Tiếng cồng chiêng gọi mùa Xuân
Giữ tiếng chiêng ngân xa Níu giữ “hồn” chiêng xứ Mường Ngân vang cồng chiêng ở Thủ đô |
Sản phẩm văn hóa đặc biệt
Khi những cánh đào chuẩn bị bung nở đón mừng năm mới, chúng tôi tìm về mảnh đất Ba Vì và chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của các xã miền núi, được đắm mình trong giai điệu khi trầm, khi bổng của tiếng chiêng xứ Mường.
Để lưu giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng, trong mỗi dịp Tết, xã Vân Hòa (Ba Vì) tổ chức thi các tiết mục về hát, múa giao duyên, biểu diễn cồng chiêng. |
Không còn những ồn ào của phố thị tấp nập người và xe qua lại, đường vào xã Vân Hòa uốn lượn như nốt nhạc. Điểm nhấn cho sự lãng mạn ấy là phong cảnh hữu tình của những quả đồi xanh ngút ngàn, những khu du lịch sinh thái. Dọc đường đi, chúng tôi bắt gặp những bà, những chị xúng xính trong bộ quần áo dân tộc tới nhà văn hóa tập các tiết mục văn nghệ cho ngày Tết. Giữa không gian yên bình, thơ mộng… tiếng chiêng trầm bổng, khi hào hùng, khi sâu lắng như lời mời tổ tiên về ăn Tết, vui Xuân, là niềm vui khi năm mới đến.
Cầm trên tay dụng cụ cồng chiêng, bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường (xã Vân Hòa) mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng lời khẳng định: “Tiếng chiêng là lời của núi, lời của sông, lời của cha ông từ ngàn xửa, ngàn xưa để lại. Chiêng Mường khi tấu lên là đại diện cho cả cộng đồng dân bản đang sinh sống yên vui, đầm ấm”.
Theo lời kể của bà Duyên, những chiêng đôi, chiêng chót thánh thót, sôi nổi đan xen vào nhau với tiết tấu dồn dập, như những em bé vô tư, tung tăng nô đùa. Những chiêng lớn, âm thanh trầm hùng, chậm chạp, sâu lắng nhưng mạnh mẽ, mang biểu tượng và suy tư sâu xa, chắc chắn.
Một bộ cồng chiêng Mường đầy đủ thường có 12 chiếc, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi chiếc giữ một vai trò khác nhau trong bộ âm, mỗi người khi chơi phải ăn khớp một cách nhuần nhuyễn. Nghệ thuật biểu diễn chiêng Mường là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tập thể và sự hài hòa trong cách đưa tay của từng cá nhân. Ðể có âm thanh hay, người chơi phải gõ đúng chính giữa, lúc cầm dùi phải thả lỏng tay, đưa tay nhẹ nhàng nếu không âm thanh sẽ không vang.
“Nghe cồng chiêng Mường là nghe tâm sự của người Mường với các lứa tuổi khác nhau. Tiếng chiêng tròn trĩnh, ngân vang, đưa tâm hồn ta vút lên trời xanh, bay trên núi Tản mây mù bao phủ hay xuống sông Đà trong vắt khi mùa xuân về. Tiếng chiêng như giúp người dân xóa đi những nhọc nhằn của cuộc sống, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người nơi đây.
Từ nhỏ, chúng tôi đã được cha mẹ truyền dạy và có tình yêu tha thiết với cồng, chiêng cũng như những bài hát bằng tiếng Mường. Mỗi thôn đều có một đội cồng chiêng thường xuyên luyện tập, giao lưu với nhau và với các đội cồng chiêng ở những xã, huyện khác. Trong mỗi dịp Tết, xã tổ chức thi các tiết mục về hát, múa giao duyên, biểu diễn cồng chiêng”, bà Duyên bộc bạch.
Giữ tiếng chiêng ngân xa
Rời mảnh đất Ba Vì, chúng tôi tìm về xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất), nơi lưu giữ và phát triển nét đẹp văn hóa cồng chiêng. Phong trào văn hóa, văn nghệ nơi đây phát triển đến mức gần như chị em phụ nữ trong vùng đều biết chơi chiêng.
Là người trực tiếp dàn dựng và đưa các đội đi biểu diễn nghệ thuật chiêng Mường nhiều năm qua, nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn (dân tộc Mường) đã có rất nhiều kỷ niệm vui sau mỗi lần trình diễn chiêng phục vụ công chúng Thủ đô cũng như không ít chuyện về gây dựng phong trào văn nghệ địa phương.
Người Mường đã thổi hồn cho cồng, chiêng, sáng tác ra những điệu nhạc, màn biểu diễn mang đậm nét văn hóa của riêng dân tộc mình. |
Với người dân Tiến Xuân, chiêng không chỉ là một loại nhạc cụ dân tộc mà ẩn chứa sau đó là một câu chuyện văn hóa, tâm linh chứa đựng niềm tự hào, tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi người con xứ Mường. Cũng như những nốt trầm bổng của một bài chiêng, chiêng Mường đã có những giai đoạn thịnh - suy, có lúc tưởng chừng mai một, biến mất trước khi được trân trọng, bảo tồn, phát triển.
Để giữ gìn và phát triển nét văn hóa cồng chiêng đặc sắc, năm 2009, Ủy ban nhân dân huyện Thạch Thất đã đầu tư sáu bộ cồng chiêng cho ba xã Yên Bình, Yên Trung và Tiến Xuân để người dân sử dụng với mục đích khôi phục nghệ thuật truyền thống của đồng bào Mường.
Có nhạc cụ, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn đã tụ họp một số nghệ nhân, chị em trong xã bàn cách làm sao để nhiều người biết đến cồng chiêng hơn nữa. Với quyết tâm của những người nhiệt tình, yêu văn hóa, đội cồng chiêng ở các thôn đã thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát dân ca xã Tiến Xuân, chính thức ra mắt tháng 10/2014 trong niềm vui của người dân toàn xã và một số xã bạn.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các gia đình Mường đều đánh chiêng để tạo không khí ấm cúng, thay cho lời chúc tốt đẹp để mọi người được mạnh khỏe, no ấm, yên vui. Không chỉ vậy, trong 3 ngày Tết, khắp các thôn, làng, tiếng chiêng của bài “Bông trắng bông vàng” và “Sắc bùa” lại vang lên, ngân nga reo vui.
“Khi tiếng cồng chiêng vang lên, sâu thẳm mỗi người Mường chúng tôi đều cảm thấy tự hào, thêm yêu quý văn hóa của dân tộc mình. Trong những ngày Tết, âm thanh cồng chiêng trầm bổng, vang vọng khắp núi rừng, khẳng định sức sống trường tồn cùng lịch sử như bản sắc văn hóa không thể thiếu của đồng bào dân tộc Mường ở Hà Nội…”, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn chia sẻ.
Rời các xã miền núi của vùng núi Tản khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối, đâu đó, văng vẳng bên tai chúng tôi là những bản hòa tấu của dàn cồng chiêng như thể vẫn vang lên, ngân nga giữa núi rừng như lời tiễn năm cũ, lời chúc cho một năm mới sắp đến tràn đầy hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Cộng đồng 22/11/2024 23:24
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Hợp tác, liên kết du lịch giữa 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận
Du lịch 22/11/2024 16:59
Nhân lên giá trị tri thức, giá trị văn hóa trong đời sống xã hội
Xã hội 22/11/2024 15:51
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22