Thí sinh 29 điểm và 5 tâm thư gửi 2 Bộ trưởng |
Nhiều ngày qua, thông tin em Bùi Kiều Nhi, (SN 1997, ở thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), thí sinh thi được 27,5 điểm nhưng bị trượt Đại học vì không biết bố từng có tiền án đã gây xôn xao dư luận.
Ai cũng tỏ ra tiếc nuối, thông cảm vì bố em bị kết án 9 tháng tù treo khi em còn chưa được sinh ra, em hoàn toàn vô tội.
"Tôi thật sự thấy bất ngờ"
Khi nhận được tin Nhi bị trượt Đại học vì bố từng có tiền án, người nhà và hàng xóm đều rất bất ngờ và hụt hẫng. Trước đó, biết Nhi đỗ vào trường Công an với số điểm cao đứng thứ hai, ai cũng mừng và tự hào vì ở xã mình có một học sinh giỏi như thế.
Từ khi nhận được tin Nhi bị trượt Đại học, ông Bùi Vĩnh Thiệu (48 tuổi, trú thôn Đức Ngọc, xã Đức Hóa), chú ruột của Nhi buồn bã, ít đi ra ngoài hẳn.
Ông Bùi Vĩnh Thiệu, chú ruột em Bùi Kiều Nhi bất ngờ vì cháu mình bị trượt Đại học (Ảnh Hoàng Hà) |
Ông Thiệu tâm sự, sự việc bố cháu Nhi bị án treo đã xảy ra cách đây hơn 23 năm rồi. Hồi đó, ở xã không có việc gì làm nên người dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề đi rừng lấy gỗ về bán.
Cả tôi, bố cháu Nhi và hàng chục người dân trong xã đều phải đi rừng để kiếm sống. Trong một lần đang vận chuyển gỗ thì bị Kiểm lâm bắt. Lúc đó rất nhiều người, nhưng chỉ mỗi anh tôi bị bắt.
Nhưng cho đến bây giờ thì không còn ai nhớ đến vụ việc này nữa. Ngay cả bản thân tôi, khi có công văn của Công an huyện mới nhớ ra chứ tôi cũng không còn nhớ gì đến chuyện đó nữa.
“Nếu trước đây cha nó đi ăn cắp, ăn trộm hay giết người thì nói là nhân phẩm, đạo đức không tốt, chứ đây cũng chỉ vì kiếm sống mà phải liều mình thôi. Nếu vì thế mà cháu tôi bị trượt Đại học thì tôi thấy oan cho nó quá.
Khi nghe tin, tôi thật sự thấy bất ngờ. Mỗi lần nhìn thấy cháu là tôi lại ứa nước mắt, thậm chí tôi còn không dám sang nhà hỏi thăm, động viên cháu nữa.
Lúc làm hồ sơ xét tuyển đại học, tôi cũng góp ý cho cháu là nên nộp nhiều trường, nếu không đỗ trường này thì còn hy vọng ở trường khác. Nhưng nó chỉ thích mỗi ngành Công an nên chỉ nộp duy nhất một bộ hồ sơ vào Học viện chính trị Công an nhân dân”, ông Thiệu nói.
“Cha cháu mất sớm, một mình mẹ cháu nuôi 4 chị em ăn học. Biết cháu thi đỗ vào trường Công an tôi thấy rất mừng vì cháu đã đạt được ước mơ của mình. Nhưng khi nghe tin cháu lại bị đánh trượt vì bị cho rằng cháu không trung thực khi khai lý lịch khiến tôi thấy thật sự thấy ngỡ ngàng và tiếc công lao 12 năm đèn sách của cháu quá. Ngày còn sống, bố cháu sống rất hòa đồng, chưa bao giờ có xích mích hay to tiếng gì với hàng xóm. Từ xưa đến nay, cũng không nghe ai nói gì đến việc bố cháu từng có án tích”, ông Nguyễn Hữu Tưởng (62 tuổi), hàng xóm với gia đình em Nhi cho biết.
Bố Nhi từng tham gia chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược ở biên giới phía Bắc
Theo gia đình em Nhi, ông Bùi Vĩnh Tường (bố Nhi) từng có 3 năm tham gia quân ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ tổ quốc, chống quân Trung Quốc xâm lược ở biên giới phía Bắc.
Năm 1984, mới đang ở độ tuổi 19, nhưng khi được gọi tên thì ông Tường đã sẵn sàng lên đường nhập ngũ.
Trong 3 năm ông Tường đi bộ đội trên Biên giới, cả gia đình ai cũng lo lắng. Thời đó, nhiều người đi cùng còn bị chết, nhiều người trở về được nhưng lại bị què chân hoặc cụt tay.
“Có lần, một người hàng xóm trở về nhưng bị què chân, cả nhà tưởng là anh trai tôi nên ai cũng khóc. May mắn thay, anh trai tôi đã trở về an toàn. Vậy cớ sao, công lao anh trai tôi đóng góp cho đất nước thì không thấy ai kể, mà lại chỉ lôi mỗi chuyện anh tôi từng có án treo để đánh trượt cháu tôi”, ông Thiệu, chú ruột em Nhi thắc mắc.
Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Ngọc Bảo (54 tuổi), người từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống lại quân xâm lược Trung Quốc cùng với bố Nhi cho biết, trước đây ông từng đi bộ đội với bố cháu Nhi, sau này về quê thì cùng sinh hoạt trong hội Cựu chiến binh ở địa phương.
Hàng xóm ai cũng ngỡ ngàng khi nghe tin Nhi bị trượt Đại học vì lỗi thiếu trung thực (Ảnh Hoàng Hà) |
Không chỉ cháu Nhi và gia đình, mà cả ông Bảo cũng như nhiều người dân đều thấy rất hụt hẫng khi em bị trượt đại học.
“Bố cháu mất rồi, sự việc bố cháu từng có tiền án thì ở đây không mấy ai biết. Mẹ cháu cũng không biết vì lúc đó chưa kết hôn, mà mẹ cháu ngày trước chỉ được học đến lớp 5, lớp 7 nên không đủ hiểu biết để tìm hiểu cho cháu. Chỉ là ý kiến của cá nhân thôi, nhưng tôi hy vọng các cấp hãy xem xét thật kỹ trường hợp của cháu Bùi Kiều Nhi để cháu không phải chịu thiệt thòi”, ông Bảo nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Đức Vân, Chủ tịch xã Đức Hóa cho biết: “Việc cháu Bùi Kiều Nhi bị trượt Đại học vì lỗi không trung thực tôi thấy thật oan cho cháu. Vì bố cháu bị kết án tù treo từ khi còn chưa kết hôn, đến cả mẹ cháu còn không biết nói gì đến cháu.
Hơn nữa, tội danh của bố cháu không có gì lớn, thời đó người dân chủ yếu đi buôn bán gỗ để kiếm sống, cũng chưa bị nghiêm cấm như bây giờ. Ở địa phương, gia đình cháu luôn chấp hành đầy đủ mọi quy định của pháp luật. Hoàn cảnh gia đình cháu lại nghèo, bố mất sớm, bà ngoại lại đang đau ốm suốt mấy chục năm qua nên kinh tế gia đình khó khăn lắm”.
Theo em Bùi Kiều Nhi, trước khi có công văn gửi về, phía công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã gọi điện đến cho em và gia đình nói, nếu em muốn vào học ở Học viện chính trị Công an nhân dân thì phải nộp giấy xóa án tích của bố. Khi Nhi và mẹ lên Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa để xin giấy xóa án thì được Tòa trả lời, người đã chết rồi thì đương nhiên án tích đã được xóa. Vì vậy, phía Tòa hướng dẫn em chỉ cần có thêm giấy chứng tử, bản án và một đơn trình bày để bổ sung vào hồ sơ. Em Bùi Kiều Nhi đã nộp đầy đủ giấy tờ theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa. Tuy nhiên gần một tuần sau đó, em lại nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hóa trả lời về việc em “thiếu trung thực” trong phần khai lý lịch. Sau đó, Nhi tiếp tục viết đơn trình bày về việc mình không biết bố từng có tiền án chứ không phải thiếu trung thực như công văn của Công an của huyện Tuyên Hóa nói, nhưng em bị từ chối tiếp nhận. |
Theo Hoàng Hà/giaoduc.net.vn