Chật vật với nghề bảo vệ rừng ở miền Tây Nghệ An
Hơn nửa năm mới có lương
Chúng tôi băng rừng theo anh Nguyễn Trường Giang, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng Khe Vều (thuộc Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Thanh Chương), để đến “đại bản doanh” của những người bảo vệ rừng. Trạm Bảo vệ rừng Khe Vều nằm chênh vênh bên sườn núi, cách trụ sở cơ quan Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Thanh Chương trên 80 km.
Trạm được thành lập năm 2016, cơ sở vật chất được "kế thừa" từ lán cũ của một đơn vị trồng rừng trước đây để lại. Cách biên giới Việt-Lào chừng 10 km theo đường chim bay.
Đường tuần tra rừng cheo leo theo sườn núi dốc đứng, phải qua nhiều khe suối khiến cho công tác tuần tra, bảo vệ càng vất vả hơn. |
Dưới ngôi lán lợp bằng tôn cũ, tiếng radio vẫn vang vang dù không có ai ở trong Trạm, đây là cách mà anh em thường làm để luôn có tiếng người nói cho đỡ buồn. Xung quanh Trạm bảo vệ rừng này, còn có hệ thống dẫn nước từ khe suối để sinh hoạt và tưới cây, có vườn rau, nhiều tổ ong, chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm…để anh em tăng gia cải thiện bữa ăn và bù vào thu nhập từ đồng lương ít ỏi của nghề giữ rừng.
Trạm có 4 người nhà ở huyện Thanh Chương và huyện Đô Lương. Họ được giao bảo vệ 4.000 ha rừng phòng hộ khu vực biên giới. Đây là nơi có trữ lượng gỗ khá lớn là thứ hấp dẫn cho những kẻ phá rừng đang ngày đêm thèm muốn. Đường tuần tra rừng ở đây cheo leo theo sườn núi dốc đứng, lại phải qua nhiều khe suối khiến cho công tác tuần tra, bảo vệ càng vất vả hơn. Mùa mưa họ phải đối mặt với sên vắt, mùa khô phải chịu nhiều vết đốt ruồi vàng loét da thịt. Hàng tháng, 4 người thay phiên nhau tuần tra và cắt cử trực để tranh thủ về thăm nhà. Lương thực, mắm muối được mua từ đầu tháng để đưa vào Trạm dùng dần.
Tuần tra rừng mỗi lần đi mất 2 ngày cả đi và về, hành trang mang theo là gạo, thực phẩm, tăng võng để ăn nghỉ dọc đường. |
Trạm trưởng Giang, năm nay 36 tuổi, nhà ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Chương, cách nơi anh làm việc gần 90 km. Anh vào công tác từ năm 2005, lương Trạm trưởng nay cũng chỉ gần 4,5 triệu đồng/1 tháng. Vợ anh Giang bán giò chả, thu nhập cũng chả thấm tháp gì so với nguồn chi tiêu nuôi 2 con ăn học.
Anh Giang chia sẻ, nhiều lực lượng bảo vệ rừng khác ngoài lương họ còn có phụ cấp khác, anh em ở đây, chỉ có đồng lương cơ bản lấy từ nguồn hỗ trợ bảo vệ rừng. Nhưng mãi đến tận quý 3 hàng năm được nhận. Để duy trì cuộc sống, cả Trạm vừa tăng gia sản xuất, vừa mang gạo, thực phẩm từ nhà đi, thậm chí, nhiều khi mua còn phải ký nợ.
“Đầu năm, lấy tiền của vợ đi tiêu coi như ứng tiền nhà. Mãi đến tháng 9 mới có lương nhưng cũng vừa đủ trả nợ nhiều khoản. Ở đây, không có sóng điện thoại, muốn gọi về cơ quan hoặc gia đình phải leo dốc cách Trạm gần 1 km để “hứng sóng” nhưng cũng chập chờn và phải dùng điện thoại “cục gạch” mới gọi được. Tuần tra rừng cứ mất 2 ngày cả đi và về, hành trang mang theo là gạo, thực phẩm, tăng võng để ăn nghỉ dọc đường. Khổ nhất là vào mùa mưa, nước khe dâng lên không vượt qua được lại phải quay về. Còn buồn nhất là vào dịp Tết, anh em phải cắt cử một nửa số người ở lại Trạm trực, qua Tết mới có người thay để về gia đình”.
Thành viên lớn tuổi nhất trong 4 anh em là ông Phạm Đức Quỳ, năm nay đã 58 tuổi, nhà ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, cách Trạm trên 80 km, người đã co thâm niên trên 20 năm làm nghề giữ rừng. Mặc dù còn ít năm nữa là nghỉ hưu nhưng nhiệm vụ tuần tra vẫn được ông duy trì đều đặn, ông cũng nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của những đồng nghiệp trẻ trên đường tuần tra. Hiện, lương ông chỉ ngót nghét 5 triệu đồng/1 tháng.
“Trót mang nghiệp giữ rừng, khó khăn vất vả nhưng đã chọn nghề này. Hi vọng khó khăn rồi sẽ sớm qua đi. Thu nhập thấp cho nên ngoài thời gian đi tuần tra giữ rừng, anh em còn phải lao động sản xuất để bù thêm vào nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn chứ trông chờ vào lương thì cũng chỉ trả nợ cho những tháng trước” - ông Quỳ chia sẻ.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho nhân viên giữ rừng
Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Thanh Chương (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Nghệ An), được giao bảo vệ trên 22.000 ha rừng. Với 49 cán bộ, nhân viên, lao động nhưng chỉ có 14 người hưởng lương từ ngân sách, còn lại là những lao động hợp đồng do đơn vị tự trang trải (hay còn gọi là lực lượng 2B).
Ông Lê Phùng Thiều, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Thanh Chương, chia sẻ, với mức thù lao 100.000 đồng/1ha rừng thì hàng năm, chi phí hoạt động của đơn vị còn thiếu khoảng 500 triệu đồng. Trong mấy năm qua, mặc dù đã xoay xở đủ bề, làm thêm dịch vụ lâm nghiệp nhưng thiếu thốn vẫn đeo đuổi anh em cán bộ, nhân viên. Trong khi đó, đến hết quý 3 mới có kinh phí giữ rừng cấp về. Cuối năm, lãnh đạo phải đi vay tiền ngân hàng để trả lương và trả tiền bảo hiểm xã hội vì chậm sẽ bị phạt tính lãi. Quá khó khăn nên trong 5 năm qua, đã có 6 người lao động trong Ban xin nghỉ việc, 7 người xin nghỉ hưu trước tuổi.
Ngoài thời gian đi tuần tra giữ rừng, anh em Trạm Bảo vệ rừng Khe Vều còn tăng gia sản xuất để bù thêm vào nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn |
Tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Anh Sơn, có 25 người thì chỉ có 9 người hưởng lương ngân sách, 16 người là hợp đồng lao động tự trang trải từ nguồn tiền bảo vệ 7.500 ha rừng với đơn giá 100.000 đồng/1ha.
Ông Ngũ Văn Trị, Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Anh Sơn, cho biết, tiền lương và bảo hiểm xã hội mỗi năm của đơn vị luôn không đủ. Từ nguồn bảo vệ rừng và một số khoản thu khác, mỗi năm, đơn vị còn thiếu khoảng trên 400 triệu đồng. Thu nhập ít ỏi, áp lực công việc giữ rừng quá cao nên năm 2018, trong cơ quan có 5 nhân viên bỏ việc; năm 2019, có 2 người nghỉ việc; năm 2020, 1 người đã chuyển công tác khác. Tình trạng người lao động nghỉ việc gây nhiều xáo trộn trong tâm lý những người ở lại, nhiều người không dám dấn thân vào nghề này.
Cơ sở vật chất Trạm Bảo vệ rừng Khe Vều được "kế thừa" từ lán cũ của một đơn vị trồng rừng trước đây để lại |
Được biết, với hơn 1,1 triệu ha, với độ che phủ đạt 54%, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Hiện, lực lượng bảo vệ rừng 2B có khoảng 300 người, làm việc tại 14 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT Nghệ An.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Nguyên Hùng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, trước đây, kinh phí phục vụ công tác bảo vệ rừng được cấp thường xuyên theo Quyết định 57 ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 với mức 200.000 đồng/ha/năm. Những đối tượng hưởng mức hỗ trợ này là lực lượng 2B tại các Ban Quản lý Rừng phòng hộ. Từ cuối 2017, chính sách giao khoán và bảo vệ rừng được thực hiện theo Thông tư 21 của Bộ NN&PTNT, trong đó đối tượng 2B không thuộc diện được giao khoán bảo vệ rừng từ nguồn phát triển rừng bền vững. Theo đó, hàng trăm lao động 2B và các đơn vị quản lý bảo vệ rừng ở Nghệ An bị lâm vào vào khó khăn do nguồn kinh phí cấp về bị cắt giảm đột ngột.
Trước thực tế khó khăn đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT xem xét. Từ năm 2018, Bộ NN&PTNT đồng ý cấp kinh phí cho lực lượng hợp đồng chuyên trách bảo vệ rừng tại Nghệ An với định mức 100.000 đồng/ha/năm. Công việc bảo vệ rừng ngày càng vất vả, khó khăn trong khi định mức giao khoán giảm một nửa so với trước đã đẩy cuộc sống nhiều lao động 2B vào cảnh khốn khó.
Ông Phú Văn Lĩnh, Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT Nghệ An, chia sẻ, hiện nay, cuộc sống của lực lượng 2B tại nhiều Ban Quản lý Rừng phòng hộ rất khó khăn, Công đoàn ngành đã có đề xuất để thời gian tới các cấp, ngành cùng tháo gỡ khó khăn cho người lao động. Trước mắt, để bớt khó khăn cho anh em, Công đoàn ngành đã có văn bản đề nghị các cấp liên quan mở rộng đối tượng là những người bảo vệ rừng thuộc diện hợp đồng tự trang trải của các đơn vị sự nghiệp được hưởng hỗ trợ từ nguồn hỗ trợ đối tượng khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33