Tiếng chiêng gọi xuân về
Giữ tiếng chiêng ngân xa Tiếng Chiêng Mường ngân vang giữa Thủ đô |
Rời trung tâm Hà Nội, tạm xa ồn ào phố thị, chúng tôi về miền núi cao Ba Vì để được đắm mình trong không gian thoáng mát, yên ả. Giữa mênh mang của núi rừng, tiếng cồng chiêng vang vọng, bay trên núi Tản, vọng xuống sông Đà như dải lụa uốn lượn ôm bản làng nơi người Mường sinh sống.
Bà Nguyễn Thị Lâm (ở giữa) cùng đội cồng chiêng biểu diễn. Ảnh: Nguyễn Quốc Ân |
Dừng chân ở xã Khánh Thượng, xã cao nhất của huyện Ba Vì, Hà Nội, chúng tôi may mắn được gặp bà Nguyễn Thị Lâm, 81 tuổi, người đã có thâm niên gắn bó hơn 20 năm với Câu lạc bộ cồng chiêng thôn Gò Đá Chẹ. Cầm trên tay dụng cụ cồng chiêng được đúc bằng đồng thau tròn trĩnh, bà Lâm mở đầu câu chuyện bằng lời khẳng định: “Tiếng chiêng là lời của núi, lời của sông, lời của cha ông từ ngàn xửa, ngàn xưa để lại”.
Kể lại những ký ức và niềm đam mê với cồng chiêng bằng giọng hào sảng, bà Lâm bộc bạch, ngày còn nhỏ, bà Lâm rất ham thích chơi cồng chiêng nên thường quấn quýt theo ông bà, bố mẹ tập chơi. Khi đó, từng điệu chiêng được đánh không chỉ vào mỗi dịp ngày hội, ngày Tết mà cả khi ngồi quay bông cũng chơi. Rồi giặc Pháp tàn phá, bản làng không còn chiếc chiêng nào nữa.
Một thời gian dài, mải lo làm kinh tế để thoát nghèo, núi rừng im bặt tiếng chiêng. “Cho đến khi đã cơm no áo ấm, chúng tôi nhớ lại kỷ vật thiêng liêng của cha ông với bao tiếc nuối nên bảo nhau cùng gây dựng lại. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước (thế kỷ XX), chúng tôi đóng góp mua chiêng về chơi. Từ đó đến nay, tiếng chiêng đã vang lên trên khắp sườn đồi, chân núi, chúng tôi được sống với đúng bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, bà Lâm cho biết.
Chiêng Mường thôn Gò Đá Chẹ cũng như chiêng của người Mường nơi khác, các âm điệu đều giữ đúng lối cổ như cha ông từ Mường Bi, Mường Vang Hoà Bình vậy. Một bộ chiêng Mường truyền thống có 12 chiếc trở lên, gồm chiêng đại, chiêng trung và cặp đôi chiêng chót. Theo bà Lâm, những gia đình giàu có ngày xưa họ có nhiều bộ chiêng quý, có những chiêng cỡ lớn 2 người khiêng nặng, đường kính to bằng cái nia phơi thóc.
Dàn cồng chiêng của người Mường chia làm 3 nhóm. Mỗi nhóm lại chia nhiệm vụ từng chiếc khác nhau, từ âm thanh cao nhất đến âm thanh trầm nhất. Khi thưởng thức cồng chiêng Mường, người nghe phải biết tìm hiểu và biết hình dung rồi mới suy xét, theo dõi, mới thấu hiểu, mới cảm nhận được cái hay của nó. Âm nhạc cồng chiêng là âm nhạc để nghe chứ không phải để xem tay gõ vào vú chuông. Những người hoà tấu cồng chiêng đều có đồng cảm xúc, vừa hòa cho mọi người nghe và cũng là cho chính mình say đắm.
Theo bà Lâm, để thưởng thức chiêng Mường thì nên nhắm mắt lại mà hình dung, mà tưởng tượng, vì chiêng Mường khi tấu lên là đại diện cho cả cộng đồng dân bản đang sinh sống yên vui, đầm ấm. Những chiêng đôi, chiêng chót thánh thót, sôi nổi đan xen vào nhau như những em bé đang nhảy nhót vô tư, tung tăng nô đùa. Tiết tấu dồn dập biến hoá liên tục. Còn những chiêng lớn, âm thanh trầm hùng, chậm chạp, nặng nề đi đồng nhịp, sâu lắng nhưng mạnh mẽ, mang biểu tượng và suy tư sâu xa, chắc chắn.
“Nghe cồng chiêng Mường là nghe tâm sự của cộng đồng Mường Việt cổ với các lứa tuổi khác nhau. Thông qua tiếng chiêng, tiếng cồng độc đáo đúc bằng đồng thau, tiếng chiêng Mường tròn trĩnh, ngân vang, đưa tâm hồn ta vút lên trời xanh, bay trên núi Tản mây mù bao phủ hay lội xuống sông Đà trong vắt khi mùa Xuân về. Tiếng chiêng như giúp người dân xóa đi những nhọc nhằn của cuộc sống với lo toan hằng ngày, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của con người nơi đây”, bà Lâm tâm sự.
Theo phong tục của người Mường, vào những ngày đầu năm mới, mọi nhà đều nổi cồng chiêng để đón mùa Xuân. Mọi người mặc quần áo mới, thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên. Con cháu nghe tiếng cồng chiêng lần lượt chúc thọ ông bà, cha mẹ. Mọi người căn dặn nhau những việc tốt đẹp nên làm. Sáng mùng Một Tết, thanh niên nam nữ họp nhau lại thành hội Cồng (Sắc bùa) mùa Xuân, đối đáp nhau bằng lời hát hoà cùng tiếng cồng, tiếng chiêng. |
Cũng là người giàu tâm huyết với cồng chiêng như bà Nguyễn Thị Lâm, bà Nguyễn Thị Túng (81 tuổi), cũng là thành viên trong Câu lạc bộ cồng chiêng Gò Đá Chẹ cho biết, việc chơi chiêng như món ăn tinh thần không thể thiếu: “Từ khi chơi chiêng, tôi như khỏe hơn. Chúng tôi chơi chiêng cũng là để gắn kết với nhau, sống chan hòa và hạnh phúc hơn bên con cháu”.
Bà Túng cho biết thêm, đánh chiêng thì dễ song để tiếng chiêng hay, vang vọng, có sự hòa quyện, âm vang thì cả đội phải có sự hiểu nhau, hiểu về chiêng để thuần thục, để mỗi một tiếng vang lên thành một bản nhạc của núi rừng, có thể đi vào tâm trí người nghe. “Người Mường chúng tôi nghe như chìm sâu vào ký ức tưởng chừng bị lãng quên, nơi có những cánh rừng hoang sơ, những ngọn núi Ba Vì hùng vĩ bên dòng sông Đà cuồn cuộn chảy”, bà Túng nói.
Hiện nay, với bà Lâm, bà Túng và các nghệ nhân cồng chiêng khác, việc chơi chiêng không chỉ là sở thích cá nhân, mà còn là trách nhiệm trong việc thực hiện sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc Mường. Tuy nhiên, cũng như những giá trị văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc khác, việc làm sao để gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ luôn là nỗi trăn trở, lo lắng. “Trong Câu lạc bộ hiện nay chủ yếu là phụ nữ. Chúng tôi đều đã ở tuổi xế bóng, yêu tiếng chiêng lắm nên chỉ mong sao các con cháu cũng quý trọng và nối tiếp”, bà Lâm bộc bạch.
Rời núi Tản khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối, nhưng đâu đó, văng vẳng bên tai chúng tôi bản hòa tấu của dàn cồng chiêng như thể vẫn vang lên, ngân nga giữa núi rừng như lời tiễn năm cũ, lời chúc cho một năm mới sắp đến tràn đầy hạnh phúc.
Đỗ Đạt
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cam Ranh đứng trước vận hội lớn để trở thành thủ phủ du lịch mới của Việt Nam và thế giới
Để Luật Thủ đô đến mọi nơi, mọi nhà
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh
Triển khai các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù
Rà soát các công trình chậm tiến độ, gây lãng phí trên địa bàn Đồng Nai
Dự kiến nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ hoàn thành vào ngày 30/3/2025
Hải Phòng: Hơn 1.000 người diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cấp Thành phố năm 2024
Tin khác
Tác giả Mị Dung ra mắt tác phẩm văn học “Chùm Đảo ngồi nhớ Chùm Ruồi”
Văn hóa 12/11/2024 20:13
Phát hành bộ tem kỷ niệm 100 năm sinh nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Xã hội 11/11/2024 21:12
Khi "thánh đường tri thức" được đánh thức bởi nghệ thuật sáng tạo
Văn hóa 10/11/2024 16:00
Sử dụng chất liệu dân gian trong sáng tạo: Góc nhìn mới về giá trị truyền thống
Văn hóa 10/11/2024 15:18
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Hội tụ và lan tỏa tinh thần sáng tạo Thủ đô
Văn hóa 09/11/2024 22:39
Phim lịch sử và chuyển thể văn học: Cơ hội phát triển mới cho điện ảnh Việt Nam
Văn hóa 09/11/2024 19:29
Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII: Điểm đến của điện ảnh sáng tạo
Văn hóa 07/11/2024 22:53
"Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi" - Tiểu thuyết về đại dịch cháy hàng sau 5 ngày ra mắt
Văn hóa 06/11/2024 16:11
Hà Nội sẵn sàng cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII
Văn hóa 05/11/2024 15:02
Sắc màu hầu đồng trong nghệ thuật trang điểm
Văn hóa 05/11/2024 14:57