Nhiều giải pháp “giảm nhiệt” nắng nóng tại bệnh viện
Hà Nội tăng cường phun nước, rửa đường "giảm nhiệt" trong ngày nắng nóng [Infographic] Cách phòng tránh sốc nhiệt vào mùa hè |
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo các chuyên gia y tế, trong thời tiết nắng nóng khắc nhiệt, tình trạng say nắng, sốc nhiệt, đột quỵ… có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng trẻ nhỏ và người lớn tuổi có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Đơn cử, vừa qua Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận và điều trị cấp cứu cho bệnh nhân 61 tuổi ở Hà Đông với bệnh lý nền tăng huyết áp, bị say nắng trong khi đi chợ vào thời điểm nắng nóng cao điểm trong ngày. Cụ thể, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, không tiếp xúc, sốt cao 42 độ C, nôn nhiều, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn thân nhiệt.
Máy lọc nước cung cấp nước nóng, lạnh miễn phí cho người dân được trang bị tại tất cả các khoa/phòng của Bệnh viện Bạch Mai. |
Sau khi được thăm khám và cấp cứu ban đầu, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực. Tại đây bệnh nhân được xác định trong tình trạng hôn mê sâu, thở nhanh, rối loạn thân nhiệt khó kiểm soát. Ngay lập tức bệnh nhân được bác sĩ chỉ định đặt ống nội khí quản thở máy, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, làm các xét nghiệm đánh giá chức năng các cơ quan, chụp CT não. Nhận thấy bệnh nhân có tình trạng suy thận chức năng, CT sọ não ghi nhận tình trạng phù não cấp tính. Bệnh nhân được chỉ định bù nước điện giải, hạ sốt, chườm mát, chống phù não. Với sự nỗ lực của các y, bác sĩ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca bệnh nhập viện cấp cứu do ảnh hưởng của thời tiết nắng, nóng khắc nhiệt. Một điều gần như thành quy luật, cứ mỗi đợt nắng, nóng kéo dài, số lượng bệnh nhân nhập viện lại gia tăng, nên luôn đặt ra yêu cầu đối với các cơ sở y tế là phải chủ động phương án khám, chữa bệnh tốt nhất. Bởi vậy, trước tình hình trên các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều giải pháp vừa bảo vệ sức khỏe cho người bệnh và người nhà bệnh nhân; đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, đơn vị này đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hạ nhiệt tại bệnh viện. Cụ thể, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện đã chủ động đảm bảo nước uống, lắp đặt các quạt có công suất lớn tại khu vực phòng chờ, khu vực khám bệnh để phục vụ cho bệnh nhân. Đặc biệt, bệnh viện có nhân viên y tế tiếp đón ngay khi bệnh nhân vào viện, giảm phiền hà về thủ tục hành chính, giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.
Riêng tại các khoa điều trị nội trú, ngoài việc đảm bảo cho bệnh nhân nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát, bệnh viện sắp xếp không để xảy ra tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép; bố trí phòng cách ly bệnh truyền nhiễm theo quy định và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch trong mùa. Đặc biệt tại khu cách ly tập trung của các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19, ngoài việc vệ sinh sạch sẽ làm thông thoáng các phòng cách ly; trang bị vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch, bệnh viện cũng bố trí lắp thêm rèm, mành chống nắng. Chế độ ăn uống của bệnh nhân được Khoa Dinh dưỡng cải thiện thường xuyên và chú trọng tăng cường đầy đủ chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông Trần Kim Anh: “Bệnh viện đã cử 2 bác sĩ của Khoa và 6 điều dưỡng để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân tại khu cách ly. Hằng ngày, các bác sĩ đều đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, khuyến cáo người bệnh thường xuyên vệ sinh cá nhân, phòng ở sạch sẽ, gọn gàng; uống đủ nước tối thiểu ngày 2 lít; ăn uống hợp vệ sinh; tập các động tác nhẹ nhàng trong phòng. Ngoài ra, bệnh viện cũng luôn bảo đảm bố trí đầy đủ cơ số thuốc, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra…”.
Còn tại Khoa Khám bệnh và Khoa Khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai với thời tiết nắng, nóng như hiện nay, để đảm bảo sức khoẻ cho người bệnh đến khám bệnh, ngoài việc điều chỉnh thời gian bắt đầu tiếp đón bệnh nhân từ 5 giờ, bệnh viện còn chủ động đảm bảo quạt, nước uống cho người bệnh.... Hệ thống điều hòa, quạt điện và quạt hơi nước được lắp đặt toàn bộ khu khám bệnh và ngồi chờ khám. Ngoài ra, tại khu vực ngoại cảnh, để giảm nhiệt cho người nhà người bệnh trong thời gian chờ đợi, bệnh viện đã lắp đặt hệ thống phun sương dọc trục đường Trung tâm Cấp cứu A9 và một số khu vực ngồi chờ của người nhà người bệnh. Hệ thống nước uống tại vòi cũng được trang bị miễn phí để phục vụ nhu cầu của người dân khi đi khám chữa bệnh…
Bảo đảm giờ vàng cấp cứu cho bệnh nhân
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương, Ung bướu Hà Nội… cũng đã tăng cường nhiều biện pháp chống nóng tại điểm đón tiếp, phòng khám và đảm bảo đầy đủ nước uống cho người bệnh và người nhà bệnh nhân.
Song song việc chủ động nhiều giải pháp chống nóng tại viện, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, đối với những người bị say nắng, sốc nhiệt cần được đưa đến viện cấp cứu kịp thời, nhằm đảm bảo giờ vàng điều trị. Chia sẻ về vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Sơn Nam, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: “Cơ thể con người có cơ chế điều hòa thân nhiệt cân bằng quanh mức 37 độ C. Nếu cơ thể ở trong thời tiết nắng nóng kéo dài, trên 41 độ C, chức năng của các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi, thận suy giảm và đặc biệt khi nhiệt độ tăng quá cao, các hoạt động chuyển hóa trong cơ thể sẽ rối loạn nghiêm trọng dẫn đến hôn mê, co giật".
Trong khi, các đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là những người lao động ngoài trời nắng nóng với cường độ liên tục. Nếu sốc nhiệt xảy ra với người có bệnh lý mãn tính, người già, trẻ nhỏ thì diễn biến nặng và khả năng phục hồi sẽ khó khăn hơn.
“Bên cạnh đó, khoảng thời gian 1 giờ sau khi bị say nắng, say nóng ở mức độ nặng được gọi là “thời điểm vàng” để cấp cứu. Bởi nếu cấp cứu ngay trong khoảng thời gian này thì hiệu quả thành công gần như đạt 100%. Ngược lại, nếu chậm cấp cứu, chậm làm mát cho bệnh nhân trong vòng 3 giờ sau khi bị đột quỵ não do nóng thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao”, bác sĩ Nam cho biết thêm.
Để chủ động phòng tránh tác hại do thời tiết nắng, nóng gây ra, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Chi, Phụ trách Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Trong những ngày nắng nóng, nhiều người vẫn phải làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng, những người phải di chuyển trên đường. Nếu phải ở lâu ngoài trời, thì cố gắng tránh thời điểm từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất. Mỗi người phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể như mặc quần áo bảo hộ lao động, làm thông thoáng, che chắn, khi làm việc ngoài trời.
Đặc biệt, người lao động ngoài trời ngoài việc có đầy đủ phương tiện dụng cụ chống nắng thì cứ sau 1 khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng, nóng. Bên cạnh đó, mọi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh có tác dụng thanh nhiệt. Khi mới ở nơi nắng nóng, nhiệt độ cao về nhà mọi người không nên tắm ngay bằng nước lạnh, nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt độ, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong cũng không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp.
Riêng đối với những người có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên qua lại giữa môi trường nóng - lạnh đột ngột, đặc biệt chú ý khi sử dụng điều hòa, không để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Và mọi người chỉ nên điều chỉnh nhiệt độ của điều hòa ở khoảng 27 độ, những ngày quá nóng nên để nhiệt độ chênh lệch với môi trường bên ngoài tối đa là 10 độ C./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Y tế 23/12/2024 16:40
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Hà Nội ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc sởi
Y tế 17/12/2024 06:38