Ấm áp nghĩa tình nơi xóm trọ
Xóm trọ công nhân và nỗi lo “bà hỏa” | |
Kỳ 5: Nghĩa tình nơi xóm trọ công nhân | |
Ghi nhận từ sự đổi thay |
Một mùa xuân nữa đang đến thật gần, không khí Tết đang tràn ngập khắp nơi, len lỏi vào những xóm trọ, nơi hàng chục nghìn công nhân làm việc ở các khu công nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Những ngày này, từ sáng sớm, các khu chợ xung quanh khu công nghiệp cũng đã tất bật với không khí mua – bán rộn ràng.
Con em CNLĐ trong cùng khu trọ thân thiết như anh em trong gia đình. Ảnh Mai Quý |
Khác với những ngày thông thường trong năm, mặt hàng được bán không chỉ là những vật dụng cá nhân thường ngày, thêm vào đó là những gian hàng phục vụ cho tết Nguyên đán. Những cây đào bắt đầu chúm chím nụ, những dãy hàng lá dong bắt đầu được bày bán, tất cả mọi hoạt động dường như hối hả để chuẩn bị cho một cái Tết đầy đủ và đầm ấm.
Hòa mình cùng không khí nhộn nhịp của các phiên chợ công nhân, ở các khu nhà trọ của công nhân không khí cũng bởi vậy mà ồn ào, náo nhiệt hơn thường ngày. Những người công nhân “xa xứ” bắt tay vào chuẩn bị dọn dẹp, trang trí lại phòng trọ, với họ đây là ngôi nhà thứ hai đã từng gắn bó nhiều năm, thậm chí với nhiều người nhà trọ còn là nơi họ đã và đang đón năm mới khi xa quê.
Trong khoảng thời khắc đặc biệt nhất của năm, cái lạnh của Hà Nội cùng với chút mưa phùn khiến cho những công nhân xa quê lại thêm nao lòng. Với họ, những ngày này, khối lượng công việc nhiều hơn, tuy vậy sau những giờ tan làm ai ai cũng mong thời gian trôi nhanh để đến những ngày họ được về quê đón Tết.
Với họ, chỉ nghĩ tới những phút giây được trở về nhà sau một năm lao động miệt mài cùng chuẩn bị đón năm mới bên gia đình là trái tim mỗi người công nhân như “vỡ òa” trong niềm hạnh phúc. Thậm chí với nhiều công nhân, nghĩ tới ngày được về quê sum họp là tất thảy những sự mệt mỏi, muộn phiền trong công việc, cuộc sống đều tan biến hết.
Chị Nguyễn Thị Sung, công nhân đang làm việc tại khu công nghiệp Phú Nghĩa tâm sự: “Nghĩ tới ngày sắp về nhà đón Tết, tôi vui lắm, ở quê nhà chắc người thân cũng đang mong ngóng, đón đợi tôi bởi họ cũng nhớ tôi như tôi đang nhớ họ. Trước khi về Tết tôi sẽ tranh thủ ra chợ mua ít đồ cho bố mẹ và các cháu ở quê. Những ngày này người thân ở quê ngày nào cũng gọi điện hỏi khi nào về đón Tết, nghỉ Tết có dài không,.... nghe những câu hỏi, sự quan tâm đó tôi càng vui hơn nhiều”.
Kém may mắn hơn những công nhân khác, công nhân Trịnh Thị Hằng đã từng có những năm đón Tết xa quê. Nhớ lại những năm đón Tết xa nhà, chị vẫn luôn bùi ngùi. Với chị Hằng, điều sợ nhất trong dịp Tết mỗi năm là khi phải báo với người thân ở quê “Tết này con không về”, khi ấy vừa nói, khóe mắt vừa cay cay. Mặc dù đón Tết ở nơi chị đã gắn bó làm việc trong suốt mấy chục năm, nơi đây giờ đã là quê hương thứ hai của vợ chồng chị, năm nào cũng đón Tết cùng chồng và hai cậu con trai nhưng cứ mỗi khi đến thời khắc giao thừa, khi bài hát “Happy new year” vang lên là lúc chị bật khóc nức nở vì nhớ nhà, nhớ người thân.
Năm nay, Tết này chị Hằng lại thêm một Tết nữa xa nhà, thêm một năm chị không được cảm nhận không khí rộn ràng sắm Tết của quê hương nơi có những người thân yêu, nơi vợ chồng chị đã sinh ra và lớn lên. Cũng là thêm một năm chị không được rạo bước trên con đường làng quê đã gắn bó với chị bao kỷ niệm vui, buồn thời thơ ấu.
Những nỗi niềm rưng rưng ấy không chỉ có ở những nữ công nhân mà chính nam công nhân, những người luôn được xem là phái mạnh, với những sự mạnh mẽ, cứng rắn về cả mặt cảm xúc thì trong những ngày cuối năm, khi nhắc đến chủ đề “Tết xa quê” hoặc “về quê đón Tết sum vầy” thì trong lòng họ cũng nhộn nhịp cùng bao niềm xốn xang.
Anh Trần Khả Thư (Thiệu Sơn, Thanh Hóa) hơn 10 năm làm công nhân ở Thủ đô, mỗi năm anh đều dành dụm tiền gửi về cho bố mẹ ở quê. Năm nay, vào tháng Tết, anh Thư đang tập trung, cố gắng tranh thủ làm thêm để có khoản tiền dư dả hơn gửi về cho gia đình sửa sang lại đồ dùng trong gia đình.
“Dịp cuối năm, ra đường thấy cành đào, cành quất là tôi hồi hộp lắm, tính từng ngày để cho nhanh tới Tết. Ngày Tết ai cũng muốn về quê, năm nào không được về quê đón Tết thì buồn lắm bởi vậy khi nào tôi cũng chạy xe máy hơn 200 ki lô mét để về đón Tết với gia đình”, anh Thư cho hay.
Thấu hiểu được những nỗi niềm ấy, nhằm mang không khí Tết đến với các khu trọ, thời gian qua, các chủ nhà trọ trên địa bàn Thành phố đã tổ chức nhiều chương trình đón Tết sớm cho những khu trọ của gia đình. Như đã thành thông lệ, khi mọi người chuẩn bị rục rịch gói ghém hành lý về quê để tận hưởng cái Tết sum vầy cùng người thân, thì ông Nguyễn Mạnh Khơi (thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) chủ khu nhà trọ có 5 phòng dành cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Phú Nghĩa lại tất bật trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị trà, rượu, bánh mứt,... để cùng công nhân xóm trọ đón bữa cơm Tết sum vầy, ấm áp cuối năm.
“Mỗi năm cứ vào khoảng 25, 26 Tết gia đình tôi chuẩn bị vài mâm cơm, đón Tết sớm cùng công nhân thuê trọ tại gia đình. Với tôi đây là dịp để mọi người cùng nhìn lại một năm qua và đưa ra những kế hoạch cho mình trong năm mới. Trong bữa cơm những câu chuyện vui, buồn trong một năm được các công nhân chia sẻ, kể cho nhau nghe qua đó đây là dịp để các thành viên trong khu nhà trọ đoàn kết với nhau hơn trong cuộc sống, từ đó tình cảm giữa chủ trọ với người thuê trọ như gắn bó, gần gũi với nhau hơn. Trước Tết, vợ chồng tôi đến hỏi thăm từng phòng trọ xem ai về, ai ở lại để có kế hoạch chăm lo nhưng hầu như rất ít khi các công nhân ở lại xóm trọ đón Tết bởi ai ai cũng mong ngóng về đón Tết cùng người thân”, ông Khơi hồ hởi cho biết.
Cùng chung việc làm ấm áp nghĩa tình đó, ông Bạch Văn Hảo, chủ nhà trọ có 13 phòng cho công nhân thuê, năm nào vợ chồng ông cũng cố gắng tổ chức buổi tất niên cuối năm ở xóm trọ để tạo nên không khí ấm cúng, đủ đầy cho khu trọ, cũng là cách để tiếp thêm động lực, niềm vui cho người thuê trọ dịp cuối năm.
Theo ông Hảo, cứ vào ngày chủ nhật trước Tết khoảng 3 tuần, tất cả những công nhân đang thuê trọ tại gia đình, có những công nhân trước đây từng thuê trọ nhưng hiện nay đã mua được nhà riêng, vợ chồng ông đều mời về dự bữa cơm tất niên với xóm trọ. Tất cả cùng nhau nấu nướng, theo những món ăn các công nhân đã thống nhất, tự chọn trước đó. Tại bữa tiệc đó, đầy đủ công nhân từ già, trẻ, trai, gái đều sum vầy cùng nhau, thông qua bữa tiệc, nhiều giọng ca ở các miền quê khác nhau đã góp không khí vui tươi, sinh động trong ngày Tết đến xuân về, có cả những cặp đôi đã nên duyên vợ, chồng nhờ những bữa tiệc cuối năm ấy.
Là người đã 5 năm đón Tết sớm ở khu trọ, chị Nguyễn Thị Dung, huyện Phù Sơn, Sơn La, công nhân đang thuê trọ tại khu công nghiệp Phú Nghĩa phấn khởi chia sẻ: “Nhờ tình cảm của chủ trọ, năm nào Tết cũng đến sớm hơn với chúng tôi, vừa đón Tết ở khu trọ, vừa được về quê sum họp bên gia đình khiến chúng tôi vơi đi nỗi vất vả của công việc trong những ngày bộn bề dịp cuối năm.
Dịp này, chẳng ai bảo ai, mọi người ở xóm trọ tranh thủ ngày nghỉ để cùng nhau tổng vệ sinh đón năm mới. Nhờ sự quan tâm, nhiệt tình của gia đình nhà chủ mà hầu hết những công nhân thuê trọ tại đây ai cũng đều coi xóm trọ như ngôi nhà thứ hai của mình, mọi người sống rất hòa nhã, vui vẻ, đoàn kết, gắn bó lẫn nhau”.
Cái Tết sớm ở xóm trọ của công nhân luôn ấm áp là vậy. Với những người công nhân, bên cạnh họ giờ đây không chỉ có những âm thanh rộn ràng của máy móc, mà còn có xóm trọ thân thương. Cuối năm với những việc làm nhỏ nhoi nhưng đong đầy nghĩa tình ấy đã giúp những công nhân được ngồi bên nhau, cùng nhau chia tay những nỗi nhọc nhằn, khó khăn của năm cũ để có niềm tin đón chào sự tươi vui trong năm mới. Có lẽ, chỉ bấy nhiêu thôi, mùa xuân và niềm hạnh phúc cũng đã lan tỏa trong trái tim mỗi người, làm ấm lòng những người công nhân lao động xa quê, giúp họ có một cái Tết đoàn viên đầy ắp tình người.
Hoa Nguyễn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công dịp Tết Ất Tỵ 2025 kịp thời, đầy đủ
Đời sống 21/12/2024 17:35
Hầu hết các ngành nghề có triển vọng lương tích cực
Đời sống 21/12/2024 17:35
Kết quả cuộc thi “Sống Đẹp” mùa 4: Lan tỏa yêu thương qua từng tác phẩm
Đời sống 20/12/2024 13:59
Đồng Nai: Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ cao nhất 380 triệu đồng
Đời sống 19/12/2024 09:53
Những tín hiệu lạc quan thưởng Tết 2025
Đời sống 19/12/2024 09:30
Nóng trong người khi liên tục tiệc tùng cuối năm: Làm gì để thanh lọc, làm mát cơ thể ?
Đời sống 14/12/2024 22:00
Bình Dương: Doanh nghiệp thưởng Tết cao nhất dự kiến khoảng 375 triệu đồng
Đời sống 14/12/2024 20:41
Làm việc vào ngày nghỉ Tết Dương lịch, người lao động được tính thêm 300% lương
Đời sống 14/12/2024 10:22
Người trẻ sốt ruột, nóng trong người vì áp lực công việc ngày cuối năm
Đời sống 13/12/2024 15:51
Tết Dương lịch 2025, người lao động được hưởng những quyền lợi gì?
Đời sống 12/12/2024 06:21