Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng: Vị Đại tướng Anh hùng
Noi gương các vị Anh hùng trong xây dựng bảo vệ Tổ quốc |
Đánh giá về công lao đóng góp và tài thao lược của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: đó là “một vị tướng có tinh thần quyết thắng lớn và tài thao lược xuất chúng, một người cộng sản kiên cường, bất khuất đã cống hiến cả cuộc đời cho lý tưởng của Đảng, cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Đại tướng Văn Tiến Dũng (bí danh là Lê Hoài) sinh ngày 2/5/1917, ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm). Sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, chủ nghĩa yêu nước và tham gia cách mạng từ rất sớm, năm 1934 (khi mới 17 tuổi), người thanh niên Văn Tiến Dũng đã hoạt động cùng giới thợ thuyền Hà Thành, được tôi luyện trong phong trào công nhân và sớm trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng
Sau này, có lần ông tâm sự: “Chuyện tôi theo cách mạng cũng là chuyện tình cờ. Thời ấy, Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939) sôi nổi lắm, phong trào công nhân đấu tranh đòi tự do, dân chủ càng mạnh, nó cứ hút mình vào…”.
Trở thành đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương khi vừa tròn 20 tuổi, nhìn vẻ thư sinh của chàng trai gốc Hà Nội, không ai nghĩ, cậu thanh niên ấy lại là một người Cộng sản gan lì có tiếng. Trong đời hoạt động của mình, hơn ba lần, ông bị giặc Pháp bắt giam và từng bị chúng kết án tử hình vắng mặt. Thế nhưng lao tù của đế quốc, thực dân với mọi cực hình tra tấn dã man, tàn ác, đã không làm nhụt ý chí chiến đấu của ông, mà ngược lại, ông càng kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ cơ sở cách mạng.
Được tôi luyện trong thực tiễn đấu tranh, chịu khó, ham học hỏi, dù tuổi đời còn trẻ nhưng ông đã có nhãn quan chính trị sâu sắc, hiểu rõ mục tiêu của cách mạng và sớm được Đảng giao nhiều trọng trách, với các cương vị như: Thư ký Ban Thường trực Liên đoàn Lao động Hà Nội (1939), Bí thư Đảng bộ Bắc Ninh (1/1944), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (4/1944), Ủy viên Thường vụ Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (1945). Đặc biệt, tháng 5/1945, ông được Trung ương Đảng giao phụ trách xây dựng và chỉ huy Chiến khu Quang Trung, nhằm đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở các địa phương và cả nước.
Có thể khẳng định, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm nhuần những lời dạy, cũng như tư tưởng của Người để vận dụng vào thực tiễn cách mạng. Với bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược của mình, ông đã trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch với cách đánh sáng tạo, biết địch, biết ta, giành thắng lợi giòn giã.
Vị tướng cầm quân xuất sắc
Đại tướng Văn Tiến Dũng thăm Binh đoàn Quyết thắng (1975). Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Đại đoàn Văn Tiến Dũng, Đại đoàn 320 (một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam) đã cùng bộ đội, dân quân du kích các địa phương đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, “nở hoa trong lòng địch”, tiêu diệt, giam chân một lực lượng lớn quân cơ động của địch, khiến thực dân Pháp và tay sai bất ngờ, góp phần làm đảo lộn thế chiến lược trên chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, làm thất bại âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của địch.
Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, theo sự phân công của Bộ Tổng Tư lệnh, với vai trò là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham mưu, giúp Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chỉ đạo chiến trường đồng bằng, tổ chức huy động sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Đảng giao trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn của quân đội ta, như: chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), chiến dịch Trị-Thiên (1972), chiến dịch Tây Nguyên (3/1975)... Những chiến dịch này càng tỏ rõ tài năng quân sự xuất chúng của ông.
Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng được giao trọng trách là Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (4/1975). Với tài năng quân sự xuất chúng và sự quyết đoán của người chỉ huy, ông đã quyết định thay đổi phương pháp tác chiến, chuyển hướng tiến công của Quân đoàn 4 từ tiến công thị xã Xuân Lộc sang bao vây, đánh địch vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, phá toang “cánh cửa thép” - tuyến phòng thủ cuối cùng của Việt Nam cộng hòa, tạo điều kiện để đại quân ta thọc sâu vào nội đô, nắm thời cơ, chủ động tiến công, giải phóng Sài Gòn-Gia Định, đầu não của chính quyền Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Có thể nói, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã hoàn thành sứ mệnh của người chỉ huy lỗi lạc trong chiến dịch lịch sử nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Không chỉ là nhà tham mưu chiến lược tài ba, ông còn là nhà hoạch định chiến lược xuất sắc cả trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất rồi Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có những cống hiến to lớn trong chỉ đạo tổ chức củng cố vùng giải phóng, khắc phục hậu quả chiến tranh và triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trọng tâm là xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước, làm thất bại thủ đoạn chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Điều đặc biệt ở Đại tướng Văn Tiến Dũng là mặc dù không được đào tạo qua trường lớp quân sự chính quy nào, nhưng với phẩm chất và nhất là tư duy, sự học tập và trải nghiệm qua thực tiễn, từ cuộc vận động giải phóng dân tộc đến hành trình của các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, thống nhất Tổ quốc, ông đã trở thành một vị tướng tài ba, mưu lược, nhà quân sự xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Ông được giới nghiên cứu khoa học quân sự đánh giá là một trong những vị tướng danh tiếng của dân tộc Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đóng góp lớn vào sự phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Không chỉ là một vị tướng cầm quân xuất sắc, Đại tướng Văn Tiến Dũng còn là một nhà lý luận quân sự khoa học tài ba. Những kiến thức chắt lọc trong sách cùng kiến thức tích lũy qua các chiến trận đã biến thành tri thức, tạo thành nghệ thuật quân sự đặc sắc, mang dấu ấn của riêng ông.
Từ năm 1986, khi được Ban Chấp hành Trung ương Đảng phân công chỉ đạo công tác Tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân sự, ông đã có nhiều đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là lý luận và nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân... Những bài viết, công trình tiêu biểu của Đại tướng Văn Tiến Dũng, như: “Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự Việt Nam” (được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2007), tập hồi ký “Đại thắng mùa Xuân” (viết về cuộc Tổng tiến công chiến lược Mùa Xuân năm 1975), “Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 - Thắng lợi và bài học”… là những pho sử quý và là cẩm nang để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay và mai sau nghiên cứu, học tập và noi theo.
Bên cạnh đó, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng quân đội trong nhiều năm, Đại tướng đã chỉ đạo toàn quân tác chiến chiến lược sắc sảo, hiệu quả. Trong vận dụng cách đánh (cả ở cấp chiến lược, chiến dịch và chiến đấu), ông là một trong những vị tướng có công phát triển sáng tạo cách đánh thọc sâu lên tầm cao mới trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ở thế kỷ XX. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, vận dụng cách đánh này, Đại đoàn 320 dưới sự chỉ huy của Đại tướng đã mở 6 chiến dịch tiến công thọc sâu vào vùng đồng bằng sau lưng địch, mở rộng nhiều vùng giải phóng, phát triển chiến tranh du kích, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân tiến công địch ngay trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cách đánh thọc sâu tiếp tục được nhân rộng, phát triển đạt hiệu quả tích cực. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với vai trò là Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng đã chỉ đạo cách đánh táo bạo, thọc sâu kết hợp với vu hồi, đột phá mạnh vòng ngoài, cơ động nhanh, với lực lượng lớn vào các mục tiêu trọng yếu, giải phóng Sài Gòn-Gia Định trong trạng thái thành phố hầu như còn nguyên vẹn. Đó là dấu ấn sâu sắc về tư duy quân sự, nghệ thuật chỉ đạo, chỉ huy tác chiến của Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Ngày 17/3/2002, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã ra đi ở tuổi 85. Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều huân chương, huy chương và phần thưởng cao quý khác.
Đại tướng là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đúng như nhận xét của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, với những cống hiến toàn diện đó, đồng chí Văn Tiến Dũng thật “xứng đáng là Đại tướng anh hùng” của quân đội ta.
Theo Phương Nam/TTXVN (tổng hợp)
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Dư âm đẹp từ Giải bóng đá thường niên Tổng Công ty Vận tải Hà Nội năm 2024
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Tin khác
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55
Đại biểu Quốc hội: Không thể để một công chức nếu không chi tiêu gì mất cả hơn trăm năm mới mua được nhà
Sự kiện 21/11/2024 14:14
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói về thời điểm thích hợp xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Sự kiện 20/11/2024 21:08
Nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Sự kiện 20/11/2024 17:39
Hội Luật gia thành phố Hà Nội tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Sự kiện 20/11/2024 17:28
Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp
Sự kiện 20/11/2024 13:17