Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chuyện lùi giờ vào học tại TP.HCM
Phụ huynh: Người đồng tình người băn khoăn
Vừa qua, Sở GD&ĐT TP.HCM chỉ đạo về việc thực hiện rà soát, chấn chỉnh giờ học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, khối mầm non và tiểu học được điều chỉnh vào học sớm nhất lúc 7h30 phút sáng, khối THCS vào học lúc 7h15 và khối THPT vào học lúc 7h. Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch mở cửa đón học sinh từ 6 giờ 30 phút, không để học sinh đi học trễ hoặc về sớm tập trung ở khu vực phía trước cổng trường.
Ngay sau khi Sở GD&ĐT có chỉ đạo nói trên, nhiều phụ huynh trên địa bàn TP.HCM thể hiện sự ủng hộ, hài lòng về việc điều chỉnh lùi giờ học. Hầu hết các phụ huynh này cho rằng việc lùi giờ vào học rất quan trọng, có thể giúp học sinh ngủ thêm một chút, ăn uống thoải mái hơn… qua đó đảm bảo sức khỏe của học sinh. Ngoài ra, việc lùi giờ học còn giúp các phụ huynh có thêm thời gian để chuẩn bị cho các con, chủ động thời gian đưa đón con đến trường hơn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích vẫn phải đưa con đến trường từ sớm dù nhà trường đã lùi giờ vào học 15 phút. |
Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng, việc lùi giờ học từ 15 – 30 phút không có nhiều lợi ích vì giờ đến lớp của học sinh còn phụ thuộc vào giờ đi làm của phụ huynh. Đối với những phụ huynh đi làm sớm, thì các học sinh vẫn phải đi học sớm, ngược lại, những phụ huynh đi làm muộn hay có người thân ở nhà thì sẽ chủ động thời gian đưa học sinh đến trường hơn.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích (41 tuổi) có con đang học tại Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu (quận 12) cho biết, nhà trường có thông báo thay đổi giờ vào học từ 7h sang 7h15 từ đầu tuần này. Dù vậy, việc điều chỉnh giờ vào học không làm xáo trộn sinh hoạt hằng ngày của gia đình vì chị vẫn phải đưa con đến trường khoảng từ 6h30.
“Việc điều chỉnh giờ vào học 15 phút không ảnh hưởng đến thời gian đưa con đến trường của tôi. Con gái tôi vẫn dậy từ lúc 5h35 phút để vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đến trường vào khoảng 6h30. Vì gia đình tôi phải đi làm sớm nên chúng tôi vẫn đưa con đến trường sớm như trước khi điều chỉnh giờ học”, chị Bích cho hay.
Chị Bích cũng cho biết, việc điều chỉnh giờ vào học 15 phút không có quá nhiều tác động đối với sức khỏe học sinh. Vấn đề khiến học sinh mệt mỏi chính là lượng bài tập về nhà quá nhiều, khiến học sinh mất nhiều thời gian để hoàn thành. Với học sinh học lực yếu thì việc làm bài tập về nhà càng mất nhiều thời gian hơn.
Phụ huynh Trường Tiểu học Phạm Văn Chiêu (quận 12) đưa con đến trường. |
“Có những lúc bài tập ít, con tôi làm bài tập đến khoảng 22h là xong, với những lúc bài tập nhiều hoặc chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ, thì con tôi phải thức khuya đến khoảng hơn 23h mới hoàn thành xong bài tập. Việc này khiến con tôi mệt mỏi hơn là việc phải thức dậy sớm”, chị Bích chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hạt (57 tuổi) hiện đang có con học tại Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo (quận 3) cho rằng, đối với những người có công việc phải đến cơ quan sớm như ông, thì việc điều chỉnh giờ học lại càng khiến ông lo lắng hơn.
“Công việc của tôi thời gian vào làm việc là 7h, vì vậy tôi vẫn phải đưa con có mặt tại trường vào lúc 6h30. Hiện tại trường điều chỉnh giờ học trễ hơn 15 phút, tôi vẫn phải đưa con đến trường như cũ, điều này khiến con tôi phải ngồi chờ tại trường thêm 15 phút trước khi vào lớp. Tôi lo khoảng thời gian đó không có cô giáo kiểm soát, học sinh sẽ không được an toàn”, ông Hạt cho hay.
Ông Hạt cho rằng, việc lùi thời gian vào học chỉ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận phụ huynh có thời gian làm việc chủ động hoặc có người thân, người giúp việc ở nhà đưa đón con đến lớp. Còn những người làm việc giờ hành chính thì việc lùi thời gian học là chưa phù hợp.
Học sinh và nhà trường nói gì?
Dưới góc học sinh, em Đăng Khoa (học sinh Trường THCS An Phú Đông, quận 12) cho biết, dù lùi thời gian vào học nhưng bản thân em vẫn phải thức dậy từ 5h30 để ăn sáng, vệ sinh cá nhân sau đó chuẩn bị đến trường, nên việc điều chỉnh lùi giờ học không giúp em ngủ được nhiều hơn. Nhà trường điều chỉnh giờ vào học chậm hơn 15 phút, nhưng giờ ra về thì vẫn như cũ. Vì nhà trường đã cắt mất thời gian nghỉ giữa giờ từ tiết 1 sang tiết 2.
Học sinh Trường THCS An Phú Đông phải học liên tiếp từ tiết 1 sang tiết 2 mà không có thời gian nghỉ giữa giờ. |
Trao đổi với Phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Phan Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Trương Vĩnh Ký cho biết, việc điều chỉnh giờ học sẽ có ảnh hưởng tùy theo mỗi hoàn cảnh gia đình học sinh. Cụ thể, nếu những phụ huynh có thời gian đi làm muộn hoặc công việc chủ động được thời gian thì việc lùi giờ học sẽ giúp học sinh thoải mái hơn. Ngược lại, phụ huynh của những học sinh có thời gian làm việc sớm (khoảng 7h) thì việc lùi giờ học sẽ không ảnh hưởng nhiều đối với thời gian đưa con đến trường.
Theo Sở GD&ĐT TP.HCM: Tùy vào điều kiện cụ thể của từng trường cũng như tình hình giao thông ở các địa phương, các trường sẽ xây dựng giờ vào học, giờ ra về theo hướng lệch ca, lệch giờ với các khối lớp. Đối với các trường nằm trên một cung đường thì phải có sự bàn bạc, thống nhất với nhau để ấn định giờ vào học, giờ ra về lệch nhau, tránh tình trạng kẹt xe trước cổng trường và kẹt xe trên cung đường này. |
"Nhà trường có giờ vào học là 7h40, nên việc điều chỉnh giờ học của Sở GD&ĐT không có nhiều tác động với trường. Vì thời gian vào học muộn nên một số phụ huynh có giờ làm việc sớm vẫn phải đưa con đến trường từ 6h30 - 7h. Đối với những trường hợp này, nhà trường đã bố trí giáo viên chủ nhiệm có mặt từ 6h30 nhằm đảm bảo giám sát những học sinh đến lớp sớm", ông Phan Văn Thanh cho biết.
Đồng quan điểm, một lãnh đạo Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) cho biết: Nhà trường đang lấy ý kiến phụ huynh để điều chỉnh giờ học phù hợp. Tuy nhiên, đa số phụ huynh có ý kiến rằng đã quen giờ học từ trước đến nay, nên họ vẫn sẽ đưa con đến trường sớm. Vì vậy, nhà trường sẽ tìm biện pháp để đón những học sinh đến trường sớm. Bên cạnh đó, việc lùi giờ học không gây ảnh hưởng đến chương trình đào tạo của trường, thời gian nghỉ giữa giờ hay các sinh hoạt khác của lớp. Nếu trường điều chỉnh giờ học lùi 10 phút thì giờ ra về sẽ trễ hơn 10 phút, các hoạt động khác của nhà trường vẫn giữ nguyên như cũ.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50
“Người lái đò” tận tâm và nhân hậu
Giáo dục 19/11/2024 16:40