Thực thi CPTPP: Công đoàn cần làm gì để khẳng định mình?
Luôn và sẽ khẳng định vai trò không thể thiếu | |
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP | |
Sửa Bộ luật Lao động theo hướng nào khi có CPTPP? |
Với tổ chức Công đoàn – đây được coi là cơ hội “vàng” để Công đoàn Việt Nam đổi mới nội dung, hiện đại hóa phương thức hoạt động, nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động.
Chủ động đón nhận thách thức
Hiệp định CPTPP được ký kết ngày 8/3 bởi Bộ trưởng 11 nước thành viên, gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Với 500 triệu dân, chiếm 13,5% nền kinh tế thế giới và 15% thương mại toàn cầu, CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Đáng chú ý, quyền về lao động là một trong những vấn đề chính trong vòng đàm phán cuối cùng của CPTPP trước khi ký kết. Phân tích về ý nghĩa của vấn đề lao động trong CPTPP đối với Việt Nam, ông Chang-Hee Lee - Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết: Chương 19 về lao động trong Hiệp định CPTTP dựa trên Tuyên bố năm 1998 của ILO. Chương này cũng đưa ra mối liên hệ giữa việc thực hiện Tuyên bố năm 1998 của ILO với các điều kiện thương mại trong một khuôn khổ thời gian nhất định, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng.
Nhận định về tác động của CPTPP đến tổ chức Công đoàn Việt Nam, ông Ngọ Duy Hiểu - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Bên cạnh cơ hội nêu trên, tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng thời phải đối mặt với không ít thách thức. Thách thức lớn nhất là trong tương lai không xa, ở cấp cơ sở, sẽ xuất hiện các tổ chức đại diện khác của người lao động (hay còn gọi là đa công đoàn).
Vấn đề cạnh tranh để giữ chân và thu hút mới đoàn viên công đoàn là điều tất yếu sẽ xảy ra giữa Công đoàn Việt Nam và tổ chức đại diện khác của người lao động. Một cuộc cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng theo pháp luật khi Công đoàn Việt Nam có nhiều ưu thế, song cũng có những vấn đề cần khắc phục.
Theo phân tích của ông Hiểu, tổ chức Công đoàn Việt Nam có bề dày truyền thống; được tổ chức thống nhất, rộng khắp gồm 4 cấp; có đội ngũ cán bộ công đoàn hùng hậu; những năm qua đã có nhiều hoạt động mang lại lợi ích, bảo vệ quyền hợp pháp, chính đáng của người lao động. Song mô hình tổ chức còn bất cập; một bộ phận cán bộ công đoàn còn nặng tư tưởng bao cấp, phong trào thuần túy, chậm thích ứng với tình hình mới; hiệu quả hoạt động còn hạn chế ở nhiều công đoàn cơ sở sẽ là những thách thức khi cuộc cạnh tranh sắp đến gần.
Phân tích về những thách thức liên quan đến lao động và công đoàn trong CPTPP, PGS.TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng: Chúng ta đồng ý cho sự hình thành của các tổ chức đại diện người lao động tại Việt Nam, nhưng trong khuôn khổ hiến pháp và những bộ luật chuyên ngành của Việt Nam, đồng thời có tính đến yêu cầu thỏa thuận với ILO, những điều khoản quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Bên cạnh đó, những tổ chức này được quyền vận động để thành lập tổ chức liên minh đại diện người lao động – có thể là liên minh công đoàn cấp ngành, cấp địa phương và cả cấp toàn quốc nữa. Những tổ chức Công đoàn này – họ có thể gia nhập Công đoàn Việt Nam (nếu muốn), còn không, họ vẫn hoạt động như một tổ chức Công đoàn độc lập.
PGS.TS Vũ Quang Thọ cũng nêu thêm những thách thức với Công đoàn Việt Nam như: Chắc chắn những quyền và lợi ích tổ chức Công đoàn độc lập hứa hẹn với người lao động sẽ cao hơn tổ chức Công đoàn Việt Nam đang cố gắng hoạt động. Đặc biệt, một thách thức thực tế, đã và đang tồn tại, Công đoàn Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận là rất nhiều cuộc bất đồng trong quan hệ lao động, ngừng việc tập thể, đình công của công nhân lao động là tự phát.
“Gần như 100% các cuộc đình công từ năm 1995, 1996 đến nay đều không có Công đoàn lãnh đạo. Sở dĩ không có Công đoàn vì những người lãnh đạo đình công họ không tin vào Công đoàn. Sở dĩ họ không tin, vì họ cho rằng Công đoàn đang bảo vệ quyền và lợi ích, cho những người có thế lực, chứ không phải bảo vệ và đứng về những người yếu thế như họ. Đây chính là thách thức, thách thức rất lớn của tổ chức Công đoàn Việt Nam”, PGS.TS Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.
Phải đổi mới để thích ứng
Theo Trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu: Trong quá trình Chính phủ đàm phán Hiệp định TPP, sau này là CPTPP, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tích cực tham mưu, góp ý, chuẩn bị các phương án thích ứng khi Hiệp định có hiệu lực.
Nêu lên 5 nhiệm vụ trọng tâm tổ chức Công đoàn Việt Nam tập trung thời gian tới, ông Hiểu khẳng định: Trước tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn và đoàn viên về cơ hội, thách thức khi Chính phủ ta tham gia ký kết Hiệp định CPTPP và quyết tâm thích ứng với tình hình mới.
Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, triển khai hoạt động của CĐ theo hướng quyết liệt, kịp thời, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm, giảm bớt các hoạt động văn hóa, thể thao, hướng hoạt động vào các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn, đặc biệt là nhiệm vụ chăm lo lợi ích, đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tập trung nâng cao hiệu quả công tác đối thoại xã hội và thương lượng tập thể, chương trình phúc lợi đoàn viên...
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm, tư duy sáng tạo là một đòi hỏi tất yếu để hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp: Bản lĩnh, tâm huyết, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, gắn bó sâu sát với cơ sở; có năng lực tư vấn, thuyết phục, đối thoại, thương lượng và bảo vệ người lao động.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở thông qua việc xác định rõ nhiệm vụ, đổi mới cơ chế lựa chọn Chủ tịch công đoàn cơ sở, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; nâng cao năng lực chỉ đạo, tập trung hỗ trợ của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với công đoàn cơ sở.
“Với bản lĩnh và trí tuệ của những người cán bộ công đoàn Việt Nam, như cha ông ta đã tổng kết “cái khó ló cái khôn”, tôi tin rằng, Công đoàn Việt Nam sẽ vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để làm mới mình sau khi gia nhập CPTPP”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của PGS.TS Vũ Quang Thọ, với những thách thức đối lập đặt ra trước bàn của Công đoàn, Công đoàn Việt Nam không có cách nào khác là cần phải điều chỉnh lại chiến lược và sách lược hoạt động của mình. Với cán bộ công đoàn, yêu cầu tiên quyết là phải có bản lĩnh và trình độ, cụ thể là cần có kiến thức về pháp luật, văn hóa, kỹ thuật sản xuất, công nghệ sản xuất, qua đó mới thuyết phục công nhân nghe mình, tin mình và đi theo mình.
Để làm được như vậy, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho rằng, điều kiện đầu tiên để thay đổi là chúng ta phải thay đổi về vật chất cho cán bộ công đoàn, bởi nếu tiền lương của cán bộ công đoàn thấp, vị thế của họ cũng không được bảo đảm thì chắc chắn họ sẽ không dám dấn thân cho sự nghiệp Công đoàn, cũng không thể xả thân cho sự nghiệp bảo vệ người lao động.
Từ góc độ Tổ chức Lao động Quốc tế, ông Chang-Hee Lee khuyến nghị: Hiệp định CPTPP và EU-Việt Nam FTA yêu cầu Việt Nam tôn trọng và thúc đẩy Tuyên bố năm 1998 của ILO, đặc biệt là Công ước số 87 về tự do liên kết và Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể. Tóm lại, điều này yêu cầu công đoàn phải thực sự là tổ chức đại diện của người lao động, công đoàn phải là con tim, khối óc của người lao động, như công đoàn ở hầu hết các nước thành viên của ILO.
“Tôi cho rằng đây là cơ hội vàng đối với hệ thống công đoàn của Tổng LĐLĐ Việt Nam để hiện đại hoá tổ chức và chức năng nhằm đại diện tốt hơn cho tiếng nói của người lao động”, Giám đốc ILO tại Việt Nam khẳng định.
Bảo Duy
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33