Tọa đàm trực tuyến " Bạo lực tại khu công nghiệp"
Tới dự có đồng chí Đ/c Đặng Minh Thuần- Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, đ/c Vũ Mạnh Tiêm- Phó trưởng Ban tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam và các khách mời.
Phát biểu khai mạc đồng chí Nguyễn Mẫn Nhuệ - Phó Tổng biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, tọa đàm trực tuyến là một hình thức để báo đến gần hơn với bạn đọc, NLĐ. Trước đó, báo đã tổ chức nhiều cuộc với các nội dung khác nhau. Qua hình thức này, Báo Lao động thủ đô đã được các cấp, các ngành và đặc biệt là bạn đọc đánh giá cao.
Trên thực tế, tại các khu công nghiệp hay xảy ra tình trạng đánh nhau, gây bè phái…Đặc biệt an ninh nhà trọ là một trong những vấn đề bức xúc nhất của CNLĐ. Tại không ít khu nhà trọ công nhân, nạn trộm cắp, cướp giật, tình trạng mâu thuẫn, xích mích dẫn đến xô xát, ẩu đả thường xuyên diễn ra.
Trước thực trạng này, Báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến “ Bạo lực trong khu công nghiệp” – được truyền trực tuyến trên baolaodongthudo.com.vn nhằm tìm ra giải pháp tăng cường an ninh, đảm bảo an toàn cho CNLĐ trong các khu công nghiệp trên địa bàn HN nói riêng và cả nước nói chung.
Đ/c Đặng Minh Thuần phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Đặng Minh Thuần cho rằng: Đây là đề tài hay, rất thiết thực mà Báo Lao động Thủ đô tổ chức. Theo đó, vấn đề ăn ở, sinh hoạt, an ninh trật tự trong công nhân tại các KCN đang là vấn đề nóng. Nguyên nhân là do mặc dù lực lượng công nhân đóng góp vào GDP của TP rất lớn tuy nhiên điều kiện sống còn khó khăn, nhà ở cho công nhân trong KCN còn hạn chế. Qua buổi tọa đàm góp thêm tiếng nói, gióng lên hồi chuông tác động đến cơ sở.
BBT Báo Lao động Thủ đô chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo LĐLĐTP và các khách mời
Tham gia buổi tọa đàm có các khách mời:
Ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó trưởng Ban tuyên giáo, Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam
TS. Phạm Mạnh Hà, khoa tâm lý trường ĐH KH xã hội và nhân văn.
Ths LS Phạm Thanh Bình- Giám đốc Cty Luật TNHH Bảo Ngọc
Buổi tọa đàm bắt đầu bằng câu hỏi của bạn đọc cho LS Phan Thanh Bình.
Việc kích động để người khác cãi vã, đánh nhau có phải là vi phạm pháp luật không? Mức độ xử phạt có ngang với những người trực tiếp tham gia không?
Phạm Đạt (Phủ Lý – Hà Nam)
Ls. Ths Phạm Thanh Bình: Chào bạn Đạt, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đầu tiên đến buổi tọa đàm. Xin được trả lời bạn như sau: Đánh nhau là những hành vi gây rối an ninh, trật tự công cộng có thể dẫn đến những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự và nhân phẩm của người khác. Do đó, đánh nhau hay kích động người khác cãi vã, đánh nhau đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
Về việc xử lý: Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 73/2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự và an toàn xã hội và điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013 (có hiệu lực ngày 28/12/2013 - thay thế Nghị định 73/2010) thì hành vi “đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau” có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Trong trường hợp hành vi đánh nhau gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người bị đánh thì người kích động người khác đánh nhau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 BLHS với vai trò là đồng phạm (người xúi giục).
Bộ phận nơi tôi làm việc có hai công nhân rất hay cãi vã nhau, đôi khi họ đã mang cả hung khí đến nơi làm việc để dọa nạt nhau, những lúc đó tôi rất sợ ảnh hưởng tới bản thân, tôi có nên báo với ban lãnh đạo công ty việc này không?
ntphuc@gmail.com
TS. Phạm Mạnh Hà: Những mâu thuẫn cá nhân dù nhỏ nếu không được tháo gỡ ắt sẽ dẫn đến xung đột thậm chí là đổ máu vì vậy chị nên trao đổi điều này với bộ phận nhân sự hoặc là lãnh đạo công ty để có hướng giải quyết dứt điểm.
Công đoàn cần phải làm gì để công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cuốn hút và nâng cao tính chủ động của công nhân trong việc tìm hiểu pháp luật từ đó hạn chế những hành động thiếu kiềm chế dẫn đến vi phạm pháp luật?
Tuệ Minh (minhtue2008@gmail.com)
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Công tác tuyên truyền phổ biến giaó dục pháp luật là nhiệm vụ của tổ chức CĐ giúp CNLĐ nâng cao hiểu biết pháp luật lao động từ đó hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Để công tác này đạt hiệu quả, CĐ cần đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền phổ biến. Đó là in ấn các loại tài liệu với nội dung ngắn gọn dễ hiểu dễ nhớ về Bộ Lluật lao động, Luật CĐ, chính sách về BHXH, BHYT, tiền lương... để cấp phát xuống cơ sở làm tài liệu cho CNLĐ tìm hiểu học tập. Bên cạnh đó tại các bữa ăn giữa ca của CNLĐ tại các khu CN-khu CX CĐCS cho phát thanh hoặc cho CN xem clip về các nội dung pháp luật liên quan đến các mối quan hệ pháp luật.
Ngoài ra CĐ còn sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật như trên truyền hình (VTV2, truyền hình CĐVN trên thông tấn xã VN; trên các báo in và các trang Web của hệ thống công đoàn). Tùy theo điều kiện của cơ sở, CĐ có thể tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, xử lý tình huống về pháp luật lao động nhằm thu hút đông đảo CNVCLĐ thamgia. Thông qua đó giúp CNLĐ tham gia và nắm bắt được những kiến thức pháp luật cần thiết để bảo vệ mình cũng như thực hiện sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.
Hiện nay Tổng LĐLĐ VN được Chính phủ giao triển khai thực hiện đề án 31 về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đến CNLĐ. Trong những năm qua Tổng LĐ đã chỉ dạo và xây dựng hàng ngàn tủ sách pháp luật trang bị tại các nhà trọ CN; Điểm sinh hoạt văn hóa CN. Trong thời gian tới Tổng LĐ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp CĐ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác này hiệu quả hơn.
Muốn giải quyết tranh chấp trong các KCN tôi phải đến gặp ai?
Nguyễn Mạnh (Quốc Oai – Hà Nội)
Ls. Ths Phạm Thanh Bình: Chúng tôi không rõ câu hỏi của bạn Mạnh muốn nói đến tranh chấp gì, vì vậy, có thể tạm chia ra như sau:
- Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về quyền và lợi ích giữa người lao động với người sử dụng lao động, ví dụ như về điều kiện vệ sinh, an toàn lao động, về tiền lương, về các chế độ bảo hiểm v.v... thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại tới người quản lý trực tiếp, chủ sử dụng lao động và Ban chấp hành công cơ sở để được giải quyết. Nếu hai bên không tự giải quyết được với nhau thì người lao động có thể khởi kiện vụ án tranh chấp ra Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
- Trong trường hợp xảy ra xô xát giữa người lao động với nhau thì bạn có thể yêu cầu lực lượng bảo vệ của công ty để được giải quyết. Nếu xô xát nghiêm trọng xảy ra, bạn có thể gọi đến lực lượng công an cơ sở, lực lượng cảnh sát 113 tại địa phương để được giải quyết.
KCN nơi tôi làm việc đa phần là nam giới, bộ phận nữ công nhân là rất ít, mỗi khi có ca trực vào buổi tối, tôi thường mất tập trung khi làm việc vì lo sợ sau khi tan ca tôi sẽ phải về muộn một mình, tôi phải làm gì để tránh tình trạng này?
dinhhungvu@gmail.com
TS. Phạm Mạnh Hà: Trong trường hợp này chị có thể trao đổi với các đồng nghiệp nam cùng ca trực để cùng ra về mặt khác chị cũng nên chuẩn bị một số phương án phòng ngừa những trường hợp bất trắc như lưu lại số điện thoại khẩn cấp của cảnh sát 113, số điện thoại của trực ban công an địa phương hoặc số điện thoại của tổ bảo vệ hoặc chị có thể sử dụng một số thiết bị gây âm thanh lớn khi cần thiết vì điều này sẽ tác động rất lớn đến tâm lý của những kẻ có ý đồ xấu ví dụ như còi hoặc một số thiết bị báo động được tích hợp sẵn ở một số phương tiện như đèn tích điện, điên thoại và còi... Chúc chị luôn gặp nhiều may mắn trong công việc và cuộc sống.
Người đứng đầu các đơn vị tại KCN có quyền được đưa ra mức xử phạt với những người tham gia gây gổ đánh nhau trong KCN đó không?
hieunobita@gmail.com
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Câu hỏi của bạn cũng là điều mà nhiều DN tại các KCN băn khoăn, bởi họ không biết phải xử lý ra sao cho hợp tình, hợp lý. Có thể khẳng định, gây gổ đánh nhau là hành vi vi phạm hành chính về an ninh, trật tự và an toàn xã hội nên thuộc thẩm quyền xử phạt của cơ quan hành chính Nhà nước (công an hoặc Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn). Do đó, người đứng đầu các đơn vị tại KCN không có quyền đưa ra mức xử phạt với những người tham gia gây gổ đánh nhau.
Tuy nhiên, người đứng đầu các đơn vị tại KCN có thể căn cứ vào Nội quy lao động và Bộ luật lao động để xử lý kỷ luật lao động đối với hành vi gây gổ đánh nhau của những lao động có liên quan. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động bao gồm: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức hoặc sa thải. Trong trường hợp việc đánh nhau gây thiệt hại đến tài sản của doanh nghiệp thì người đứng đầu các đơn vị tại KCN có quyền yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường.
Ông Nguyễn Mẫn Nhuệ - Phó TBT phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
Ở cùng phòng trọ với tôi còn có 3 nữ công nhân khác, trong đó có một nữ công nhân thường xuyên đi chơi về muộn làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của những người khác, khiến tôi rất bực mình. Tôi phải dùng cách nào để khiến cho nữ công nhân đó thay đổi cách sinh hoạt?
Hoainam_balax@yahoo.com
TS. Phạm Mạnh Hà: Trong môi trường sống tập thể, điều quan trọng nhất là sự cảm thông và tôn trọng lẫn nhau. Các bạn nên có buổi nói chuyện nhẹ nhàng, thẳng thắn với bạn công nhân nữ thường xuyên đi chơi về muộn, cùng nhau đưa ra cam kết chung để tất cả mọi người cùng thực hiện, nếu nữ công nhân đó không cam kết hoặc không thực hiện đúng như cam kết thì các bạn nên đề nghị bạn đó chuyển sang nơi ở khác.
Vai trò của công đoàn nếu xảy ra bạo lực tại KCN là gì?
Phạm Linh (Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội)
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Với chức năng của tổ chức CĐ trong việc chăm lo bảo vệ quyền lợi ích của NLĐ; trường hợp bạo lực xảy ra tại KCN trong giờ làm việc thì CĐ cần phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động để xem xét tìm hiểu rõ nguyên nhân và tham gia xử lý có tình có lý. Trường hợp bạo lực xảy ra tại KCN nhưng ngoài giờ làm việc thì CĐ cũng cần có mặt kịp thời cùng với chủ nhà trọ và công an khu vực để tìm hiểu rõ căn nguyên và giải quyết. Vấn đề ở đây trách nhiệm của các cấp CĐ vẫn là việc vận động tuyên truyên giáo dục để CNLĐ có kỹ năng sống, tác phong công nghiệp, hiểu biết kiến thức pháp luật để tự trang bị cho mình những kiến thức trên, nhận thức rõ đúng sai, ủng hộ lẽ phải tránh để xảy ra bạo lực và hậu quả đáng tiếc.
Trong các KCN có văn phòng luật sư không? Nếu có chức năng của văn phòng là gì?
minhtrangtran2003@yahoo.com.vn
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Hiện nay, chúng tôi được biết trong các KCN không có văn phòng luật sư, tuy nhiên, một số doanh nghiệp có một bộ phận pháp chế nhằm hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp. Về phía người lao động thì có tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở là Ban chấp hành công đoàn cơ sở (hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở ở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở). Công đoàn cơ sở có vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động.
Nếu trong trường hợp bạn cần sự trợ giúp về mặt pháp lý của các văn phòng luật sư, bạn có thể liên hệ với các tổ chức này ở địa phương, nơi làm việc vì hiện nay các tổ chức hành nghề luật sư được mở rất nhiều trên cả nước đặc biệt là các khu vực đông dân cư.
Bà Trịnh Lan Hương - Phó TBT Báo LĐTĐ tại buổi tọa đàm
Tôi đang chuẩn bị có kế hoạch sinh em bé, vợ tôi có dặn phải tránh uống bia rượu và hút thuốc lá trong thời kỳ này, nhưng do chức năng bộ phận nơi tôi công tác phải thường xuyên tiếp khách nên khó tránh phải tiếp xúc với những thứ này, vậy tôi phải làm cách nào để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe và cả công việc?
Quoctrinh_ldt@yahoo.com.vn
TS. Phạm Mạnh Hà: Sức khỏe luôn là điều quan trọng nhất, việc uống rượu bia trước mắt có thể đem lại thuận lợi trong công việc nhưng lâu dài nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của bạn. Trong trường hợp công việc của bạn buộc phải thường xuyên giao tiếp với khách hàng thông qua các bữa tiệc bạn cũng có thể thẳng thắn nói với đối tác về lý do phải hạn chế uống rượu bia của mình. Tuy nhiên, bạn nên uống ít, uống chậm, bên cạnh đó bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về gu, sở thích của đối tác để có những câu chuyện hấp dẫn hợp với chủ đề và sở thích của họ. Bạn cố gắng chủ động hướng bữa tiệc theo những câu chuyện vui vẻ, hài hước như vậy sẽ giúp mọi người quên đi việc ép rượu bia hay xích mích.
Nếu xảy ra cãi vã trong KCN tôi phải tìm đến đâu để có được sự trợ giúp sớm nhất?
Hoàng Vương (vuonghc@yahoo.com.vn)
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Nếu xảy ra cãi vã với đồng nghiệp tại nơi làm việc thì bạn cần bình tĩnh không được manh động để sự việc xấu đi mà gặp ngày BCH CĐCS nhờ can thiệp để giải quyết những xích mích này. Còn nếu cãi vã xảy ra tại nơi bạn đang thuê trọ thì người đầu tiên bạn gặp là chủ nhà trọ, Ban quản lý ký túc công nhân nói rõ đầu đuôi sự việc để chủ nhà trọ, Ban quản lý giải quyết giúp. Nếu sự cãi vã ở mức độ nghiêm trọng hơn lúc đó chủ nhà có thể sẽ tìm đến công an khu vực để phân định sự việc. Tuy nhiên sống trong một tập thể không tránh khỏi những mâu thuẫn, va chạm nhưng theo tôi bạn cần cố gắng kiềm chế, sống vị tha, cách sống vì mọi người của mình chắc chắn sẽ cảm hóa được những người xung quanh nhất là với những người còn có tính đố kỵ hay thích gây sự.
Ông Vũ Mạnh Tiêm đang trả lời bạn đọc
Trong khi làm việc tôi và một công nhân khác có xảy ra cãi vã, người công nhân đó là người chủ động đánh tôi trước, sau đó tôi có phản kháng và đánh lại, vậy tôi có bị coi là vi phạm pháp luật không?
Phạm Huệ (Xuân Đỉnh – Hà Nội)
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Khi bạn bị người khác đánh thì pháp luật cho phép bạn chống trả lại một cách tương xứng với hành vi trái pháp luật của người đang xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của bạn. Hành vi của bạn trong trường hợp này được gọi là phòng vệ chính đáng nên không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, nếu hành vi chống trả của bạn là quá mức, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm, ví dụ bạn bị tấn công bằng chân tay không nhưng bạn lại dùng dao hoặc hung khí nguy hiểm khác để chống trả…) thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo quy định tại Điều 106 BLHS.
Tôi hiện là tổ trưởng của một tổ tại nơi tôi làm việc, trong tổ có hai nữ công nhân xích mích với nhau, trong đó một người là em gái ruột tôi, lý do xích mích lại xuất phát từ nữ công nhân là em gái tôi, tôi rất phân vân không biết nên làm theo lý, hay theo tình cảm?
Văn Toàn (Lò Đúc – Hà Nội)
TS. Phạm Mạnh Hà: Dù người gây xích mích là ai thì với trách nhiệm của người tổ trưởng bạn phải giải quyết dứt điểm. Việc để những mâu thuẫn âm ỉ trong tổ sản xuất không những làm giảm năng suất lao động của các thành viên mà còn làm uy tín của người lãnh đạo giảm sút và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới điều hành của bạn đối với mọi người trong tổ vì thế hãy vì cái chung và trên cơ sở tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây xung đột mâu thuẫn để từ đó đưa ra những giải pháp có tình, có lý dựa trên các quy định và nguyên tắc của tổ chức. Chúng tôi tin em gái của bạn sẽ hiểu những điều bạn làm và sẽ thay đổi theo hướng tích cực.
TS. Phạm Mạnh Hà đang trả lời bạn đọc
Hai nhóm công nhân xảy ra xích mích, nhưng mỗi nhóm chỉ cử ra một người trực tiếp đánh nhau, vậy những người còn lại trong hai nhóm trên có bị xử phạt không?
vuhong_inbaobi@gmail.com
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Theo như bạn hỏi thì trong trường hợp này, mặc dù chỉ có hai người đánh nhau nhưng những người còn lại trong nhóm vẫn có thể phải chịu trách nhiệm như hai người thực hiện hành vi đánh nhau với vai trò là đồng phạm.
Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau là hành vi vi phạm trật tự công cộng nên có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi đó.
Quản lý của công ty tôi rất hay xoi mói và để ý về cuộc sống cá nhân của các công nhân trong công ty, cô ta luôn đem những chuyện riêng tư của gia đình người khác ra để bàn tán và bới móc, gây ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết của mọi người, tôi đã có lần đề cập trực tiếp chuyện đó với ban lãnh đạo công ty, nhưng không nhận được phản ứng nào của ban lãnh đạo, tôi và những công nhân khác rất bức xúc về chuyện này, liệu chúng tôi có nên cũng nhau nói thẳng với quản lý của mình không?
Mỹ Hạnh (Thạch Thất – Hà Nội)
TS. Phạm Mạnh Hà: Nếu đúng như các bạn đã chia sẻ thì theo chúng tôi, các bạn nên đề nghị một buổi họp giữa tập thể và người quản lý để bày tỏ những suy nghĩ, thái độ của các bạn một cách chân thành và thẳng thắn, nếu người nữ quản lý này không chấp nhận và thay đổi các bạn tiếp tục có những ý kiến bằng văn bản với lãnh đạo cấp trên trong đó nói rõ điều này đã ảnh hưởng như thế nào tới tâm tư tình cảm, năng suất, chất lượng công việc của các thành viên trong tập thể.
Nếu một lần kiến nghị không được, các bạn có thể kiến nghị lần thứ 2, lần thứ 3 cho đến khi thành công.
Công đoàn cần làm gì để ngăn chặn những tệ nạn xã hội tiếp xúc với công nhân tại các KCN?
Quốc Huy (quochuytran@gmail.com)
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Với điều kiện việc làm đời sống của CNLĐ tại các khu CN còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa thể thao- đây là điều kiện để phát sinh các TNXH do đó CĐ cần phải có trách nhiệm tuyên truyền những kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tội phạm, mại dâm , phòng chống ma túy và các TNXH khác để CNLĐ thấy rõ được tác hại cảu các TNXH mà phòng tránh. Các hình thức CĐ triển khai như hội nghị truyền thông, cấp phát tờ gấp,xem vioclip với nội dung dễ hiểu gần gũi với CNLĐ. NGoài ra CĐ cần quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao cho CNLĐ nhằm thu hút đoàn viên CNLĐ tham gia, với phương châm văn hóa thể thao đẩy lùi TNXH; Đồng thời thông qua sinh hoạt, đối thoại CĐ cần nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của NLĐ để từng bước đáp ứng và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho họ.
Hiện nay Tổng LĐLĐVN đang chỉ đạo các cấp CĐ thực hiện quyết định 1780 của Chính phủ về việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ CNLĐ tại các khu CN-khu CX. Hy vọng quyết định sớm được triển khai và thực thi có hiệu quả thì TNXH sẽ bị đẩy lùi.
Chồng của một công nhân đến nơi làm việc của vợ chửi bới và lấy một số thiết bị của công ty đó, lý do vì công ty chậm trả lương cho vợ anh ta. Theo luật sư người chồng đó có bị khởi tố vì tội phá hoại tài sản của người khác không?
Ngọc Quý (Mê Linh - Đông Anh)
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Chúng tôi cũng đã từng nhận được một câu hỏi tương tự câu hỏi của bạn Quý. Trong trường hợp này, người chồng của người công nhân đó chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản khi người đó có hành vi làm mất hoàn toàn hoặc một phần giá trị sử dụng của tài sản công ty (đập phá thiết bị, máy móc, đốt,...). Tuy nhiên, người chồng trong trường hợp bạn hỏi đã thực hiện hành vi chiếm đoạt một số thiết bị mà không phải phá hoại tài sản của công ty nên không thể khởi tố người chồng này về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Hành vi của người chồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nếu tài sản “có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” (theo quy định tại Điều 137 BLHS).
Nếu hành vi của người chồng chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự thì hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản đó có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo quy định tại NĐ 73/2010 và NĐ 167/2013 (thay thế NĐ 73/2010, có hiệu lực ngày 28/12/2013).
LS. Ths Phạm Thanh Bình đang trả lời bạn đọc
Trong một lần uống rượu say ngay tại nơi làm việc, một nam công nhân cùng công ty tôi đã làm hỏng một công cụ sản xuất của công ty, anh ta có dọa tôi không được nói cho ai biết nếu không sẽ đánh tôi để trả thù.Sau khi lãnh đạo công ty phát hiện ra vụ việc và không tìm ra thủ phạm đã ra quyết định phạt tất cả những người trong công ty cùng phải chịu trách nhiệm, tôi rất muốn nói với ban lãnh đạo công ty, những cũng sợ bị người công nhân kia trả thù, tôi phải làm gì để tránh cho những người khác bị phạt oan mà không sợ bị người công nhân kia trả thù?
Hải Anh (Kim Động – Hưng Yên).
TS. Phạm Mạnh Hà: Việc che giấu tội lỗi cho người công nhân đó có thể giúp bạn tránh được sự trả thù nhưng về mặt tinh thần bạn sẽ cảm thấy bất an và cảm giác không được thanh thản, và điều này sẽ đeo bám bạn suốt cả cuộc đời vì thế với trách nhiệm cá nhân bạn nên báo cáo với lãnh đạo công ty để có hướng giải quyết một cách công bằng. Còn về lời đe dọa của bạn công nhân kia khó mà có thể thực hiện nếu bạn nhận được sự ủng hộ và bảo vệ của toàn thể mọi người trong công ty.
Thưa LS, công ty tôi thường hay xảy ra nạn mất trộm vật liệu, theo quản đốc phân xưởng thì nếu bắt được nghi phạm thì cứ đánh trước rồi báo công an sau, ông ý bảo là để răn đe cả những người dân xung quanh nữa, như vậy chúng tôi có bị coi là vi phạm pháp luật không?
An Khánh ( KCN Thăng Long)
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Không chỉ riêng công ty bạn, việc đánh nghi phạm trộm cắp là chuyện thường xảy ra trong các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, đây là hành vi sai trái bởi tính mạng, sức khỏe của cá nhân là bất khả xâm phạm và luôn được pháp luật bảo vệ. Người nào có hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác là đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nếu việc bắt được nghi phạm mà cứ đánh trước rồi báo công an sau và việc làm này gây ra thương tích (hoặc làm chết) nghi phạm thì cả người đánh lẫn người xúi giục (như ông quản đốc phân xưởng) đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổ hại đến sức khỏe của người khác; tội giết người...).
Rượu với bia là nguyên nhân chủ yếu của các vụ xích mích thù hằn, nếu mà trong các KCN hoặc các vùng lân cận mà cấm được rượu bia thì chắc cũng không xảy ra đánh nhau đâu nhỉ?
Hoài Thương (thuonghoai-hp@yahoo.com)
TS.Phạm Mạnh Hà: Việc cấm người lao động nói riêng và người dân nói chung không uống rượu bia là điều bất khả thi mặc dù ai cũng biết rằng rượu bia đôi khi là chất xúc tác để gây ra những cuộc ẩu đả hay xích mích. Thực tế người công nhân đến với rượu bia không chỉ đơn thuận nhậu nhẹt ăn uống còn là cái cớ để họ giải tỏa những căng thẳng sau khi làm việc và là nơi giao lưu gặp gỡ bạn bè, chia sẻ cuộc sống khi xa gia đình vì vậy để có thể hạn chế người lao động làm dụng bia rượu thì nhà quản lý nên có tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động văn hóa thể thao, học tập lành mạnh để cuốn hút họ tham gia thay vì đến với những cuộc bia rượu tốn kém và lại gây ra những hậu quả không mong muốn.
Nếu như thấy bạn bè mình bị gây sự mà tới tham gia thì có bị coi là tội tổ chức đánh nhau không thưa Luật sư?
Tuấn Trường (tuantruongnguyen@yahoo.com)
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Chào bạn Trường, hầu hết trong những trường hợp bạn bè bị gây sự và mọi người chứng kiến đều tham gia ẩu đả là chuyện thường thấy. Tuy nhiên, đánh nhau có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu. Do đó, trong trường hợp thấy bạn bè mình bị gây sự mà tới tham gia thì không bị coi là tội tổ chức đánh nhau. Trong trường hợp này, nếu cấu thành tội phạm thì những người tham gia đánh nhau bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giản đơn.
Tôi thấy bây giờ mọi người hay thờ ơ với nhau lắm, nếu như có đánh nhau thì cũng chỉ ở ngoài xem rồi bàn tán thôi, chứ chẳng ai dám vào can ngăn cả vì đều sợ tai bay vạ gió mà, như vậy cũng không thể trách cứ được đúng không?
Xuân Mai (mainguyenxuan@gmail.com)
TS. Phạm Mạnh Hà: Đúng là trong xã hội hiện nay thì mọi người càng dễ dàng thờ ơ, vô cảm với những tội ác và sự bất hạnh của người khác nhưng mọi người không hiểu rằng chính sự thờ ơ vô cảm này lại làm gia tăng thêm tình trạng trên. Biết đâu một ngày nào đó chính bạn và những người khác lại là nạn nhân của những tội ác này. Vì vậy trong những tình huống cụ thể nếu bạn có thể can thiệp giúp đỡ thì bạn nên hết mình và những điều tốt bạn làm sẽ nhân lên và có ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Và hy vọng ngày nào đó chúng ta sẽ được sống trong xã hội tốt đẹp hơn.
Mọi người hay bảo nếu ở công ty có hoặc đơn vị mà có xảy ra tranh chấp thì có nghĩa là tổ chức công đoàn ở nơi đó chưa hoàn thành nhiệm vụ, như vậy có đúng không ạ?
Huy Tuấn (huytuan219@gmail.com)
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Quan hệ lao động trong các DN hiện nay ngày càng phức tạp, nguyên nhân tranh chấp lao động thường xảy ra do người sử dụng lao động hoặc NLĐ. Đối với người sử dụng lao động do không thực hiện nghiêm pháp luật lao động, xâm hại đến quyền, lợi ích của NLĐ như về tiền lương, thời giờ làm việc, bữa ăn ca... sẽ xảy ra tranh chấp, ngừng việc hoặc đình công. Nguyên nhân từ phía NLĐ đó là do không chấp hành nghiêm nội quy quy chế, TƯLĐTT của DN và pháp luật lao động, làm ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD.
Khi xảy ra tranh chấp, CĐCS cần xem xét nguyên nhân từ đâu: Nếu từ phía người sử dụng lao động, CĐ cần bám sát luật định đấu tranh đến cùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của NLĐ. Nếu từ phía NLĐ thì cũng cần xem xét xử lý có tình có lý nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa tiến bộ trong DN. Thông qua đó CĐCS cần quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục tổ chức giáo lưu đối thoại để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra tranh chấp tại DN.
Nếu hai bên có va chạm khiến một người trong nhóm bị thương thì ai là người chịu trách nhiệm, người gây thương tích hay là người gây xích mích?
Hải Hà (Thanh Trì, Hà Nội)
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Xin trả lời câu hỏi của bạn Hải Hà như sau: Theo quy định của pháp luật, giữa hậu quả (bị thương hoặc chết) với hành vi phạm tội (đấm, đá, đâm, chém) phải có quan hệ nhân quả hay nói cách khác việc người bị thương tích do bên kia gây ra thì người đã trực tiếp gây ra phải chịu trách nhiệm đối với người bị thương. Sau đó, tùy theo từng tình huống cụ thể, các cơ quan pháp luật sẽ xem xét lỗi của người gây xích mích để có thể truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm của người gây xích mích với vai trò đồng phạm với người gây thương tích .
Tại sao bây giờ có va chạm là người ta cứ phải dùng hàng nóng nhỉ? Hồi trước nếu chẳng may xích mích lắm thì cũng chỉ tay chân nói chuyện một chút rồi thôi, có phải con người bây giờ càng ngày càng hung hãn không? Mọi người cũng là do áp lực hoặc xích mích quá nên mới xảy ra va chạm thôi, nếu ai cũng biết nhường một chút thì chắc chả bao giờ có đánh nhau nhỉ?
Hương Dung, Xuân Đỉnh, Hà Nội
TS. Phạm Mạnh Hà: Đúng là trong xã hội công nghiệp thì mọi người trở nên hối hả thêm căng thẳng hơn vì thế khi gặp xích mích thì khó kiểm soát cảm xúc của mình và mọi người thường sử dụng những biện pháp mạnh để khống chế đối phương một cách nhanh nhất có thể. Nếu mỗi chúng ta ý thức hơn về những giá trị đạo đức , sự bao dung, tình yêu thương thì chúng ta sẽ tránh được những xung đột, xích mích không cần thiết xảy ra trong cuộc sống và công việc.
Cho em hỏi trong khi xích mích mà thực sự chỉ là vô ý gây thương tích thì có được giảm nhẹ tội không ạ?
Đỗ Long (dolong_vp@gmail.com)
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Theo trường hợp như bạn Long hỏi thì người có hành vi gây thương tích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 108 BLHS. Mức thương tích phải từ 31% trở lên mới có thể bị xử lý hình sự với mức hình phạt cao nhất là hai năm tù, thấp hơn rất nhiều lần so với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 104 BLHS (mức hình phạt cao nhất là tù chung thân).
Tôi thấy cứ xử lý nghiêm những người hay đầu trò thì mọi việc cũng sẽ đỡ dần thôi đúng không?
Hải Anh (haianhnguyen@gmail.com)
TS. Phạm Mạnh Hà: Đôi khi chúng ta xử lý nghiêm người đầu trò chưa hẳn đã giải quyết được tận gốc vấn đề mà điều quan trọng là phải tìm ra được những nguyên nhân gây ra những xích mích và xung đột để có hướng giải quyết.
Tôi xin hỏi, Giám đốc ở công ty cứ động một chút là lại thích vung tay vung chân lên, anh em công nhân thì họ ngại nên cũng chẳng dám nói gì, cũng chẳng ai dám góp ý với cái tính nóng như lửa đấy cả, vậy nên làm thế nào bây giờ?
Trần Mai (maitran261@gmail.com)
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Quy định của pháp luật lao động chỉ rõ người sử dụnglao động và người lao động đều có trách nhiệm thực hiện đúng quyền lợi và trách nhiệm của mình. Trường hợp bạn nêu thì giám đốc của công ty bạn đã vi phạm pháp luật do vậy bạn nên báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản với CĐCS về những sự việc không thể chấp nhận được. Chắn chắn CĐCS và các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm giải quyết để bảo vệ quyền lợi ích của NLĐ.
Xin hỏi nếu có va chạm xảy ra thì trong trường hợp nào chỉ phạt hành chính, cảnh cáo còn trường hợp nào thì bị truy tố?
Bích Ngọc (bichngoctran@yahoo.com)
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Trường hợp như bạn Ngọc hỏi, theo BLHS, Điều 104 quy định, một người bị truy truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nếu người đó cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà:
- Tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên, hoặc
- Tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 104 BLHS (dùng hung khí nguy hiểm, dùng thủ đoạn gây hại nhiều người, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân,...).
Trong trường hợp có va chạm xảy ra nhưng không thuộc các trường hợp để truy cứu trách nhiệm hình sự nêu trên thì chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Xin hỏi sao lại có hiện tượng “ma cũ bắt nạt ma mới” nhỉ, em thấy ở cả chỗ trọ lẫn trên công ty em có nhiều tình trạng như vậy xảy ra lắm?
Mai Hương, Thanh Trì, Hà Nội
TS. Phạm Mạnh Hà: Thường những kẻ bắt nạt cũng từng là nạn nhân của cái hiện tượng ma cũ bắt nạt ma mới và vì thế việc bắt nạt người mới vào cũng là cách họ giải tỏa những ức chế và đau khổ trước kia họ đã phải chịu hơn thế họ muốn khẳng định cái tôi, vị trí quyền lực đối với người mới để trục lợi. Nếu mà người mới tỏ ra yếu đuối và đơn độc thì sẽ rất dễ dàng trở thành nạn nhân lâu dài của kẻ bắt nạt. Vì thế các bạn cần phải đoàn kết tương trợ lẫn nhau thì sẽ không bao giờ có cơ hội dành cho kẻ bắt nạt.
Nếu tôi thấy có đánh nhau mà không can ngăn hoặc giúp đỡ thì có bị coi là vi phạm pháp luật không?
Hải Hà, Văn Quán, Hà Nội
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Có rất nhiều trường hợp xảy ra như bạn Hải Hà hỏi. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định về nghĩa vụ can ngăn hoặc giúp đỡ đánh nhau nên nếu bạn thấy có đánh nhau mà không can ngăn hoặc giúp đỡ thì bạn cũng không bị coi là vi phạm pháp luật. Việc can ngăn đánh nhau là thuộc về phạm trù đạo đức, do đó, bạn có thể hành động để phù hợp với đạo đức của người Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy đánh nhau mà người bị đánh đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà bạn tuy có điều kiện nhưng không giúp đỡ thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 102 BLHS.
Tôi là quản lý một xưởng luyện thủy tinh, tôi quản lý hơn 100 nhân công, anh em công nhân thương chia từng nhóm và các nhóm thường có những đố kỵ và xích mích, không ít lần tôi phải đứng ra dàn xếp những vụ ẩu đả. Tôi muốn hỏi chuyên gia có cách nào để dĩ hòa vi quý trong anh em công nhân?
Trần Hà Huy, Đông Anh – Hà Nội
TS. Phạm Mạnh Hà: Với trách nhiệm của nhà quản lý bên cạnh bạn tổ chức điều hành sản xuất thì bạn cũng nên chú ý tới tổ chức những hoạt động chung để gắn kết mọi người và hình thành những giá trị văn hoa chuẩn mực chung trong tập thể. Chính những giá trị văn hóa này sẽ giúp mọi người yêu thương, gắn kết và giảm bớt những xung đột và xích mích. ên Bên cạnh đó bạn cũng cần đối xử công bằng khách quan không thiên vị bắt kỳ một cá nhân nào điều đó cũng sẽ giảm bớt những mẫu thuẫn và xung đột không đáng có.
Em không hiểu trong trường hợp nào thì bị coi là đánh nhau có tổ chức, chẳng nhẽ bình thường thì là không có tổ chức à?
Trần Lâm (tranlam28_hn@gmail.com)
Ls, Ths Phạm Thanh Bình: Chào bạn Lâm, đánh nhau có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.
Ví dụ: A bàn với B, C, D về việc chặn đường đánh E vào tối nay. A chọn thời điểm, địa điểm và phân công công việc cho mỗi người. Việc đánh E được tiến hành theo đúng kế hoạch. Lúc này, A, B, C và D phạm tội có tổ chức. Ngược lại nếu do xích mích với nhau nên A, B, C và D chỉ rủ nhau chặn đường đánh E bị thương mà không có sự bàn bạc, phân công cụ thể thì trong trường hợp này A, B, C, D được coi là đồng phạm dạng giản đơn.
Tôi là nhóm trưởng của một nhóm công nhân nữ ở xưởng may, trong tổ có 2 em nữ công nhân do không hợp nhau và hay đố kỵ chỉ trích nhau, nếu tôi không kịp can ngăn thì nhiều lần đã xảy ra đánh nhau. Tôi biết họ đểu khó khăn và vì miếng cơm manh áo nên cạnh tranh, đấu đá nhau. Nếu báo cáo cấp trên cho họ nghỉ việc thì tôi cũng không đành. Tôi phải giải quyết sao cho mọi việc êm thấm mà họ vẫn có việc làm nuôi gia đình?
Nguyễn Minh Ánh, Xuân La – Hà Nội
TS. Phạm Mạnh Hà: Bằng tình cảm của người chị bạn có thể tổ chức buổi gặp gỡ với 2 bạn công nhân trên để tìm hiểu những căn nguyên gây nên những xích mích., đồng thời bạn cũng nhắc nhở cảnh báo trước việc xích mích này ảnh hưởng như thế nào đến công ty và với tư cách là nhà quản lý thì bạn phải can thiệp bằng cách biện pháp hành chính. Chúng tôi tin là 2 bạn nữ công nhân sẽ hiểu thiện chí của bạn và sẽ thay đổi.
Em năm nay 20 tuổi làm việc tại xưởng hàn, do quá bức xúc vì bạn đồng nghiệp đã cố tình gây cản trở khiến em không thể hoàn thành công việc được giao nên em có lỡ đánh đồng nghiệp đó bị gãy tay. Nay đồng nghiệp đó đòi kiện và đòi bồi thường em liệu em có phải đi tù không? Và em phải bồi thường bao nhiêu?
baotien@yahoo.com.vn
Ls Ths Phạm Thanh Bình: Việc bạn đánh đồng nghiệp gẫy tay là vi phạm pháp luật hình sự, trong trường hợp cơ quan giám định pháp y kết luận tỷ lệ thương tật của người bị đánh trên 11 % thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại khoản 1 điều 104 BLHS với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù. Trong trường hợp thương tích từ 31% - 60% thì bạn sẽ bị xử phạt theo khoản 2 điều 104 BLHS với mức hình phạt tư 2 năm đến 7 năm tù giam. Tuy nhiên, khi xét xử, tòa án cân nhắc xem xét đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ như thân nhân của bạn chưa có tiền án, tiền sự, khai báo thành khẩn để có mức hình phạt phù hợp.
Về mặt dân sự, bạn sẽ phải bồi thường các thiệt hại xảy ra đối với người bị hại như chi phí điều trị, thu nhập bị mất trong những ngày làm việc...
Ở KCN phức tạp lắm, nhất là xung quanh mấy quán nhậu gần đó là thường xuyên xảy ra va chạm với nhau, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng mà đâu rồi lại hoàn đó, chẳng biết làm thế nào cả! Không biết mọi người có giải pháp gì không?
Nguyễn Ngọc Lan ( Gia Lâm, Hà Nội)
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Vấn đề bạn nêu đang là thực trạng buồn ở các khu CN hiện nay. Ở đây chúng ta cần thống nhất một nhận thức đó là quy luật Cung-Cầu trong cuộc sống, vấn đề là sự lựa chọn thông minh của mỗi con người để tránh xa sự cám giỗ của các TNXH . Thiết nghĩ các cấp CĐ cần quan tâm đến việc tuyên truyền giáo dục CNLĐ, chăm lo nâng cào đời sống vật chất tinh thần của công nhân, tạo ra nhiều hoạt động sân chơi bổ ích để thu hút họ trong thời gian nghỉ ngơi táo tạo sức lao động. Đồng thời CĐ cần kiến nghị với các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tạo môi trường sống và làm việc lành mạnh cho mọi CNLĐ.
Công ty tôi có 50 công nhân, hiện nay công ty đang rơi vào tình trạng khó khăn không thể chi trả lương cho công nhân đúng hẹn. Đã có nhiều buổi đình công xảy ra và một số công nhân quá khích nên đã xảy ra đánh lộn. Tôi muốn hỏi có cách nào để làm yên lòng công nhân để họ yên tâm làm việc chờ công ty vượt qua khó khăn không?
nhatcuong@yahoo.com
TS.Phạm Mạnh Hà: Bạn cũng nên chia sẻ những khó khăn mà công ty đang gặp phải với các bạn công nhân đồng thời bạn cũng đưa ra các mục tiêu cũng như những biện pháp mà lãnh đạo công ty đang thực hiện để chấm dứt hiện trạng này thì tôi tin là các bạn công nhân sẽ hiểu và chia sẽ những khó khăn với công ty.
Do tranh giành ngày làm công và khối lượng công việc mà giữa 2 tổ công nhân ở công ty tôi có xảy ra ẩu đả. Trong lúc xô xát mọi thứ hỗn loạn mà 1 công nhân ở tổ A đã vô tình làm công nhân ở tổ B bị rách mắt gây hỏng một bên thị lực tôi muốn hỏi luật sư liệu bạn công nhân tở tổ A có bị truy cứu hình sự không?
hoangminh@gmail.com
Ls Ths Phạm Thanh Bình: Trường hợp bạn hỏi, xin trả lời như sau: Việc xô xát, ẩu đả, gây thương tích cho đối phương không thể coi là vô ý. Tuy nhiên, thương tích rách mắt nếu được giám định pháp y kết luận có tỷ lệ thương tật trên 11% thì người gây ra thương tích đó mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tôi là công nhân ở xưởng dệt may, đã 2 tháng nay công ty nợ lương anh chị em công nhân rất bức xúc với quản lý vì hứa hẹn nhiều và thái độ không hợp tác. Nhiều lần đã xẩy ra xô xát nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Người quản lý dọa sẽ đuổi việc những ai gây rắc rối và sẽ không nhận được lương. Tôi muốn hỏi người quản lý đúng hay sai và ai sẽ là người bảo vệ chúng tôi?
baodai@gmail.com
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Vấn đề bạn nêu tôi cho rằng bạn cần xem phương thức trả lương của đơn vị mình như thế nào, thông thường việc trả lương tại DN là hàng tháng. Việc DN quá 2 tháng chưa trả lương cho CN là sai vi phạm pháp luật lao động. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và đồng nghiệp bạn nên trình bày với CĐCS bằng văn bản để CĐCS có trách nhiệm can thiệp xử lý bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Em làm việc ở xưởng thêu đã được 7 năm trước khi bạn T vào làm chị quản lý rất tin tưởng và giao nhiều việc quan trọng cho em làm. Nhưng từ khi T vào tuy không có tay nghề giỏi nhưng với lợi thế ăn nói đã lấy được lòng của quản lý và em không còn là cánh tay đắc lực của chị nữa. Em cũng không quá bức xúc vì chuyện đó em chỉ cảm thấy ấm ức là T luôn tìm cách nói xấu và hạ thấp em trước chị quản lý. Nhiều lúc em muốn dạy cho T một bài học nhưng lại sợ bị đuổi việc và phạm pháp. Em phải làm sao?
Bích Hạnh, Khu công nghiệp Thăng Long
TS. Phạm Mạnh Hà: Bản chất bạn là người tốt và có năng lực, bạn hãy thể hiện tốt những điều đó và đừng quan tâm đến những cái vụn vặt xung quanh. Chúng tôi tin với những khả năng và đóng góp của bạn cho công ty thì cấp trên và đồng nghiệp sẽ tin tưởng và ghi nhận. Chúc bạn thành công.
Sếp của em rất chuyên quyền độc đoán như anh chị em trong công ty thường nói. Chuyện mắng chửi nhân viên là thường xuyên và như cơm bữa, thậm chí anh ta còn sẵn sàng tát hay đấm nhân viên trước công ty nhưng không ai dám kiện cáo gì vì đồng tiền bát gạo nuôi gia đình. Nhưng gần đây mấy người chúng em không thể nào chịu được thói hống hách của anh ta nữa. Em muốn hỏi ông ta có vi phạm luật? Và ông ta đã vi phạm luật gì với người lao động và chúng em có thể kiện anh ta với cơ quan nào?
Nguyễn Bá Quang, Thạch Thất – Hà Nội
Ls Ths Phạm Thanh Bình: Theo quy định của pháp luật thì tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sếp của bạn thường xuyên mắng chửi, xúc phạm danh dự của nhân viên là vi phạm pháp luật đồng thời vi phạm cả nguyên tắc về đạo đức. Để chấm dứt tình trạng này, bạn có thể kiến nghị BCH CĐCS hoặc các tổ chức xã hội khác có ý kiến yêu cầu vị sếp này chấm dứt những hành vi nói trên. Trong trường hợp hành vi của sếp bạn đến mức nghiêm trọng thì vị sếp này có thể bị khởi tố để xử lý hình sự theo quy định tại điều 121 của BLHS về tội làm nhục người khác với mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam.
Công đoàn công ty có trách nhiệm chăm lo cho đời người lao động nhưng ở công ty tôi thì có vẻ không được như vậy. Tôi làm cho công ty giầy và đang gặp phải một rắc rối với người quản lý. Do tôi có con nhỏ đợt vừa rồi cháu ốm tôi có xin quản lý cho nghỉ mấy hôm chăm con và xin ứng trước một khoản tiền nhưng không những không được tạo điều kiện tôi còn bị quản lý dọa đuổi và có những lời lẽ xúc phạm đến người làm mẹ như tôi? Tôi có gặp công đoàn trình bày nhưng không có hồi âm vậy công đoàn công ty tôi có làm vi phạm luật không? Tôi phải găp ai để tìm công bằng?
tiendung@gmail.com
Ông Vũ Mạnh Tiêm: Trường hợp của bạn theo quy định của pháp luật lao động là được nghỉ để chăm sóc con ốm theo chỉ định của bác sĩ. Việc xử sự của DN như bạn nêu là không đúng. Nếu CĐCS chưa tiếp nhận và xử lý nguyện vọng của bạn, bạn cần phản ánh sự việc lên CĐ cấp trên (cụ thể là CĐ các khu CN và CX ) có trách nhiệm xem xét xử lý.
Để không muốn tình trạng đình công xảy ra ở công ty mà vẫn đảm bảo cho công nhân làm việc chăm chỉ không đòi tăng lương do công ty cũng đang khó khăn thì xin hỏi chuyên gia có cách nào vẹn toàn không?
Trần Khải Minh, Đống Đa – Hà nội
TS. Phạm Mạnh Hà: Chính những giá trị văn hóa, tinh thần tập thể, tình yêu thương, sự công bằng, tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo dành cho nhân viên đó chính là những nguồn lực tinh thần mạnh mẽ giúp gắn kết các thành viên trong tập thể đồng hành cùng với công ty cả những lúc khó khăn cũng như khi phát triển. Chúc công ty bạn luôn phát triển và thành công.
Tôi đang gặp rắc rối vì đánh con của một quản đốc phân xưởng do anh ta cậy người nhà nên hống hách với anh em trong xưởng, do tức giận nên tôi đã đấm anh ta 2 phát vào mặt gây gãy một răng cửa. Ngoài ra không bị thương ở đâu. Anh ta đang bắt tôi phải bồi thường 20 triệu nếu không sẽ kiện tôi ra tòa và sẽ làm cho tôi bị đuổi việc. Xin luật sư cho biết tôi phải làm sao? Tôi đã phạm tội chưa và nếu phải đền bù tôi phải đền bao nhiêu?
Tiến Minh, Hoài Đức – Hà Nội
Ls Ths Phạm Thanh Bình: Thương tích gẫy răng cửa của vị con trai quản đốc cty bạn chưa đến mức bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích trong. Trong trường hợp này, chỉ có thể giải quyết bằng dân sự là bồi thường thiệt hại đã gây ra. Bạn có thể nhờ người thân hoặc tổ chức công đoàn đứng ra làm trung gian hòa giải để xin lỗi người bị hại và thương lượng mức bồi thường. Nếu mức bồi thường người bị hại đưa ra là quá cao so với khả năng kinh tế của bạn cũng như thương tích thực tế xảy ra và bạn không thể bồi thường được thì người bị hại có thể khởi kiện vụ án dân sự ra trước tòa án để đề nghị giải quyết.
Việc cho thôi việc người lao động phải căn cứ vào pháp luật về lao động, nội quy lao động DN và mức độ vi phạm của NLĐ... chứ không thể chỉ vì chuyện người bị đánh là con của quản đốc cty.
Công ty tôi đang giai đoạn khó khăn nên cần cắt giảm bớt lượng công nhân, chúng tôi có đưa ra thông báo ai có tay nghề giỏi và chăm chỉ sẽ được giữ lại công ty, tôi tưởng như vậy sẽ kích thích anh em thi đua trong công việc để cạnh tranh nhưng bên cạnh việc đó lại xẩy ra sự hỗn loạn tranh giành nhau từng đầu công việc khiến công xưởng lúc nào cũng như cái chợ người này hằm hè người kia, thậm chí khi người nào đó không thỏa được mãn họ đã dùng đến cả nắm đấm với nhau. Tôi hết sức đau đầu khi phải giải quyết những mâu thuẫn. Trong trường hợp này tôi nên làm thế nào để mọi người đều phục mà vẫn đoàn kết trong công xưởng?
Hồ Vĩnh, Thanh Xuân – Hà NộI
TS.Pham Mạnh Hà: Đúng là khi cuộc sống và lợi ích kin
Bài viết cùng chủ đề
Tọa đàm, Giao lưu trực tuyếnNên xem
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận
Thái Lan công bố các môn thi đấu chính thức tại SEA Games 33
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Tin khác
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tin mới 21/11/2024 21:42
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Tin mới 21/11/2024 19:44
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55
Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc kinh doanh hiệu quả
Tin mới 21/11/2024 16:43
Hưng Yên đẩy mạnh thu hút vốn FDI có hàm lượng công nghệ cao
Tin mới 21/11/2024 16:32
Đại biểu Quốc hội: Không thể để một công chức nếu không chi tiêu gì mất cả hơn trăm năm mới mua được nhà
Sự kiện 21/11/2024 14:14