Chương trình giáo dục phổ thông mới: Lo lớp học quá tải, cô - trò đều khổ
Trường tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với diện tích rất chật hẹp. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Áp lực sĩ số
Cô giáo vừa giảng bài, vừa gọi học sinh phát biểu, vừa nhắc nhở các em còn lại giữ trật tự. Trong lớp, bàn ghế kê san sát gần hết lối đi, sát cả mép cửa và bục giảng... là những hình ảnh không còn xa lạ với nhiều người. Ở các đô thị lớn của nước ta hiện nay, tình trạng quá tải trường lớp đang ở mức báo động.
Theo quy định của Bộ GDĐT, mỗi lớp học chỉ được sắp xếp tối đa 35 học sinh. Thế nhưng từ nhiều năm nay, ở các trường công lập tại Hà Nội, TPHCM, con số này chỉ có trong giấc mơ của học sinh, phụ huynh. Bởi thực tế, nhiều trường có tình trạng 50 - 60 em chen nhau trong một lớp.
Hiện Hoàng Mai là quận có quá trình đô thị hóa nhanh ở Hà Nội, đồng nghĩa với việc tình trạng quá tải lớp học cũng rất lớn. Mấy năm gần đây, việc tuyển sinh ở các trường mầm non trở nên gay cấn với kiểu bốc thăm ăn may như Trường mầm non thực hành Linh Đàm. Cứ đến mùa tuyển sinh, hàng trăm phụ huynh lại hồi hộp, bởi con em mình có được 1 suất trúng tuyển vào trường công lập sẽ dựa vào lá thăm may rủi do chính tay mình chọn. Vơi cấp tiểu học, có trường phải cho học sinh học luân phiên vào thứ bảy mới bảo đảm học hai buổi/ngày.
Tại quận Cầu Giấy cũng xảy ra tình trạng tương tự, nhiều nơi bị quá tải trường lớp. Với cấp tiểu học, trung bình mỗi lớp công lập là 49 học sinh/lớp, với lớp 6 các trường như Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Yên Hòa đều có sĩ số 50 học sinh/lớp.
“Sĩ số lớp quá đông, cả học sinh và giáo viên đều mệt mỏi. Cô quản lớp đã khó nói gì đến chuyên tâm vào dạy và cũng không có thời gian để sát sao, kèm cặp từng cháu. Với tình trạng quá tải lớp học như vậy, giáo viên chúng tôi quản lớp đã khó nói gì đến việc chuyên tâm, đầu tư vào đổi mới giáo dục” - một giáo viên của Trường Tiểu học Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) băn khoăn.
Tại TPHCM, tình trạng thiếu trường lớp cũng xảy ra ở nhiều quận, huyện. Trước đây dư luận từng phản ánh về việc một số trường do có cơ sở vật chất thiếu thốn, diện tích hẹp, nên mỗi lần chào cờ đầu tuần, học sinh phải leo sân thượng, hay đứng ở cầu thang để dự lễ khai giảng. Mặc dù năm nào TP cũng xây mới hàng ngàn phòng học, nhưng chỉ có thể giải quyết cơ bản đủ chỗ học cho học sinh, còn việc giảm tải theo đúng quy định của Bộ GDĐT vẫn thực sự là bài toán khó.
Phòng học tạm bợ, “thấp thỏm” lo trường sập
Vụ sập lan can trường học tại Trường Tiểu học xã Văn Môn (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) xảy ra vào cuối năm 2017, khiến 16 học sinh bị thương, trong đó có em bị chấn thương sọ não… là hồi chuông cảnh báo về tình trạng “đánh cược” tính mạng học sinh, khi để các em phải học trong những ngôi trường có cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng. Đáng nói, trên cả nước có không ít ngôi trường xuống cấp như thế.
Thầy trò Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) nhiều năm nay phải dạy và học trong thấp thỏm, luôn chuẩn bị tâm thế “sẵn sàng chạy” khi nhiều mảng vữa trần nhà tại các lớp bị vỡ, rơi xuống sàn. Khi báo chí phản ánh, phụ huynh bức xúc, kinh phí sửa trường mới được rót xuống để thực hiện ngay.
Theo ông Nguyễn Thế Sơn - Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GDĐT Hà Nội- không chỉ Trường THPT Trần Nhân Tông, mà hiện đang có 40 trường tại Hà Nội rơi vào tình trạng xuống cấp, chờ phê duyệt kinh phí cải tạo. Có trường cứ mưa là ngập, là dột.
Cơ sở vật chất thiếu thốn là cản trở của đổi mới
Theo thống kê mới nhất của Bộ GDĐT, hiện cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó nhiều nơi, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, hiện còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời, phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài. Nhiều nơi đủ phòng học thì lại thiếu trang thiết bị máy móc. Trong khi đó, để thực hiện được chương trình mới, dự kiến xây dựng đầu tư khoảng 57.084 phòng học, chưa kể phòng bộ môn, thư viện, cùng các trang thiết bị dạy học…
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể cũng thừa nhận, nếu sĩ số đông, cơ sở vật chất không đảm bảo sẽ khó đảm bảo đổi mới giáo dục thành công, dù chương trình mới được nhiều người đánh giá là hay, tiến bộ. Vì thế, ông kiến nghị: Các địa phương trong quá trình rà soát cơ sở vật chất, cần đảm bảo sĩ số học sinh đúng theo quy định: 35 em/ lớp đối với tiểu học, 45 em/lớp đối với THCS. Và nhất quyết phải đảm bảo đủ trang thiết bị để phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học. Ví dụ với môn Tin học, yêu cầu phải có đủ máy tính để học sinh thực hành. Rồi mỗi lớp phải có máy chiếu để giáo viên lồng ghép những thước phim, câu chuyện tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học.
Tất cả đang được vẽ ra hoàn hảo, nhưng vấn đề là tiền đâu để hoàn thành trách nhiệm thay đổi bộ mặt trường lớp, phục vụ cho công cuộc đổi mới giáo dục như thế? Địa phương nào cũng lấy lý do thiếu kinh phí để đầu tư cho trường lớp. Trong khi dự kiến chương trình, SGK mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022, tình trạng thiếu trường lớp vẫn chưa được giải quyết.
Trước tiến độ của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, bà Nguyễn Hà Thanh - Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) đầy lo lắng, bởi nhà trường hiện chưa biết xoay xở ra sao. Dự án xây dựng trường đã có từ 16 năm qua nhưng nay chưa triển khai được. Hằng năm, nhà trường có đầu tư cải tạo, song cũng chỉ mang tính chắp vá, thiếu thốn đủ thứ nên rất khó khăn để đáp ứng chương trình đòi học phòng học phải đảm bảo, trang bị đầy đủ thiết bị để học sinh thực hành.
Trước những khó khăn này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - kiến nghị: Trong Luật Giáo dục sửa đổi phải quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, không chỉ về chất lượng giáo dục, mà phải chịu trách nhiệm đảm bảo đủ trường lớp đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Khi để xảy ra các tai nạn đáng tiếc liên quan đến cơ sở vật chất xuống cấp thì lãnh đạo địa phương cũng phải chịu trách nhiệm. Có như vậy ngân sách đầu tư cho việc tu sửa, xây trường học mới được các địa phương ưu tiên, học sinh và giáo viên sẽ yên tâm học tập và sáng tạo.
Theo Đặng Chung/Lao động
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50
“Người lái đò” tận tâm và nhân hậu
Giáo dục 19/11/2024 16:40