Mũ bảo hiểm rởm: Nguy hiểm khôn lường!
Mũ bảo hiểm “rởm” lại tràn lan Xử lý nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm chạy xe lạng lách nguy hiểm |
Chấn thương vì đội mũ bảo hiểm kém chất lượng
Đội mũ bảo hiểm vốn là điều kiện bắt buộc đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện khi tham gia giao thông, nhằm hạn chế số ca chấn thương sọ não khi tai nạn giao thông xảy ra. Đây là quy định rất đúng đắn, tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn nhiều người không chấp hành nghiêm quy định này. Không chỉ không đội mũ bảo hiểm, nhiều người đối phó bằng cách đội mũ bảo hiểm rởm, mũ thời trang không bảo đảm chất lượng (không có tem kiểm định, tem hợp quy…) hoặc đội không đúng quy cách như không cài quai hoặc cài lỏng lẻo, không ôm cằm, gây mất tác dụng của mũ.
Mũ bảo hiểm rởm, kém chất lượng được bán tràn lan khắp các tuyến đường Hà Nội. |
Mới đây, chiều 18/3, trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn hầm chui Thanh Xuân, quận Thanh Xuân) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến một người phụ nữ đi xe máy bị thương ở vùng đầu. Đáng chú ý, vết thương ở vùng đầu của nạn nhân lại xuất phát từ chính chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng khi vật này dễ dàng vỡ sau chấn động và làm rách đầu người sử dụng. Nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông đã được hỗ trợ sơ cứu tại chỗ và đưa đi cấp cứu.
Trước đó, trên mạng xã hội cũng không ngừng chia sẻ hình ảnh vụ tai nạn giao thông khiến một cô gái bị thương. Theo như bài viết chia sẻ, tại ngã ba Hoàng Đạo Thúy (đoạn giao với đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) đã xảy ra vụ va chạm giao thông giữa một cô gái đi xe máy và xe ba gác. Tương tự như vụ tai nạn tại quận Thanh Xuân, sau khi ngã khỏi phương tiện thì phần đầu của người đi xe máy đã đập xuống đường. Lúc này, chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng vỡ thành nhiều mảnh, 1 mảng vỡ từ chiếc mũ đã cắt vào đầu người đi xe máy khiến tổn thương nghiêm trọng hơn.
Những ngày qua, trực tiếp có mặt tại nhiều tuyến đường của Hà Nội, phóng viên Báo Lao động Thủ đô ghi nhận, mũ bảo hiểm kém chất lượng được bán tràn lan, với giá bán chỉ vài ba chục nghìn đồng/cái, mẫu mã bắt mắt, nhiều kiểu dáng. Cụ thể, mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán ven đường, trên rất nhiều tuyến phố nội đô Hà Nội như: Cầu Giấy, Khâm Thiên, Lê Duẩn, Trường Chinh, Giải Phóng, Chùa Bộc, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng…
Đơn cử, ngày 20/3, trên đường Cầu Giấy, hình ảnh đập vào mắt phóng viên là những chiếc mũ bảo hiểm lưỡi trai tràn ngập trên kệ của những sạp hàng tạp hóa. Trong vai khách hàng hỏi mua mũ bảo hiểm giá rẻ, phóng viên được một chủ sạp bán đon đả giới thiệu: “Mũ ở đây có nhiều loại, rẻ nhất là 30.000 đồng. Mũ thời trang, kiểu cách hơn là 50.000 đồng. Mũ có chất liệu cứng hơn là 70.000 đồng”.
Trực tiếp cầm những chiếc mũ giá rẻ trên tay, quan sát của phóng viên, loại mũ bảo hiểm rẻ nhất được người bán hàng giới thiệu đơn giản từ thiết kế đến chất lượng, chất liệu nhựa và dễ dàng bẻ cong với quai đeo mỏng tang, kết nối vô cùng hời hợt với khóa mũ và không hề có nhãn mác xuất xứ hàng hóa.
Nâng cao ý thức người dân
Không chỉ ở các tuyến phố, chỉ cần tìm kiếm cụm từ “mũ bảo hiểm lưỡi trai” trên Google đã có hàng triệu kết quả tìm kiếm. Những chiếc mũ này còn được bán công khai dưới tên gọi “mũ bảo hiểm thời trang” và tràn lan trên các sàn thương mại điện tử với giá chỉ vài chục nghìn đồng.
Dù biết chiếc mũ này không thật sự an toàn khi tham gia giao thông, nhưng không nhiều người tiêu dùng biết chất lượng của chiếc mũ này kém đến mức có thể bẻ gãy bằng tay không và thậm chí các mảnh vỡ có thể đâm ngược vào người lái xe trong những tình huống tai nạn giao thông xảy ra. Điều đáng nói, dù biết là hàng kém chất lượng nhưng những loại mũ nói trên lại được rất nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ.
Khi được hỏi tại sao lại lựa chọn sản phẩm mũ bảo hiểm “thời trang” không an toàn, em Nguyễn Văn Khang (Đại học Thương mại) cho biết: “Mũ bảo hiểm thời trang tuy không an toàn nhưng kiểu dáng phong phú, mẫu mã đẹp, lại rất thoải mái cho người sử dụng, nhất là trong những ngày oi nóng, sản phẩm cũng vừa túi tiền với sinh viên”.
Được biết, theo Quy chuẩn Quốc gia QCVN 2:2021/BKHCN, mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện và các loại xe tương tự khi tham gia giao thông có mục đích chính là hấp thụ năng lượng va đập để bảo vệ vùng đầu của người đội nhằm giảm thiểu chấn thương khi bị va đập. Về cơ bản, các quy chuẩn kỹ thuật đối với mũ bảo hiểm có một số điểm đáng chú ý.
Theo đó, mũ phải bao gồm 4 bộ phận chính: Vỏ mũ là phần vỏ cứng bên ngoài, có tác dụng ngăn chặn các va đập trực tiếp vào đầu người đội; đệm hấp thụ xung động bên trong thân mũ (đệm bảo vệ) có tác dụng giảm chấn động tới đầu người đội mũ; quai đeo để cố định mũ; lớp vải lót bên trong để đảm bảo dễ chịu cho người sử dụng; các phụ kiện như kính bảo vệ, lưỡi trai, lót cằm… không bắt buộc.
Mũ được chia thành 4 loại. Cụ thể, mũ che nửa đầu: Mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên của người đội mũ; mũ che ba phần tư đầu: Mũ có kết cấu bảo vệ phần đầu phía trên và một phần đầu phía sau của người đội mũ; mũ che cả đầu và tai: Mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu và vùng tai của người đội mũ; mũ che cả đầu, tai và hàm: Mũ có kết cấu bảo vệ phần phía trên của đầu, vùng tai và cằm của người đội mũ. Mặc dù quy chuẩn đã có, nhưng hiện nay người tiêu dùng vẫn có thể mua mũ bảo hiểm giá rẻ ở lề đường, cho thấy, việc quản lý chất lượng mặt hàng này đang bị các cơ quan chức năng bỏ ngỏ.
Nhiều ý kiến cho rằng, mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn được ưa chuộng là do ý thức người tiêu dùng ham giá rẻ, xem thường tính mạng của mình. Do đó, người tiêu dùng nên tự ý thức, trách nhiệm của mình trong việc “tẩy chay” những mặt hàng kém chất lượng; đồng thời việc này cũng giúp các cơ quan chức năng ngăn chặn việc buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Trong khi đó, nhiều người dân cho rằng, để tránh cho người dân sử dụng các loại sản phẩm kém chất lượng, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm không đúng chất lượng, giả mạo. Đồng thời, nên có quy định phạt những người điều khiển xe mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn quy định theo mức phạt tương đương hành vi không đội mũ.
Vẫn biết rằng việc đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm đúng cách, đạt chuẩn chỉ hạn chế phần nào các ca chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nó vẫn được xem là cứu cánh, giúp ngăn ngừa và giảm bớt hậu quả nặng nề của các ca tai nạn giao thông. Chính vì thế, cùng với việc cấm dùng rượu bia khi tham gia giao thông, tuân thủ các quy định về trật tự an toàn giao thông… mỗi người dân nên nhận thức đúng đắn hơn về vấn đề này, vận động, khuyến khích người thân, cộng đồng, xã hội nâng cao ý thức để bảo vệ an toàn cho bản thân. |
Kim Tiến
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
Longform 02/11/2024 20:16
TP.HCM: Xảy ra 1.235 vụ tai nạn giao thông, làm 384 người chết trong 10 tháng năm 2024
Giao thông 02/11/2024 16:46
Hàng chục "quái xế" run rẩy nhận lỗi khi bị lực lượng chức năng xử lý
Giao thông 02/11/2024 15:29
Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường thủy
Giao thông 01/11/2024 11:10
Hà Nội công bố danh mục 18 thủ tục hành chính đường bộ mới
Giao thông 31/10/2024 22:29
Triển khai mô hình TOD dọc các tuyến metro và vành đai 3 TP.HCM
Giao thông 31/10/2024 17:27
Chuyển biến tích cực sau 1 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh
Giao thông 31/10/2024 15:25
Xe ô tô mất lái đâm vào đoàn người đưa tang khiến 4 người thương vong
Giao thông 31/10/2024 15:21
Vì sao tàu Nhổn - Ga Hà Nội bị dừng đột ngột?
Giao thông 31/10/2024 15:10
TP.HCM: Phát hiện 2.800 lượt phương tiện vi phạm tải trọng
Giao thông 31/10/2024 10:15