Kỳ 3: Bảo tồn di sản cũ tạo “lực hút” cho những loại hình mới
Những di sản văn hóa "lắng hồn núi sông ngàn năm" Để di sản là viên ngọc tỏa hào quang Kỳ 2: Bồi đắp bản sắc tạo những giá trị mới |
Di sản thể hiện bản sắc của đô thị
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng có một mâu thuẫn cố hữu, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước trên thế giới, giữa bảo tồn và phát triển. Những người theo quan điểm bảo tồn thường mong muốn giữ lại càng nhiều càng tốt quá khứ. Họ có lý do rằng, quá khứ là những gì mong manh, rất có giá trị. Nếu phá bỏ quá khứ, chúng ta sẽ không có bất kỳ một cơ hội nào để phục hồi lại được.
Vì thế, người ta thường hay lấy một câu nói ví von rằng: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”, để ngụ ý quá khứ là những thứ chúng ta cần trân trọng, giữ gìn, nếu không thì nó sẽ đem lại rất nhiều những hệ lụy, bất lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Những người theo quan điểm phát triển thì suy nghĩ ngược lại. Người ta cho rằng quá khứ có thể là gánh nặng đối với sự phát triển. Vì giữ gìn quá khứ nhiều khi còn tốn kém hơn so với việc chúng ta tạo ra những tòa nhà mới, con đường mới hay bất kỳ một công trình mới nào đó. Mà đối với một xã hội, quan trọng là phải hướng đến tương lai, chứ không phải níu giữ quá khứ.
Thậm chí, trong nhiều trường hợp cụ thể, người ta nói rằng nếu bảo tồn, giữ gìn di sản nói riêng, quá khứ nói chung một cách thái quá thì chúng ta đang “vô nhân đạo” với những người đang sống, khiến cho những người đang sống trong khu vực di sản bị kẹt cứng trong những không gian chật hẹp, điều kiện thiếu tiện nghi. Những người đang sống cần một không gian mới, cần một ngôi nhà tiện nghi hơn, xã hội cần những con đường giúp phát triển kinh tế… Chính vì thế, chúng ta phải chấp nhận hy sinh quá khứ để cho mục đích phát triển của xã hội đương đại.
Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, chứng kiến bao sự đổi thay của xã hội. Góp phần tô điểm cho vẻ đẹp của nó, không thể không nhắc đến kiến trúc Pháp của những căn biệt thự cổ. (Ảnh: Phạm An) |
Trên thực tế, hai quan điểm này đều có cái đúng. Giữ gìn quá khứ cũng hợp lý và hướng đến sự phát triển để chúng ta có một cuộc sống tốt hơn, hiện đại hơn, cập nhật với thế giới hơn cũng không phải sai. Như vậy, chúng ta cần phải tìm ra được tiếng nói chung, để vừa giữ gìn được quá khứ, nhưng cũng đảm bảo sự phát triển, phục vụ nhu cầu xã hội đương đại. Chúng ta đang sống ở thời kỳ hiện tại. Chúng ta phải lấy nhu cầu của hiện tại làm thước đo cho cả quá khứ và tương lai.
Một đô thị cũng như một cá nhân, không thể nào mất đi quá khứ của mình. Cá nhân chúng ta cũng thế thôi, bao giờ cũng muốn lưu lại những ký ức đẹp đẽ của mình chứ không ai mong muốn mình chỉ là mình của hiện tại mà không có quá khứ. Một đô thị cũng thế, đô thị cũng cần có quá khứ của mình. Nhưng quá khứ đó phải tạo điều kiện cho sự phát triển của hiện tại và tương lai. Đó là cách thức mà chúng ta muốn giải quyết.
Việc phá hủy một di sản để lại rất nhiều hậu quả. Không phải tự nhiên, bất kỳ động chạm đến một di sản nào đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Mất đi di sản, mất đi dấu ấn thời gian, các đô thị sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có. Di sản gắn bó với ký ức của đô thị, nó là hình ảnh tiêu biểu của đô thị và chúng ta, rất nhiều những thế hệ con người, đã gắn bó với những di sản đó. Những di sản đó kể rất nhiều câu chuyện, không chỉ liên quan đến đô thị đó, mà liên quan đến lịch sử của một đất nước.
Chúng ta chỉ cần khoảng 10 năm để có một khu đô thị mới nhưng cần cả trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm để kết tinh nên một di sản. Đó là những nhân chứng vượt thời gian để giáo dục chúng ta về lịch sử, lòng yêu nước, tự hào về vùng đất của một quốc gia. Chính vì thế, chúng ta cần phải giữ gìn quá khứ, giữ gìn di sản, để thể hiện bản sắc của đô thị. Nếu mất đi nó, tất cả các đô thị sẽ trở nên giống nhau, sẽ triệt tiêu tính hấp dẫn của các đô thị đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính di sản hình thành nên tính hấp dẫn của các đô thị. Nếu biết cách khai thác sẽ tạo ra những giá trị về kinh tế - xã hội. |
Ngoài ra, di sản không phải chỉ có dấu ấn của riêng nó, còn liên quan đến nhiều hiện tượng xã hội, hiện tượng văn hóa tổng thể. Phá hủy di sản có thể khiến cho một hiện tượng văn hóa không thể hiểu được. Khi phá hủy cái này đi thì các ký ức khác có liên quan cũng mất đi những ý nghĩa của nó.
Chúng ta muốn gìn giữ di sản để thể hiện bản sắc của đô thị. Nếu mất đi nó, tất cả các đô thị sẽ trở nên giống nhau, sẽ triệt tiêu tính hấp dẫn của các đô thị đó. Trong bối cảnh hiện nay, chính di sản hình thành nên tính hấp dẫn của các đô thị. Nếu biết cách khai thác sẽ tạo ra những giá trị về kinh tế - xã hội.
Phải giữ gìn được những ký ức của thành phố
Hiện tại, khi chúng ta thay thế một tòa nhà có một công năng, giá trị lịch sử nhất định bằng một trung tâm thương mại, một tòa chung cư, sẽ gây ra sức ép đối với hạ tầng của đô thị. Trong khi chúng ta mong muốn rằng các đô thị của chúng ta sẽ giảm những áp lực về ô nhiễm, xe cộ, giao thông hay các áp lực khác, trở thành nơi đáng sống thì việc xây một chung cư, trung tâm thương mại mới sẽ càng khiến cho những áp lực đó nặng nề, nên người ta càng có lý do để phản đối hơn nữa.
Nhìn từ thực tế, việc lựa chọn giữa bảo tồn và phát triển đô thị thì phần thua thiệt thường rơi về phía bảo tồn, về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, người ta luôn luôn nhìn thấy những lợi ích trước mắt. Việc có một ngôi nhà to hơn, nhiều tiện nghi hơn, hiện đại, văn minh hơn, rõ ràng dễ khiến người ta thỏa mãn hơn việc níu giữ lại một ngôi nhà cũ. Mở rộng ra với một đô thị cũng tương tự như vậy. Chưa kể đến việc bảo tồn một ngôi nhà, di tích thường tốn kém hơn rất nhiều so với việc xây một ngôi nhà mới. Từ nhu cầu thực tiễn như vậy khiến cho vệc các di tích biến mất ngày càng nhiều hơn, vì những mong muốn, lợi ích ngắn hạn của con người.
Hiện nay, ở Hà Nội, một số ít căn biệt thự được chú ý quan tâm và bảo tồn để giữ được nguyên vẹn giá trị cốt lõi vốn có của nó. (Ảnh: Kim Thoa) |
Thực ra, không có một đô thị nào trên thế giới được bảo tồn nguyên vẹn cả. Họ chỉ bảo tồn một phần quá khứ để chúng ta có thể mường tượng được phần nào sự phát triển của đô thị mà thôi. Và người ta hướng đến câu chuyện lưu giữ tinh thần của di sản, đặc biệt là tinh thần căn cốt của di sản để có những hình dung về lịch sử của một vùng đất hơn là những thứ có thể tạo ra sự cản trở đối với việc phát triển của xã hội hiện đại.
Vừa qua, chúng ta bàn đến có 600 ngôi biệt thự Pháp trước năm 1954, câu chuyện xử lý sẽ là như thế nào? Chúng ta chắc chắn không thể nào giữ được nguyên vẹn cả 600 ngôi biệt thự đó. Sẽ có một số ngôi biệt thự bị phá hủy để xây dựng những ngôi nhà mới hoặc thậm chí trung tâm thương mại, giải trí. Nhưng chúng ta phải tính toán đến việc phải giữ một số những ngôi nhà có kiến trúc đặc biệt hoặc là có ý nghĩa với sự phát triển lịch sử của Thủ đô chứ không thể nào phá tất cả hoặc giữ tất cả.
Quan trọng là chúng ta giữ được một phần ký ức có giá trị với xã hội ngày hôm nay, giữ tinh thần của nó chứ không phải giữ tất cả. Giữ gìn quá khứ là giữ gìn tinh thần, giữ gìn ngọn lửa chứ không phải đống tro tàn của quá khứ. Nếu làm được thế thì chúng ta sẽ thỏa mãn được tất cả lợi ích của các bên liên quan.
Để làm được như thế, trong bất kỳ chiến lược phát triển, chúng ta cũng phải tính toán đến lợi ích của các bên liên quan. Chúng ta luôn phải cực kỳ nhạy cảm trong những dự án có liên quan đến di tích, di sản. Các bên liên quan ở đây không phải chỉ những người dân sống trực tiếp ở các di tích, mà là của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, của cộng đồng rộng lớn hơn, chịu ảnh hưởng của việc phá bỏ di tích và xây dựng nên công trình mới. Khi chúng ta lấy được ý kiến rộng rãi, cân bằng lợi ích của các bên liên quan thì sẽ tránh được những tranh cãi như trường hợp tòa nhà 61 Trần Phú (Hà Nội) thời gian gần đây. Rõ ràng, kể cả chúng ta thực hiện đúng quy trình, nhưng chúng ta chưa tham khảo đủ ý kiến của các bên liên quan một cách rộng rãi thì hậu quả sẽ rất tiêu cực. Chính vì chưa có thảo luận rộng rãi, công khai, chưa có ý kiến của các bên liên quan nên gây thiệt hại cho tất cả mọi người, chứ không riêng gì những người bảo vệ di sản mà cả chủ đầu tư, nhà quản lý cũng bị ảnh hưởng.
Chúng ta có rất nhiều nhà máy đã từng là dấu ấn của sự phát triển của Hà Nội. Ví dụ như Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy cơ khí Gia Lâm, hay hệ thống nhà máy ở khu Cao - Xà - Lá… Không chỉ nhà máy này mà rất nhiều di sản kiến trúc đô thị khác, từ những hệ thống kiến trúc Pháp cổ, rạp hát hay công trình khác nữa… Đó là những kỷ niệm của người dân Hà Nội. Nếu những kỷ niệm đó mất đi, chúng ta nhiều khi sẽ không thể tưởng tượng được Hà Nội trước kia đã như thế nào. Rõ ràng là trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay, việc tìm hiểu về quá khứ của những vùng đất như Hà Nội vẫn rất được quan tâm, thậm chí có thể trở thành những giá trị đem lại lợi ích cho sự phát triển của thành phố.
Nhiều chuyên gia đánh giá: Việc bảo tồn các công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Hà Nội chính là bảo tồn lịch sử. Kiến trúc Pháp thể hiện sự đa dạng của văn hóa và sự phát triển mối giao thoa văn hóa Đông - Tây chính là di sản không phải Thủ đô nào cũng có được trên thế giới. Dẫu vậy, những di sản trân quý này đang bị xem nhẹ, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Không chỉ có những công trình lớn như Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật, khách sạn Metropole… mà còn có hàng trăm căn biệt thự là nơi sinh sống và làm việc của người dân. Tất cả đều được coi là di sản kiến trúc đặc biệt cần được gìn giữ, bảo tồn. Nhưng việc bảo tồn này ngày càng trở nên khó khăn trước dòng chảy cuồn cuộn của đời sống đô thị hiện đại. |
(Kỳ cuối: Cần hướng đi mang tính tầm nhìn)
Hà Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Làng đào Nhật Tân: Hoa vẫn nở sau bão Yagi
Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây diễn ra vào ngày 10/11
Xe buýt xanh: Triển khai rộng rãi càng sớm càng tốt
Truy tố cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về tội "Nhận hối lộ"
Quận Tây Hồ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 7/11 tới 151 đảng viên
Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật
Tin khác
Hà Nội sẵn sàng cho Liên hoan phim quốc tế Hà Nội HANIFF VII
Văn hóa 05/11/2024 15:02
Sắc màu hầu đồng trong nghệ thuật trang điểm
Văn hóa 05/11/2024 14:57
Bông mua tím
Văn hóa 05/11/2024 09:09
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Văn hóa 05/11/2024 09:05
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Văn hóa 04/11/2024 22:00
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi
Văn hóa 02/11/2024 20:28
Tạp chí điện tử Tiếp thị và Gia đình ra mắt bộ nhận diện mới
Văn hóa 02/11/2024 13:05
Sôi nổi Liên hoan nghệ thuật quần chúng "Hà Nội - Niềm tin và hy vọng" năm 2024
Văn hóa 01/11/2024 22:18
"Mùa hè năm ấy bên em là mãi mãi": Áng văn đẹp đẽ về tình yêu và nhân sinh giữa đại dịch
Văn hóa 31/10/2024 15:07
Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024: Hành trình kết nối "Dòng chảy di sản"
Văn hóa 30/10/2024 22:35