Những người giữ nét đẹp đồ chơi Trung thu truyền thống
Không khí Tết Trung thu đã lan tỏa khắp các phố phường Hà Nội. Những trò chơi dân gian, đồ chơi, mâm cỗ Trung thu chuẩn “chất xưa” đang chiếm thế áp đảo trên thị trường. Có dịp đến phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) những ngày này có thể nhận ra một sự thay đổi, đó là các món đồ chơi Trung thu truyền thống cho trẻ nhỏ được bày bán nhiều hơn. Trong đó, phải kể đến mặt nạ giấy bồi.
Mặt nạ giấy bồi từng là món đồ chơi rất được yêu thích của trẻ em Hà thành mỗi dịp Trung thu. Đến nay, cuộc sống đổi thay muôn hình vạn trạng, khiến những chiếc mặt nạ giấy bồi đang dần biến mất. Hiện còn lại vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa và nghệ nhân Đặng Hương Lan (phố Hàng Than, quận Hoàn Kiếm) là những nghệ nhân cuối cùng ở Hà Nội còn làm món đồ chơi này.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa giới thiệu nghề làm mặt nạ giấy bồi tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhân dịp Tết Trung thu (Ảnh: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam). |
Hơn 40 năm nay, ông Hòa và bà Lan vẫn giữ nghề truyền thống của ông cha để lại. Đó là tạo ra những chiếc mặt nạ giấy bồi mang những giá trị nguyên bản, đơn sơ và mộc mạc nhất của món đồ chơi ngày Tết Trung thu.
“Trước đây, khi mặt nạ của Trung Quốc nhập về đây, mặt nạ giấy của mình không còn được người dân ưa chuộng nữa. Bán không được hàng làm mọi người cũng nản, dần bỏ nghề, có mỗi nhà tôi là vẫn cố gắng vượt qua. Chúng tôi cũng phải chật vật lắm mới giữ được cái nghề truyền thống đến bây giờ”, ông Hòa bồi hồi nhớ lại.
Bên cạnh mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân cũng là món đồ chơi giản dị và gần gũi với tuổi thơ của nhiều thế hệ mỗi dịp rằm Trung thu tháng Tám. Đến nay, bên cạnh những đồ chơi hiện đại, sự hiện diện của đèn kéo quân được làm thủ công, cầu kỳ vẫn có một sức hút đặc biệt.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đến nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn miệt mài với nghề làm đèn kéo quân. Ông Quyền bắt đầu biết làm đèn từ năm lên 6 tuổi do được ông và bố truyền dạy. Và như một cơ duyên để rồi thành nghiệp, cái nghề đi cùng ông Quyền và gia đình gần cả đời người.
Đèn kéo quân được làm khá công phu và ti mỉ, phải mất 8 tiếng mới có thể hoàn thành. Vật liệu làm đèn cũng phải lựa chọn kỹ lưỡng, phải dùng tre “bánh tẻ”, rồi phơi khô, ngâm nước. Giấy làm đèn là loại giấy dó, giấy nến để hình ảnh được rõ. Bên trong đèn, chính giữa là trục thẳng đứng làm bằng một thanh tre, vót tròn, chốt bằng hai kim nhọn hai đầu. Xung quanh trục đèn là những vòng trụ giấy dán hình người, con vật, cảnh vật... được sắp xếp, gá buộc thành nhiều tầng gọi là các tầng đèn. Ðể chiếc đèn có nhiều hình phong phú, người ta lồng và cắt dán đến bốn, năm tầng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền cho biết, vì làm thủ công tỉ mỉ và rất khó để sản xuất đại trà như nhiều mặt hàng đồ chơi điện tử nên không hiệu quả về kinh tế. Một thời gian dài, chiếc đèn kéo quân đã bị quên lãng, trẻ em có nhiều niềm vui khác với những thứ đồ chơi hấp dẫn hay những thiết bị công nghệ, rất khó để chúng say mê món đồ chơi dân gian truyền thống làm hoàn toàn thủ công.
“Tôi rất phấn khởi khi gần đây, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát triển trò chơi dân gian. Cùng với đó là niềm đam mê đồ chơi truyền thống trong cộng đồng cũng được đánh thức một phần. Nhờ vậy, số lượng người tìm đến đặt mua đèn kéo quân ngày càng đông hơn”, ông Quyền chia sẻ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền nói chuyện, dạy trẻ cách làm đèn kéo quân tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. |
Không chỉ làm đèn ở nhà, ông còn đến các địa chỉ văn hoá như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm triển lãm văn hoá Vân Hồ để nói chuyện, dạy cách làm đèn kéo quân… Thậm chí, có nhiều trường cấp 1, cấp 2 mở lớp ngoại khóa để ông Quyền có thể đến dạy, giúp các cháu nhỏ biết cách tự làm đồ chơi cho mình và hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của đèn kéo quân.
Dù đã ngoài 80, ông Quyền vẫn đi xe máy đến bất cứ đâu mỗi khi có lời mời. Ông nói: “Thêm một người biết là thêm một cơ hội để lưu giữ một nét văn hóa truyền thống cho thế hệ mai sau và rất vui mừng khi người dân Việt Nam không quay lưng lại với đồ chơi dân gian truyền thống”.
Không chỉ có những nghệ nhân cao tuổi như ông Hòa, ông Quyền, mà đến nay, những người trẻ cũng đã và đang bắt tay vào việc khôi phục lại những nét văn hóa truyền thống. Trong đó, phải kể đến nghệ nhân Đặng Văn Hậu (sinh năm 1985, làng Xuân La, xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) - nghệ nhân làm tò he trẻ nhất Việt Nam.
Mỗi năm, khi Tết Trung thu cận kề, nghệ nhân Đặng Văn Hậu lại tất bật chuẩn bị cho ra đời các sản phẩm tò he để phục vụ người chơi. Những ngày này, trên phố Hàng Mã (Hà Nội), gian hàng nhỏ của nghệ nhân Đặng Văn Hậu luôn thu hút khách du lịch với những con giống bột được làm tỷ mỉ, công phu và vô cùng đẹp mắt.
Theo nghệ nhân Đặng Văn Hậu, việc gìn giữ và phát triển nghề nặn tò he truyền thống đã và đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là sự “lên ngôi” của đồ chơi công nghệ. Nhưng bằng tình yêu và niềm say mê, anh quyết tâm theo nghề đến cùng.
Năm 2017, anh may mắn khôi phục được nhiều mẫu con giống bột cổ xưa, dựa trên tiềm thức còn sót lại của nghệ sĩ Trịnh Bách cùng kỹ thuật điêu luyện của nghệ nhân tò he Đồng Xuân, Phạm Nguyệt Ánh. Đến nay, toàn bộ hình ảnh con giống bột như: Nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá vàng, bộ lục súc và con giống ở Huế... đã được anh phục hồi lại gần như đầy đủ.
Những ngày này, trên phố Hàng Mã (Hà Nội), gian hàng nhỏ của nghệ nhân Đặng Văn Hậu luôn thu hút khách du lịch với những con giống bột được làm tỷ mỉ, công phu và vô cùng đẹp mắt. |
Gần 20 năm gắn bó với nghề nặn tò he, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã có nhiều đóng góp quan trọng trong gìn giữ, giới thiệu, quảng bá và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Giữa những món đồ chơi trung thu hiện đại, con giống bột mang vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần đặc sắc.
Đặc biệt, sự quan tâm, yêu mến của người chơi là thành quả xứng đáng cho quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của người nghệ nhân trẻ. Đồng thời, cũng là động lực để anh tiếp tục hành trình khôi phục và khẳng định vị trí của những tác phẩm tò he truyền thống.
Một mùa Trung thu nữa lại về, những chiếc đèn ông sao, những món đồ chơi Trung thu truyền thống được bày bán khắp các con phố. Hi vọng rằng với tâm huyết của những người vẫn miệt mài giữ ngọn lửa tình yêu với giá trị truyền thống của Tết Trung thu, các thế hệ trẻ sẽ luôn biết cách để gìn giữ và phát huy tiếp những giá trị đẹp đẽ đó.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cơ hội làm việc tại Australia cho lao động Việt Nam
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Cải tạo một loạt chung cư cũ góp phần hạ nhiệt giá nhà
Gắn kết tự nhiên và phát triển bền vững nhờ nông nghiệp sinh thái ở Tây Bắc
Chấn chỉnh lái xe buýt vi phạm Luật Giao thông đường bộ
Doanh nhân Vũ Minh Châu được vinh danh vì sự nghiệp phát triển ngành mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam
Đêm nay, Hà Nội cấm lưu thông trên đường Văn Khê
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01