Tháng Tư nồng nàn Phố
Giấc mơ mùi oải hương | |
Ngọt ngào sau giông bão | |
Chuyến đi định mệnh |
Tháng Tư về!
Đâu đó giữa mênh mông đất trời vẫn còn phảng phất hương hoa sưa nồng nàn, dịu ngọt. Khi những giọt nắng vàng như mật rót xuống chồi non, khi những đóa loa kèn tinh khôi theo người xuống phố, từng đàn chim sẻ nhỏ cất lên khúc hoan ca trong trẻo là lúc tháng Tư về.
Ảnh minh họa |
Nhiều người đã phải lòng mùa thu Hà Nội. Cũng có người lại thích cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông nơi này. Nhưng tôi lại yêu khoảng khắc giao mùa - tháng Tư ấy. Đơn giản với tôi đó là cầu nối giữa hai chiều cảm xúc: Nhớ - thương. Tháng Tư, những cơn mưa đầu hạ chợt đến rồi đi, thoát ẩn, thoát hiện, lí lắc, thẹn thùng như người thiếu nữ lần đầu biết yêu…
Tháng Tư về. Sự giao thoa giữa cái ấm áp của mùa xuân và cái chớm oi nồng của mùa hè. Nắng đã lên và đổ dài trên những con đường, nắng chênh chếch xuyên sâu vòm lá, mang theo cả cơn mưa chuyển mùa vội vã. Gió dịu dàng vờn những cánh hoa bay. Gió về đem hơi ẩm, nồm còn sót lại của mùa Xuân. Gió và nắng rong ruổi trên khắp những con đường Hà Nội, xuyên qua những mái nhà cũ kỹ, bay lượn trên từng mái vòm cong cong của những ngôi chùa cổ kính, lướt qua công viên hay hững hờ mơn trớn mặt hồ nước trong xanh... tất cả như báo hiệu khoảnh khắc giao thoa của đất trời.
Rất đỗi bình dị và thân quen, tháng Tư như nhắc người đi xa nhớ lời hẹn cũ. Trên trời cao, mây trắng lãng đãng phiêu diêu cùng gió. “Tháng Tư về, gió hát mùa hè/ Có những chân trời xanh thế/ Mây xa vời, nắng xa vời /Con sông xa lững lờ trôi”… Những giai điệu ngân nga từ bài hát “Tháng Tư về” của nhạc sĩ Dương Thụ khẽ chạm nhẹ nơi trái tim, như đánh thức miền xúc cảm giấu kín, níu giữ bước chân người đi ngoài phố.
Mùa này, Hà Nội đẹp lắm. Đường phố như thênh thang rộng mở hơn. Đi giữa lòng Hà Nội, vào một buổi chiều tháng Tư, ngước nhìn lên khung cửa sổ màu xanh phủ màu xưa cũ, của những ngôi nhà bình dị nép mình trong khu phố nhỏ, mới cảm nhận được hết nét cổ kính rêu phong, trầm mặc của một Hà Nội đã đi qua thăng trầm lịch sử. Tất cả như gói ghém cuộc sống, linh hồn của người Hà Nội, cất giữ dấu vết thời gian lên từng kiến trúc.
Ngoài kia, dọc theo con đường Trần Khánh Dư, đứng từ xa, ta vẫn dễ dàng bắt gặp tháp lửa đỏ rực của cây gạo cổ thụ nằm khiêm nhường, lẩn khuất sau những nóc nhà san sát. Hoa cứ cháy hết mình để góp nhặt cho đời thêm những niềm vui.
Khi những bông gạo đỏ thôi rơi lã chã thì cũng là lúc hoa loa kèn bung nụ, e ấp, tinh khôi đầy kiêu hãnh ngập tràn lối phố. Trên khắp nẻo đường, không khó để bắt gặp những gánh hàng hoa, những mẹt hoa loa kèn được chở theo chiếc xe đạp rong ruổi khắp phố phường... Cũng chính vì vẻ đẹp tự nhiên đầy quyến rũ ấy mà loa kèn được mệnh danh là “loài hoa của tháng Tư”. Mùa hoa đến, những cô gái tuổi thanh thuần thướt tha trong tà áo trắng e ấp bên hoa với nụ cười tỏa nắng làm bừng sáng bao gương mặt Phố. Loa kèn từ khắp nẻo đường len lỏi vào trong ngõ ngách, vào từng ngôi nhà, tạo nên không khí ấm áp, rất đặc trưng của gia đình Hà Nội.
Mùa Loa kèn đến rồi đi rất nhanh, đủ để lại trong lòng mỗi người một chút tiếc nuối. Những bông loa kèn đã trở thành một dấu ấn không chỉ trong tâm thức của riêng bản thân tôi, mà chắc hẳn còn trong tình yêu Hà Nội của rất nhiều người. Mùi thơm dịu nhẹ lan tỏa hoà quyện với chút gió, chút mưa phùn của tiết trời miền Bắc để lại trong lòng người những nỗi nhớ khôn nguôi.
Những bông hoa loa kèn theo người xuống phố mỗi độ tháng Tư về. |
Tháng Tư về. Hà Nội lại khoác lên mình một tấm áo mới. Hàng sấu già trên đường Trần Phú không còn những chiếc lá vàng ủ dột trên cây, thay vào đó là màu xanh non của lộc biếc, chồi non. Những mầm xanh mơn mởn nhú lên trên những thân cây thô ráp như báo hiệu một mùa mới đến, đem sức sống mãnh liệt lan tỏa muôn nơi. Khắp các nẻo đường được trải thảm bởi sắc đỏ, sắc vàng của mùa cây trút lá, nhuộm kín những góc phố thân quen, bên những bức tường rêu phong phủ kín. Lang thang dọc con đường Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng đơn giản chỉ để hít thở cái không khí thoáng đãng hiếm hoi giữa lòng Hà Nội. Và những con đường như thế tưởng như kéo dài, dài mãi, để cho lòng người ngay cả khi đang vướng bận những mệt mỏi của cuộc sống đời thường cũng thấy nhẹ nhàng hơn.
Đêm tháng Tư, dạo bước trên cầu Long Biên lộng gió, khoác thêm chiếc áo mỏng đủ để cảm nhận chút se lạnh còn sót lại khẽ chạm vào da thịt, hít hà vị phù sa từ ngọn gió sông Hồng phả vào mặt, ghé chợ hoa sáng sớm nhộn nhịp dường như không ngủ, sương còn đọng trên lá hoa và trên những vai áo đã sờn màu tháng năm, để cảm nhận rõ hơn hơi thở của cuộc sống thường ngày.
Buổi sáng tháng Tư, Hà Nội bình yên đến lạ. Vẫn góc cũ, bên ly cà phê cũ, nhìn ra đường phố ngắm dòng người tấp nập ngược xuôi. Tháng Tư, tiếng tu hú ngân dài, cho sắc nắng thêm nồng nàn, cho màu xanh thêm mướt những hàng cây. Tháng Tư với ký ức về những gánh hàng rong đầy ăm ắp món quà vặt thuở nhỏ, gió nâng bầu trời thêm cao và rộng để những cánh diều ước mơ của lũ trẻ con thỏa sức tung bay. Ta đi qua những mùa khôn lớn, nhưng vẫn miên man nỗi nhớ về một thời đã xa.
Thăng trầm đi qua, Hà Nội xưa và nay vẫn hiện lên thật đẹp đẽ, đầy tự hào, để yêu thương, để nhớ và để trân trọng. Cứ mỗi độ tháng Tư về ta lại xuyến xao, ngẩn ngơ, vội vàng, trăn trở những nỗi niềm chưa kịp gọi thành tên. Có lẽ vì thế mà tháng Tư cũng là sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Mang những hoài niệm hòa quyện cùng niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng, để tin rằng, cuộc sống vẫn hối hả trôi đi từng ngày, từng giờ, nhưng đôi lúc ta biết dừng lại, nhìn sâu vào ký ức, để cảm nhận thanh âm rộn ràng của cuộc sống, của nồng nàn hơi thở tháng Tư.
Song Thu
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40