Nếu như ở nội đô, hồ Tây được xem là “lá phối” xanh của vùng lõi Thủ đô, thì xét trên phạm vi toàn Thành phố, Ba Vì chính là lá phổi xanh của Hà Nội. Ở góc độ không gian, điều kiện tự nhiên, hiếm huyện nào có môi trường sinh thái, thiên nhiên ưu đãi như Ba Vì. Phong cảnh đẹp, thời tiết mát mẻ, rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và đặc biệt là du lịch sinh thái. |
Trong nền văn hóa đa sắc của các dân tộc trên địa bàn Hà Nội, có một di sản hết sức đặc biệt, đó là cồng chiêng của người Mường. Kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nền văn hóa du nhập từ các địa phương vẫn luôn được bảo vệ, gìn giữ. Nếu ai có dịp ghé xã Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại… ngoài cảnh sắc nên thơ dưới chân núi hùng vĩ, hẳn còn có thể chứng kiến những đội văn nghệ đang từng ngày gìn giữ những điệu múa hát, cồng chiêng đậm đà bản sắc dân tộc. Đường vào xã Vân Hòa uốn lượn như nốt nhạc. Điểm xuyến cho sự lãng mạn ấy là phong cảnh hữu tình của những quả đồi xanh ngút ngàn, những khu du lịch sinh thái. |
Dọc đường đi chúng tôi bắt gặp những bà, những mẹ xúng xính trong bộ quần áo dân tộc tới chung vui tại một đám cưới. Nghe kể, văn hóa vùng Ba Vì có sự hòa quyện của người Dao và Mường. Người Mường ở Ba Vì có sự gắn kết mật thiết với người Mường ở Hòa Bình, sở hữu kho tàng cồng chiêng đặc sắc. Tuy nhiên, do thời gian, chiến tranh, có thời điểm những kết tinh văn hóa bị quên lãng, chỉ một số ít người còn gìn giữ được. Xưa trên đất Mường nổi tiếng bậc nhất là những quan lang. Họ là những vương tướng chiếm cứ lãnh địa to lớn nên mỗi khi nhà quan hay làng bản có công việc lớn là lúc ấy tiếng cồng, tiếng chiêng mới có dịp ngân nga. Có người mê thứ âm thanh ấy như mê thuốc phiện nên hễ chỗ nào có đội cồng là phải tìm đến nghe bằng được. Tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Lợi (sinh năm 1946) thôn Đồng Chay, xã Vân Hòa khi bà vừa ngơi tay lo cho đàn bò no cỏ phía sau nhà. Bận rộn, song khi nhắc đến cồng chiêng, ánh mắt bà lại ánh lên niềm vui. Để chúng tôi được mục sở thị đủ bộ cồng chiêng, bà Lợi dẫn tôi ghé nhà bà Đào Thị Thi, một gia đình còn giữ gần như nguyên vẹn bộ cồng chiêng của đất Mường. Bà Lợi và bà Thi bảo, bản thân luôn thấy tự hào bởi đã mang cồng chiêng đi giao lưu ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tham dự nhiều liên hoan văn hóa âm nhạc cồng chiêng và đạt những giải cao. |
Nhắc đến nét đặc sắc của cồng chiêng bản địa, những nghệ nhân thôn Đồng Chay chia sẻ, người Mường đã di cư từ Hòa Bình về chân núi Ba Vì từ hàng trăm năm trước. Do vậy cồng chiêng ít nhiều vẫn mang âm hưởng của đất Hòa Bình. Điều trân trọng hơn cả là cồng chiêng không chỉ được sử dụng trong những dịp lễ hội, sự kiện mà còn là phương tiện truyền đạt thông tin. Cho đến nay, những người dân trong vùng vẫn có thể dựa vào sắc thái, nhịp điệu của âm thanh mà biết được những công việc của làng, bản để tập trung lại. Tiếng cồng còn là lời gọi mời tỏ tình của các chàng trai, cô gái trong những đêm trăng sáng. Tiếng cồng trong ngày cưới theo nhịp ba náo nức, tươi vui gióng giả đối đáp nhau, mang ý nghĩa cầu mong hạnh phúc cho cặp vợ chồng trẻ. |
Theo bà Nguyễn Thị Lợi, đạo cụ biểu diễn cồng chiêng cũng góp vai trò quan trọng để làm nên thành công buổi trình diễn. Người con gái Mường khi biểu diễn đều phải mặc trang phục chỉnh tề đúng quy cách với áo trắng, váy dài, vòng chạm, khăn tay, khăn đầu. Nhịp đánh chiêng cũng như nhịp chân bước cũng tùy thuộc theo giai điệu để có những bước chậm rãi và thận trọng. Để thể hiện đúng không khí lễ hội. Ví dụ, với bài “Bông trắng bông vàng” có âm thanh mở đầu là âm cao với nhịp chậm - vừa ở quãng 8 theo nhạc lý cơ bản thì bài “Xắc bùa” lại phải thể hiện được nét rộn ràng, tươi vui với tiết tấu nhanh hơn. Chính bởi sự đa sắc như vậy nên trong các lễ hội mùa xuân nơi đây, âm thanh cồng chiêng như mạch nước ngầm thấm đẫm vào cuộc sống của cộng đồng, lúc dữ dội, ào ào như thác đổ, khi lại hờn dỗi, sôi động, trẻ trung như tình yêu của cô sơn nữ... |
Thực tế cho thấy, từ khi Ba Vì sáp nhập về Hà Nội đã được Thành phố và huyện Ba Vì quan tâm, hỗ trợ mua sắm cồng chiêng, mở các lớp tập huấn, tuyên truyền cho bà con dân tộc Mường khôi phục bản sắc văn hóa. Cũng phải khẳng định, kể từ khi các câu lạc bộ được thành lập, núi rừng đã đều đặn vang tiếng cồng chiêng hơn, giúp cho đời sống tinh thần của người dân ngày một tốt lên, kinh tế, xã hội địa phương khởi sắc. Ngẩn ngơ trong âm hưởng trầm hùng của giàn cồng chiêng do bà Thi, bà Lợi thể hiện, tôi như thấy hình ảnh Vân Hòa nằm sát ngay chân núi Ba Vì. Từ đây có thể quan sát ở mọi góc độ của dãy núi với 3 đỉnh cao, đó là núi Vua, núi Tản, núi Ngọc Hoa quanh năm mây phủ, cùng với hàng chục đỉnh núi khác điệp trùng rừng xanh. |
Không chỉ là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, Ba Vì còn là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Theo ông Đỗ Mạnh Hưng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì, huyện được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hòa, trong lành tạo nên một vùng đất trù phú. Với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Ba Vì thực sự là điểm du lịch lý tưởng cho những chuyến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. |
Trong tương lai gần, huyện Ba Vì xác định xây dựng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Để có thể phát huy được hết thế mạnh tiềm năng đang có, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì sẽ cố gắng gìn giữ tài nguyên, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, tăng cường truyền thông, quảng bá điểm đến. “Huyện Ba Vì mong nhận được sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành để có thể đưa du lịch Ba Vì trở thành một trong những trọng điểm du lịch khu vực ngoại thành Hà Nội” - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì bày tỏ mong muốn. Theo ghi nhận thực tế, bên cạnh bề dày văn hoá đặc trưng của các dân tộc, Ba Vì hấp dẫn vì có thiên nhiên ưu đãi, nhiều cảnh quan đẹp, hệ sinh thái phong phú rất thích hợp với phát triển du lịch sinh thái. Thực tế, từ nhiều năm nay, Ba Vì đã thực hiện các kế hoạch phát triển du lịch. Quanh núi Ba Vì, hồ Suối Hai đã hình thành các khu du lịch nổi tiếng, như: Vườn quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh - Suối Tiên, Ao Vua, Thác Đa, Thiên Sơn Suối Ngà, Vườn Cò - Ngọc Nhị, Tản Đà resort, nước khoáng nóng Thuần Mỹ... Bên cạnh phát triển du lịch sinh thái, khu vực Ba Vì còn có tiềm năng phát triển du lịch tâm linh khi tại đây có trên 300 di tích lịch sử, văn hóa, những ngôi đình có kiến trúc độc đáo nhất Việt Nam, như: Đình Tây Đằng, đình Thuỵ Phiêu, đình Thanh Lũng... Đặc biệt, quần thể di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ trên núi Tản Viên là điểm đến của du khách về du lịch văn hóa. Đây cũng là tiềm năng để Ba Vì đẩy mạnh du lịch về nguồn, kết hợp du lịch sinh thái với du lịch tâm linh. |
Trong đời sống sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhân dân Ba Vì còn lưu giữ rất nhiều lễ hội mang đặc trưng văn hóa lễ hội vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt ở Ba Vì có rất nhiều lễ hội gắn với truyền thuyết, huyền thoại về Đức Thánh Tản Viên như Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức khai hội vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn với người dân Ba Vì. Trong đó, Tục thờ Thánh Tản Viên Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng chứng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với những ưu thế nội tại như vậy, hoàn toàn có thể khẳng định tiềm năng du lịch tại Ba Vì rất lớn. |
Ba Vì có một hệ thống đường giao thông thuỷ bộ rất thuận lợi nối liền các tỉnh Tây Bắc, Việt Bắc với toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội - Trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước. Từ Trung tâm huyện lỵ theo Quốc lộ 32 đi Sơn Tây về Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ hoặc ngược Trung Hà đi Tây Bắc, Việt Bắc. Đồng thời cũng từ trung tâm huyện lỵ theo sông Hồng ngược Trung Hà theo sông Lô, sông Thao lên Tây Bắc, hoặc theo sông Đà đi Hoà Bình - cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc. |
Không những vậy, Ba Vì còn được nối liền bởi các cây cầu như: Cầu Trung Hà là cây cầu bắc qua hạ lưu sông Đà, nối thôn Trung Hà, xã Thái Hòa và thôn Hạ Nông, xã Hồng Hà, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ; Cầu Đồng Quang bắc qua Sông Đà kết nối đường tỉnh lộ 414 với tỉnh lộ 317 (kết nối từ Đá Chông Ba Vì - Hà Nội với xã Đồng Luận, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Cây cầu đã kết nối Hà Nội với Phú Thọ và các tỉnh Tây Bắc, kết nối địa danh Đá Chông – K9, Ba Vì thiêng liêng với vùng đất tổ Hùng Vương. Với cây cầu này, khoảng cách di chuyển từ Hà Nội tới quần thể du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy chỉ còn khoảng 1 giờ chạy xe và thời gian di chuyển từ Hà Nội theo trục Đại lộ Thăng Long - Làng văn hóa các dân tộc - Tỉnh lộ 414 - Đá chông Ba Vì - Vườn vua Resort giờ chỉ còn 50 phút với khoảng cách 65km; Cầu Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng và đường dẫn hai đầu cầu xây dựng trên địa phận các xã Phú Sơn, Thái Hòa, Phú Đông, Vạn Thắng, Phú Cường, Đồng Thái của huyện Ba Vì, Hà Nội và phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cầu Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng kết nối hoàn thiện mạng lưới giao thông trong vùng, mở ra cửa ngõ phía Nam của Việt Trì để kết nối giao thông thông suốt, thuận giữa Việt Trì và khu vực phía Tây thành phố Hà Nội và rút ngắn khoảng cách từ Việt Trì với Ba Vì. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có một số tuyến đường Tỉnh lộ như 411A,B,C; 412, 413, 414, 415 và các đường liên huyện, đê sông Hồng, sông Đà... thông thương giữa các vùng, miền, các tỉnh, huyện bạn. Với những lợi thế về giao thông đường thủy, đường bộ, Ba Vì có điều kiện khá thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa với bên ngoài, tiếp thu những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế với cơ cấu đa dạng: Nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì đã có nhiều nỗ lực và đã thu được nhiều kết quả khả quan trong công tác xây dựng và phát triển du lịch Ba Vì. Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn rằng việc phát triển du lịch ở Ba Vì chưa xứng với tiềm năng sẵn có. Dễ thấy, đó là công tác quy hoạch tổng thể của huyện Ba Vì về du lịch còn chậm, nhiều dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng vẫn chưa triển khai. |
Hệ thống giao thông còn nhiều hạn chế, chưa được cải tạo đồng bộ, khớp nối giữa các khu du lịch với nhau. Chưa có hệ thống nước sạch cung cấp cho các điểm du lịch. Hệ thống điện cũng chưa đáp ứng các khu du lịch. Chưa có điểm liên kết, kết nối giữa các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Sản phẩm du lịch chưa phong phú. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế. Nguồn nhân lực các khu du lịch còn hạn chế, đào tạo chưa bài bản… |
Theo tìm hiểu từ phía huyện Ba Vì, để khắc phục những tồn tại này, nỗ lực phát triển du lịch Ba Vì trở thành ngành kinh tế trọng điểm, phát triển bền vững, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, hiện đại… huyện Ba Vì sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện như du lịch sinh thái, tâm linh, hội thảo, nghỉ dưỡng... |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, để phát huy tiềm năng du lịch Ba Vì, địa phương đang từng bước xây dựng sản phẩm du lịch mới, hướng tới phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại xã Minh Quang, phát triển các sản phẩm du lịch gắn với đồng bào dân tộc Mường, Dao... Ngoài ra, địa phương sẽ chú trọng phát triển du lịch xanh; đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường vào khu du lịch; đưa công nghệ thông tin, cung cấp mạng Wifi miễn phí tại các điểm du lịch; kết nối với các đơn vị lữ hành để tăng các tour, tuyến đón khách đến các điểm tham quan. |
Khi lang thang trên những nẻo rừng thơ mộng, trên những triền núi đang mùa rực rỡ hoa thắm ở miền mây thẳm Ba Vì, ngắm những đàn cò trắng như mây rải cuối trời, tôi thấy mình như đang lạc vào một cõi sống khác, một thế giới vô cùng bình yên cho con người được hòa mình vào với thiên nhiên, được hít thở khí trời trong lành sau chuỗi ngày phải sống trong mịt mờ bụi mịn ô nhiễm ở nội đô Hà Nội. Tôi chợt nhớ tới đôi lời thơ và thấy Ba Vì thật đẹp. |
Non xanh nước biếc nắng vàng phơi (Thơ Nguyễn Việt Chiến) |
Thực tế ở Ba Vì hiện nay cũng đã xuất hiện rất nhiều quần thể du lịch sinh thái (resort), nhưng phải thừa nhận chưa nhiều quần thể du lịch thể hiện tầm cỡ để quảng bá cho du khách gần xa. Là địa phương có núi Tản, sông Đà, có Đá Chông- K9, có vườn Quốc gia Ba Vì một di sản thiên nhiên được ví như “Tam Đảo” giữa lòng Thủ đô, vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội, huyện Ba Vì đã xác định rõ Du lịch là một trong những trụ cột phát triển của huyện nhà. |
Trong chiến lược phát triển đô thị Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 Thủ đô Hà Nội có rất nhiều đại đô thị cũng như khu công nghệ cao, trong đó có những siêu khu đô thị xung quanh khu công nghệ cao Hòa Lạc. Vì vậy, vấn đề đặt ra Ba Vì sẽ phải chọn hướng đi mang tính đột phá để phát huy lợi thế so sánh của mình. |
Để phát huy tiềm năng du lịch dưới chân núi Tản, để Ba Vì trở thành điểm du lịch “trọng điểm" của Thủ đô như chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, theo quan điểm của chúng tôi, quy hoạch phải đi trước một bước. Về vấn đề này, huyện Ba Vì cần tổ chức các cuộc hội thảo khoa học để tiếp thu các ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện đề án phát triển du lịch cả tầm trung hạn và dài hạn. Tiếp đó, phối hợp với sở, ngành, thậm chí cả Bộ liên quan để lập quy hoạch về du lịch để trình thành phố xem xét. |
Sau khi có đề án quy hoạch về du lịch, Ba Vì cần tổ chức Hội nghị xúc tiền đầu tư về du lịch để mời gọi các nhà đầu tư lớn tiềm năng trong và ngoài nước như các Tập đoàn: Vingroup, Sungroup… đến đầu tư. Hạn chế tối đa các nhà đầu tư nhỏ lẻ để tránh gây ra sự lãng phí đất đai. Có như thế du lịch Ba Vì mới thực sự cất cánh! |
Nội dung: Đinh Luyện |
1