Kỳ cuối: Định hình nếp sống văn hóa mới
Bảo tồn nét đẹp Hà Nội trong thời kì hội nhập |
Hài hòa truyền thống và hiện đại
Trong nhiều năm trở lại đây, khi xã hội ngày càng phát triển, những biểu hiện như nói tục, chửi bậy, gây gổ đánh nhau, sự bừa bãi, mất vệ sinh, giao tiếp sỗ sàng, ăn mặc lố lăng, trộm cắp, cướp giật …có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, trên thực tế, các giá trị văn hóa truyền thống ở một thời điểm nào đó có thể bị lu mờ nhưng giá trị cốt lõi không thể mất đi. Có thể thấy, thời điểm này, văn hóa ứng xử đang được nhiều người Hà Nội coi trọng.
Nhiều nếp văn hóa mới được hình thành trong các khu dân cư |
Đặc biệt, trong những năm gần đây, hàng loạt các biện pháp mạnh đã được chính quyền các cấp đề ra nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa Hà Nội. Trong đó việc ra đời bộ Quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng cho đến việc thí điểm triển khai Quy tắc ứng xử trong gia đình được coi là bộ khung để định hướng các chuẩn mực văn hóa.
Điển hình như tại quận Đống Đa, ngoài việc niêm yết công khai quy tắc ứng xử tại trụ sở của quận, phường, quận cũng yêu cầu cán bộ, công chức đặt quy tắc ứng xử trên bàn làm việc, phát tờ rơi tận tay các hộ gia đình; quận còn lắp đặt khung treo quy tắc ứng xử tại các di tích, nhà văn hóa tổ dân phố, trung tâm văn hóa thể thao phường... Tất cả các phường đều bổ sung quy tắc ứng xử vào quy ước tổ dân phố, lồng ghép vào nội dung bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm, gắn quy tắc ứng xử với các phong trào thi đua.
Trong xu thế hội nhập hiện nay, điều đáng mừng là nhiều người dân đã ý thức được việc phải tiếp thu lớp văn hóa mới nhưng vẫn phải giữ gìn và phát huy những nét đẹp vốn có. Những người lớn tuổi vẫn thường kể về văn hóa ứng xử thời xưa với sự trân trọng và vẫn thừa nhận, dù cuộc sống có thay đổi nhưng truyền thống đó giờ vẫn hiện hữu ở nhiều nếp nhà, con phố. Nhiều gia đình vẫn gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa ứng xử xưa như một nét thuần phong mỹ tục và luôn răn dạy con cháu noi theo.
Ví như tại gia đình ông Nguyễn Đức Vượng (phường Trung Tự, quận Đống Đa), hằng năm, gia đình ông đều được nhận giấy khen là gia đình văn hóa tiêu biểu. Ông Vượng chia sẻ: “Tôi có 4 người con trai thế nhưng vợ chồng tôi không sống cùng với người con nào. Vợ chồng tôi cho rằng, cuộc sống hiện nay đã có nhiều đổi khác. Mỗi thế hệ đều có cách suy nghĩ, cuộc sống khác nhau. Do vậy, việc giữ gìn truyền thống, giữ nét đẹp cũng cần phải có sự chọn lọc và không nên cứng nhắc. Hãy cứ đẹp ở tâm hồn, đẹp ở cách ứng xử giữa người với người trước đã”.
Bên cạnh nét đẹp ứng xử, nhiều nét đẹp văn hóa khác trong cộng đồng dân cư cũng đang gìn giữ, phát huy, nhất là đời sống tinh thần, tập tục truyền thống lâu đời, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian. Các ngôi đình, chùa, miếu và cơ sở thờ tự là nơi kết nối tinh thần của người dân, được gìn giữ cả về cơ sở vật chất lẫn các giá trị phi vật thể. Tham gia vào các lễ hội truyền thống, người dân Hà Nội thấy được sự tiến triển từ quá khứ đến hiện tại nơi vùng đất mình sinh sống. Đặc biệt, phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở từng khu dân cư, tổ dân phố… được tổ chức thường xuyên, sôi nổi, mang lại sự vui tươi, phấn khởi trong quần chúng nhân dân.
Đi vào chiều sâu, thực chất
Những năm qua, người dân Hà Nội đã từng bước thay đổi trong nếp nghĩ và hành động, trở thành nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.Trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều gương người tốt - việc tốt, từ thiện, đóng góp các quỹ vì người nghèo, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội…Thông qua người thật, việc thật để lan tỏa ra cộng đồng, việc thực hiện nếp sống văn hóa bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất. Đặc biệt, mỗi địa phương đều có một kinh nghiệm hay về cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong đó, có thể kể đến điểm nhấn của công tác xây dựng nếp sống văn minh của quận Thanh Xuân. Trong năm 2019, trên địa bàn quận đã triển khai thí điểm mô hình Tổ dân phố văn hóa “5 không”: Không rác, không tệ nạn, không hộ nghèo, không lấn chiếm lòng đường - vỉa hè, không vi phạm trật tự xây dựng tại 16/317 tổ dân phố. Đây là quận đầu tiên của thành phố thực hiện mô hình sáng tạo này và đã tạo những chuyển biến thực chất và có chiều sâu trong xây dựng nếp sống văn minh tại cơ sở. Năm 2019, có 23 tổ được quận công nhận Tổ dân phố văn hóa “5 không”. Điển hình là tại Tổ dân phố số 4 (phường Khương Trung).
Thời điểm này, đến tổ dân phố số 4, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì không gian các ngõ ngách sạch sẽ, đặc biệt các tường nhà, cột điện không vương quảng cáo, rao vặt... Đó là kết quả của một quá trình người dân ở đây thay đổi nhận thức, kiên trì đấu tranh với nạn quảng cáo bừa bãi, bôi bẩn ngõ phố. Ông Nguyễn Văn Hùng (Tổ trưởng tổ dân phố số 4), cho biết, cách đây khoảng 10 năm, khi bắt đầu tham gia công tác tại Tổ dân phố, ông đã rất trăn trở với việc giữ gìn vệ sinh môi trường của khu dân cư. Cảnh tượng những mảng, tấm quảng cáo lớn, bé dán, treo tự do, chằng chịt trên tường nhà, cột điện, dây điện... quanh nhà mình, khu dân cư và các ngõ phố khiến ông càng thêm trăn trở và quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này. Hằng ngày ông đều tự mình đi gỡ bỏ các tấm quảng cáo trên tường tại địa bàn dân cư. Hành động đẹp của ông Tổ trưởng tổ dân phố đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ, dần dần người dân tổ dân phố số 4 đã bắt đầu vào cuộc, cùng tham gia bóc, dỡ, xóa, cắt quảng cáo.
Ông Nguyễn Anh Chiến, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Khương Trung cho biết, không chỉ tại Tổ dân phố số 4 mà thời gian qua, các địa bàn dân cư tại Khương Trung đã triển khai một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh như sắp xếp chợ tạm, bóc xóa quảng cáo rao vặt, vẽ bích họa tuyên truyền nếp sống văn minh và tạo không gian văn hóa lành mạnh; xây dựng và thực hiện hiệu quả mô hình khu dân cư văn hóa, ứng xử văn minh tại các tổ dân phố và các chung cư... Phường Khương Trung cũng được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chọn là 1 trong 2 phường, xã của thành phố triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình của người Việt Nam, người Hà Nội.
Có thể thấy, những “làn gió mới” từ các phong trào thi đua về xây dựng đời sống văn hóa đã và đang thay đổi tích cực, biểu hiện rõ nét theo sự đổi thay từng ngày trong đời sống nhân dân. Mỗi sự tiến bộ ở từng cá nhân, gia đình, địa phương là bước tiến góp phần cho cả cộng đồng cùng phát triển.Và văn hóa của người Hà Nội hôm nay vẫn sẽ mãi là vốn quý trong di sản văn hóa Thủ đô, góp phần tạo nên “hồn cốt” Thăng Long - Hà Nội. (Hết)
Kim Tiến – Đinh Luyện
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01