Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Lễ nghi trong đám cưới xưa và nay |
Ảnh tư liệu về một đám cưới trên phố Hàng Bạc, Hà Nội năm 1955. Cô dâu mặc áo dài trắng, cầm hoa lay ơn, chú rể mặc vét. Ảnh: Đỗ Quốc Khánh. |
Đám cưới xưa: Khi hôn nhân là câu chuyện của gia đình và lễ nghi
Trong xã hội Việt Nam trước thế kỷ 20, hôn nhân không chỉ là chuyện cá nhân mà còn mang tính cộng đồng và gia tộc. Các nghi lễ cưới hỏi thời này được gọi là “Lục lễ”, chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hoa.
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Phương, Trưởng Bộ môn Lịch sử Văn hóa (trường Đại học KHXH&NV), lý giải về các nghi thức đám cưới trước thế kỷ 20:
Lễ đầu tiên là “Nạp thái” hay “làm mai”: Nhà trai nhờ bà mai sang nhà gái hỏi ý định gả con.
“Vấn danh”: Xem ngày tháng năm sinh của đôi trai gái có xung khắc nhau không và chọn ngày lành.
“Nạp cát”: Nhà trai chính thức mang lễ vật đính ước sang hỏi cưới cô gái.
“Nạp chinh”, hay “nạp tệ”, ngày nay gọi là ăn hỏi: nhà trai đem trầu cau, rượu chè, bánh trái đến hỏi cưới cô dâu, một số vùng sẽ thách cưới. Từ đây cô gái được công nhận là dâu nhà trai.
“Thỉnh kỳ”: Gia đình hai bên sẽ gặp nhau để thống nhất ngày cưới.
Cuối cùng và quan trọng nhất là lễ “Thân nghinh”: Đón dâu về nhà chồng.
Những nghi thức này có thể kéo dài đến ba năm. Màu sắc chủ đạo của các nghi lễ là màu đỏ, do có quan niệm đỏ là màu may mắn. Trong hai lễ đầu hoàn toàn không có sự xuất hiện của người con gái. Cô dâu và chú rể thường không biết mặt nhau cho đến ngày cưới, vì hôn nhân là sự sắp đặt của gia đình.
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Phương lý giải: “Các cụ nhà ta có câu: “Con gái mười ba con trai mười bảy”, tức là tính đến chuyện dựng vợ gả chồng từ rất sớm. Sớm như thế thì đôi trẻ nào đã chín chắn mà lựa chọn người trăm năm, cộng thêm phong tục chưa được cởi mở như bây giờ, nên mới nảy sinh ra chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” và vai trò ông mai bà mối mới quan trọng như vậy.”
Một phong tục đặc trưng thời ấy là thách cưới và ăn sêu. Theo cuốn “Nếp cũ con người Việt Nam” của tác giả Toan Ánh, “sêu” là những lễ vật chàng trai mang biếu nhà gái định kỳ trước khi cưới, như một cách “bù đắp” công lao dưỡng dục cô dâu. Thách cưới là thỏa thuận giữa hai nhà về lễ vật mà chàng trai cần mang tới nhà gái để được rước cô dâu về. Thách cưới không chỉ thể hiện giá trị của cô gái trong mắt nhà trai, mà còn là phép thử để đánh giá phẩm chất chàng rể. Ngày nay, những phong tục ấy đều đã phai nhạt và không còn nặng nề trong dân gian nữa.
Một trong những nghi lễ khác đi sâu vào văn hóa của người Việt và vẫn giữ đến bây giờ là lễ tổ tiên. Chú rể trước khi rước dâu sẽ phải thắp hương khấn tổ tiên và quỳ lạy cha mẹ, sang nhà cô gái cũng phải làm lễ như thế với nhạc phụ nhạc mẫu. Cô gái sau khi về nhà chồng cũng phải lễ tổ tiên và lễ cha mẹ chồng.
Dẫu có nhiều lễ nghi phức tạp, mục tiêu tốt đẹp của những nghi thức này vẫn là đảm bảo hôn nhân dựa trên sự tin cậy và cam kết lâu dài. Mọi phong tục đều xoay quanh việc gia đình kiểm tra sự xứng đáng của chàng rể. Nhưng cuối cùng, hạnh phúc hôn nhân vẫn phụ thuộc vào tình cảm và sự hòa hợp của đôi lứa.
Đám cưới thời bao cấp: Đơn sơ mà ấm cúng
Bước vào thế kỷ 20, đời sống người Việt có nhiều khó khăn do các biến động lịch sử. Đám cưới cũng có nhiều thay đổi do sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Trong bối cảnh ấy, các đám cưới vẫn diễn ra, giản dị hơn nhưng không kém phần ý nghĩa.
Ông Quang (Đống Đa, Hà Nội) kể về đám cưới của mình năm 1968: “Chúng tôi quen nhau khi làm cùng cơ quan, yêu nhau rồi quyết định kết hôn. Dù thiếu thốn, nhưng vẫn đủ lễ nghi bao gồm dạm ngõ, ăn hỏi đến rước dâu đều được tổ chức đầy đủ.”
Thời bao cấp, mọi thứ từ bánh kẹo, thuốc lá đến chăn màn đều phải mua bằng tem phiếu. Ông Quang nhớ lại: “Vợ chồng tôi được cấp phiếu để mua đồ cưới, từ giường chiếu, nồi niêu đến quà cho khách. Trang phục cưới cũng đơn sơ: tôi thuê một bộ vest, còn cô dâu mặc áo dài trắng, đầu đội khăn voan, cầm hoa lay-ơn trắng.”
Bà Thủy, cưới năm 1975, kể: “Nhà tôi và nhà chồng ở sát nhau. Ngày cưới chỉ gói gọn trong một ngày, từ lễ ăn hỏi đến rước dâu. Cỗ bàn thời ấy cũng không to, chỉ mời những ai thực sự thân thiết tới làm chứng và chung vui thôi. Hồi đó một mình tôi cũng đủ lo cỗ bàn, không cần nhờ tới sự trợ giúp tài chính của cha mẹ.”
Ảnh tư liệu về một đám cưới khoảng những năm 1980. Ảnh: Đỗ Quốc Khánh. |
Lễ cưới tuy đơn giản nhưng mang không khí ấm cúng, gắn kết họ hàng, bạn bè. Cô Thủy chia sẻ: “Bạn bè đến chúc mừng thường mừng hiện vật là chính, những ai thân quen thì mừng vài nghìn đồng - số tiền nhỏ nhưng rất quý lúc bấy giờ. Vợ chồng tôi có được vài tấm ảnh cưới, thuê người chụp với giá 30.000 đồng, gần như bằng tất cả tiền mừng cưới lúc ấy. Nghĩ lại thấy khó khăn nhưng tất cả đều là kỷ niệm đẹp.”
Dù thiếu thốn, đám cưới thời bao cấp vẫn giữ được ý nghĩa của nó: đánh dấu sự gắn kết giữa hai con người và sự chung vui của gia đình, cộng đồng.
Dù đổi thay nhưng cốt lõi vẫn vẹn nguyên
Như vậy, qua nhiều biến động của xã hội, đám cưới từ đã có nhiều đổi thay. Từ lục lễ ban đầu, lễ nghi trong đám cưới rút lại chỉ còn ba và thời gian tổ chức đám cưới cũng rút gọn lại đáng kể. Chúng ta không còn thấy bóng dáng của ông mai, bà mối nữa, ấy là vì phong tục đã khác. Nam nữ cởi mở, tự do hơn, không còn chuyện cả hai không hề mặt nhau trước khi cưới, nên một cách tự nhiên nghề mai mối cũng biến mất.
Trang phục cưới cũng từ màu đỏ chuyển sang màu trắng, đó là kết quả của ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây. Trong văn hóa phương Tây, màu trắng đại diện cho sự trong trắng, tinh khiết và là đại diện cho khởi đầu. Người Việt dần dần chấp nhận quan niệm tốt đẹp ấy và chuộng mặc màu trắng trong đám cưới.
Điều quan trọng không hề thay đổi trong các nghi thức đám cưới là việc người Việt nhìn nhận mối quan hệ vợ - chồng. Với người Việt, đám cưới không chỉ là chuyện của hai con người, đó còn là chuyện của hai gia đình, hai dòng họ, thậm chí là hai làng với nhau. Ngày nay, lễ tổ tiên vẫn còn giữ nguyên và trở thành một văn hóa đặc trưng trong đám cưới của người Việt. Điều đó, theo Tiến sĩ Phương, thể hiện mối quan hệ giữa con người trong xã hội, không chỉ là giữa dâu rể với cha mẹ, họ hàng mà còn là mối quan hệ theo chiều dài lịch sử với các bậc tổ tiên.
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Phương nhận xét: “Văn hóa cũng giống như tấm gương phản chiếu lại xã hội này vậy. Xã hội thay đổi thì tất nhiên văn hóa cũng phải biến đổi cho phù hợp. Đừng nghĩ những lễ nghi văn hóa là một điều cố hữu và cần phải bảo tồn tất cả mọi thứ y nguyên. Không, lễ nghi nhiều lúc chỉ là biểu hiện bên ngoài của văn hóa, và nó sẽ thích nghi với những sự biến đổi. Chỉ có một điều là cốt lõi trong hôn nhân, chính là hạnh phúc của con người.”
Dù là cô dâu của thế kỷ trước, hay trong tà áo trắng thời bao cấp, họ đều bắt đầu hành trình hôn nhân với mong muốn gắn bó lâu dài, chia sẻ và xây dựng hạnh phúc.
(Còn tiếp...)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Xây mới, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội: Công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
“Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến chính thức hoạt động
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thành lập mới 11 Công đoàn cơ sở
Công đoàn Y tế Việt Nam: Chú trọng các hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động
Tin khác
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40
Hà Nội đêm trầm lắng, bình yên!
Văn hóa 17/12/2024 09:07
Loạt chương trình ấn tượng trên VTV chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Văn hóa 17/12/2024 08:11
Làm rõ giá trị lịch sử văn hóa chùa Linh Quang
Văn hóa 13/12/2024 22:16
Hệ giá trị gia đình hạt nhân Thủ đô văn minh
Văn hóa 12/12/2024 14:01