Chuẩn bị tâm thế để lên quận
Mục tiêu “làng lên phố”
Những ngày cuối tháng 12/2021, trở lại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, đi trên những tuyến đường bê tông rộng mở, trải dài đến từng xóm thôn, ngắm những ngôi nhà mới bề thế rộng rãi, những ngôi trường đạt chuẩn khang trang, sạch sẽ… mới cảm nhận rõ sự “thay da, đổi thịt” của vùng quê này. Tết năm nay, mặc dù còn một chút vương vấn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng nhân dân xã Lại Yên cũng kịp đón một mùa xuân mới trong niềm hân hoan, phấn khởi khi xã đón Bằng công nhận đạt nông thôn mới nâng cao.
Huyện Gia Lâm hoàn thiện hạ tầng để lên quận. |
Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong 5 năm gần đây, xã Lại Yên đã huy động được gần 280 tỷ đồng thực hiện đầu tư, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, xã đã xây mới được nhà văn hóa trung tâm xã và nhà văn hóa thôn 2; cải tạo nâng cấp và thảm nhựa được gần 7km đường nông thôn; cải tạo, xây mới được 6,8km đường nội đồng; xây dựng mới và đầu tư cải tạo trường tiểu học, trung học cơ sở của xã... Đặc biệt, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, xã đã làm mới 4 vườn hoa, khu vui chơi công cộng.
Phát huy ưu thế là vùng ven đô, Lại Yên đang trong quá trình chuyển đổi mạnh sang phát triển công nghiệp, đô thị. Trên địa bàn xã có hơn 40 doanh nghiệp, hơn 240 hộ sản xuất, kinh doanh; giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ của xã chiếm 90,6% cơ cấu sản xuất. Năm 2021, thu nhập bình quân trên địa bàn xã ước đạt 65,9 triệu đồng/người/năm.
Về chính sách và bố trí vốn đầu tư, Thành phố đã phê duyệt đầu tư 6 tuyến đường cho huyện Hoài Đức; đã giao cho huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư đối với 5 dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố; giao cho huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư đối với 6 dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp Thành phố; giao huyện Đông Anh làm chủ đầu tư và đầu tư bằng ngân sách của huyện 4 dự án. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết nghị cơ chế nguồn vốn đầu tư và cơ chế thu hồi hoàn trả ngân sách Thành phố tương ứng số kinh phí đã bố trí cho 12 dự án hạ tầng khung huyện Gia Lâm. |
Cuối năm 2016, huyện Hoài Đức có 19/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, Hoài Đức đã trở thành huyện nông thôn mới. Song hành với xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện chú trọng phát triển đô thị hóa, phấn đấu trở thành một quận của Thủ đô. Hoài Đức đã xây dựng kế hoạch, dồn lực đầu tư cho các xã thực hiện các tiêu chí và nhận được sự đồng thuận cao từ người dân.
Mới đây, xã Lại Yên đã được Đoàn thẩm định của thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Thành phố xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021. Như vậy, tính cả xã Yên Sở đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020, Hoài Đức đã có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đáp ứng mục tiêu đề ra. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 7 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời gắn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu với thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện Hoài Đức trở thành quận.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường, đến nay, thực hiện đề án phát triển lên quận, huyện đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để triển khai một số dự án hạ tầng khung như: Xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung với chiều dài 40,52km; xây dựng 9 tuyến đường trục chính, đường bao các khu dân cư với chiều dài 16km; xây dựng mới 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp 16 trạm y tế, xây dựng mới 15 bãi trung chuyển rác thải. 100% số xã, thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 90%... Hiện đã đạt 22/27 tiêu chí để trở thành quận.
Sẵn sàng đón thách thức
Là mảnh đất của văn hiến, lịch sử, công tác chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ huyện lên quận cũng đang được huyện Đông Anh tiến hành hết sức khẩn trương. Để từng bước xây dựng đô thị hiện đại trước áp lực đô thị hóa, trước sức ép gia tăng dân số, môi trường… trong khi nguồn lực đầu tư có hạn, huyện Đông Anh đã tập trung triển khai những dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội để tạo sự đột phá. Cùng với các trục đường lớn, quan trọng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trên mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” này sẽ từng bước hình thành một số dự án lớn như: Dự án công viên Kim Quy, dự án phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường Trường Sa…
Các dự án trên góp phần tăng tốc quá trình đô thị hóa, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Đây là những nền tảng quan trọng để xây dựng Đông Anh trở thành trung tâm thương mại, tài chính, du lịch, dịch vụ chất lượng cao của khu vực phía Bắc Thủ đô với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.
Nhằm hoàn thành mục tiêu này, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, huyện đã đối chiếu, so sánh các tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiêu chí của một quận, từ đó, hợp nhất bộ tiêu chí xã, thị trấn thành phường và xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (gồm 21 tiêu chí) để tổ chức thực hiện. Đặc biệt, Đông Anh chú trọng công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo nền tảng phát triển đô thị.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, huyện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Về nguồn vốn đầu tư, huyện đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất để có thêm nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng; đồng thời, kiến nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ như ứng vốn để các huyện phát triển theo tiêu chí đô thị.
Đối với huyện Gia Lâm, bên cạnh việc kiến nghị Thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch trên địa bàn, huyện tích cực xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít diện tích đất… đồng thời tập trung chuyển đổi cơ cấu lao động, đẩy mạnh đô thị hóa gắn với kinh tế đô thị…
Được biết, để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 xây dựng, phát triển huyện Thanh Trì trở thành quận theo hướng văn minh, giàu đẹp, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Trì đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng các Chương trình, đề án nhằm thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá: Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa hành chính, tạo bước chuyển mạnh về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trong tổ chức và điều hành; nâng cao năng lực quản lý của chính quyền các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thứ hai, tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông. Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp, phát huy các nguồn lực, khai thác hiệu quả các nguồn thu bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới tự cân đối thu, chi ngân sách.
Yêu cầu tất yếu cho sự phát triển
Tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Chương trình này với nhiều nét mới hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa “tam nông” là nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Huyện Đông Anh nhìn từ trên cao. |
Đáng chú ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình số 04 là xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị, nhất là 5 huyện (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) lên quận giai đoạn 2021-2025 và 3 huyện (Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh) lên quận vào giai đoạn 2026-2030.
Tháng 9/2018, thành phố Hà Nội ban hành đề án phát triển huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2020, tuy nhiên do chưa đạt các tiêu chí nên phải lùi thời gian đến cuối năm 2021 hoặc 2022. 4 huyện còn lại (Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng) được Thành phố phê duyệt đề án đầu tư để lên quận trong giai đoạn 2021-2025.
Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thành phố trực thuộc Trung ương phải có tỷ lệ quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện đạt từ 60% trở lên. Nghĩa là Hà Nội phải có từ 18 quận trở lên. Hiện nay, Hà Nội mới có 12 quận (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân), một thị xã và 17 huyện, đạt 43% đơn vị hành chính đô thị. Trong tương lai gần, chắc chắn có nhiều huyện sẽ lên quận. |
Tháng 4/2021, Thành ủy Hà Nội cũng đã có Quyết định số 949-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận của Hà Nội, trong đó Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo. UBND các huyện cũng đã chủ động, cùng với sự phối hợp, hướng dẫn của các sở, ngành để thực hiện một số nội dung liên quan đến các tiêu chí lên quận.
Theo các Đề án đã ban hành, để xây dựng huyện thành quận, có 27 tiêu chuẩn đạt quận, trong đó có 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (gồm 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 5 nhóm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, 4 nhóm các tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị).
Đối với huyện Đông Anh, tháng 11/2020, Bộ tiêu chí hợp nhất xây dựng huyện thành quận, huyện nông thôn mới nâng cao đã được triển khai, áp dụng trên toàn địa bàn gồm 10 nhóm chỉ tiêu với 32 chỉ tiêu cụ thể. Trong đó, đã hoàn thành 18/32 chỉ tiêu, chưa hoàn thành 14/32 chỉ tiêu. Huyện thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn ngay từ năm 2021 đối với 7/14 tiêu chí chưa đạt để dần hoàn thành các chỉ tiêu trong giai đoạn 2021- 2025. Trong khi đó, huyện Gia Lâm cũng đã đạt 24/27 tiêu chí, còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu ngân sách, cơ sở y tế cấp đô thị, mật độ đường giao thông đô thị.
Còn đối với huyện Thanh Trì, theo định hướng quy hoạch là khu vực phát triển đô thị phía Nam Thủ đô. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường cho hay, Thanh Trì đã đạt 24/27 tiêu chí xây dựng huyện thành quận, còn 3 tiêu chí chưa đạt là cân đối thu chi ngân sách, mật độ đường giao thông đô thị và đất cây xanh công cộng. Để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng huyện lên quận vào năm 2023, huyện Thanh Trì phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách huyện bình quân 12 -14% và đến năm 2023, tỷ lệ cân đối thu chi ngân sách của huyện đạt 99,8%, cơ bản đáp ứng tiêu chí của quận.
Có thể nói, việc chuyển các huyện lên quận hiện nay là một xu thế tất yếu, đáp ứng được yêu cầu khách quan của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân cư và lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quá trình này sẽ mang lại cho người dân và các địa phương rất nhiều lợi ích và cơ hội để bứt phá trong phát triển. Trước tiên, họ sẽ được hưởng lợi từ những quy hoạch và chính sách phát triển áp dụng cho quận nội thành. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội sẽ có những thay đổi lớn, theo hướng tăng cường phát triển giao thông, nhà ở, các công trình công cộng, lĩnh vực thương mại và dịch vụ cũng được ưu tiên phát triển.
Từ đó, tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ (công viên, trung tâm văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu đô thị hiện đại...); thu hút được nhiều nguồn vốn và nhà đầu tư hơn, tạo ra nhiều việc làm, cũng như cơ hội kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo động lực tăng cao tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Huyện Thường Tín có thêm 48 sản phẩm được đánh giá OCOP 3 sao
Nông thôn mới 20/11/2024 14:08
Phát huy vai trò của Hội phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mới 19/11/2024 20:04
Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới
Nông thôn mới 17/11/2024 15:01
Thanh Trì: Sản phẩm OCOP góp phần xây dựng Nông thôn mới nâng cao
Nông thôn mới 24/10/2024 12:58
Những "Hàng cây nông dân" làm đẹp nông thôn nhờ dân vận khéo
Nông thôn mới 10/10/2024 16:22
Thưởng thức “vị ngọt đồng quê” từ mật ong Đan Phượng
Nông thôn mới 02/09/2024 10:28
Hiệu quả xây dựng nông thôn mới từ phát triển hoa, cây cảnh
Nông thôn mới 24/08/2024 16:21
Cần đáp ứng nhu cầu trữ nước phục vụ sản xuất
Nông thôn mới 22/08/2024 07:05
Gỡ “nút thắt” trong đầu tư, xây dựng chợ tại các địa phương
Nông thôn mới 31/07/2024 08:52
Kết quả lấy ý kiến sự hài lòng người dân về đề nghị thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024
Nông thôn mới 26/07/2024 14:03