Thường xuyên dọn dẹp, hút bụi và lau nhà
Sạch sẽ là một trong những yêu cầu quan trọng để cải thiện bầu không khí trong nhà. Việc vệ sinh, hút bụi, lau chùi sàn nhà và đồ đạc nên được tiến hành ít nhất 2 lần mỗi tuần nhằm hạn chế bụi bẩn tích tụ trên các bề mặt và nhiều yếu tố gây ô nhiễm khác. Các chuyên gia cũng khuyến nghị nên hút bụi thảm trải sàn, thảm chùi chân hàng tuần.
Sử dụng máy hút mùi khi nấu ăn
Không phải ai cũng nhận ra nhưng nấu ăn có thể là nguyên nhân làm không khí trong nhà bị ô nhiễm đáng kể. Những chất ô nhiễm này có thể do thực phẩm, chất béo, dầu ăn bị đốt cháy ở nhiệt độ cao.
Đồ họa: Phương Duy |
Sử dụng quạt hút mùi, quạt thông gió góp phần giảm tình trạng này. Tùy vào công suất, kiểu dáng mà máy hút mùi có thể loại bỏ từ 10-100% các chất gây ô nhiễm liên quan đến quá trình nấu nướng.
Ngôi nhà không khói thuốc
Đồ họa: Phương Duy |
Tuyệt đối không cho phép bất cứ ai hút thuốc hay sử dụng các sản phẩm có chứa nicotine trong nhà. Khói thuốc lá có thể tồn tại trong nhà hơn 2 giờ sau khi hút xong và gần như rất khó để xua hết đi được ngay lập tức.
Nếu không may phải chung sống với người hút thuốc lá, hãy yêu cầu họ hút thuốc ở bên ngoài nhà. Cách tốt nhất là động viên người thân bỏ thuốc ngay hôm nay vì sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Chú trọng thông gió
Mở cửa lớn, cửa sổ vào những ngày không khí trong lành để không khí được lưu thông. Điều này cũng giúp đẩy các chất ô nhiễm trong nhà ra ngoài, đồng thời làm cho ngôi nhà đón nhận được ánh mặt trời nhiều hơn.
Tuy nhiên, nên hạn chế mở cửa ra vào, cửa sổ vào thời điểm không khí bên ngoài ô nhiễm nặng, nhất là khi nhà bạn ở gần đường lớn, gần các khu vực ô nhiễm.
Đồ họa: Phương Duy |
Nếu hệ thống thông gió đã cũ kỹ, bám bẩn, hãy thay mới (nếu có thể) hoặc vệ sinh, bảo dưỡng để đảm bảo các thiết bị luôn hoạt động trong điều kiện tốt nhất.
Sử dụng máy lọc không khí
Ngoài ra, nếu có điều kiện, đừng ngại ngần trang bị cho ngôi nhà một chiếc máy lọc không khí. Thiết bị này giúp loại bỏ chất gây ô nhiễm không khí trong nhà và mang lại nguồn không khí sạch, giàu oxy.
Nên nhớ, máy lọc không khí chỉ hoạt động tốt khi được vệ sinh, thay màng lọc định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Sử dụng thảm chùi chân
Đồ họa: Phương Duy |
Nếu buộc phải mang giày, dép vào nhà, bạn cần đảm bảo giũ sạch đất, cát, bụi bẩn trên giày, dép với thảm chùi chân. Đặt một tấm thảm ngay trước cửa ra vào để ngăn đất, cát, các chất gây ô nhiễm hay nước bẩn từ bên ngoài xâm nhập vào nhà.
Hạn chế sử dụng các sản phẩm có hương liệu hóa học
Cần hạn chế dùng các chất tẩy rửa, nhang, chất tạo mùi thơm, tinh dầu, chất diệt/xua đuổi côn trùng vì chúng có thể giải phóng ra các hợp chất dễ bay hơi gây ô nhiễm nặng nề cho bầu không khí trong nhà.
Thay vào đó, nên chuyển sang sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hữu cơ, sản phẩm diệt côn trùng, tạo hương thơm có nguồn gốc tự nhiên.
Giặt chăn, ga, vỏ gối thường xuyên
Đồ họa: Phương Duy |
Mỗi khi từ bên ngoài trở về nhà, chúng ta mang theo hàng tấn bụi bẩn, chất gây dị ứng bám trên quần áo, tóc và cơ thể vào nhà. Với những gia đình có thú cưng thì lượng chất bẩn còn tăng lên gấp đôi. Vì thế, các chuyên gia khuyên rằng nên giặt chăn, ga, vỏ gối hàng tuần để hạn chế bụi bẩn tích tụ trong nhà.
Đưa cây xanh vào không gian sống
Đồ họa: Phương Duy |
Cây xanh được xem là những cỗ máy lọc không khí tự nhiên hiệu quả nhất. Hãy lựa chọn những cây nội thất phổ biến như lưỡi hổ, trầu bà, thường xuân, đa búp đỏ, cỏ lan chi… vì chúng vừa đẹp, dễ trồng, lại có tác dụng giảm thiểu tác động của nhiều hợp chất gây ô nhiễm như carbon monoxide, amoniac, formaldehyde…