Nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em
Hà Nội sẽ tuyển sinh trực tuyến để bớt vất vả cho học sinh, phụ huynhGiáo dục Thủ đô: Nhiều thành tựu sau 15 năm mở rộng địa giới hành chínhGóp phần nâng cao chất lượng đào tạo |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT; lãnh đạo, chuyên viên 63 Sở GD&ĐT trong cả nước.
Nhiều chính sách gỡ khó cho GDMN được ban hành
Báo cáo kết quả năm học 2022 - 2023, ông Nguyễn Bá Minh (Vụ trưởng Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành kịp thời các văn bản quy định chính sách và văn bản chỉ đạo đối với GDMN; trong đó đã kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hỗ trợ phát triển GDMN.
Tích cực triển khai, thực hiện tốt các chính sách phát triển GDMN theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển GDMN. 56 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết Hội đồng nhân dân quy định chi tiết chính sách đối với GDMN.
Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với GDMN |
Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm học và các chuyên đề chuyên môn, đảm bảo an toàn cho trẻ. Các địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ”; thực hiện có hiệu quả việc xây dựng mô hình, điển hình tốt trong thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Việc triển khai chủ đề năm học “Xây dựng môi trường xanh, an toàn, thân thiện” có sức lan toả và mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong năm học, các điều kiện đảm bảo chất lượng ở bậc học mầm non chuyển biến tích cực. Số phòng học kiên cố tăng 1.430 phòng, phòng học tạm giảm 252 phòng. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi được quan tâm đầu tư. Công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp; đầu tư cơ sở vật chất tiếp tục được quan tâm và triển khai hiệu quả (giảm 1.249 điểm trường lẻ). Số trường chuẩn quốc gia bậc mầm non tăng 2,3%.
Công tác phát triển đội ngũ được quan tâm, đặc biệt là công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn về trình độ đào tạo. Tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,86 (tăng 0,02% so với năm học trước). Giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm chiếm 87,3% (tăng 10,6%), trên chuẩn đạt 65,1% (tăng 7,2%). Giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ đào tạo còn 12,7% (giảm 10,6%).
Tỷ lệ huy động trẻ trong năm tăng ấn tượng: Nhà trẻ đạt 32,1% (tăng 3,8%); mẫu giáo đạt 93,1% (tăng 3,7%). Cũng trong năm học, công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ được tăng cường và mạng lại hiệu quả thiết thực...
Tiếp tục phải giải bài toán thu hút, giữ chân giáo viên mầm nonTại Hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đã trao đổi, thảo luận xung quanh các nhiệm vụ của GDMN từ kinh nghiệm thực tiễn địa phương; trong đó vấn đề được nhiều địa phương quan tâm là giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên.
Trong năm học, các điều kiện đảm bảo chất lượng ở bậc học mầm non chuyển biến tích cực. |
Chia sẻ về thực trạng, khó khăn và giải pháp trong quản lý các cơ sở GDMN độc lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Lưu Hoa cho hay: Toàn thành phố Hà Nội hiện có 2.557 cơ sở GDMN độc lập. Khó khăn là số cơ sở GDMN độc lập phát triển nhanh, không theo quy hoạch, nhỏ lẻ, manh mún, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Đội ngũ giáo viên, nhân viên làm việc không ổn đinh. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều cơ sở phải dừng hoạt động. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 và tỉ lệ tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên, nhân viên còn thấp.
Bên cạnh thông tin về các giải pháp quản lý cơ sở GDMN độc lập đã được thành phố Hà Nội thực hiện trong thời gian qua, bà Trần Lưu Hoa kiến nghị Bộ GD&ĐT bổ sung quy trình, thủ tục chuyển đổi chủ nhóm trẻ, chuyển đổi địa điểm tổ chức hoạt động chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ trong cơ sở GDMN độc lập; đồng thời tiếp tục có giải pháp để thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên mầm non, bởi hiện nay giáo viên mầm non khó khăn về mọi mặt nên thu hút vào ngành rất khó.
Đại diện Sở GD&ĐT Gia Lai đề nghị cần có chính sách cử tuyển đào tạo giáo viên mầm non đối với con em người dân tộc thiểu số địa phương nhằm tạo nguồn cho địa phương đáp ứng đủ định mức giáo viên theo quy định cho những năm tới, đặc biệt đối với cơ sở GDMN công lập tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Với khẳng định “Giáo viên mầm non vất vả nhất nhưng nỗ lực nhất”, đại diện Sở GD&ĐT Bình Phước mong muốn sẽ có các chính sách, giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay.
Đẩy mạnh GDMN là trọng tâm điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Nhìn lại môt năm học, điều đáng ghi nhận nhất là GDMN đã được phục hồi một cách bình thường sau đại dịch Covid-19. “Trong quá trình ứng phó với dịch, GDMN chịu nhiều thách thức, tác động nhất; sự tác động đến cả cơ sở, giáo viên, học sinh, chất lượng. Số giáo viên bỏ việc, chuyển việc nhiều nhất là ở mầm non. Cho nên đáng mừng nhất là đưa được hoạt động trở lại bình thường, không những thế tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn nhích lên”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một số các chỉ số khác của GDMN đều có khởi sắc, từ quy hoạch, đến chuyển đổi số, sắp xếp mạng lưới… Trong đó, đáng chú ý xã hội đã quan tâm tới GDMN nhiều hơn; đã manh nha, khởi động được một số chính sách mới tốt hơn cho GDMN.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Nhìn nhận những khởi sắc, song theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tựu chung lại giáo dục mầm non vẫn còn nguyên thách thức, với từ khoá chính là “thiếu”: Thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu nhiều thứ… Và phân tích vì sao dẫn tới những cái thiếu này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng “có lẽ là thiếu vĩ mô, thiếu sự quan tâm đầy đủ ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Nơi quan tâm nhưng lực bất tòng tâm, nơi có điều kiện thì tâm bất tòng lực”.
Từ phân tích này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Cần thống nhất điều chỉnh về tư tưởng đối với GDMN trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Những người làm GDMN cần kiến nghị nhiều hơn nữa, tham mưu nhiều hơn nữa để khối GDMN được quan tâm hơn. Với Bộ GD&ĐT, thời gian tới cần đẩy mạnh chỉ đạo, quan tâm tới sự phát triển của GDMN trên mọi phương diện. “Và chúng ta sẽ cho đó là trọng tâm trong điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ.
“Chúng ta đã có nhận thức về tầm quan trọng của GDMN rồi nhưng phải cả xã hội cùng nhận thức”, chia sẻ điều này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới ứng xử hiện nay với bậc học mầm non - khi đây là bậc học hình thành nhân cách, tinh thần, tình cảm của mỗi con người - nhưng lại là bậc học có tỷ lệ kiên cố trường lớp thấp nhất, đời sống giáo viên thấp nhất. Lẽ ra đây phải là bậc học được quan tâm đầu tư nhất nhưng lại đang đẩy mạnh xã hội hoá nhất.
“Không thể dùng xã hội hoá để thay cho nhà nước đầu tư đối với bậc học mầm non. Cần phải cả hai để tăng cường phát triển GDMN mới là sự quan tâm đúng”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ: “Tự chúng ta phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc việc này. Thời gian tới cần tăng cường chính sách, tăng cường đầu tư nguồn lực. Kiến nghị mạnh mẽ hơn nữa cho bậc học mầm non”.
Trao đổi về chương trình GDMN mới đang chuẩn bị bắt tay thí điểm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm: Khó khăn hiện nay là từ “thiếu” thì cố gắng khi triển khai chương trình mới phải là từ “đủ”; rút kinh nghiệm từ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới về việc chuẩn bị các nguồn lực, thông suốt từ xã hội, chia sẻ của phụ huynh, thử nghiệm, nhân rộng, rút kinh nghiệm thận trọng.
“Trong giáo dục không được phép sai lầm, đối với lớp nhỏ càng thận trọng hơn nữa vì các cháu không tự điều chỉnh được. Cần chuẩn bị về chính sách, điều kiện triển khai đủ về nguồn lực, đội ngũ, các phương diện và cần đủ sự quan tâm mà chúng ta cần thuyết phục, kiên trì thuyết phục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Từ trao đổi của các địa phương tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng đã phần nào yên tâm hơn về kiểm soát với hệ thống ngoài công lập, nhóm trẻ. Theo đó, những nơi có kinh nghiệm cần chia sẻ rộng rãi cho các địa phương trên tinh thần tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát hệ thống cơ sở GDMN ngoài công lập, đặc biệt là nhóm trẻ, để có môi trường trường an toàn cho các cháu, tránh việc ngược đãi, bạo lực, mất an toàn của trẻ.
“Chúng ta không mong gì hơn các cháu an toàn, các cô an tâm, cha mẹ được an lòng. Làm được 3 điều đó là GDMN thành công”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh một số nhiệm vụ các Sở GD&ĐT cần tập trung trong năm học mới thuộc lĩnh vực GDMN. Đó là, công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục với Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã trong quản lý GDMN cần được làm tốt hơn; tiếp tục tham mưu địa phương trong việc ban hành và thực hiện chính sách trong Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển GDMN.
Tiếp tục thực hiện tốt an toàn cho trẻ, một số mô hình đã làm tốt cố gắng nhân rộng, đi vào chiều sâu như mô hình xây dựng môi trường xanh an toàn, thân thiện, mô hình trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Tiếp tục tham mưu về sắp xếp hệ thống mạng lưới trường lớp, tránh việc dồn ép cơ học. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GDMN…
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Vòng 17 Premier League: MU thua tơi tả, Liverpool thắng tưng bừng
Giá xăng dầu hôm nay (23/12): Giá dầu thế giới đầu tuần bật tăng
Bán kết AFF Cup 2024, Singapore vs Việt Nam: Văn Toàn không thi đấu
Dự báo giá vàng: Xu hướng tăng vẫn chi phối
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/12: Sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Cơ hội làm việc tại Australia cho lao động Việt Nam
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Tin khác
Trường THPT Quang Trung: Điểm sáng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi
Giáo dục 22/12/2024 20:16
Hà Nội: Gặp mặt, động viên đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 - 2025
Giáo dục 20/12/2024 18:30
Gắn biển công trình trường học cấp Thành phố kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Giáo dục 20/12/2024 13:48
Giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Giáo dục 20/12/2024 08:34
Thấp thỏm chờ phương án tuyển sinh vào lớp 10
Giáo dục 19/12/2024 17:41
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải
Giáo dục 19/12/2024 06:31
Trường THCS Lạc Viên: Hành trình rực rỡ trong năm học 2023 -2024
Giáo dục 18/12/2024 15:31
Ngành Giáo dục Hà Nội: Nhiều kết quả trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU
Giáo dục 17/12/2024 19:22
Học sinh cuối cấp, giải pháp nào vượt qua áp lực?
Giáo dục 17/12/2024 17:12
Học sinh cuối cấp chuẩn bị tốt nhất tâm lý vượt qua “phép thử” để trưởng thành
Giáo dục 15/12/2024 16:48