Kỳ thi THPT quốc gia: Hồi hộp trước giờ “G”
Nỗi lòng gia đình “sĩ tử”
Chị Nguyễn Thị Châm (tổ 39, Thịnh Liệt, Hoàng Mai) cho biết, chị đang hết sức lo lắng nhưng không dám thể hiện cho con biết vì sợ cháu nao núng tinh thần. Con gái chị học trường THPT Trương Định năm nay thi hết cấp, vốn học khá khối A nhưng lại kém ngoại ngữ, các môn xã hội khác cũng bình thường. Dó đó, chị rất lo lắng vì sự học lệch của con. “Hiện cháu đang tập trung hết sức vào các môn thi đại học nên tôi sợ con sẽ học lệch, bỏ quên kiến thức cơ bản của các môn xét tốt nghiệp”- chị Châm chia sẻ.
Cũng tâm trạng như chị Châm, chị Chu Minh Vân (Khu tập thể Trung Tự, Hà Nội) bày tỏ: “Con tôi từ năm lớp 10 học chuyên về khối C nên các môn toán hay ngoại ngữ cháu cũng học không được tốt cho lắm. Cho nên tâm trạng của con không được thoải mái với kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Cháu có nguyện vọng thi tuyển vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khối ngành Báo chí nên còn phải thi thêm một môn năng khiếu. Trong khi đó, Học viện lại không tổ chức ôn thi môn này dưới bất kể hình thức nào nên nội dung thi có thể là những vấn đề mà con chưa được học hoặc thử trước đó cũng khiến tôi rất lo lắng”.
Học sinh chuẩn bị trước kỳ thi |
Việc các bậc phụ huynh có con năm nay thi THPT có diễn biến phức tạp và lo lắng là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng khi được hỏi các sĩ tử - người trong cuộc - tâm trạng lại không bi quan như bố mẹ mà tâm lý đã được cải thiện và sẵn sàng “vượt ngũ môn”. Em Hồng Hạnh - học sinh Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Em lo lắng vì không thể biết chắc rằng kết quả thi của mình rồi sẽ phù hợp với trường nào. Vì thế, ngoài học chuyên về khối A, khối mà em theo đuổi lâu nay, từ khi có qui chế mới em đã học thêm các môn thuộc khối D và thi luôn cả hai khối để có thêm cơ hội chọn trường. Vì phải trải qua nhiều môn thi hơn nên em thực sự cũng hoang mang. Còn vài ngày nữa là thi rồi, em cũng khá hồi hộp nhưng được bố mẹ động viên nên em cũng thấy mình bình tĩnh hơn và đã sẵn sàng cho kỳ thi ”.
Còn em Thu Trang, học sinh Trường THPT Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội), mặc dù học lực em ở mức trung bình khá nhưng em cho biết đã nỗ lực ôn thi nên hiện tại không quá lo lắng. “ Vì học lực em bình thường nên mới đầu khi có qui chế mới của Bộ GD&ĐT về thi THPT, em thấy khá áp lực và hoang mang. Song, nhờ có sự quan tâm, động viên từ phía gia đình, bạn bè nên em đã nỗ lực ôn thi. Hiện tại em không còn cảm thấy áp lực gì nữa cả, tư tưởng khá thoải mái. Hy vọng, kỳ thi của em không đến nỗi tệ”- Trang chia sẻ.
Trao đổi về tình huống nói trên, PGS. TS Nguyễn Thị Hoa, Trưởng phòng Tâm lý học ứng dụng, Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, học sinh có tâm lý hồi hộp, lo lắng… thậm chí run sợ trước kỳ thi là điều bình thường. Hơn nữa, năm nay là năm đầu tiên tổ chức hình thức thi mới, nên, các bố mẹ đừng quá lo lắng vô tình tạo áp lực cho các con.
Giảm áp lực bằng nhiều hỗ trợ
Trong các ngày thi, Hà Nội sẽ thành lập sở chỉ huy và thiết lập đường dây nóng tại các quận, huyện, thị xã để tiếp nhận và xử lý các tình huống bất thường; tổ chức 9 đoàn kiểm tra để giám sát, kịp thời hỗ trợ tại 9 cụm thi. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã công bố số điện thoại đường dây nóng (01628.167646) nhằm nắm bắt tình hình, theo dõi và xử lý các thông tin liên quan đến kỳ thi. |
Để góp phần giảm bớt áp lực cho thí sinh và các bậc phụ huynh trong mùa thi THPT “2 trong 1” năm nay, nhiều trường, cụm thi, sinh viên tình nguyện đã lên kế hoạch để hỗ trợ thí sinh và người nhà dự thi chỗ ở, đi lại...
Tại Hà Nội, chương trình “Tiếp sức mùa thi” do Thành đoàn- Hội Sinh viên TP Hà Nội triển khai từ ngày 28/6 đến hết ngày 5/7 với sự tham gia của gần 12.000 tình nguyện viên phủ khắp trên địa bàn thành phố. Khu vực trọng tâm sinh viên tình nguyện tham gia, cụ thể 3 bến xe: Gia Lâm, Giáp Bát, Mỹ Đình, điểm trung chuyển xe buýt Long Biên và 8 cụm thi.
Về phía Công an Hà Nội, ngoài việc huy động 100% cán bộ chiến sĩ ứng trực, Phòng CSGT Công an Hà Nội sẽ phối hợp với lực lượng Công an các quận, huyện, Thanh tra Giao thông, lực lượng tự quản, bảo vệ dân phố, thanh niên tình nguyện…tham gia hướng dẫn, điều tiết giao thông trên các tuyến đường; xử lý xe ô tô, xe taxi đỗ, dừng tại cổng các bệnh viện, nhà ga, bến xe, bến tàu vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo giao thông thông suốt trong những ngày kỳ thi diễn ra. Trường hợp thí sinh, người nhà thí sinh không biết đường, không có phương tiện để đến các điểm thi, lực lượng CSGT sẽ trực tiếp đưa đi hoặc qua các lực lượng khác giúp đỡ thí sinh, người nhà thí sinh đi đến các địa điểm thi an toàn, đúng giờ.
Tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, đại học Kinh tế Quốc dân, công tác chuẩn bị , cả về chỗ ăn, chỗ ở cho thí sinh cũng đã hoàn tất. Bạn Lâm Tùng, Chủ tịch Hội Sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Sẽ có 600 sinh viên tình nguyện của trường tham gia hỗ trợ thí sinh dự thi THPT quốc gia. Hiện tại quỹ phòng trọ của nhà trường có khoảng 2.000 phòng trọ. Nếu bạn nào trong cụm thi có nhu cầu nhà trường đều đáp ứng. Những suất cơm miễn phí hỗ trợ thí sinh và người nhà cũng đang được nhà trường tập hợp".
Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố giảm 15% giá vé hỗ trợ cho thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Được biết, kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội, diễn ra từ ngày 30/6 đến 4/7, với gần 118 nghìn thí sinh dự thi, giảm 100 nghìn thí sinh so với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm trước. Mặc dù các cụm thi đều khẳng định đã sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi, song theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn, đây là kỳ thi lần đầu tiên với mục tiêu "hai trong một" nên công tác chuẩn bị phải được bảo đảm tốt nhất, không vì lượng thí sinh ít hơn mà chủ quan. Hà Nội phải quyết tâm, đồng lòng tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chất lượng cao.
Thầy Nguyễn Bá Tuấn, trung tâm hocmai.vn chia sẻ, những ngày còn lại các em nên tập trung rèn cách trình bày, lưu ý các vấn đề còn hay sai sót, bỏ quên trong quá trình trình bày để sửa ngay, xem thang điểm chấm của các năm trước đối với các môn tự luận để làm đủ ý tránh mất điểm; rèn cách làm đề, tô đáp án trong khung thời gian của đề thi trắc nghiệm để phân bổ thời gian hợp lí. Việc học trong những ngày cuối này nên vừa phải, nhẹ nhàng theo hướng tổng hợp, điểm lại các vấn đề chứ không phải là “cày” lý thuyết, “cày” đề. Tuyệt đối không nghĩ tới việc đỗ hay trượt, đi thi cứ làm bài hết mình, cố gắng hết sức để không ra khỏi phòng thi các em không còn điều gì băn khoăn, hối tiếc. |
Thương Huế
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Giáo dục 23/12/2024 16:44
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Y tế 23/12/2024 16:40
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo dục 22/12/2024 20:16
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19