Hỗ trợ lao động di cư, tự do: Cần nhanh chóng và linh hoạt
Lao động tự do chưa biết về gói hỗ trợ
Chị Trần Thị Thu Hà trọ ở 21 Nguyễn Tư Giản, phường Phúc Tân, cuộc sống vô cùng khó khăn. Chồng mất, chị phải nuôi hai con ăn học, lại là lao động tự do nên khi có dịch, cách ly xã hội, chị không có việc để làm và cũng không thể trở về quê.
Chuyện về cuộc đời của chị Hà khiến nhiều người rơi nước mắt. Chị quê ở Thái Bình, cách đây 20 năm chị lên Hà Nội làm nghề bán hàng rong để sinh sống. Ròng rã suốt 20 năm ấy, chị dậy từ sáng sớm đến chợ Long Biên cất hoa quả rồi gánh trên đôi vai đi khắp phố phường. Nắng nôi, vất vả là thế mà mỗi ngày chị cũng chỉ kiếm được từ 100 đến 200 nghìn đồng. Cuộc sống tuy vất vả nhưng có chồng chị giúp sức, lại có hai con là niềm vui nên cả gia đình dù khó khăn cũng vẫn cùng nhau sống những ngày hạnh phúc.
Thế nhưng cách đây 2 năm, chồng chị đột ngột qua đời, để lại gánh nặng trên hai vai chị. Một mình chị phải làm lụng nuôi hai con đang ăn học, thu nhập mỗi tháng chỉ từ 5 - 6 triệu đồng. Tiền thuê nhà 1,5 triệu đồng một tháng, còn tiền điện, nước, rồi tiền đóng học phí cho con…
Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trong đó có nhóm lao động di cư, làm các nghề tự do (Ảnh minh họa: Cao Tiến) |
Chị Hà cho biết: “Hoàn cảnh của tôi nói chung là.. bi đát lắm, hết năm học vừa rồi tôi phải gửi đứa bé về quê cho mẹ già chăm sóc, mỗi tháng cố gắng gửi 1 triệu về, nhưng dịch thế này cũng không làm được ra tiền mà gửi, đành nhờ mẹ già xoay xở. Còn đứa lớn đang học đại học năm đầu tiên, hai mẹ con ở với nhau, có gì ăn nấy. Từ ngày bố mất, cháu cũng ý thức được hoàn cảnh của mình nên cũng rất ngoan và yêu thương mẹ”.
Chia sẻ thêm, chị Hà cho biết sáng ngày 30/7 chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội trao 1 suất quà và 200 nghìn tiền mặt. Chị mong muốn dịch mau kết thúc để chị tiếp tục được đi làm, có thu nhập vì với hoàn cảnh khó khăn như chị thì không có tiền tiết kiệm đề dùng cho những thời điểm như thế này. Ngừng lao động là ngừng chi tiêu.
“Còn bây giờ, các tổ chức xã hội hỗ trợ được cái gì thì hay cái ấy, vì không chỉ mình mình mà còn rất nhiều người khó khăn nữa cũng đang cần hỗ trợ. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các đoàn thể, mạnh thường quân, chính quyền phường, quận, Thành phố đối với những phụ nữ lao động di cư như chúng tôi”, chị Hà nói.
Khi được hỏi về gói hỗ trợ của thành phố Hà Nội theo Quyết định 3642/QĐ-UBND dành cho lao động di cư, lao động tự do, chị Hà cho biết hiện nay chị có nghe nói đến nhưng chưa biết làm thủ tục ở đâu.
Cùng trọ ở Nguyễn Tư Giản, chị Nguyễn Thị Sáng quê ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết, chị lên Hà Nội làm nghề tự do đã hơn 10 năm, cũng bằng đấy năm chị đi thuê trọ, làm hết việc nọ đến việc kia, từ làm thuê, giúp việc đến buôn bán lặt vặt. Không chỉ lo cho bản thân mình, mà chị còn lo cho mẹ già năm nay đã ngoài 80 tuổi và một con nhỏ, đang học Trung học cơ sở. Chị còn là mẹ đơn thân, một mình bươn chải để lo cho mẹ già con thơ.
Lao động tự do là nhóm đối được cần được tiếp cận nhanh chóng gói hỗ trợ do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Cao Tiến) |
Bình thường thu nhập của chị cả tháng cũng chỉ được từ 5 - 6 triệu đồng, trong đó tiền thuê nhà khoảng 700 nghìn đồng, chưa kể tiền điện, tiền nước, tiền đóng học cho con, mẹ già 80 tuổi sức yếu, ốm đau liên miên, tiền thuốc thang cũng không hề ít. Khi có dịch, mọi công việc đều bị hạn chế, thu nhập cũng giảm đi.
Khi Hà Nội cách ly theo Chỉ thị 17 thì công việc của chị hoàn toàn dừng lại, cả ngày chỉ ở nhà không đi đâu, không làm gì. Chị lo nhất là dịch kéo dài, không đi làm kiếm được tiền, đến năm học mới không có tiền đóng học cho con. Hiện tại, chị đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể, xã hội, nhận được một số hỗ trợ. Tuy nhiên, chị cũng chưa tiếp cận được với gói hỗ trợ theo Quyết định 3642/QĐ-UBND của Thành phố.
Cần linh hoạt về thủ tục hành chính
Để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó có chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do). Để nguồn lực trợ giúp đến sớm với người lao động, 30/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai chính sách hỗ trợ lao động tự do. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn chậm và nhiều vướng mắc.
Tại cuộc Tọa đảm "Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức ngày 12/8, bà Nguyễn Thu Giang - Chủ tịch hội đồng sáng lập, Phó viện trưởng Viện Phát triển Sức khỏe cộng đồng (Light) cho biết: “Vừa qua, chúng tôi đã đi hỗ trợ rất nhiều nơi, hầu hết các nhóm lao động tự do chưa nhận được gói hỗ trợ của Thành phố. Phải nói rằng, nhiều lao động vô cùng khó khăn, nhất là các vùng ven đê, họ không có tiền tiết kiệm, sống nhờ các gói hỗ trợ, thậm chí họ còn không biết dùng điện thoại thông minh, thì làm sao có thể có nguồn tin để tiếp cận với các thông tin về gói hỗ trợ. Cùng với đó, chúng tôi thấy băn khoăn về các thủ tục để nhận được gói hỗ trợ đối với lao động tự do. Quy định về yêu cầu xác nhận đang là một rào cản lớn. Nếu để nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ, họ phải xin xác nhận của địa phương, mà trong tình hình giãn cách hiện nay là vô cùng khó khăn. Cách ly thế này thì lấy xác nhận kiểu gì?”.
Theo bà Thu Giang, cần linh hoạt các thủ tục để người lao động tự do có thể nhanh chóng nhận được gói hỗ trợ. “Do gói hỗ trợ chỉ được nhận một lần, theo tôi, chỉ cần người lao động viết cam kết sẽ không nhận gói hỗ trợ này ở bất cứ nơi nào khác và kèm theo thẻ căn cước công dân của họ thì thủ tục sẽ nhanh chóng hơn. Sau đó, chúng ta gửi cam kết về địa phương nơi lao động cư trú giúp họ. Như vậy, thay vì bắt họ phải xác nhận nhân thân của mình, chúng ta hãy xác nhận giúp họ, như thế mới có thể nhanh chóng gỡ được nút thắt về thủ tục, tiền hỗ trợ mới đến được tay người lao động khó khăn”, bà Giang đề xuất.
Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tại Tọa đàm "Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội" (Ảnh: Quỳnh Anh) |
Theo ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, để thực hiện ngay và sớm Quyết định số 3642/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 12 chính sách, trong đó có chính sách số 12 là hỗ trợ cho lao động tự do. Đây cũng là chính sách khó triển khai nhất hiện nay bởi nhiều khó khăn trong việc tiếp cận giữa người lao động và đơn vị hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hồng Dân cho biết, tính đến 6h sáng ngày 12/8, trên dịa bàn Hà Nội đã có quyết định duyệt chi kinh phí 152,21 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện chi trả 143,39 tỷ đồng đối với các đối tượng cụ thể: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện cho 88.250 đơn vị với 1.476.356 lao động, tổng số tiền là 101,23 tỷ đồng. Hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 34 đơn vị cho 2.912 lao động với số tiền 20,57 tỷ đồng. Hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương là 1.123 lao động với số tiền 4,7 tỷ đồng. Hỗ trợ cho người lao động ngừng việc mới chỉ được 16 lao động với số tiền 25 triệu đồng.
Với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế tại các cơ sở cách ly, Thành phố đã phê duyệt hỗ trợ tiền ăn cho 19.489 người, gồm 1.638 F0, 17.805 F1 và hỗ trợ thêm tiền ăn cho 46 trẻ em là F0 và F1 với tổng kinh phí 7,19 tỷ đồng. Nhóm lao động tự do, theo báo cáo từ các quận, huyện, hiện nay Thành phố đã duyệt hỗ trợ cho 5.170 lao động tự do với số tiền 7,75 tỷ đồng.
“Về hỗ trợ cho người lao động chấm dứt hợp đồng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chưa nhận được hồ sơ nào. Còn đối với hỗ trợ cho ngành du lịch, mới chỉ nhận được 1 hồ sơ do Sở Du lịch Hà Nội gửi lên. Còn các hộ kinh doanh, theo báo cáo của các quận, huyện hiện nay chưa thực hiện được đơn vị nào”, ông Dân cho biết.
Ông Nguyễn Hồng Dân cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng lao động tự do để người lao động tiếp cận được với chính sách này, cùng với đó, cần linh hoạt hơn trong các thủ tục để người lao động sớm nhận được gói hỗ trợ.
Không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ
Trong những tháng đầu năm 2021, nhất là từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, từ ngày 27/4 đến nay, dịch bệnh lan rộng ở mức độ toàn quốc tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế. Doanh nghiệp, người lao động phải tạm thời dừng việc, nhiều địa phương phải phong toả, giãn cách từng khu vực hoặc toàn bộ địa bàn, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng chục triệu người lao động.
Tọa đàm "Triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội". (Ảnh: Quỳnh Anh) |
Trước tình hình đó, để đảm bảo an sinh, đời sống người dân, duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo, chấp nhận hi sinh một phần tăng trưởng, tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như giảm giá điện, nước, giảm một số khoản phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động.... Chính phủ đã sớm có những phương án để giải quyết những vấn đề khó khăn cho các nhóm đối tượng và đã chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu xây dựng để kịp thời ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho các đối tượng gặp khó khăn.
Theo ông Nguyễn Hoài Đức - Trưởng phòng tổng hợp, Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện cả nước đã có 28 tỉnh, thành phố phê duyệt và chi trả cho trên 90.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 300 lao động đang mang thai) với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 100 tỷ đồng. 40 tỉnh, thành phố đã hỗ trợ tiền ăn cho 15.000 người là F0 và 55.900 người là F1 và hỗ trợ thêm cho trên 3.700 trẻ em, với tổng số tiền ăn là trên 50 tỷ đồng. Các đối tượng hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên cũng đã và đang được hỗ trợ. Điều đáng chú ý, 37 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 1 triệu lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác; 20 tỉnh, thành (chủ yếu phía Nam) đã hỗ trợ gần 897.000 người lao động tự do với tổng kinh phí gần 1.160 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoài Đức cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng hoặc điều chỉnh phù hợp các đối tượng được trợ cấp. Đồng thời, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội cũng khẳng định: “Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, trong đó có nhóm lao động di cư, làm các nghề tự do, nhóm lao động tự do và những người đang phải thuê nhà ở trọ trong quá trình mưu sinh tại các đô thị lớn ở Việt Nam trong đó có Hà Nội. Những người buôn bán nhỏ lẻ, bán hàng rong, thu nhập phế liệu, làm việc ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ do đặc thù là lao động tự do, thu nhập thấp, thậm chí là có rất nhiều người lao động tự do là thu nhập theo giờ, theo ngày.
Vì vậy, song song với việc chấp hành các quy định về giãn cách xã hội người lao động tự do sẽ phải ở nhà và ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, không có thu nhập hàng ngày để trang trải cho cuộc sống thiết yếu nhất. Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Quyết định số 3642/UBND là gói hỗ trợ mang tính nhân văn để hỗ trợ các nhóm người dân, đặc biệt là nhóm lao động tự do là một trong những nhóm dễ bị tổn thương của xã hội”.
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bắt giữ đối tượng "ngáo đá" cướp ô tô, dùng xẻng đánh người
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Tin khác
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Yêu cầu các địa phương báo cáo thưởng Tết trước ngày 15/12
Đời sống 07/11/2024 16:30
Hà Nội: 30 nhà giáo tham gia Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024
Đời sống 30/10/2024 22:30
Đề xuất tiêu chí xác định người lao động có thu nhập thấp
Đời sống 23/10/2024 16:06
Trình Thủ tướng phương án nghỉ Tết Âm lịch 9 ngày
Đời sống 23/10/2024 06:00
Giá điện, giá chung cư đều tăng: Người lao động càng thêm gánh nặng!
Lao động 12/10/2024 21:01
Thu nhập của người lao động tiếp tục được cải thiện
Đời sống 08/10/2024 06:17
Hàn Quốc ân hạn với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước
Đời sống 05/10/2024 11:45
Hà Nội: Hộ gia đình nuôi 2 con học đại học, cao đẳng được hỗ trợ vay vốn chính sách
Đời sống 04/10/2024 15:49
Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần
Đời sống 25/09/2024 22:33