Làm được như bác thì còn gì bằng!
Uôn Cắp và những bài học! | |
Bác lại triết học rồi | |
Ngắn mà xa lắc |
- Nghe chú nói tớ đã chả muốn hỏi nữa, kiểu ở đâu cứ nước đôi thế, chả trách mọi sự cứ “chờ đấy nhé”!
- Bác lạ nhỉ, cái gì không biết, chưa rõ đúng sai mà trả lời bừa có mà…
Các nhà báo vượt trùng khơi đưa tin về bảo vệ chủ quyền biển đảo |
- Chả mà gì cả, tin tức của các chú như thế là chuyện thường, địa danh, tên nhân vật, nguyên do sự việc…nhiều khi cứ rối tung cả, hôm nay khác, ngày mai khác mà có sao đâu.
- Bác nói hỏi em việc gì sao lại quay ra “tỉa tót” thế?
- À, tớ muốn hỏi báo chí bây giờ có thêm nhiều lĩnh vực để viết nhỉ.
- Ồ, thời đại phát triển như vũ bão thế này, có thêm nhiều lĩnh vực cũng là điều bình thường mà bác.
- Nhưng có những lĩnh vực tớ nghe là lạ, chưa hiểu nội dung của nó là gì.
- Bác hỏi em mà cứ như “nuôi tin” ấy nhỉ.
- Lại có chuyện “nuôi tin” nữa, nghĩa là sao?
- Nghĩa là trước một thông tin gì cứ đưa “ri rỉ” vừa để giữ bạn đọc tò mò chờ đợi, vừa để tăng nhuận bút.
- Chết thật. Đúng là kiểu “từ từ rồi khoai sẽ nhừ”. Như tớ trước đây bất kể thông tin sự kiện gì cũng phải nắm bằng hết mới lên báo, như thế mới có thể cân nhắc xem nên đưa tin ở mức độ nào, với góc tiếp cận nào, để có lợi nhất. Nếu không nhiều thông tin lại phản giáo dục, gây hoang mang trong xã hội. Làm báo như chú không phải cứ thấy hấp dẫn, nóng hổi là đưa ngay được đâu.
- Gớm bác lại nâng quan điểm rồi. Cơm áo cũng chẳng đùa với nhà báo đâu bác.
- Biết là thế, nhưng chuyện con chữ là phải hết sức thận trọng, “sai một ly đi một dặm” ấy chứ. Đơn cử như cách đưa tin “ri rỉ” của chú, tớ ví dụ nhé, hôm nay đưa tin: Vì ăn …5 trẻ bị viêm màng não, đến ngày mai mới đưa tin các nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ đã kết luận ăn… hoàn toàn không liên quan gì đến bệnh viêm màng não của 5 trẻ này.
Ôi chỉ cần mấy chục giây thôi là bao nhiêu hệ lụy rồi, bao nhiêu nông dân khóc ròng vì không tiêu thụ được nông sản; xã hội hoang mang …nữa là tận ngày sau mới đưa kết luận thì hậu quả thật quá nghiêm trọng.
- Như thế chẳng qua cũng là “tai nạn nghề nghiệp” thôi mà bác.
- Chú nói cứ như cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, rồi lại nói “tai nạn giao thông” thôi mà.
- Vâng, thế em chịu bác, nhưng bác cũng “câu viu” quá đấy. Quay về chuyện “lĩnh vực” của bác đi.
- Ừ, cho tớ hỏi, bậy giờ có cả lĩnh vực “sa lông”, lĩnh vực “máy lạnh” nữa à?
- Bác nói gì em không hiểu.
- Thì tớ cứ nghe nói “phóng viên sa lông”, “phóng viên máy lạnh” chả hiểu là phóng viên gì. Thường tớ chỉ thấy nói “phóng viên kinh tế”, “phóng viên thể thao”…
- Nghĩa là phóng viên chuyên viết về kinh tế, phóng viên chuyên viết về thể thao…
- Thì tớ vẫn hiểu là như thế. Vậy chả nhẽ lại có phóng viên chuyên viết về sa lông, chuyên viết về máy lạnh?
- Ồ, tưởng bác hỏi gì, thế mà bác cứ vòng vo mãi. Hết mấy ấm trà giờ mới vào chuyện. Bài báo mà viết vòng vo như bác là bị biên tập cắt ngay tắp lự.
- Tớ có vòng vo đâu, vì câu chuyện qua lại, chạm đến vấn đề gì là tớ phải phân tích ngay. Thông tin phải nhanh nhậy mà.
- Bác nói đúng nhưng chưa đủ, nhanh nhậy nhưng phải chính xác. Nếu không lại “tai nạn nghề nghiệp” như chơi. Rồi bác lại phê bình. Rõ khổ.
- Thôi thì không nhanh nhậy nữa. Cái “sa lông” với “máy lạnh” là gì chú nói tớ nghe xem.
- Có gì đâu bác. Đó là ám chỉ các phóng viên ngồi sa lông, phòng máy lạnh mà vẫn viết được tin, bài ở tận đẩu tận đâu thôi mà.
- Thế không phải là phóng viên chuyên viết về sa lông và máy lạnh à? Cứ như chú nói thì gay quá. Nghề báo là cái nghề cần thực tế nhất, thế mà ngồi máy lạnh vẫn có tin bài thì giỏi thật.
- Chả phải là giỏi đâu bác. Thời đại bùng nổ thông tin, muốn tìm hiểu sự kiện gì, vấn đề gì cứ mở mạng ra là đầy rẫy. Phóng viên chỉ việc cóp nhặt chỗ này một tý, chỗ kia một tý là thành tin bài của mình thôi mà.
- Chú nói vậy thì càng gay. Nếu cứ làm báo kiểu này thì cái “tai nạn nghề nghiệp” sẽ còn nhiều. Mà tai nạn nhiều thì đâu còn niềm tin nơi bạn đọc nữa.
- Ôi giời, bác lo gì chuyện mất uy tín. Cứ tin hot là “ăn viu”, mà càng nhanh càng nhiều viu. Đếm viu ra tiền tội gì không làm bác?
- Hóa ra làm báo bây giờ sướng thế hả. Cái thời tớ làm báo là luôn phải đi (mà đi trên cái xe đạp cà tàng thôi nhé, không có ôtô, xe máy như bây giờ); luôn phải nghe, phải nhìn tới tận cùng của vấn đề. Phương tiện tác nghiệp chỉ có cuốn sổ và cây bút. Viết được một bài để bạn đọc chấp nhận là cả một quá trình lao động nghiêm túc chứ đâu lơ tơ mơ được.
- Nhưng cái thời ấy, thời của bác ấy đã có chuyện bùng nổ thông tin đâu, vì thế đâu có chuyện cạnh tranh tin tức nên cứ “chậm mà chắc” là được.
- Chú nói lạ, thời nào thì cũng thế, mỗi sản phẩm báo chí đều phải tôn trọng sự thật, dù cho để tìm ra sự thật ấy mất bao nhiêu thời gian, chứ chưa biết thật, giả thế nào cứ tung tin ra rồi báo nào cũng đua nhau tung tin nhanh chưa cần thẩm định, cạnh tranh kiểu đó sao được.
- Nhưng phải cạnh tranh thông tin mà bác. Báo kia đưa tin rồi, báo mình chưa có là mất bạn đọc, mất bạn đọc là mất hết.
- Đúng là mất bạn đọc là mất hết, nhưng tớ lại cho rằng cái kiểu thông tin “ăn xổi”, “cóp nhặt” như chú nói mới là mất bạn đọc. Tớ thấy nhiều tờ báo vẫn có những bài viết, những điều tra công phu đi đến cùng sự thật. Ở đó người đọc cảm nhận được sự tin cậy của thông tin và sức lao động của phóng viên. Những bài báo như thế sẽ góp phần kéo bạn đọc về với báo. Thời nào cũng vậy lao động thực chất của phóng viên cũng sản sinh ra những bài báo “sống mãi với thời gian”.
- Nhưng đeo đuổi sự thật là một hành trình không dễ, đòi hỏi sự dũng cảm, dấn thân và cả hy sinh của người làm báo.
- Đúng là như vậy. Có dấn thân, dũng cảm mới tìm ra được sự thật thuyết phục bạn đọc.
- Nhưng cũng phải lựa chứ có phải sự thật nào cũng nói ra một cách tuồn tuột được đâu bác.
- Chú nói vậy thì hỏng rồi. Một trong những yếu tố quan trọng của nhà báo là tôn trọng sự thật, tất nhiên có những sự thật phải đưa thế nào, liều lượng ra sao thuộc về nhãn quan và sự tỉnh táo của nhà báo. Làm sao để những thông tin mình đưa ra không phản tác dụng. Tớ nói tác dụng ở đây là tác dụng định hướng dư luận, xây dựng xã hội lành mạnh, chứ cái tác dụng “câu viu” tớ không đề cập.
- Làm được như bác thì còn gì bằng.
- Cái thời của tớ, không máy tính, không intener, không ghi âm, máy ảnh xịn…, chỉ lắng nghe, nhìn kỹ mà ra ối sản phẩm lay động lòng người đó.
- Tất nhiên phương tiện hành nghề chỉ là một yếu tố, còn yếu tố làm nghề thế nào vẫn là quan trọng. Nhưng không phải vì thế mà phủ nhận tiến bộ của khoa học. Công cụ hỗ trợ càng hiện đại sẽ càng giúp nhà báo thuận tiện trong việc tác nghiệp. cái thuận tiện của phương tiện cũng góp sức tốt hơn cho các tác phẩm để đời chứ bác.
- Tớ công nhận là như thế, nhưng phải biết sử dụng phương tiện như thế nào, chứ cứ như chú bảo vệ mấy anh “phóng viên sa lông”, “phóng viên máy lạnh” thì tớ không đồng ý.
- Là em nói vậy thôi, chẳng qua cũng “lực bất tòng tâm”, chứ nào em dám bảo vệ sự lười nhác trong tác nghiệp.
- Thôi, chả nhẽ nhân ngày báo chí không nói gì, ta nói vui vậy thôi. Nhưng ta phải công nhận báo chí đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Có chút nào lệch lạc thì cứ phải điều chỉnh dần, để báo chí thực sự nói lên tiếng nói của người dân, khi ấy báo chí càng không thể thiếu trong đời sống xã hội.
- Em chỉ biết nói lại câu: Làm được như bác thì còn gì bằng.
Thiện Tâm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Hà Nội tự tin tạo kỳ tích trong kỷ nguyên mới
Thời sự 19/12/2024 16:28
Lại câu chuyện giá nhà!
Bình luận 19/12/2024 06:27
Chỉ đạo quyết liệt, triển khai phải nhanh, hiệu quả
Bình luận 13/12/2024 15:40
Giải bài toán giải phóng mặt bằng
Bình luận 12/12/2024 14:06
Cần góc nhìn đồng cảm!
Bình luận 10/12/2024 16:03
“Cách mạng” về môi trường
Bình luận 05/12/2024 11:52
Cấm thuốc lá điện tử, các bậc phụ huynh thở phào…
Bình luận 03/12/2024 07:25
Tổ chức không thể thiếu của giai cấp công nhân
Bình luận 28/11/2024 11:43
Cũng nên "cách mạng" về giáo dục - đào tạo
Bình luận 26/11/2024 10:00
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49