Tự hào “chiến sĩ” mặc áo Blouse trắng
Blouse trắng giữa trùng khơi | |
Blouse trắng gồng mình với dịch sốt xuất huyết |
Khi khó khăn biến thành động lực cố gắng
Trong những ngày này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang là tuyến đầu trong việc tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Với đặc thù của một cơ sở y tế tuyến đầu về bệnh truyền nhiễm, công việc quá tải vào lúc đỉnh dịch bùng phát là điều đã quá quen thuộc với “người lính” áo trắng nơi đây.
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân. |
Theo các bác sĩ của Bệnh viện, trong guồng quay của dịch bệnh, các y, bác sĩ và những nhân viên y tế không chỉ vất vả hơn về công tác chuyên môn mà họ còn phải chịu một áp lực lớn đó chính là sự kỳ thị, dè dặt từ cộng đồng do lo ngại lây nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, họ phải luôn hi sinh tình cảm cá nhân, gia đình vì công việc.
Đáng lo ngại, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay, các y, bác sĩ, nhân viên y tế là những người có rủi ro lây nhiễm cao nhất khi thường xuyên phải tiếp xúc, thăm khám, điều trị cho người bệnh.
Đã có bác sĩ tại Bệnh viện bị lây nhiễm bệnh, khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Chia sẻ về vấn đề này, ThS. BS Trần Duy Hưng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Quả thực dịch bệnh Covid-19 với mức ảnh hưởng và lây nhiễm vô cùng đáng sợ.
Tuy nhiên là bác sĩ đã có thâm niên trong nghề, lại làm việc trong chuyên ngành truyền nhiễm, nên tôi xác định nguy cơ lây nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi. Bởi vậy chúng tôi phải kiên cường đối mặt và vượt qua. Và chúng tôi luôn phải tự nhắc nhở nhau, tuân thủ nguyên tắc phòng hộ thật tốt để tránh lây nhiễm bệnh cho mình, cho đồng nghiệp cũng như những người xung quanh”.
Đối với các bác sĩ đã nhiều năm công tác ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì việc xa nhà đằng đẵng hàng tháng trời mỗi đợt dịch không còn xa lạ. Tuy nhiên, với nhiều bác sĩ trẻ, đây thực sự là một thử thách không hề dễ dàng.
Là người mới lập gia đình chưa được bao lâu, bác sĩ Bá Đình Thắng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thường xuyên phải xa gia đình để túc trực hỗ trợ đồng nghiệp tại Bệnh viện. Theo lời bác sĩ Thắng, điều may mắn là anh có người vợ biết thông cảm và thấu hiểu cho công việc của mình. Chính điều ấy là động lực, hậu phương vững chắc để anh từng giờ, từng ngày chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, cùng các đồng nghiệp nỗ lực chống dịch.
Chia sẻ thêm về công việc trong mùa dịch, bác sĩ Thắng cho hay: Công việc hàng ngày của chúng tôi thường xuyên đến thăm khám, đánh giá tình trạng, các dấu hiệu sinh tồn, triệu chứng lâm sàng cụ thể cho bệnh nhân. Ngay cả chế độ dinh dưỡng, ăn uống trong thời gian bệnh nhân đang nằm điều trị ở phòng cách ly cũng được lưu ý.
Công việc trực cấp cứu vốn đã vất vả, áp lực từ trước, tuy nhiên trong đợt dịch này, các y, bác sĩ nơi đây còn phải đảm nhận công việc phân loại nhóm bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, cách ly, hay bệnh nhân xuất viện nên trách nhiệm nặng nề hơn so với ngày thường. Dù vậy, họ luôn sẵn sàng trong tư thế đón nhận các ca bệnh. “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tất cả đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên điều dưỡng của Khoa luôn sẵn sàng tinh thần cùng nhau chiến đấu chống dịch, chuẩn bị các trang thiết bị, phòng ốc cho bệnh nhân nằm cách ly để theo dõi”, bác sĩ Thắng chia sẻ.
Tương tự, đối với vợ chồng điều dưỡng Đặng Văn Toản và điều dưỡng Nguyễn Thị Thủy thì những khó khăn trong dịch bệnh Covid-19 đã biến thành động lực để họ cùng cố gắng làm việc. Với hai vợ chồng điều dưỡng Toản, việc được chung tay góp sức cùng Bệnh viện phòng chống dịch là một điều may mắn chứ không phải thiệt thòi.
Chia sẻ về công việc của mình anh Toản cho biết: Với bệnh nhân nhiễm Covid-19, nhất là những bệnh nhân đang ở thể nặng, các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Hồi sức tích cực phải chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Từ theo dõi thông số máy thở, thuốc men, cho bệnh nhân ăn và cả hỗ trợ vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân… nhiều khi còn phải động viên tinh thần cho họ an tâm điều trị bệnh.
Được biết, con của vợ chồng anh Toản chị Thủy vừa được 2 tuổi, đi học buổi thứ hai thì phải nghỉ vì dịch bệnh Covid-19. Sau khi con nghỉ học, vợ chồng anh gửi con về quê và có thời điểm đến 3 tháng hai vợ chồng không được về nhà.
Thậm chí, hai vợ chồng làm việc cùng viện nhưng cũng không có thời gian gặp nhau. Hết giờ làm việc thì cả hai cũng mệt nhoài, họ chỉ kịp hỏi thăm nhau qua điện thoại. Thậm chí, có hôm xong ca hai vợ chồng gọi điện hẹn nhau đứng ở hai toà nhà đối diện chỉ để nhìn và chào nhau qua điện thoại.
“Mỗi khi hết ca, nghe chồng gọi điện bảo vợ ơi qua đứng gần cửa sổ cho chồng nhìn một chút, lúc đó tôi cũng cảm thấy thương và nhớ lắm… nhưng biết phải làm sao vì đang dịch bệnh. May mắn gần đây tình hình dịch bệnh tiến triển tốt hơn, tình trạng bệnh nhân nặng ngày một thuyên giảm, nên công việc của nhân viên y tế cũng đỡ vất vả hơn. Cứ mỗi khi thấy có bệnh nhân có kết quả âm tính được ra viện là tôi rất vui, bởi như vậy là sắp hết dịch. Tôi sẽ được về với con cái, đoàn tụ với gia đình”, điều dưỡng Thủy chia sẻ.
Qua những cuộc chia sẻ hiếm hoi và ngắn ngủi với các y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương những ngày này, đủ để cảm nhận trong sự tất bật vất vả của họ vẫn ánh lên những niềm vui. Họ vui vì bên cạnh việc tiếp nhận những ca bệnh mới, hàng ngày Bệnh viện vẫn được công bố các bệnh nhân mắc Covid-19 ổn định sức khoẻ, được ra viện. Đó là niềm vui vô bờ bến của những người thầy thuốc.
Cứu sống nhiều bệnh nhân Covid-19 biến chứng nặng
Được biết, trong suốt thời gian qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã rất vất vả và nỗ lực trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Để hỗ trợ và cải thiện cho các cán bộ y tế của Bệnh viện có chỗ ăn ở, nghỉ ngơi, Bộ Y tế đề xuất thuê cả khách sạn vì các y, bác sĩ đã đến Bệnh viện là xác định là không được về nhà, nhưng Bệnh viện vẫn thống nhất để mọi người ở lại để chăm sóc bệnh nhân được tốt hơn. Nhờ đó, đến hiện tại, Bệnh viện đã điều trị các ca bệnh thành công, nhất là những ca bệnh người nước ngoài, có những ca diễn biến nặng, nhưng đã được cứu chữa kịp thời.
Cụ thể, từ đầu mùa dịch đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 143 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Với 15 bệnh nhân diễn biến nặng, trong đó 5 bệnh nhân có diễn biến nguy hiểm đến sinh mạng phải thở máy và điều trị hồi sức tích cực với lực lượng y, bác sĩ trực tiếp làm việc trong buồng bệnh, theo dõi liên tục người bệnh 24/24h.
Đơn cử, vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện đã điều trị thành công cho bệnh nhân người Anh mắc Covid-19, tiền sử ung thư, đái tháo đường từng “rất nguy kịch” sau hơn 1 tháng nhập viện. Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân là ông Dixong John Garth (74 tuổi, Quốc tịch Anh).
Vào 22h ngày 13/4, ông Dixong John Garth được Bệnh viện công bố khỏi bệnh. Ông Dixong được ra viện sớm một ngày theo đề nghị của Đại sứ quán và gia đình để trở về Anh Quốc ngay trong chuyến bay rạng sáng 14/4 do Chính phủ Anh bố trí dành riêng cho các công dân. Vợ ông Dixong là bà Shan (67 tuổi) cũng là bệnh nhân nhiễm Covid-19, đã được công bố khỏi bệnh vào ngày 30/3 trước đó tại Bệnh viện.
Vợ chồng ông Dixong, bà Shan là hành khách đến Việt Nam từ Anh trên chuyến bay VN0054 ngày 2/3, với dự định thăm con trai, nhưng không ngờ rằng phải dừng chân trước cửa phòng bệnh. Theo lời bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong ngày được công bố xuất viện, bà Shan chia sẻ bà là một điều dưỡng có thâm niên 40 năm đã về hưu. Khi mắc bệnh Covid-19, bà từng nghĩ mình đã cận kề cái chết, nhưng các bác sĩ đã cứu sống bà. Còn tình trạng của chồng bà thì nặng hơn.
Khi biết chồng phải vào Khoa Hồi sức tích cực, bà Shan biết ông Dixong rất nguy kịch, nguy cơ đe dọa tính mạng cao. “Lúc mới nhìn thấy chồng, tôi rất sốc vì anh ấy không còn tóc. Tôi đã nói chuyện với bác sĩ để tôi được gặp anh ấy. Mỗi ngày, anh ấy tiến triển tốt lên. Đến khi ngừng thở máy, dần nhận biết được mọi thứ, thậm chí còn nhớ được cả nickname của tôi. Tôi rất biết ơn và ngưỡng mộ nỗ lực của các y, bác sĩ ở đây. Họ đã cứu chúng tôi, thật phi thường”, bà Shan xúc động chia sẻ.
Chia sẻ thêm về ca bệnh đặc biệt này, bác sĩ Khiêm cho biết, ông Dixong có tiền sử U lympho 10 năm. Ngày 22/3 bệnh nhân khó thở phải thở oxy, đến 27/3 suy hô hấp nặng không đáp ứng với oxy lưu lượng cao, phải chuyển khoa Hồi sức tích cực, đặt ống nội khí quản thở máy.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực. Đến ngày 5/4, tình trạng tốt hơn, bỏ được máy thở, chuyển thở oxy qua mặt nạ, rồi oxy qua gọng. Ngày 8/4 bệnh nhân ngừng được oxy, tự thở tốt. Ngày 13/3 xét nghiệm PCR SARS-CoV-2 âm tính 4 lần, toàn trạng ổn định hơn, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện.
Ngày ra viện, hai vợ chồng bệnh nhân này đã vô cùng xúc động gửi lời cảm ơn các y, bác sĩ, nhân viên y tế đã cứu chữa, điều trị và giúp họ chiến thắng dịch bệnh Covid-19. Và họ cảm thấy may mắn vì được điều trị ở Việt Nam. “Thật sự là hạnh phúc không có gì diễn tả được khi tôi nhìn thấy người vợ vào gặp chồng. Chúng tôi cảm thấy phần nào nỗ lực và cố gắng đã được đền đáp”, bác sĩ Khiêm xúc động nhớ lại.
Niềm vui của vợ chồng bệnh nhân người Anh trong đêm được ra viện về nước. |
Trong suốt quãng thời gian điều trị cho những bệnh nhân nặng, trong đó có bệnh nhân 3 lần ngừng tuần hoàn, bác sĩ Khiêm tâm sự: "Chưa bao giờ tôi và đồng nghiệp của mình được ngủ một giấc quá 3, 4 tiếng, có người bị ám ảnh bởi tiếng máy thở, tiếng báo động...
Thế nhưng có chút thời gian nghỉ ngơi thì các bác sĩ lại lên mạng tìm tài liệu, hoặc quanh quẩn ở khu bệnh nhân". Và mong muốn lớn nhất của vị bác sĩ này cũng chỉ đơn giản là dịch hết để người dân được bình yên, sau đó mình được về nhà. “Vợ chồng tôi cũng nói với nhau, từ lúc yêu nhau, rồi cưới nhau 10 năm, chưa bao giờ mình xa nhau lâu thế này", bác sĩ Khiêm chia sẻ thêm.
Tương tự, chia sẻ niềm vui khi được ra viện, bệnh nhân số 87- nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai không giấu được hạnh phúc và gửi lời cảm ơn tới các y, bác sĩ đã chữa khỏi bệnh cho mình. "Là nhân viên y tế, khi chăm sóc người bệnh tôi dùng hết tâm huyết nhưng đến khi trở thành bệnh nhân mới hiểu nỗi niềm mà người bệnh đã trải qua", bệnh nhân 87 chia sẻ. Theo bệnh nhân 87, những ngày ở Khoa cấp cứu là thời điểm khó khăn với chị.
Bởi vậy, chị rất biết ơn các y bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã chăm sóc tận tình. Nữ điều dưỡng nghẹn ngào nói: "Hình ảnh nhân viên y tế bón từng thìa sữa, cháo cho bệnh nhân khiến tôi rất cảm động". Và điều mong muốn nhất của chị ngày được ra viện là mau chóng trở về nhà ôm các con vào lòng và tiếp tục công việc để được cống hiến một phần sức mình vào công cuộc phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Sự đồng lòng của cả tập thể
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều ca mắc Covid-19, được điều trị khỏi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Với những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện, đến nay, Bệnh viện đã chữa khỏi 110 bệnh nhân mắc Covid-19. Hiện chỉ còn 2 bệnh nhân cần thở máy hỗ trợ nhưng bệnh đã thuyên giảm nhiều, người bệnh tỉnh táo và giao tiếp tốt. Các bệnh nhân khác đều ổn định và có tiến triển tốt.
Theo TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để có được kết quả trên, ngay từ khi dịch bệnh chưa xâm nhập vào Việt Nam, Bệnh viện xây dựng kế hoạch phòng chống dịch chi tiết với các kịch bản khác nhau theo quy mô, diễn biến của từng mức độ nặng của bệnh. Triển khai sớm công tác phân luồng người bệnh đến khám tại Bệnh viện ngay từ trước Tết Cổ truyền.
Bệnh viện tổ chức các khu vực riêng rẽ để khám cho người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng hô hấp, cho người có yếu tố dịch tễ và cho các trường hợp khác. Trong khu vực điều trị cách ly, người bệnh được phân luồng vào các khu vực riêng tuỳ theo mức độ nguy cơ nhiễm Covid-19 và mức độ nặng của bệnh, bao gồm khu cách ly điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, khu bệnh nhân nhiễm, và bệnh nhân nhiễm có biến chứng nặng để có biện pháp theo dõi và điều trị phù hợp.
Những ngày này chúng ta tôn vinh, tưởng nhớ đến những chiến sĩ, liệt sĩ, thương binh đã không tiếc máu xương để góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước (30/4/1975), những người lao động đang ngày đêm hăng say lao động, sản xuất để tạo ra của cải cho xã hội. Và cũng chính những ngày này, khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, với tất cả sự trân quý, chúng ta tôn vinh đội ngũ y, bác sĩ họ là những “chiến sĩ” áo trắng đã không quản vất vả, hiểm huy và tính mạng ngày đêm “căng mình” chống “giặc” Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. |
Đặc biệt, công tác hậu cần được Bệnh viện hết sức chú trọng. Bệnh viện đã dự trù đầy đủ các cơ số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư tiêu hao, máy móc trang thiết bị… đảm bảo đáp ứng nhanh, đầy đủ cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh Covid-19 và các trường hợp nghi nhiễm trong các tình huống cấp cứu khác nhau.
“Để người dân hoàn toàn tin tưởng, yên tâm chữa bệnh, Bệnh viện đang sử dụng tất cả những trang thiết bị, thuốc tốt nhất để điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Chúng tôi vừa áp dụng phác đồ nền của Bộ Y tế vừa áp dụng các phác đồ đang nghiên cứu với các nước đã áp dụng để đưa vào Việt Nam một cách triệt để.
Trong số các bệnh nhân trong đợt này, có một số bệnh nhân khi bắt đầu có diễn biến nặng là chúng tôi đã kịp thời điều trị ngay, do đã có kinh nghiệm từ đợt đầu của dịch", TS. Phạm Ngọc Thạch chia sẻ.
Đồng thời, Bệnh viện cũng triển khai tốt các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo nguyên tắc phòng ngừa, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát lây nhiễm, kiểm soát vệ sinh, khử khuẩn môi trường.
Trong đó, kiểm soát tốt thông khí, môi trường nội và ngoại cảnh, mang khẩu trang, vệ sinh tay và trang bị đầy đủ các thiết bị phòng hộ cá nhân, hạn chế tối đa việc lây chéo giữa bệnh nhân với bệnh nhân, giữa bệnh nhân với nhân viên y tế.
Với những cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong suốt thời gian qua đã được Bộ Y tế, Chính phủ và người dân ghi nhận đánh giá cao. Vừa qua, vào sáng ngày 24/4, tại Bộ Y tế, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác khám, điều trị cho bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do vi rút SARS-CoV-2 và phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Minh Khuê
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Quận ủy Thanh Xuân trao Huy hiệu Đảng tặng các đảng viên lão thành
Giá vàng thế giới “bất động” giữa lúc Mỹ sắp có tổng thống mới
Cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây diễn ra vào ngày 10/11
Tin khác
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm sởi trong bệnh viện
Y tế 05/11/2024 11:40
Cảnh giác cao điểm dịch sốt xuất huyết
Y tế 05/11/2024 10:44
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Y tế 05/11/2024 09:16
Y học tái tạo - Xu hướng mới trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp
Y tế 04/11/2024 14:06
Đề xuất công nhận Ngày Chiều cao thế giới
Y tế 03/11/2024 22:25
Đồng hành cùng các gia đình hiếm muộn trên hành trình “tìm con”
Y tế 03/11/2024 19:31
Nhân viên y tế trung tâm tiêm chủng cứu sống cụ ông bị nhồi máu cơ tim khi đi trên đường
Y tế 02/11/2024 16:50
Phát động giải chạy vì trẻ sinh non
Y tế 02/11/2024 16:38
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhi 7 tuổi gãy xương đùi
Y tế 02/11/2024 12:36
6 giờ phẫu thuật hồi sinh sự sống cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng
Y tế 02/11/2024 06:18