Vang mãi bản hùng ca "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"
Hơn 150 bức ảnh tư liệu cùng nhiều hiện vật (đồ dùng của dân quân tự vệ Thủ đô sử dụng trong chiến đấu như: Đèn bão, đài, amply; bộ sưu tập đồ dùng liên quan tới phi công Mỹ; mảnh vỡ máy bay B-52 ở hồ Hữu Tiệp; sách, báo viết về trận chiến "Điện Biên Phủ trên không") được trưng bày tại Triển lãm theo 3 nội dung, giới thiệu khái quát những sự kiện, diễn biến, dấu mốc quan trọng liên quan đến trận chiến "Điện Biên Phủ trên không", đặc biệt là 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của quân và dân Thủ đô Hà Nội, làm nên kỳ tích "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Nội dung thứ nhất "Âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ" trưng bày những tư liệu và hình ảnh giúp công chúng có cái nhìn toàn cảnh về cuộc chiến "Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12/1972 tại Hà Nội và một số tỉnh thuộc miền Bắc, Việt Nam.
Toàn cảnh Triển lãm. |
Năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc, Việt Nam. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ RJ.Nixon phê chuẩn chiến dịch quân sự mang mật danh Linebacker II đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng…
Chúng đã sử dụng máy bay chiến lược B-52: 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Theo thống kê, trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta.
Triển lãm mở cửa tự do, đón tiếp công chúng từ ngày 16-30/12/2022 tại Nhà Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội… sẽ mãi là những ký ức đau thương, bằng chứng về tội ác của đế quốc Mỹ.
Ở nội dung thứ hai "Hà Nội chiến đấu và chiến thắng", Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu lúc sinh thời đã khẳng định: "Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
Theo đúng lời dạy của Người, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam lại một lần nữa được khẳng định trong 12 ngày đêm "Đối mặt với B-52" tháng Chạp năm 1972. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội, nơi hứng chịu bom đạn của chiến tranh khiến đất rung, ngói tan, gạch nát nhưng bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt, quân và dân Hà Nội đã bám đất, bám nhà, bám từng hào giao thông để biến "Mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ". Lật giở từng khoảnh khắc trở về lịch sử những ngày ấy, trong những cung bậc cảm xúc: Xót xa, hy vọng, buồn, đau, mất mát… nhưng vẫn sáng ngời niềm tin chiến thắng. Chính tình yêu và sự tận hiến đó đã dệt nên bản anh hùng ca át tiếng bom rền.
Trước sự tấn công của kẻ thù, cùng với quân và dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô đã biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng. Với sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự, quân dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh và quyết thắng. Giữa mưa bom, bão đạn, khói lửa ngút trời, những người con quả cảm của đất nước, của Thủ đô vẫn bền gan, vững chí bám trụ trận địa, giương "mắt thần", "tung lưới" lửa bủa vây tiêu diệt máy bay địch, khiến kẻ thù chịu nhiều tổn thất.
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972, Hà Nội cùng quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm: 34 chiếc B-52; 5 chiếc F-111A; 21 chiếc F-4CE; 4 chiếc A-6A; 12 chiếc A-7; 1 chiếc F-105D; 2 chiếc RA-5C; 1 chiếc trực thăng HH-53; 1 chiếc trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch.
Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao.Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1-2%. Nhưng trong cuộc tập kích bằng đường không vào Hà Nội, riêng B-52 tỷ lệ tổn thất lên tới 17% (34/193 chiếc).
Với việc đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972, ngày 27/01/1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
Nội dung thứ ba "Phát huy tinh thần Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại" khẳng định kỳ tích có một không hai, Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo xuất sắc và to lớn của Đảng, Nhà nước ta; là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là một kỳ tích từ sức mạnh tổng hợp toàn dân, từ thế trận lòng dân.
Đối với Thủ đô Hà Nội, chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, một biểu tượng rực rỡ của hào khí Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến, anh hùng. Truyền thống "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh", quyết đánh, quyết thắng, đã đánh là thắng của quân và dân Thủ đô mà bao thế hệ cha anh đã dày công xây đắp sẽ mãi được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang Hà Nội khắc ghi.
"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" đã đánh dấu mốc son chói lọi, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Việt Nam. Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, những bài học kinh nghiệm quý báu của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là cơ sở lý luận và thực tiễn, nhằm giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho nhân dân và đặc biệt là thế hệ trẻ.
Từ đó, thúc đẩy mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước để Hà Nội mãi linh thiêng và hào hoa; văn hiến và anh hùng; là niềm tin và hy vọng; là trái tim của cả nước và mãi mãi là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; Thành phố vì hoà bình.
Triển lãm mở cửa tự do, đón tiếp công chúng từ ngày 16-30/12/2022 tại Nhà Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
“Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”: Trang bị kiến thức về sản phẩm để bảo vệ bản thân và gia đình
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Tin khác
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Sân chơi thu hút nhân tài đổi mới, sáng tạo
Văn hóa 21/11/2024 07:02
Đại nhạc hội Hoa tháng Năm - Nơi những phép màu tỏa sáng
Văn hóa 20/11/2024 22:41
Khánh Hoà sẵn sàng đón lượng khách tăng cao dịp Tết Nguyên đán 2025
Du lịch 20/11/2024 17:37
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Lịch sử và Tự do của Haiti tại Hà Nội
Văn hóa 19/11/2024 16:22
Tôn tạo di tích đình Đại Áng: Phát huy giá trị văn hoá quý báu của cha ông
Văn hóa 19/11/2024 10:12
Người thắp ngọn đèn tri thức trong tôi
Văn hóa 19/11/2024 09:46
Di sản - điểm tựa sáng tạo cho thế hệ trẻ
Văn hóa 19/11/2024 09:01
Trưng bày chuyên đề "Hoàng đế Lê Thái Tổ - Người khai sáng vương triều Hậu Lê"
Văn hóa 18/11/2024 15:51
Gần 500 người mẫu tham gia Bách Hoa Bộ Hành: Nơi những bông hoa tình yêu văn hóa dân tộc khoe sắc
Văn hóa 18/11/2024 09:28