Nỗi đau ẩn sau sự ô nhiễm môi trường, thực phẩm
Những nỗi đau không nói thành lời
Một buổi sáng đầu đông, trời mưa phùn, khiến cho không gian thêm phần rét buốt. Tiết trời ấy khiến những ánh mắt trầm tư, những giấc ngủ chập chờn, những mái đầu chỉ còn lơ thơ vài cọng tóc của những đứa trẻ bị bệnh ung thư dường như thêm phần ám ảnh. Thế nhưng, khác với tưởng tượng của chúng tôi, khi đặt chân đến tầng 3, Khoa Nhi, Bệnh viện K3, chúng tôi cảm nhận được tận sâu trong những ánh mắt trầm tư ấy, là khát khao chiến thắng bệnh tật. Tiếng cười của các em xóa tan không gian u tịch.
Với nhiều người lớn tuổi, khi đã mang trong mình căn bệnh ung thư, đồng nghĩa với việc “án tử” đã treo lơ lửng trên đầu. Với các bệnh nhi, các em vẫn chưa thể cảm nhận hết được nỗi ám ảnh ấy. Thế nhưng, với cha mẹ các em, việc phải chứng kiến con mình đang gồng mình chống chọi từng cơn đau, từng hơi thở, từng nhịp sống, quả thực là một thử thách không hề nhỏ.
Bệnh nhi vẫn hồn nhiên trước "án tử" bởi căn bệnh ung thư. |
Tại phòng điều trị số 2, Khoa Nhi, chúng tôi gặp một bệnh nhi với mái đầu trọc lốc, gương mặt xanh xao, cánh tay bé xíu đang bị “khóa chặt” bởi nhằng nhịt kim truyền hóa chất sau đợt xạ trị. Em Thành Trung mới 9 tuổi (ở Ninh Bình) đã điều trị ở Bệnh viện K3 được một năm. Em bị ung thư xương và đã phải cắt bỏ một phần chân bên phải đến tận đầu gối và đã trải qua 12 lần điều trị hóa chất. Đau đớn hơn, hiện căn bệnh ung thư của em đã di căn sang phổi, giờ điều trị cũng khác so với những bệnh nhân thông thường, đó là điều trị theo triệu chứng. Chia sẻ với chúng tôi, cậu bé bảo: “Em biết mình không còn sống được lâu nữa, gia đình vì thương nên mới xin cho em vào viện để nhận được sự chăm sóc trong những ngày tháng cuối cùng”.
Nói xong, cậu bé trùm chăn rồi khóc. Sáng nay, đây là lần thứ hai chúng tôi thấy em khóc. Lần trước, là khi có một nhóm từ thiện vào mời em chụp ảnh lưu niệm, nhưng em nhất định không đồng ý và cũng trùm chăn khóc. Để chia sẻ với chúng tôi, cậu bé phải chờ cho mẹ đi ra ngoài em mới nói. Em kể, mẹ và gia đình đã quá vất vả vì mình, em không thể khóc trước mặt mẹ được. Qua những lời tâm sự của cậu bé nghị lực này chúng tôi hiểu rằng, niềm hy vọng của gia đình em giờ đang phải đếm từng ngày…
Giống như Thành Trung, em Lứ Văn Tường (Quan Sơn, Thanh Hóa), mới vào nằm điều trị tại Bệnh viện K3 từ giữa tháng 11/2015, bởi căn bệnh ung thư xương cột sống. Khi phát hiện khối u ở lưng Tường, bố mẹ Tường đã tức tốc đưa em đến Bệnh viện K3 để khám và điều trị. Tưởng chừng khối u chỉ sơ sơ và điều trị ít ngày là xong, thế nhưng, khi đến bệnh viện các bác sĩ đã phải chuyển em xuống ngay phòng hồi sức cấp cứu, vì sức khỏe ngày một xấu đi. Nói về con mình, chị Hương - mẹ Tường - cho biết: “Thằng bé ngoan lắm, mấy hôm trước nó vẫn cười tươi, nhưng gần đây thì nằm im một chỗ. Bệnh tình của cháu ngày một nặng, giờ các bác sĩ phải dùng bình oxy để hỗ trợ cho cháu thở”.
Căn bệnh ung thư của Tường ngày một nặng hơn, khiến cậu bé không thể nằm ngửa được, mà phải nằm nghiêng một bên. Các bác sĩ đã nói với mẹ Tường rằng, khối u đã ăn sâu vào cơ thể, em tiếp tục phải truyền hóa chất thêm một thời gian nữa, khi ấy mới biết được sức khỏe của em có chống chọi được với căn bệnh quái ác đó hay không. Nhìn Tường nằm đó với một mớ máy móc, dây rợ hỗ trợ, thi thoảng lại quằn quại bởi cơn đau ập đến và rồi sau những cơn đau ấy, cậu bé thiếp đi, chúng tôi không khỏi quặn lòng.
Viết tiếp những giấc mơ dang dở
Phải đưa con đến Bệnh viện K3, có lẽ, người cha, người mẹ nào cũng dự đoán được tình huống xấu nhất xảy ra với những đứa con yêu của mình, nhưng tất thảy mọi người đều cố gắng giành giật lại sự sống cho con, bằng mọi giá. Đó là câu chuyện về anh Nguyễn Văn Hiển (Hải Hậu, Nam Định), một năm ròng rã theo con trai lên bệnh viện, dù nguồn sống duy nhất của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Gia đình đã phải bán đi ngôi nhà hương hỏa, nhưng số tiền lo cho con chữa trị đâu đã thấm. Thế nhưng, lúc nào người cha ấy cũng ở bên con, kiên trì cùng con chiến đấu với bệnh tật. Người đàn ông ấy hiểu rằng, giờ đây, anh mà ngã lòng thì mọi cố gắng của hai cha con anh sẽ thành vô nghĩa.
Còn trường hợp của chị Nguyễn Thị Khuê (Kiến Xương, Thái Bình) cũng đau lòng không kém. Chồng chị mất vì bệnh gan 3 năm trước, cô con nhỏ bị suy tủy phải nằm ở Bệnh viện Bạch Mai đã gần 1 năm, giờ tới lượt cậu con Đức Mạnh lại bị mắc căn bệnh ung thư gan quái ác, khiến chị gần như suy sụp. Thế nhưng, vượt qua những nỗi đau ấy, chị Khuê vẫn gắng gỏi cùng con giành giật sự sống từng ngày. Thế nhưng, đằng sau những nỗi đau, những giọt nước mắt ấy, là một sự hồn nhiên của các em nhỏ, bởi một niềm tin, lạc quan vào tương lai phía trước, để viết tiếp những giấc mơ còn dang dở.
Em Lứ Văn Tường mệt mỏi sau những đợt xạ trị kéo dài |
Nói về ước mơ của mình, em Tiến Dũng (con trai chị Khuê) òa khóc rồi bảo: “Em buồn lắm, em chỉ ước mình không bị cắt chân để được đi học như bạn bè, đi lại như người bình thường. Sau này lớn lên, em sẽ làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người”. Còn bệnh nhi Hà Linh (SN 2011, Phong Thổ, Lai Châu) cho biết, nếu khỏi bệnh em muốn được trở thành giáo viên để dạy chữ cho trẻ em vùng cao. Nhưng, một chân của em đã bị cưa mất, không biết sau này em có còn leo được núi nữa hay không”.
Không bi quan như hai bệnh nhi trên, em Khánh Linh (SN 2005, Hải Dương), dù biết mình mắc bệnh nặng với căn bệnh ung thư buồng trứng, nhưng em lại mỉm cười rất tươi khi nói về ước mơ của mình: “Em ước mơ sau này mình sẽ trở thành một tiếp viên hàng không, được đi khắp mọi nơi trên thế giới”. Nói rồi em nở nụ cười đầy hy vọng.
Chia tay các em, chia tay những người cha, người mẹ đang phải giấu vội những giọt nước mắt, để cùng con vượt qua những khó khăn phía trước. Thế nhưng, câu nói của chị Khuê khiến chúng tôi không khỏi day dứt. Chị bảo, các bác sĩ nói rằng các con mắc bệnh hầu hết là do di truyền hoặc do sự biến đổi gene từ cha, mẹ. Thế nhưng, hiện, vấn đề vệ sinh môi trường, nguồn nước và thực phẩm chứa nhiều chất độc hại cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ ung thư bùng phát.
Có thể khi ăn uống, cơ thể chúng ta chưa mắc bệnh, nhưng nó sẽ tích tụ và ảnh hưởng đến thế hệ tương lai. Với một loạt các chất cấm đã được phát hiện đối với thực phẩm, thức ăn, chúng ta đang tự hại nhau. Làm sao để hạn chế vấn nạn này, có lẽ câu hỏi ấy không chỉ riêng mình chị Khuê đặt ra.
Đạt Đỗ
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00