“Tín dụng đen” online: Người lao động cần hết sức tỉnh táo
Hà Nội sắp triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm “tín dụng đen” Quyết liệt phòng ngừa “tín dụng đen” |
“Tín dụng đen” nhắm vào người lao động
Có thể khẳng định, hiện nay đang xảy ra sự sụt giảm về số người tham gia thị trường lao động và số người có việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động cũng theo đó bị giảm sút. Đặc biệt là những người lao động phổ thông, người lao động có thu nhập thấp - vốn là đối tượng yếu thế trước hậu quả do đại dịch.
Giảm thu nhập, có những người mất hoàn toàn thu nhập, để có chi phí trang trải cho những nhu cầu thường nhật của cuộc sống hoặc giải quyết những tình huống cấp bách, không ít người lao động buộc phải tìm đến các tổ chức tín dụng đen bởi không có đủ điều kiện để có thể vay vốn ngân hàng. Điều này khiến vấn nạn “tín dụng đen” tiếp tục biến tướng ngày càng tinh vi. Đặc biệt gần đây là tình trạng cho vay qua app.
Anh Nguyễn Văn Quang (ở Đống Đa, Hà Nội) mất việc nhiều tháng nay vì dịch Covid-19. Vợ anh Quang là giáo viên cấp 2 cũng đang trong thời gian nghỉ dạy nên kinh tế gia đình khó khăn. Hai cậu con trai đang tuổi lớn nên rất nhiều nhu cầu phát sinh.
Cái khó bó cái khôn, sau nhiều lần vay tiền bạn bè, người thân, anh Quang đành phải tìm cách vay tiền qua app trên mạng. Nhanh chóng vay được số tiền 30 triệu với thủ tục nhanh chóng, hy vọng sẽ trả đúng kỳ hạn nếu công ty anh trả số tiền lương còn nợ.
Tuy nhiên, dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, công ty anh Quang làm cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hệ quả là anh Quang đã không thể trả góp đúng hạn số tiền đã vay trên mạng. Từ đó, anh Quang liên tục nhận được nhiều cuộc gọi đòi nợ khiến anh và gia đình lo lắng và phải tìm đến ngân hàng vay tiền để trả.
Không riêng gì anh Quang, nhiều lao động thời điểm này khó khăn và tìm mọi cách để vay “nóng” tiền chi tiêu cho cuộc sống sinh hoạt, và nếu không cảnh giác, họ sẽ rơi vào bẫy “tín dụng đen…
Vay tiền qua app - “tín dụng đen” biến tướng?
Vay tiền qua app hoạt động theo kiểu mở các trụ sở, công ty để cho người dân tới vay tiền mà hoạt động trên không gian mạng, giao dịch qua tài khoản và chỉ cần có kết nối internet là có thể sử dụng được.
Ảnh minh họa |
Các app này được quảng cáo trên internet, mạng xã hội để người có nhu cầu liên hệ. Sau khi tải ứng dụng trên về điện thoại, người vay tạo một tài khoản, điền thông tin cá nhân và cho ứng dụng này truy cập vào danh bạ của mình.
Các đối tượng cho vay với lãi suất 2,5%/ngày, tương đương hơn 912%/năm, vượt quá 5 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định pháp luật, để thu lợi bất chính. Những người vay trả nợ đúng hẹn thì lần sau sẽ được cho vay số tiền cao hơn.
Ngược lại, người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị nhân viên thu hồi nợ nhắc nhở, sau đó gọi điện thoại cho những người thân, gia đình, bạn bè… của họ để chửi bới, đòi nợ. Các đối tượng cũng mở nhiều tài khoản ngân hàng để người vay chuyển tiền trả nợ, tất toán khoản vay…
Theo Bộ Công an, ứng dụng vay tiền qua app thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay.
Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh. Việc vay và cho vay tiền qua app rất thuận lợi, người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: Tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân. Tuy nhiên, có nhiều app cho vay biến tướng, trở thành một dạng của "tín dụng đen", kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường, phát sinh tội phạm…
Có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng
Thời gian qua, nhiều vụ việc người vay tiền qua app bị các đối tượng đòi nợ bằng nhiều cách khủng bố tinh thần. Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, “khủng bố” người vay có thể bị xử lý hình sự.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Anh – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: Tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Theo Khoản 2 Điều 201, nếu phạm tội thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tại Khoản 3, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với hành vi gọi điện đe dọa, tung tin sai, bôi nhọ người vay chưa trả đúng hạn lên mạng xã hội… có thể bị truy tố theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác. Nếu hành vi đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân thì có thể làm đơn tố cáo gửi lên cơ quan công an kèm theo các tài liệu chứng minh để cơ quan công an xác minh, điều tra, xử lý.
Tiếp tục đấu tranh tội phạm “tín dụng đen”
Trước tình trạng tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã tham mưu ban hành và triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Đồng thời, đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, huy động các phương tiện và triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Bên cạnh đó, để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng, cho vay qua các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu với Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.
Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là các dịch vụ cho vay nặng lãi của các doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động biến tướng “vay qua app” trên các thiết bị điện tử.
Cụ thể, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh tài chính, tiền tệ; kiểm tra, xử lý các dịch vụ cho vay nặng lãi trực tuyến.
Bên cạnh đó, tập trung phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là hoạt động của một số doanh nghiệp nước ngoài thuê người Việt Nam đứng tên hoạt động cho vay lãi nặng trực tuyến, “vay qua app” trên các thiết bị điện tử.
Bộ Công an đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự.
Người lao động nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống Cơ quan công an khuyến cáo người lao động nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống trong trường hợp cần vay tiêu dùng. Khi thực hiện hồ sơ vay, người dân cần có các hợp đồng vay cụ thể, có xác thực từ phía công ty và người đi vay cũng như cần tìm hiểu đầy đủ các quy định về lãi suất, phạt trả chậm… Để tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen, người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác trước những phương thức, thủ đoạn của các tổ chức "tín dụng đen" và cho vay nặng lãi. Đặc biệt, người lao động không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc, từ các đơn vị không được cấp phép. Nếu có nhu cầu vay tiền, người lao động cần trực tiếp liên hệ đến các công ty tài chính uy tín, được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật để được hướng dẫn. Khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến "tín dụng đen", báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 11:38
Hàng nghìn sản phẩm ưu đãi tại Chợ Tết Online của tổ chức Công đoàn
Vì lợi ích đoàn viên 22/12/2024 06:52
Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công đoàn 19/12/2024 18:25
Phát huy vai trò bảo vệ lợi ích của người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 19/12/2024 16:38
10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Công đoàn Việt Nam năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 17/12/2024 06:36
Thanh Trì: Nhiều hoạt động nữ công thiết thực, hiệu quả
Vì lợi ích đoàn viên 15/12/2024 16:30
Đồng hành cùng doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 12/12/2024 13:59
Truyền thông, khám tầm soát ung thư cho hơn 1.000 công nhân lao động
Vì lợi ích đoàn viên 09/12/2024 06:16
Infographic: Hoạt động chăm lo Tết Ất Tỵ 2025 của tổ chức Công đoàn Thủ đô
Vì lợi ích đoàn viên 07/12/2024 15:44
Năm 2025, LĐLĐ quận Long Biên tận tâm chăm lo đoàn viên, phát triển tổ chức Công đoàn
Vì lợi ích đoàn viên 07/12/2024 08:14