Sáng tạo từ mạch nguồn truyền thống
Nối mạch nghìn năm
Cùng với quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị, nhiều làng ở Hà Nội dần “thay da đổi thịt” với hàng loạt khu dân cư mới, đường sá thênh thang, nhà cao cửa rộng. Là thị dân giữa phố phường sầm uất, song nếu chậm rãi đi tìm lại những trầm tích lắng đọng chắc hẳn không ít người hoài cổ có thể dễ dàng thấy chất “làng” vẫn ít nhiều được lưu giữ.
Điệu múa trống bồng tại làng Triều Khúc. |
Thật vậy, trong không gian đình Đại cổ kính tại làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì), tôi đã được chứng kiến bốn chàng trai giả gái. Trước ngực họ đeo trống và liên tục múa trong tiếng thanh la và tiếng trống của đội nhạc, mặc cho cái nắng trưa đang gay gắt. Bốn “cái đĩ” ai cũng mặt hoa da phấn, đầu chít khăn mỏ quạ, trang phục sặc sỡ với chiếc váy nhiễu màu đen được choàng lên những dải màu ngũ sắc. Với những động tác khoa rộng chân tay, rồi thì đối mặt, trao nhau những cái nhìn tình tứ, đong đưa…
Hỏi ra mới biết, điệu múa ấy, hình thể ấy là biểu trưng cho hơi xuân đang bên thềm rạo rực. Trân quý hơn, họ - những nghệ sỹ làng ấy quanh năm hi sinh thời gian, những thú vui cá nhân của để diễn tập phục vụ lễ hội trong làng. Kể về đặc trưng riêng có của điệu múa bồng - điểm nhấn trong hội làng Triều Khúc, thầy Nguyễn Duy Huệ - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tân Triều, một người đam mê nghiên cứu múa bồng chia sẻ: “Tôi đã từng đến nhiều làng để xem múa bồng, thậm chí còn túc trực nhiều ngày ở đó để ghi hình từng động tác múa. Có vậy mới thấy được múa bồng Triều Khúc mang những nét riêng rất khác biệt. Nếu như múa bồng ở làng Cầu Đơ thiên về nét thành kính, ở Nhật Tân mang đượm vẻ duyên dáng, khoan thai của các cô gái kinh kỳ thì ở Triều Khúc là những động tác múa đầy mạnh mẽ, phóng khoáng và mang tính phồn thực”.
Nhắc đến lễ hội làng Triều Khúc, chị Triệu Vân Ánh (cán bộ Văn hóa – Thông tin xã Tân Triều) cho biết, trước kia và đến tận bây giờ, người làng Triều Khúc vẫn thích gọi bằng cái tên Đơ Thao hơn cả. Vì sao ư, bởi Triều Khúc là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Hà Nội. Trên “gò Cây Táo” của làng, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di chỉ khảo cổ thuộc Văn hóa Phùng Nguyên, cách nay khoảng 3.500 năm.Đến nay, Triều Khúc có một điều đặc biệt là làng có hai ngôi đình gồm đình Đại và đình Sắc. Trong đó, đình Sắc là nơi giữ sắc phong của thần và đình Đại là nơi thờ Bố cái Đại vương Phùng Hưng.
Ngoài làng cổ Đơ Thao, Hà Nội còn có lễ hội đình làng Mọc cổ xưa, nay gồm 5 làng: Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộ, Quan Nhân, Phùng Khoang vào dịp đầu tháng 2 Âm lịch. Vào ngày hội làng, người dân sẽ tổ chức rước Thánh du xuân từ đình làng này sang đình làng khác, cách nhau gần chục cây số. Giữa phố phường Hà Nội chật hẹp, việc rước Thánh vẫn diễn ra linh đình trên nhiều tuyến phố, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Thế mới biết, lệ xưa, nếp cũ chẳng thể kể hết trong ngày một, ngày hai. Nhiều tập tục cũ không còn nhưng nét xưa cũ nếu cứ để ý thì vẫn có thể nhìn ra. Như làng Hạ Đình, hay làng Vòng nay thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân là một ví dụ.
Tại đây, nhịp sống dù có thay đổi nhưng có một tập tục đẹp đã đi xuyên 5 thế kỷ mà chẳng phai mờ. Đình Vòng không chỉ thờ Thành hoàng làng mà còn cho phép các dòng họ thờ bài vị của cha mẹ, tổ tông. Và cứ 3 năm một lần, vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi thì đình Vòng lại tôn vinh một gia đình tiêu biểu. Được công nhận là gia đình tiêu biểu là một vinh dự lớn lao, được dân làng tổ chức rước kiệu Thành hoàng đến tận nhà, rồi lại trở ra đình lễ cảm tạ, phát lộc cho mọi người. Những chi tiết quanh lễ hội dù nhỏ bé nhưng vẫn được duy trì đầy đủ với sự nghiêm túc và trang trọng đến lạ kỳ.
Phát huy giá trị các di sản
Trong suốt quá trình phát triển của Thủ đô, văn hóa luôn luôn là trụ cột trong chính sách. Thành ủy Hà Nội xây dựng riêng một Chương trình 04 về “Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Qua nhiều nhiệm kỳ, chương trình 04 được cụ thể hóa bằng các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản vật thể, phi vật thể, giá trị làng nghề, xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… Những chính sách về văn hóa, không chỉ khiến di sản trở thành thương hiệu của Hà Nội - “Thủ đô di sản”, mà còn thúc đẩy những sáng tạo di sản góp phần quan trọng hình thành nên Thủ đô trong giai đoạn mới.
Làng Đông Ngạc, huyện Bắc Từ Liêm vẫn giữ những nét cổ truyền làng cổ bắc bộ khi xưa. |
Đó chính là câu chuyện về những sản phẩm của làng nghề cổ Bát Tràng đang được lưu hành khắp nơi trên thế giới, hay như hồ Hoàn Kiếm - Di tích quốc gia đặc biệt, được “thiết kế lại” thành phố đi bộ dành cho những sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Còn đó những di sản Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… được ứng dụng những công nghệ mới, phương pháp mới trong bảo tồn, quảng bá, giáo dục di sản.
Rồi là cả hệ thống những không gian sáng tạo; hệ thống hàng trăm làng nghề, phố nghề, hệ thống bảo tàng, thư viện… đang từng ngày, từng ngày đổi mới sáng tạo để phục vụ cộng đồng. Ðây được coi là một điển hình của không gian sáng tạo do Nhà nước kiến tạo.
Nhờ “sáng tạo” mà nhiều khu vực tưởng như mất giá trị đã trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Năm 2013, Hợp tác xã Zone 9 ra đời. Khi ấy, không nhiều người “hiểu” Zone 9 là gì. Ban đầu, mọi người chỉ nghĩ rằng đó là khu tập hợp các quán cà-phê, nhà hàng và một số cửa hàng của các kiến trúc sư, nhà thiết kế và văn nghệ sĩ trẻ.
Nhưng một thời gian sau, người ta mới nhận ra không gian đó nuôi dưỡng những nguồn sáng tạo. Và không gian ấy tạo ra hàng trăm công ăn, việc làm. Zone 9 đã bị ngừng hoạt động do không bảo đảm điều kiện an toàn cho người tham gia sinh hoạt. Song, đó cũng là dấu mốc để một loạt không gian sáng tạo khác ra đời.
Ðến nay, theo rà soát, thành phố Hà Nội có khoảng 70 không gian sáng tạo, dẫn đầu cả nước. Trong đó có những không gian sáng tạo nổi tiếng như: X 98 (phố Hoàng Cầu), Hanoi Rock City (phố Tô Ngọc Vân), Manzi (phố Phan Huy Ích), The Vuon (phố Giảng Võ), Vụn Art (Vạn Phúc, quận Hà Ðông)... hay lớn nhất là Thành phố sáng tạo (Hanoi Creative City) ở phố Lương Yên. Phần lớn đây đều là các không gian được thiết kế để tổ chức các triển lãm, cuộc trò chuyện, trao đổi, sự kiện về nghệ thuật, thư viện, cửa hàng thời trang...; tạo điều kiện để kết nối giữa những người làm sáng tạo văn hóa với nhau, kết nối giữa sáng tạo văn hóa với thương mại.
Những không gian này truyền cảm hứng làm việc cho các cá nhân tham gia, khai mở thêm những nguồn tài nguyên văn hóa. Dù còn chưa sánh được với những quốc gia phát triển, nhưng những không gian sáng tạo được xác định đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo.
Dịp kỷ niệm 990 năm, rồi 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, vấn đề đau đáu nhất với giới chuyên môn cũng như đông đảo người dân, là làm sao gìn giữ được những di sản đồ sộ của mảnh đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội. Giờ đây, khi Thủ đô đang bước sang tuổi 1010, đây không còn là nỗi trăn trở hàng đầu nữa. Vấn đề đặt ra hôm nay là làm sao phát huy được giá trị “kinh tế” từ những giá trị văn hóa truyền thống? Đó cũng là sự bảo đảm cho mạch chảy nghìn năm được tiếp nối vững bền./.
Tuấn Dũng
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Thủ đô 23/12/2024 17:27
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Luật Thủ đô 2024 23/12/2024 11:34
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất, nơi cao nhất gần 700 triệu đồng/m2
Chỉ đạo - Điều hành 21/12/2024 14:15
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52