi ích của người dân… P.Ngân |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Môi trường 23/12/2024 14:12
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Sự ủng hộ, tham gia của người dân là yếu tố quyết định mọi thành công
Chỉ đạo - Điều hành 19/12/2024 20:49
Tập trung hỗ trợ nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng
Chỉ đạo - Điều hành 19/12/2024 19:20
Thấp thỏm chờ phương án tuyển sinh vào lớp 10
Giáo dục 19/12/2024 17:41
Triển khai mô hình "Bến khách an toàn giao thông"
Giao thông 19/12/2024 17:29
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30