Những "bông hồng thép" dưới gầm trời của pháo đài bay
Biến đau thương thành hành động
50 năm trước, bà Chu Thị Tịnh là Đảng ủy viên, Bí thư xã Đoàn, chính trị viên phó xã Đội xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Trong chiến dịch 12 ngày đêm, Cổ Loa bị địch đánh phá 6 trận (2 trận đánh ban đêm, 4 trận đánh vào ban ngày), bà đã cùng nhiều chị em dũng cảm lao đi giữa lúc bom rơi đạn nổ để làm công tác cứu sập, cứu thương, cứu hỏa. Bà đã từng phải bật khóc khi chứng kiến cảnh hoang tàn trên quê hương do giặc Mỹ gây ra với hơn 100 người bị chết, 40 người bị thương, không biết bao ngôi nhà bị đổ sập…
Nhưng, biến đau thương thành hành động, bà đã khẩn trương điều động Trung đội cơ động nữ khắc phục hậu quả, cẩn thận đào từng chút đất nhỏ để cứu người bị sập hầm. Vừa làm nhiệm vụ cứu hộ, bà và đồng đội lại nhận lệnh của cấp trên điều động đi giải tỏa hàng hóa ở ga Đông Anh. Mặc dù tham gia nhiều công việc với cường độ liên tục trong nhiều ngày nhưng với tình cảm và trách nhiệm, các bà đều hăng hái và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nữ tự vệ Phạm Thị Viễn đang xem lại bức ảnh chụp bà hồi trẻ, đầu quấn khăn tang, ngồi trực trên mâm pháo (Ảnh: N.Thực) |
Là nhân chứng lịch sử năm 1972, bà Phạm Thị Viễn, nguyên nữ dân quân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động chia sẻ: Trong chiến dịch 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã đưa máy bay B.52 cùng các loại máy bay hiện đại khác như F.111 đánh bom Hà Nội. Máy bay F.111 bay rất thấp, liên tục đột nhập vùng trời Hà Nội để đánh phá. Bà và các đồng đội đã thay phiên nhau tiếp đạn cho đơn vị pháo 100 ly ở gần trận địa 14,5 ly.
Ngày đó, bà Viễn chỉ nặng hơn 45kg, sức khỏe không tốt nhưng vẫn có thể vác quả đạn 100 ly nặng hơn 40kg trên vai đi băng băng. Tất cả chỉ có thể lý giải là nhờ sức mạnh của lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”.
Rạng sáng ngày 26/12/1972, trong lúc đang trực chiến tại trận địa Vân Đồn, bà Viễn nhận được tin 2 em báo bố mất vì bom B.52 đánh trúng hầm. Ba ngày sau, chị em bà mới tìm được một phần nhỏ thi thể của bố ở cách nhà gần 200m qua vạt áo rách và tấm chứng minh thư. Trước đó, mẹ bà cũng đã qua đời vì bom đạn của giặc Mỹ. Hòa trong nỗi đau chung của nhiều gia đình, của đất nước vẫn còn đang bị đế quốc xâm lược, bà nén nỗi đau riêng, tiếp tục trở lại trực chiến.
Sau này, hình ảnh của người nữ chiến sĩ đầu quấn khăn tang ngồi trực trên mâm pháo đã đi vào thơ ca qua 4 câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “...Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu/Hỡi em gái mất cha mất mẹ/Nước mắt em làm nhòa mặt quân thù/Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ...”.
Bà Trần Thị Bảy, nguyên Chi hội trưởng phụ nữ, nguyên Dân quân trực chiến tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân lại mang tới những câu chuyện mộc mạc, nhưng sáng ngời tinh thần anh dũng, kiên cường của những người nữ dân quân năm nào. Nhớ lời Bác Hồ dạy “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bà Bảy và các đồng đội không quản hiểm nguy, luôn sẵn sàng chiến đấu, tiếp sức cho lực lượng pháo phòng không, qua đó góp phần vào thắng lợi của chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Cách đây 50 năm, vào tháng 12/1972, trong vòng 12 ngày đêm, quân và dân ta đã gan dạ, anh dũng, kiên cường chiến đấu và đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không mang mật danh “Chiến dịch Linebacker-II” của đế quốc Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, làm chấn động dư luận thế giới và được ngợi ca là “trận Điện Biên Phủ trên không”. Chiến thắng lẫy lừng này minh chứng cho lời tiên đoán lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng “Mỹ sẽ chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris, cam kết tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam, chấp nhận rút hoàn toàn quân viễn chinh Mỹ và các nước chư hầu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào Mùa xuân năm 1975. |
Bà tâm sự, hình ảnh đẹp nhất vẫn còn đọng lại trong ký ức của bà là khi được tận mắt chứng kiến chiếc B.52 của giặc Mỹ bị bắn hạ, cháy sáng trên bầu trời Hà Nội. Các nữ dân quân ngày ấy không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, chỉ sợ không hoàn thành nhiệm vụ.
Không tham gia chiến đấu, nhưng bà Nguyễn Thị Hoan, người con gái bước ra từ bức ảnh chụp cô gái đang tưới hoa bên xác chiếc máy bay B.52 rơi ở hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà của nhiếp ảnh Văn Bảo đã chứng minh tinh thần bất diệt của người phụ nữ Hà Nội.
Bà Hoan kể, sau khi máy bay Mỹ oanh tạc vào làng Ngọc Hà, sáng sớm hôm sau, làng hoa tan hoang trong bom đạn. Nhiều người dân đã đi sơ tán nhưng bà vẫn ở lại, sáng sớm khi bom dứt, bà đã ra hồ Hữu Tiệp múc nước tưới cho hoa. Bức ảnh đã truyền đi thông điệp về những con người Hà Nội tài hoa, lãng mạn, giỏi đánh giặc, giỏi lao động sản xuất nhưng cũng luôn yêu chuộng hòa bình.
Những "Bông hòng thép" của trận chiến năm ấy còn có bà Đỗ Thị Minh, Trung đội phó dân quân ở Yên Viên, trong trận chiến đấu đánh máy bay, bị bom Mỹ bắn nát cả hai chân vẫn không rời trận địa, anh dũng cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Bà Cù Thị Bích Hoàn - Đội trưởng công binh xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh đã dũng cảm tháo thành công 2 quả bom. Hình ảnh của các chị em phụ nữ xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên tham gia Trung đội nữ cơ động trực chiến pháo 12 ly 7 bảo vệ Cầu Giẽ - trọng điểm quân sự trên tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam - nơi không quân Mỹ ngày đêm đánh phá để chặt đứt huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam,...
Câu chuyện của các nhân chứng đã lý giải vì sao, dưới gầm trời đầy "pháo đài bay" trong chiến dịch 12 ngày đêm tháng 12/1972, lực lượng của ta là có hạn và không thể so sánh được với lực lượng của Mỹ nhưng ta vẫn đánh thắng Mỹ.
Những bông hoa của "tọa độ lửa" phòng không
Ở lĩnh vực nào, phụ nữ Thủ đô cũng nêu gương dũng cảm. Chị em ngành giao thông bám mặt đường, san lấp hố bom, sửa chữa cầu phà, thông xe đảm bảo huyết mạch giao thông. Các nữ bác sỹ, y tá, hộ lý bất chấp hiểm nguy cứu sống hàng ngàn bệnh nhân .
Những "Bông hồng thép" năm xưa nhớ lại "một thời máu và hoa" (Ảnh: Bảo Thoa) |
Trong bom đạn ác liệt, chị em bưu điện Đông Anh, Gia Lâm giữ vững đường dây, đảm bảo tốt các cuộc đàm thoại giúp việc chỉ huy quân sự được thông suốt. Chị em thương nghiệp bám trụ nơi trọng điểm, kịp thời phục vụ bộ đội và lực lượng khắc phục hậu quả sau trận đánh.
Ở những nơi địch gây tội ác, các mẹ các chị với tình thương và trách nhiệm đã đứng ra chôn cất, mai tang cho người đã khuất, chăm lo người già, trẻ em mất nơi nương tựa. Hàng ngàn các mẹ, các chị vào các tổ tiếp tế, cứu thương, cứu sập,… đóng góp trên 2 triệu ngày công xây dựng trận địa pháo, đào giao thông hào, phá gỡ bom nổ chậm, phục vụ chiến đấu 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội.
Trong những ngày tháng ác liệt của tháng 12 năm 1972, sự bạo tàn của kẻ thù và những tổn thất, đau thương không làm nhụt ý chí mà càng tăng thêm quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân Hà Nội - những người trong cuộc sống đời thường vốn coi trọng sự thanh tao, lịch lãm và yêu chuộng hòa bình. Hàng ngàn tấm gương sáng ngời, những “bông hồng thép” của phụ nữ Thủ đô đã ghi dấu chiến công thầm lặng trong sản xuất, bảo vệ sản xuất, trong chiến đấu, cứu thương, cứu hỏa, cứu sập hầm; cưu mang, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống.
Phân đội 12,7mm tự vệ nhà máy dệt kim Đông Xuân thường xuyên huấn luyện sẵn sàng đánh máy bay Mỹ, tháng 4/1972 (Ảnh tư liệu) |
Quyết tâm đảm đang chiến đấu và phục vụ chiến đấu, 45% phụ nữ đã tham gia vào lực lượng dân quân, 35% vào lực lượng tự vệ biên chế thành 117 trung đội và một đại đội toàn nữ. Các chi hội phụ nữ đường phố đã thành lập 275 tổ phục vụ chiến đấu. Tiêu biểu như Đại đội nữ dân quân Lộc Hà (Đông Anh), Trung đội nữ tự vệ Nhà máy Dệt 8/3, Đại đội nữ Hợp tác xã Dệt Thành Công, Đại đội 3 Nhà máy thực phẩm xuất khẩu,…
Được chuẩn bị về tinh thần và tư tưởng, chị em cùng anh em lực lượng bán vũ trang đã chuyên cần luyện tập, cùng với lực lượng quân đội phòng không tạo nên “tọa độ lửa” bảo vệ Thủ đô, làm cho giặc lái Mỹ khiếp đảm. Ban chỉ huy từ tiểu đội đến tiểu đoàn, xã đội, tỷ lệ nữ chiếm 30%.
Sau 50 năm nhìn lại, chúng ta càng tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Đó là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta; chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc ta; là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược với tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ.
Đó là sự kế thừa, phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam “mưu trí, sáng tạo, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”, là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong thế trận phòng không nhân dân, tổ chức hiệp đồng chiến đấu, tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù.
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Quận ủy Thanh Xuân trao Huy hiệu Đảng tặng các đảng viên lão thành
Giá vàng thế giới “bất động” giữa lúc Mỹ sắp có tổng thống mới
Cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây diễn ra vào ngày 10/11
Tin khác
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Tôi yêu Hà Nội 05/11/2024 17:10
Ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá văn hóa, lịch sử địa phương
Tôi yêu Hà Nội 23/10/2024 11:30
Sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm
Tôi yêu Hà Nội 22/10/2024 14:02
Tình yêu từ cao nguyên lâm viên xanh
Thủ đô 11/10/2024 15:43
Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 17:49
Có một Hà Nội lắng hồn trong thi ca
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 14:13
Mùa thu và ngày Giải phóng Thủ Đô
Tôi yêu Hà Nội 10/10/2024 05:45
Trách nhiệm với quê hương, đất nước
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 16:24
Đồng chí Phạm Quang Nghị được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”
Tôi yêu Hà Nội 08/10/2024 10:21
Lắng đọng Chương trình: "Ký ức tháng Mười - Khát vọng vì Thủ đô bình yên"
Tôi yêu Hà Nội 05/10/2024 15:35